Cấy tủy, niềm hy vọng mới

cho các em bị bệnh ung thư máu

 

Cấy tủy, niềm hy vọng mới cho các em bị bệnh ung thư máu.

Roma (RG 7-07-2014; Vat. 16-07-2014) - Phỏng vấn bác sĩ Alice Bertaina, chuyên viên nghiên cứu thuộc khu vực Ung thư máu của Nhà thương Chúa Giêsu Hai Ðồng ở Roma.

Ung thư là một trong các thứ bệnh khiến cho nhiều người chết nhất trên thế giới hiện nay. Bản tường trình Globocan do "Ủy ban quốc tế nghiên cứu ung thư" của Liên HIệp Quốc công bố năm 2014 cho biết số người bị bệnh ung thư trên thế giới đã gia tăng 11% trong bốn năm qua với hơn 14 triệu trường hợp bị bệnh trong năm 2012. Trong cùng năm 2012 đã có 8.2 triệu người chết vì bệnh ung thư, trong đó có 4.2 triệu tuổi từ 30 tới 69. Và tình hình sẽ không tốt đẹp hơn trong hai mươi năm tới, vì người ta ước tình rằng số người bị bệnh ung thư trên thế giới sẽ gia tăng 75%, tức sẽ lên tới 25 triệu. Trên đây là vài dữ kiện báo động được phổ biến trong "Ngày quốc tế chống bệnh ung thư" mùng 4 tháng 2 năm 2014.

Bản tường trình Globocan năm 2012 cho biết dựa trên các dữ kiện thu thập tại 184 quốc gia có 28 loại ung thư giết người. Ðứng đầu là ung thư phổi với hơn 1.8 triệu người chết, tức chiếm 13% tổng số nạn nhân. Tiếp đến là ung thư vú nơi phụ nữ với 1.7 triệu người chết trong năm 2012, tức chiếm 11.9%, gia tăng 20% so với năm 2008. Và số phự nữ chết cũng gia tăng 14%, tức 522 ngàn người.

Ông David Forman, trưởng ban thông tin của Ủy ban quốc tế nghiên cứu ung thư, cho biết ung thư vú là hình thức phổ biến nhất, và là lý do thông thường nhất gây thiệt mạng nơi nữ giới, kể cả tại các quốc gia ít phát triển. Ung thư tử cung cũng là hình thức khiến cho hàng năm có 528 ngàn trường hợp mới, và là loại ung thư thứ bốn gây tử vong cho phụ nữ. Liên quan tới vùng địa lý có 70% các trường hợp xảy ra trong các nước đang trên đường phát triển, và chỉ nội Ấn Ðộ đã chiếm một phần năm.

Vẫn theo thống kê của bản tường trình Globocan, hằng năm tại Bắc Mỹ cứ mỗi 100 ngàn phự nữ có 6.6 người bị ung thư và 2.5 người bị chết. Trong khi tại miền nam sa mạc Sahara bên Phi châu cứ 100 ngàn phụ nữ thì có 34.8 người bị ung thư và 22.5 người bị bị chết, tức cao gấp 5 và gấp 9 lần so với Bắc Mỹ. Theo các chuyên viên số phụ nữ tại các nước nghèo chết vì ung thư vú và ung thư tử cung cao hơn các nước giầu vì kiểu sống khác nhau, và vì tại các nước nghèo ngành y tế thiếu các hệ thống và phương tiện y khoa tân tiến giúp chụp hình, soi rọi và thử nghiệm.

Trong số các lý do gây ra bệnh ung thư có sự kiện các loại thực phẩm không tươi bổ, bị ô nhiễm, hay chứa qúa nhiều hóa chất, ngay từ lúc bắt đầu chăn nuôi súc vật, chuẩn bị, đóng hộp bảo quản, cho tới khi tới bàn ăn của người tiêu thụ. Các thứ rau trái cũng theo cùng các tiến trình bị nhiễm độc như thế. Thêm vào đó là mọi thứ hóa chất sử dụng trong cuộc sống thường ngày đơn sơ như: thuốc giặt, thuốc tẩy, các chất để rửa đĩa bát vv... từ từ mỗi ngày một chút, cũng góp phần tạo ra bệnh ung thư.

Ngoài các loại khói xe, khói của đủ mọi thứ nhà máy kỹ nghệ, bụi bẩn, còn có khói thuốc lá cũng gây ung thư. Hiện nay trên thế giới có hơn 1 tỷ người hút mỗi năm 6 ngàn tỷ điếu thuốc. Tính trung bình mỗi người hút khoảng 6.5 kí lô thuốc mỗi năm, trung bình mỗi năm 1,600 điếu. Từ năm 1970 tới nay số người hút thuốc tại các nước đang trên đường phát triển gia tăng 67%, nhưng cũng gia tăng tại các nước kỹ nghệ tân tiến. Trung quốc trở thành nước được các nhà sản xuất thuốc lá nhắm tới nhất, vì có tới 300 triệu người hút thuốc và hàng năm hút 1,889 tỷ điếu thuốc.

Theo tổ chức Sức Khỏe Thế Giới thuốc lá là lý do gây ra 20% trường hợp tử vong tại các nước phát triển. Nó là lý do gây ra 90-95% bệnh ung thư phổi, 80-85% bệnh cuống phổi kinh niên, và 20-25% các thứ bệnh tim mạch, hay bộ máy tuần hoàn. Mỗi năm trên thế giới có 3 triệu người chết vì khói thuốc. Từ 2 triệu năm 1995 số người chết vì hút thuốc tại các nước kỹ nghệ sẽ tăng lên 3 triệu trong năm 2025. Trong khi tại các nước đang trên đường phát triển từ 1 triệu trong năm 1995 sẽ tăng lên 7 triệu trong năm 2025. Lý do chết vì hút thuốc gồm 94% là ung thư phổi, 69% ung thư cuống họng và vòm họng, 18% các loại ung thư khác, 82% là vì các bệnh kinh niên của đường hô hấp, 31% vì bệnh suyễn, 34% các bệnh về bộ máy tuần hoàn, và 35% các loại bệnh khác.

Ông Christopher Wild, giám đốc Ủy ban quốc tế nghiên cừu ung thư của Liên hIệp Quốc nói: "Số bệnh nhân ung thư gia tăng trên thế giới là một chướng ngại trầm trọng đối với sự phát triển và hạnh phúc của nhân loại. Các dữ kiện mới này gửi một tín hiệu mạnh mẽ liên quan tới mọi cộng đoàn và mọi quốc gia trên thế giới, không trừ ai". Thật thế Bản tường trình Globocan năm 2014 xác nhận sự không đồng đều trong việc chữa trị và kiểm soát bênh ung thư tại nhiều nước khác nhau trên thế giới. Số người chết vì bệnh ung thư đang gia tăng cách đáng ngạc nhiên giữa các nước nghèo nhất. Một cách đặc biệt số người sẽ chết vì bệnh ung thư trong năm 2025 gia tăng 80%

Trong số các thứ bệnh ung thứ cũng có bệnh ung thư máu, và có nhiều trẻ em bị bệnh này. Nhưng với phương pháp cấy tủy mới, người ta hy vọng số tử vong sẽ giảm trong tương lai.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bải phỏng vấn nữ bác sĩ Alice Bertaina, chuyên viên nghiên cứu thuộc khu vực Ung thư máu của Nhà thương Chúa Giêsu Hài Ðồng ở Roma.

Hỏi: Thưa bác sĩ Alice, các bác sĩ nhà thương Chúa Hài Ðồng Giêsu ở Roma trong đó có bác sĩ, đã khám phá ra một phương cách cấy tủy mới, bằng cách lấy tủy của cha mẹ và lèo lái tế bào để cho nó hợp với tủy của đứa con và cấy cho đứa con bị bệnh ung thứ máu. Ðây là niềm hy vọng mới cho các trẻ em bị bệnh có đúng thế không?

Ðáp: Vâng, với kiểu lèo lái tế bào này, từ nay trở đi có thể dùng các tế bào tủy gốc của cha hay mẹ và cũng đạt được các kết qủa y như khi người ta dùng các tế bào gốc của một người anh em hay của một người hiến tủy phù hợp với người nhận. Kỹ thuật này không dự kiến lấy tủy, mà chỉ hứng lấy máu trong mạch ngoại biên, chẳng hạn như của mạch máu cánh tay, và làm việc trên các tế bào trong phòng thí nghiệm. Chỉ có các tế bào xấu là bị loại trừ, nghĩa là các tế bào có thể tấn công cơ phận của người nhận, trong khi các tế bào tốt đều được giữ lại để cấy vào tủy người nhận, tức các tân tế bào tặng che chở người bệnh khỏi các nhiễm trùng, liên quan tới các bệnh ung thư không nặng, và cả đối với các bệnh ung thư máu tái phát nữa.

Hỏi: Có nhiều bệnh nhân ung thư máu không tìm ra người cho tủy phù hợp, và khả thể hai anh em phù hợp với nhau chỉ được 25 phần trăm các trường hợp thôi, có phải thế không thưa bác sĩ?

Ðáp: Giá trị và tầm quan trọng của phương pháp mới này là chính nơi khả thể trao ban một cơ may cho người không có may mắn có được người cống hiến tế bào thích hợp trong gia đình. Vì chỉ có 25% trường hợp là có người thân trong gia đình có tế bào thích hợp mà thôi. Hay không thể tìm ra người cho thích hợp trên danh sách các người hiến tủy xương hay máu lấy từ nhau. Mặc dù tinh thần liên đới rất cao của những người hiến tủy xương và của các bà mẹ hiến cuống rốn của con họ khi chúng sinh ra, vẫn còn có một số đông khoảng 30-40% các bệnh nhân ung thư máu không tìm ra các người cho thích hợp. Chính vì thế trong các năm qua chúng tôi đã tập trung cố gắng nơi việc đưa ra một phương pháp mới cho phép sử dụng các tế bào gốc của cha hay của mẹ bệnh nhân.

Hỏi: Kỹ thuật này đã được thử nghiệm trên 23 trẻ em. Nó đã đạt được các kết qủa nào, thưa bác sĩ?

Ðáp: Nghiên cửu này liên quan tới việc cấy tủy cho 23 trẻ em bi bệnh ung thư máu nhẹ, nghĩa là các trẻ em bị ung thư máu vì hồng huyết cầu bị suy yếu và hủy diệt, hệ miễn nhiễm bị thiếu hụt trầm trọng, hay giảm hồng huyết cầu di truyền thiếu chất đạm sửa chữa yếu tố di truyền DNA. Số trẻ em khỏi bệnh sống sót đạt 90%, nghĩa là số phần trăm khỏi bệnh rất cao so với việc cấy tế bào cúa một người anh em hiến tủy trong cùng một gia đình.

Hỏi: Như thế trẻ em bị bất cứ loại ung thư máu nào cũng có thể chữa trị với phương pháp mới này, chứ không phải chỉ có trường hợp hệ thống miễn nhiễm bị thiếu hụt thôi, có phải thế không thưa bác sĩ?

Ðáp: Chúng tôi cũng đã thử nghiệm cùng kỹ thuật này cho các loại ung thư máu trên 70 trẻ em, và các kết qủa đạt được đã thật đặc biệt. Bởi vì trong trường hợp này khả thể lành bệnh lến tới 80%. Nghĩa là rất cao, nếu chúng ta nói tới các trẻ em bị ung thư máu nặng.

Hỏi: Ðây là bằng chứng cho thấy việc đầu tư vào lãnh vực này thật đáng công, có đúng thế không thưa bác sĩ Alice?

Ðáp: Vâng tuyết đối đúng rồi. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng đây là một nghiên cứu phần lớn đã được tài trợ bởi "Hiệp hội nghiên cứu Italia chống ung thư", nghĩa là nhờ tình liên đới của tất cả mọi người dân Italia đã đóng góp cho tổ chức để tổ chức trợ gúp tài chánh cho công trình nghiên cừu của chúng tôi đạt các kết qủa tốt đẹp.

(RG 7-7-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page