Cho tới khi nào con người
thôi tra tấn nhau
Cho tới khi nào con người thôi tra tấn nhau?
Roma (Vat. 4-07-2014) - Ngày 26 tháng 6 năm 2014 là Ngày quốc tế chống tra tấn. Ngày này đã do Liên Hiệp Quốc thành lập để gây ý thức cho người dân trên thế giới liên quan tới một tệ nạn chứng minh cho sự tàn ác của con người đối với nhau.
Hiệp Ước chống tra tấn được Liên hiệp Quốc phê chuẩn ngày mùng 10 tháng 12 năm 1984 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26 tháng 6 năm 1987. Cho tới tháng 6 năm 2008 đã có 145 quốc gia phê chuẩn Hiệp Ước này. Nhưng sau 30 năm tình hình không thay đổi bao nhiêu. Theo tổ chức Ân Xá quốc tế trong 5 năm qua nạn tra tấn vẫn hiện diện tại 141 nước trên thế giới.
Tra tấn là một phương thế cưỡng bách thể lý hay tâm lý, được áp dụng nhằm mục đích trừng phạt hay khai thác tin tức hoặc các lời thú tội, hay đe dọa hoặc kỳ thị. Rất thường khi nó được đi kèm bởi việc dùng các thứ dụng cụ đặc biệt thích hợp cho việc trừng phạt thân xác và tinh thần con người, tàn phá bản tính con người, biến nạn nhân thành một cái máy, một dụng cụ ngoan ngoãn trong tay kẻ tra tấn.
Trong nghĩa đen việc tra tấn bao gồm bẻ vặn tay chân như người ta thường làm thời Trung Cổ và cho tới ngày nay, gây đau đớn để bắt nạn nhân phải khai tội hay khai tên các người đồng lõa, hay áp dụng cho các chứng nhân để bắt họ mói. Tuy nhiên tra tấn cũng bao gồm bất cứ loại bạo lực nào thể lý hay tâm lý hoặc bằng cách dùng thuốc áp dụng cho các gián điệp hay tù nhân để khai thác tin tức có tính cách pháp lý hay quân sự. Ðược trải dài ra rộng rãi hơn, tra tấn ám chỉ mọi hình thức cưỡng bách thể lý hay luân lý gây tổn thương cho một người để được cái gì đó, hay chỉ vì sự tàn ác đối với họ.
Vào thời đế quốc Hy lạp và Roma người ta thường áp dụng các hình phạt tra tấn cho các nô lệ, nhưng cũng có khi cho các công dân nữa, như trường hợp triết gia Socrate bị kết án tử bằng cách uống thuốc độc. Có ba loại tra tấn nặng nhất. Trước hết là đóng đinh nạn nhân vào một cây cột. Thứ hai là đóng cọc từ hậu môn xuyên lên tới cổ. Thứ ba là đeo "gông cột" hay "gông bàn" gồm 5 lỗ cho đầu, hai tay và hai chân trong hai ba ngày cho tới khi có lệnh đánh vào đầu cho tới chết. Kiểu tra tấn này thường đi kèm với các hệ thống hành khổ khác như đóng đinh, treo lên, đánh đòn, lột da, tra tấn, đổ giấm vào mũi, vác gạch vv... Người ta cũng thường dùng các thanh sắt nung để đốt các phần khác nhau trên thân thể nạn nhân.
Thời xưa người ta dùng nhiều hình thức tra tấn như bánh xe: nạn nhân bị cột vào một bánh xe và bị đánh gẫy từng xương một, hay bị ném xuống vách đá nhọn. Thiêu sống là hình phạt thường dành cho những người lạc đạo hay bị tố cáo là phủ thủy: nạn nhân bị trói vào cột chung quanh chất củi, cành cây và rơm rạ rồi bị châm lửa. Người ta cũng dùng kiểu kéo giãn chân tay cho tới lọi các khớp, rách cột sống và bắp thịt. Kiểu tra tấn này do người Ai cập và Babilonia chế ra. Vào thời Trung Cổ người ta dùng bàn có chông sắt nhọn hay có gắn các lưỡi dao sắc. Thế rồi cũng có việc cắt chặt hay cưa chân tay, thường dành cho các người trộm cướp trong thời Trung Cổ.
Cũng có kiểu tra tấn bằng kìm kẹp thường là nung đỏ để nhổ từng mảnh thịt của nạn nhân. Hay nạn nhân bị treo lên một cây cột hay đà ngang để cho chết dần chết mòn vì đói khát, hay treo trên hai chĩa một dưới cằm một trên ngực, thường áp dụng cho người lạc giáo. Cũng có kiểu tra tấn bằng cách dìm nước thường được áp dụng cho các phù thủy: nạn nhân bị trói chân tay và quăng xuống nước cho chết. Một hình thức khác được áp dụng cho những kẻ giết cha mẹ là bỏ vào một cái bao với một con mèo, một con gà, một con khỉ và một con rắn rồi dìm xuống nước. Cũng có hình phạt phanh thây mổ bụng moi ruột ra. Hay nạn nhân bị cột vào bốn con ngựa và bị kéo rách thành bốn mảnh, hoặc bị lột da cho tới chết. Hay nạn nhân bị bỏ vào trong một hòm có hình con bò có các cây sáo để khi đồng bị nóng lên tiếng rống của nạn nhân giống như tiếng bò rống. Hoặc nạn nhân bị nhốt trong một hòm giống hình phụ nữ bên trong có các mũi nhọn chọc vào vùng gan, thận và mắt. Khi hòm bị đóng chặt, nạn nhân sẽ chết vì mất máu. Cũng có khi nạn nhân bị đóng cọc đâm qua bụng rồi dựng đứng lên và họ sẽ chết trong vài ngày. Hay nạn nhân bị nhốt trong cũi hẹp rồi treo lên cao sẽ chết vì đói khát và bị chim trời rúc riả.
Trong các xã hội tân tiến ngày nay tính tàn ác khiến cho con người còn nghĩ ra nhiều trò tra tấn tinh vi hơn như dùng điện để tra tấn, dí cho điện giật hay dùng thuốc lá đốt các phần khác nhau trên thân thể, kể cả vú và bộ phận sinh dục. Người ta dùng tiếng động và âm thanh hay ánh sáng cực mạnh chiếu thẳng vào mắt nạn nhân khiến cho đầu óc họ điên loạn. Nạn nhân cũng có thể bị nhốt vào một thùng phi rỗng hay đầy nước đậy nắp lại và người ta gõ thật mạnh bên ngoài. Các nạn nhân cũng có thể bị trói tay chân treo cao lên và bị giộng đầu vào tường. Người ta dùng kim châm vào dưới các móng tay móng chân, hay dùng kìm nhỗ các móng tay móng chân. Nạn nhân cũng có thể bị các lý hình thay phiên nhau đánh đập, chửi bới, đe dọa và hỏi cung liên tục không ngưng nghỉ.
Và hiện nay vẫn còn có các chính quyền độc tài thường xuyên tra tấn toàn dân bằng các buổi tuyên truyền, cưỡng bách học tập, kiểm thảo, tố cáo, bới lông tìm vết, phê bình, chỉ trích, lên án nhau; hay qua các báo đài và truyền hình thông tin một chiều, bưng bít, gian dối, xuyên tạc, đặt điều bịa chuyện vu khống, gán ghép tội phạm, hết thập niên này sang thập niên khác. Ðó là điều đang xảy ra tại các nước cộng sản như Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam và Cuba.
Thật vậy, cho tới khi nào phẩm giá và các quyền con người không đựơc thừa nhận và tôn trọng, thì nạn tra tấn thể lý và tâm lý sẽ còn kéo dài luôn mãi trong xã hội loài người.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)