Bài trừ nạn tra tấn
để bảo vệ sự tự do và phẩm giá của con người
Bài trừ nạn tra tấn để bảo vệ sự tự do và phẩm giá của con người.
Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève.
Geneve (RG 3-05-2014; KNA 5-05-2014; Vat. 1-07-2014) - Trong hai ngày 5 và 6 tháng 5 năm 2014 khóa họp thứ 52 của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Hiệp ước chống tra tấn, gọi tắt là CAT, đã diễn ra tại Genève bên Thụy Sĩ. Tham dự khóa họp có phái đoàn của Tòa Thánh do Ðức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc, hướng dẫn. Thuộc thành phần phái đoàn có Ðức Ông Christophe El-Kassis, giáo sư Vincenzo Buonomo, và Ðức Ông Richard Gyhra.
Trong hai ngày họp phái đoàn Tòa Thánh đã điều trần theo lượt trước Ủy ban này, giống như trường hợp nhiều nước khác. Ðức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi dã nhấn mạnh rằng Tòa Thánh dấn thân chống lại tra tấn với ý muốn đầu tiên là bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của bản vị con người". Tòa Thánh coi "Hiệp ước chống tra tấn" là một dụng cụ có giá trị để chống lại các hành động xúc phạm nặng nề tới phẩm giá con người, và đánh giá cao Hiệp ước mà quốc gia thành Vaticăng đã phê chuẩn năm 2002. Hiệp ước cũng được áp dụng cho quốc gia Thành Vaticăng, nhưng thật là sai lầm, khi nghĩ rằng Tòa Thánh có quyền tài phán trên mọi thành phần của Giáo Hội Công Giáo, sống rải rác trong nhiều nước trên thế giới.
Ðức Tổng Giám Mục Tomasi đã bác bỏ những phê bình của một số thành viên Ủy ban Liên Hiệp quốc chống nạn tra tấn. Các thành viên này cho rằng Tòa Thánh đã không có hành động xử lý những vụ tra tấn liên quan đến lạm dụng tính dục trẻ em tại một số nơi trong Giáo Hội công giáo; hoặc có thành viên cho rằng khi chủ trương cấm phá thai là Giáo Hội Công Giáo góp phần tạo ra sự "tra tấn" đối với những người cảm thấy cần phải phá thai.
Ðức Tổng Giám Mục cho biết cần phải phân biệt Tòa Thánh, Giáo Hội Công Giáo và Quốc gia Thành Vaticăng. Tòa Thánh ký và phê chuẩn Hiệp ước chống tra tấn nhân danh quốc gia Thành Vaticăng và muốn là một uy tín tinh thần để cổ võ việc chống tra tấn trên thế giới. Tuy nhiên, Tòa Thánh không có quyền tài phán trên các tín hữu công giáo là công dân của một quốc gia.
Nếu một tín hữu công giáo vi phạm luật cấm tra tấn, thì thẩm quyền xét xử và trừng phạt thuộc về quốc gia nơi đương sự là công dân. Chính quyền các nước có bổn phận phải bảo vệ, và khi cần, truy nã các người sống dưới quyền tài phán của mình. Chính quyền mỗi nước có thẩm quyền hợp pháp hành động như chủ thể có trách nhiệm công lý đối với các tội phạm và các lạm dụng do các người dưới quyền tài phán của mình vấp phạm. Mỗi cá nhân, bất kể tùy thuộc một cơ cấu công giáo nào, thuộc quyền đặc biệt của quốc gia nơi họ sinh sống.
Tòa Thánh cũng thực thi quyền bính đó trên những ai sống trong quốc gia thành Vaticăng theo các luật lệ riêng của mình. Tòa thánh tôn trọng các nguyên tắc về sự độc lập và chủ quyền của mỗi nước.
Tòa Thánh cầu mong rằng trong việc áp dụng Hiệp ước vào trong tất cả mọi hoàn cảnh mới các hoàn cảnh đó ở trong lãnh vực chuyên biệt của Hiệp ước. Cần phải chú ý tới điều này vì đưa các đề tài khác mà Hiệp ước không đề cập tới giảm thiểu mục đích ban đầu của Hiệp ước, và gây nguy hiểm cho các tình trạng của những người bị lạm dụng và tra tấn. Từ đó có nguy cơ công việc của Ủy ban chẳng những vô hiệu, mà còn gây thiệt hại nữa. Ðức Tổng Giám Mục Tomasi cũng nhắc tới nhiều lập trường của các giới chức cấp cao của Giáo Hội chống lại tra tấn, đặc biệt là giáo huấn của các Giáo Hoàng sau thời Ðệ Nhị Thế Chiến. Tòa Thánh đã và sẽ tiếp tục là tiếng nói tinh thần mạnh mẽ nhất trên thế giới bênh vực các quyền con người.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, về vấn đề này.
Hỏi: Thưa Ðức Cha Tomasi, Tòa Thánh đã ký nhận Thỏa hiệp chống tra tấn này trong tư cách là quốc gia thành Vaticăng. Như vậy Tòa Thánh có thái độ nào trước các phản bác hay các tố cáo không thể tránh được tìm cách đưa vấn đề vào trong bình diện tổng quát hơn của Giáo Hội công giáo?
Ðáp: Trách nhiệm của Tòa Thánh được thi hành theo hai thể thức khác nhau. Thứ nhất là qua thẩm quyền triệt để tư pháp - hợp pháp mà Tòa Thánh có trên lãnh thổ của Quốc gia thành Vaticăng và nó được thực thi giống y như mọi chính quyền khác. Thứ hai là việc thực thi thẩm quyền có tính cách tinh thần của mình với một hình thức quyền bính dựa trên sứ mệnh chuyên biệt của Giáo Hội và lôi cuốn sự gằn bó tự nguyện của tín hữu với các nguyên tắc đức tin công giáo. Các quốc gia duy trì quyền tài phán riêng và triệt để trên các công dân của mình theo công giáo, chẳng hạn trong trường hợp các người này phạm tội. Ðối với nhiều người thật là khó hiểu sự kiện việc thực thi quyền bính tinh thần có các phương thế và nguyên tắc khác với việc thi hành quyền bính chính trị và pháp luật. Vì Ðức Thánh Cha có quyền trên toàn Giáo Hội người ta nghĩ rằng ngài có thể quyết định trên các cung cách hành xử và các trừng phạt mà các thành phần của Giáo Hội đáng bị. Quyền chìa khóa của Phêrô không giống như quyền bính đời. Các thành phần của Giáo hội sống rải rác trên toàn thế giới gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ, nhưng họ không phải là công dân của quốc gia thành phố Vaticăng, mà là công dân của các quốc gia trong đó họ sinh sống, vì thế họ có các quyền lợi và các bổn phận công dân của các nước đó.
Hỏi: Ngày mùng 5 tháng hai năm nay Tòa Thánh đã kinh ngạc khi nhận được bản tường trình của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền của các trẻ vị thành niên tại Genève liên quan tới Tòa Thánh: đây là một hành vi tố cáo gay gắt các vụ làm dụng tính dục trẻ vị thành niên từ phía một số nhân viên của Giáo Hội, mà theo Ðức Cha, nó đã được viết ra trước khi Ðức Cha phát biểu hồi tháng giêng năm 2014. Ðức Cha có tin rằng kiểu đọc hiểu phiến diện này về Giáo Hội Công Giáo có thể vẫn còn đè năng trên việc tiếp nhận bản tường trình của Ðức Cha hay không?
Ðáp: Trong hai ngày mùng 5 và mùng 6 tháng 5 Tòa Thánh trình bầy bản báo cáo của mình trong phiên họp thứ 52 của Ủy ban Liên Hiệp Quốc y như các nước khác. Ðây là một tiến trình nhằm áp dụng Hiệp Ước một cách tôt đẹp hơn. Tuy nhiên, từ việc duyệt xét ngắn gọn "Các nhận xét kết luận" mà Ủy ban Liên Hiệp Quốc đưa ra đối với các bản tường trình của các nước trong hai năm qua, đã nảy sinh một loạt các đề tài chỉ liên quan một cách gián tiếp, qua một sinh hoạt giải thích rất là nới rộng, đối với văn bản và các chủ ý của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Hiệp ước chống tra tấn. Thí dụ đưa vào trong Ủy ban CAT thảo luận về việc lạm dụng tính dục trẻ em thì thật là rườm rà, vì nó đã được Hiệp ước về các quyền của Trẻ em đề cập tới rồi. Ðiều này đặc biệt đúng vì bản văn chính và ý nghĩa của nó không bao gồm các từ liên quam tới tội phạm này. Các đọc hiểu khác về Hiệp ước rất có thể có.
Trong bối cảnh quốc tế của Liên Hiệp Quốc và của nền văn hóa công cộng quốc tế chúng ta đang ở trên hai mặt khác nhau liên quan tới các giá trị nền tảng phải hướng dẫn cuộc sống chung xã hội, chẳng hạn việc bảo vệ quyền sống và sự chú ý tới các nhóm yếu đuối dễ bị thương tích hơn của xã hội. Ðặc biệt trên điểm này sự đối nghịch của hai nền văn hóa khác nhau thật là hiển nhiên. Chắc chắn là các trẻ em bị để cho chết chịu một hình thức tra tấn rõ ràng. Chẳng hạn, bên Canada giữa các năm 2000 và 2011 đã có 622 trẻ còn sống sau khi phá thai, nhưng bị để cho chết, cũng như 66 trẻ em bên Anh quốc năm 2005. Một vài phương pháp phá thai chậm trễ cũng là một tra tấn, đặc biệt trong trường hợp gọi là "giãn nở và rút ra": bào thai bị cắt chặt thành từng mảnh, rồi bị kéo ra khỏi tử cung. Ðương nhiên là Tòa Thánh sẽ ủng hộ quan niệm về bản vị con người phát xuất từ truyền thống kitô và từ khuynh hướng thực tế gắn liền với quyền tự nhiên.
Hỏi: Thưa Ðức Cha Tomasi, Tòa Thánh đã phê chuẩn hiệp ước chống tra tấn ngày 22 tháng 6 năm 2002, nhưng bản tường trình đầu tiên đã chỉ được đưa ra vào năm nay 2014, tức hơn mười năm sau khi ký kết. Tại sao lại có sự chậm trễ như thế?
Ðáp: Tòa Thánh tham dự vào cuộc sống của cộng đồng quốc tế một cách tích cực. Tòa Thánh góp phần mình như tiếng nói của lương tâm. Tòa Thánh không có các quyền lực to lớn và các lợi lộc kinh tế và quân sự, nhưng muốn bênh vực con người và các giá trị nền tảng nâng đỡ phẩm gía của nó như: quyền tự do tín ngưỡng, tự do phát biểu ý kiến, quyền liên đới, chống lại nghèo dói và các lạm dụng quyền bính. Tòa Thánh làm điều đó cho quốc gia thành Vaticăng như dấu chỉ, nhất là như dấu chỉ của việc khước từ mọi hình thái bạo lực hạ nhục bản vị con người. Việc chậm trễ soạn thảo bản tường trình cho Ủy ban của Hiệp ước cũng một phần dễ hiểu, bởi vì không phải là một bí mật gì sự kiện Tòa Thánh tiếp tục bênh vực các nguyên tắc và kiểu hành xử mà Hiệp Ước thừa nhận. Dầu sao đi nữa giờ đây Tòa Thánh chu toàn bổn phận này và không phải chỉ một cách hình thức, nhưng như là một gặp gỡ xây dựng với các chuyên viên của Ủy ban để thăng tiến sứ điệp của Hiệp ước, mà một cách lịch sử nó đã được thương lượng trong kỷ niệm các kinh hoàng của Ðệ Nhị Thế Chiến và trong ước mong che chở các tù nhân khỏi bị tra khảo và các đối xử tàn tệ vi phạm mọi hình thái phẩm giá và quyền tự do của con người.
(RG 3-5-2014; KNA 5-5-2014)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)