Ðức giám mục Shomali kêu gọi

Phải "ngừng bắn ngay lập tức" ở Gaza

 

Ðức giám mục Shomali kêu gọi Phải "ngừng bắn ngay lập tức" ở Gaza.

Giêrusalem (WHÐ 27-07-2014) - Ðức giám mục William Shomali, phụ tá Toà Thượng phụ Công giáo Latinh Giêrusalem, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí America ngày 24 tháng 7 năm 2014, đã nhân danh tất cả các giám mục ở Thánh Ðịa kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức" ở Gaza và "nối lại các cuộc đàm phán hoà bình".

Sau mười lăm ngày xung đột ở Dải Gaza, nơi có 1.8 triệu người Palestine đang phải đấu tranh để sống còn, khi không thể tự do vào hay ra khỏi đây vì bị phong tỏa suốt bảy năm; các con số đã nói lên tất cả: hơn 660 người Palestine thiệt mạng, hầu hết là dân thường, gần một phần ba trong số đó là trẻ em dưới 18 tuổi (khoảng 50% dưới 12 tuổi) và phụ nữ. Ít nhất 4,200 người bị thương, nhiều người bị thương nặng. Khoảng 100,000 người tạm trú trong các trường học do Liên hiệp quốc quản lý, một ngôi trường đã bị đánh bom nặng nề hôm thứ Năm 24 tháng 07 năm 2014. Hàng ngàn người mất nhà cửa vì bị tên lửa hoặc bom phá hủy, trong khi đa số người dân phải đấu tranh để sống còn vì vấn đề thiếu nước uống và vệ sinh môi trường; điện thường xuyên bị cắt. Các bệnh viện cũng bị ảnh hưởng, khiến cho ít nhất 4 người chết và hơn 60 người bị thương.

Phía Israel có 30 binh sĩ và hai thường dân thiệt mạng, một binh sĩ được coi là mất tích.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên Gerard O'Connell (Roma) với Ðức giám mục Shomali, về tình hình đang xấu đi ở Gaza.

- Ðức cha nhận định tình hình xung đột dữ dội hiện nay ở Gaza như thế nào?

- Tôi cho rằng tình hình bạo lực hiện nay là kết quả trực tiếp của tiến trình hoà bình do ngoại trưởng Mỹ John Kerry đề ra, đã thất bại. Ông có chín tháng để soạn thảo một khung chính trị cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Thời hạn cuối cùng đã hết vào cuối tháng Tư mà không đem lại kết quả. Thất bại này đã gây nhiều thất vọng cho người Palestine. Vụ ba thiếu niên Do Thái bị sát hại, việc bắt giữ những người Palestine sau đó, vụ giết một thiếu niên Palestine ở Giêrusalem và phóng tên lửa từ Gaza là những yếu tố gây ra tình trạng bạo lực này.

- Ðâu là những tiếng nói ủng hộ hoà bình? Phía Israel hay phía Palestine?

- Cả hai phía đều có những tiếng nói ủng hộ hoà bình. Tôi tin rằng Tổng thống Mahmoud Abbas là một trong số họ.

Ông chống lại một phong trào Intifada lần thứ ba và phản đối việc leo thang chiến tranh. Ông bày tỏ đau buồn về trường hợp ba thiếu niên Israel, và cùng với tổng thống Ai Cập Sisi thúc đẩy Israel và Hamas ngừng bắn. Phía Israel cũng có những tiếng nói hoà bình: các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem (Do Thái, Hồi giáo, Kitô giáo và Druze) vừa mới nhóm họp với nhau tại Ðại Hội đường Do thái cách nay vài ngày. Họ kêu gọi hoà bình, họ nhắc lại rằng máu của người Do Thái và của người Palestine cũng như nhau, rằng cuộc sống là quý giá vì con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Nhưng thật đáng tiếc, những tiếng nói ấy, cũng như tiếng nói của phe tả (chính trị) vì hoà bình ở Tel Aviv và Haifa, đã không được lắng nghe giữa các vụ đánh bom và tàn sát. Nhưng vẫn có những người tìm kiếm hoà bình và cầu nguyện cho hoà bình.

- Tại sao phe diều hâu luôn thắng thế khi có vấn đề phát sinh?

- Khi phe diều hâu đang cầm quyền, họ là những người đưa ra quyết định, vì vậy họ là những người chiếm ưu thế. Ðó là trường hợp hiện nay ở Israel với đảng cánh hữu, và đó là trường hợp ở Dải Gaza với phe Hamas hiện nay.

- Ðức cha hy vọng điều gì cho đất nước?

- Tôi cầu nguyện cho ngừng bắn ngay lập tức, và sẽ có các cuộc đàm phán nghiêm túc hơn, theo nghị quyết quốc tế (của Liên hiệp quốc) và các đòi hỏi về một giải pháp hai quốc gia.

- Ðiều đó diễn ra thế nào đối với cộng đồng Công giáo nhỏ bé ở Gaza? Ðược biết hôm 17-07, Ðức Thánh Cha đã gửi một sứ điệp khích lệ họ.

- Họ chỉ có hai trăm người. Cha xứ người Argentina, cha Jorge, là một người dũng cảm. Ngài giúp đỡ mọi người hết sức mình. Ngài mở cửa trường học của mình cho những người vô gia cư có nhà đã bị đánh bom trong những ngày vừa qua. Các nữ tu Argentina ở Gaza đã rời đi, nhưng các nữ tu của Mẹ Têrêsa vẫn ở lại và tiếp tục chăm sóc trẻ em khuyết tật. Trong e-mail gửi cha Jorge, Ðức Thánh Cha nói rằng ngài luôn gần gũi họ và đoan chắc cầu nguyện cho cha và cộng đoàn của cha. Tôi nghĩ rằng đây là một sứ điệp nâng đỡ thật đẹp mà Ðức Thánh Cha gửi đến cha xứ ở Gaza và cộng đoàn của cha.

- Cảm tưởng của các Kitô hữu ở Thánh Ðịa ra sao?

- Sợ hãi và thất vọng. Họ không hiểu được tại sao sau chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha, tình hình Thánh Ðịa không được cải thiện, mà lại xấu đi. Họ không thể hiểu được. Cảm tưởng này cũng thế sau chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II vào năm 2000. Sáu tháng sau, phong trào Intifada lần thứ hai, đẫm máu, bắt đầu. Nhưng chúng ta cũng biết rằng đó là kết quả đương nhiên của sự thất bại của trại David trong cùng năm ấy.

- Ðức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện cho hai Tổng thống Israel và Palestine vào ngày 18 tháng 07. Cử chỉ này quan trọng như thế nào?

- Ðó là một cử chỉ đẹp của Ðức Thánh Cha, ngài coi hai vị Tổng thống là bạn và như con người của hoà bình. Chúng ta mong đợi một cử chỉ như vậy, đặc biệt là sau buổi cầu nguyện ở Vườn Vatican vào ngày 08 tháng 06.

Tôi tin vào hiệu quả của lời cầu nguyện, dù lúc này chúng ta chưa thấy được hiệu quả ấy. Nhưng chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện cho hoà bình, không mệt mỏi. Chỉ cầu nguyện thôi không đủ, còn phải nghiêm túc nỗ lực để đạt được một thỏa thuận hoà bình. Chúng tôi, các giám mục của Thánh Ðịa, chúng tôi không ngừng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và nối lại các cuộc đàm phán hoà bình.

(LPJ)

 

Minh Ðức

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page