Ðức Thánh Cha bày tỏ liên đới

với Ðức Thượng Phụ Louis Sako

và Kitô hữu Irak

 

Ðức Thánh Cha bày tỏ liên đới với Ðức Thượng Phụ Louis Sako và Kitô hữu Irak.

Vatican (SD 24. 25-07-2014) - Chiều ngày 25 tháng 7 năm 2014 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã điện thoại cho Ðức Cha Louis Sako, Thượng Phụ Can đê Babilonia, để bày tỏ sự gần gũi và chia sẻ liên đới với kitô hữu đang bị bách hại tại Irak.

Ngày 24 tháng 7 năm 2014 Ðức Thượng Phụ Sako đã viết thư cho ông Ban Ki Moon, Tổng thư Ký Liên Hiệp quốc, và kêu gọi cộng đồng thế giới đừng ngồi yên nhìn các bạo lực tàn ác xảy ra cho các tín hữu Kitô tại Irak, cũng như các vi phạm nhân quyền trầm trọng, do các lực lượng hồi cuồng tín của quốc gia hồi gây ra cho họ. Ðức Thượng Phụ Sako viết rằng: tình hình Irak thê thảm vì đất nước này bị tàn phá bởi cuộc xung đột giữa các lực lượng Sunnít và Sciít. Tình hình bất ổn gia tăng vì càng ngày càng có nhiều cuộc tấn kích các kitô hữu và các nhóm thiểu số.

Các tội phạm chống lại các kitô hữu là các tội phạm chống lại nhân loại, như chính ông Tổng thư ký Liên Hiệp quốc đã tuyên bố. Vì thế cộng đồng quốc tế phải gây áp lực mạnh mẽ để các lực lượng này tôn trọng các quyền con người. Tín hữu kitô chúng tôi là những người yêu hòa bình. Cộng đoàn kitô chúng tôi đau khổ vì các xung đột giữa các phe phái hồi giáo, các cuộc tấn công khủng bố, các cuộc di cư ồ ạt, và giờ đây là cuộc thanh lọc chủng tộc, bởi vì các lực lượng hồi này muốn tiêu diệt cộng đoàn kitô.

Ðức Thượng Phụ Sako cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc khích lệ chính quyền Irak làm mọi nỗ lực có thể để che chở các nhóm chủng tộc và tôn giáo thiểu số. Ngoài ra Ðức Cha Sako cũng xin Liên Hiệp Quốc nhanh chóng cứu trợ nhân đạo và bảo đảm cho phẩn vật cứu trợ tới tay các nhóm đang cần trợ giúp nhất. Các trợ giúp cần kéo dài hơn một năm, vì các kitô hữu cần thực phẩm, nước dùng, thuốc men và các phẩm vật cần thiết nhất. Bên cạnh đó Ðức Cha Sako cũng xin Liên Hiệp Quốc đưa ra một chương trình che chở và bảo vệ gia tài kitô tại Irak gồm các nhà thờ và tu viện đang tiếp tục bị các lực lượng hồi cướp bóc và đốt phá.

Tình hình đặc biệt thê thảm tại Mosul, vì đã có hơn 1,000 gia đình kitô hữu bị đuổi đi nơi khác, tiền bạc, của cải nhà cửa ruộng vườn của họ bị người hồi cưỡng chiếm. Phụ nữ, trẻ em, người già và các bệnh nhân phải đi bộ rời khỏi thành phố với hai bàn tay trắng. (SD 24.25-7-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page