Thánh Lễ An Táng Cha Giacôbê Vũ Văn Hanh, OP.

và Bài giảng của Ðức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp

trong thánh lễ

 

Thánh Lễ An Táng Cha Giacôbê Vũ Văn Hanh, OP. và Bài giảng của Ðức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong thánh lễ.

Sàigòn, Việt Nam - (WÐM 22-06-2014) - Sáng ngày 21 tháng 06 năm 2014, vào lúc 08g30', Tỉnh Dòng Ða Minh Việt Nam và Tang quyến đã dâng Thánh lễ an táng Cha Giacôbê Vũ Văn Hanh, OP. do Ðức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP., Giám mục Giáo phận Vinh chủ tế. Cùng đồng tế với Ðức Cha Phaolô, còn có Cha Vinhsơn Phạm Xuân Hưng, OP., đại diện Giám tỉnh; Quý Cha Bề trên, Quý Cha Quản hạt và gần 140 Quý Cha. Bên cạnh đó, cùng hiệp dâng thánh lễ an táng Cha Giacôbê, còn có Quý Bề trên, Quý Tu sĩ nam nữ và đông đảo Quý Thân hữu gần xa.


Ðức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP., Giám mục Giáo phận Vinh chủ tế Thánh Lễ An Táng Cha Giacôbê Vũ Văn Hanh, OP.


Trước đó, vào lúc 08g00' đã diễn ra nghi thức tiễn biệt của Tỉnh Dòng; Tất cả các Anh Em Ða Minh Việt Nam đã tề tựu để nói lên lời cảm thương cũng như lời vĩnh biệt lần cuối với Cha Giacôbê.

Sau nghi thức vĩnh biệt, cộng đoàn cùng bước vào Thánh lễ.

Sau bài ca nhập lễ, cộng đoàn cùng lắng nghe tiểu sử của Cha Giacôbê và những điện thư phân ưu của: Ðức Cha Ða Minh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc; Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê KRI-ENG-SAK KO-VITH-VA-NIJ, Tổng Giáo Phận Bangkok, Thailand; Ðức Tổng Giám Mục LU-Y CHAM-NI-AN SAN-TI-SUK-NA-RAN, Tổng Giáo Phận THA-RAE NONG-SAENG, Thailand; Ðức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám Mục Giáo phận Ðà Nẵng.

Tiểu sử linh mục Giacôbê Vũ Văn Hanh, OP.:

- Cha Giacôbê Vũ Văn Hanh, OP. sinh ngày 14/12/1972, tại Ninh Bình.

- Từ 1975 gia đình sinh sống tại Giáo xứ Xuân Bắc, Giáo phận Xuân Lộc, thuộc Huyện Ðịnh Quán, tỉnh Ðồng Nai.

- Từ năm 1993 đến 1996 : Theo học tại Thỉnh viện Ða Minh, Thủ Ðức.

- Gia nhập Tập viện ngày 15/08/1996 tại Tu viện thánh Anbêtô Cả, Phú Nhuận.

- Khấn lần đầu ngày 15/08/1997 tại Tu viện thánh Anbêtô Cả, Phú Nhuận.

- Từ 1997 đến 2004 : Học Triết và Thần học tại Học viện Ða Minh, Gò Vấp.

- Năm 1999 đến 2000 : Thực tập mục vụ tại Giáo xứ Ngọc Ðồng, Giáo phận Xuân Lộc.

- Khấn trọn đời ngày : 15/08/2001 tại Tu viện Rất Thánh Mân Côi, Gò Vấp.

- Từ 2004 đến 2012 : Mục vụ tại Tu viện Martinô, Hố Nai, Biên Hòa, Ðồng Nai.

- Lãnh Tác vụ Linh mục ngày 30/06/2007 tại nhà thờ Giáo xứ Ða Minh - Ba Chuông, Sài Gòn.

- Từ 2007 đến 2011 : Cố vấn dự khuyết và cố vấn Tỉnh Dòng

- Năm 2011, Cha Giacôbê được cử sang truyền giáo tại Thái Lan. Cha Giacôbê lo mục vụ di dân cho các bạn trẻ Việt Nam đang lao động và học tập tại Thái Lan cùng giúp mục vụ tại các giáo xứ vùng Bangkok, Thái Lan.

- Ngày 04.06.2012 Cha Giacôbê được đặt làm Bề trên tiên khởi của Tu xá Thánh Tôma Aquinô, Bangkok, Thái Lan.

- Vào lúc 5g45, sáng thứ Hai, ngày 02/06/2014, Cha Giacôbê Vũ Văn Hanh, OP. đã qua đời cùng với 12 người khác trong tại nạn giao thông tại thị trấn Kaeng Khro, tỉnh Chai-ya-phum, Thái Lan, trên đường đi tham dự Ðại hội Giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan.

- Hưởng dương 42 tuổi, 17 năm Khấn Dòng, 7 năm Linh Mục.

Trong lời ngỏ đầu trước thánh lễ, Ðức Cha Phaolô xúc động khi nói đến sự ra đi cách đột ngột của Cha Giacôbê và các bạn trẻ công giáo. Sự ra đi của Cha Giacôbê không chỉ là nỗi mất mát lớn đối với Tỉnh Dòng Ða Minh Việt Nam và Tang quyến, nhưng còn là sự mất đi một người mục tử trẻ đầy nhiệt huyết trong cánh đồng truyền giáo của Giáo hội tại Thái Lan. Tuy nhiên, trong niềm tin của người con, người môn đệ Ðức Kitô, sự ra đi của Cha Giacôbê và các bạn trẻ thuộc Giáo phận Vinh cũng là niềm hân hoan, vì Cha Giacôbê và các bạn trẻ đã hoàn thành con đường lữ hành trần gian trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

Trong bài giảng lễ, Ðức Cha Phaolô nhấn mạnh đến niềm hy vọng; niềm hy vọng của người đã ra đi và niềm hy vọng của những người còn ở lại. Niềm hy vọng hướng con người đến với thực tại là chính Thiên Chúa; nguồn hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu của mỗi con người.

Kết thúc thánh lễ, Cha Vinhsơn Phạm Xuân Hưng, OP., đại diện Giám tỉnh, thay lời cho Anh Em trong Tỉnh Dòng Ða Minh Việt Nam và Tang quyến ngỏ lời cảm tạ và tri ân Ðức Cha Phaolô, Quý Ðức Cha Giáo phận Xuân Lộc, Quý Ðức Cha, Quý Cha Quản hạt, Quý Cha Bề trên, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, Quý thân hữu và cộng đoàn, vì tình thương mến đã điện - thư chia buồn khi nghe tin Cha Giacôbê và các bạn trẻ gặp nạn, đồng thời đã chia sẻ và hiệp thông với Tỉnh Dòng và Tang quyến trong thánh lễ an táng Cha Giacôbê.

Nghi thức tiễn đưa được cử hành sau đó tại nơi Cha Giacôbê sẽ an nghỉ, cùng với các Anh Em Ða Minh đã ra đi trước.

Nguyện xin Thiên Chúa, qua lòng thương xót và nhân hậu của Người, sớm đưa Cha Giacôbê cùng các bạn trẻ hưởng ánh tôn nhan vinh hiển và cũng là nguồn sống vĩnh cửu.

 

Xin giới thiệu bài giảng của Ðức Cha Phaolô trong thánh lễ này:

 

Sao Chúa đã cắt đứt ngay hàng chỉ?

Ðã là người thì ai cũng phải chết. Sinh, bệnh, lão, tử là những chặng đường đời bó buộc, mà kẻ trước người sau, tất cả chúng ta đều phải trải qua. Cái chết vì vậy trở thành thứ "định mệnh" và một biến cố tất nhiên của thân phận làm người ở đời.

Dẫu biết vậy, nhưng khi phải đích thân đối diện với cái chết, nhất là cái chết bi thảm, quá đột ngột và quá ngậm ngùi như sự ra đi của cha Giacobê Nguyễn Văn Hanh, Dòng Ða Minh, cùng với 12 bạn trẻ di dân, thì không ai không khỏi bàng hoàng, đau xót... Nét mặt u buồn và sự hiện diện đông đảo của quý cha, quý tu sĩ nam nữ tu sĩ, quý ông bà và anh chị em trong thánh lễ an táng hôm nay phải chăng đã nói lên điều đó?

Bản thân tôi cũng đã trải qua những giây phút bàng hoàng và xúc động không nói nên lời. Trưa ngày 2 tháng 6, máy bay đưa tôi từ Ðài Bắc trở lại Sài gòn, sau hơn một tháng vắng nhà. Vừa về đến trụ sở thì chúng tôi được hung tín là cha Hanh và 12 di dân trẻ, gốc giáo phận Vinh, đã từ trần trong một tai nạn giao thông, trên đường đi tham dự Ðại hội giới trẻ tại Thái Lan. Chiếc xe 16 chỗ đã đâm vào một chiếc xe ngược chiều và phát nổ. Ngoại trừ 2 người sống sót và bị thương nặng, tất cả các hành khách trên xe không những đã tử vong, mà còn bị thiêu, chẳng còn có thể nhận diện...

Suốt mấy ngày liền, tôi cứ bị ám ảnh bởi thân phận con người. Ôi, con người nhân linh ư vạn vật, cao cả, bất khả xâm phạm, bất khả thay thế, to lớn vô cùng, bởi vì đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Chính con người này đã được Ðức Giêsu đổ máu ra để cứu chuộc, được Chúa Thánh Thần nhận làm đền thờ, được Chúa Ba Ngôi hứa hẹn hạnh phúc mai sau. Nhưng, nói cho cùng, con người cũng chỉ là thụ tạo, mỏng dòn, mong manh, gian truân, lận đận! Phải chăng vì được dựng nên từ bụi đất, nên nó sẽ trở thành tro bụi? Nói gì thì nói, cuối cùng thời gian sẽ nghiền nát tất cả thành cát bụi!

Sách Giảng viên cho thấy rõ sự tương phản giữa cao cả và mong manh này của kiếp người: Ðược sáng tạo theo hình Thiên Chúa, nên con người được trao phó trách vụ quản trị vũ trụ. Nhưng, mặt khác, vì xuất thân từ bụi đất, rồi ra con người sẽ trở về cát bụi: "Mọi sự đều đi về một nơi / mọi sự đều đến từ bụi đất / mọi sự đều trở về cát bụi". Nói cho cùng, cuộc đời thật quý giá, nhưng cũng nhẹ tênh như một cọng rơm trước gió. Nhiều khi chỉ cần một cơn gió nhè nhẹ hổi là nó bay đi và bay mãi đến cõi vô biên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lúc xuất thần nào đó đã suy tư về phận người và sáng tác bài Cát bụi tuyệt vời:

"Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi.

Ðể một mai vươn hình hài lớn dậy.

Ôi cát bụi tuyệt vời mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Ðể một mai tôi về làm cát bụi.

Ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi.

Phù vân, hão huyền, cát bụi, cỏ khô, hoa héo... tất cả là những từ ngữ và hình ảnh đã được lặp đi lặp lại để diễn tả cái bất trắc, mong manh, vô thường của cuộc đời. Lý tưởng thì vô hạn, nhưng đời người sao quá ngắn! Người đời nuôi nhiều mộng ước và có khi còn muốn lấy đá vá trời, nhưng thực tế sao quá nghiệt ngã và bi đát!

Suốt hơn nửa tháng qua, mỗi lần nghĩ đến sự ra đi quá đột ngột của cha Hanh, một linh mục hăng say, cần mẫn, nhiệt thành và năng động, được các Giám mục Thái Lan bổ nhiệm làm đặc trách di dân Việt Nam tại Thái. Ðây là một công tác khó khăn và đang cần đến những con người dân thân như cha. Vì vậy, nhiều người đang thương tiếc và nhớ cha như nhớ một nỗi đau khôn nguôi! Có người cứ day dứt đặt câu hỏi: Tại sao cha ra đi vội vàng và bất ngờ như thế giữa lúc công việc còn dang dở, tuổi đời và tài năng đang ở độ chín muồi? Thật vậy, chỉ sau một thời gian ngắn ngủi, cha đã qui tụ được một cộng đồng trẻ năng động. Một em thoát chết khoe rằng trên chiếc xe định mệnh hôm đó có 15 người trẻ, thì 14 người đã nhận cha Hanh làm "bố thiêng liêng". Và trong mấy xe khác cùng đoàn, hình như "tình bố con" cũng chan hòa, dạt dào như vậy. Bao nhiêu chương trình đã hoạch định, nhưng bỗng dưng đành xếp lại!

Trong đầu tôi cứ lởn vởn lời van nài thống thiết của vua Êzekya: "Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng dưng bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ" (Is 38,12). Không phải chỉ có cha Hanh đã bị "cắt đứt ngay hàng chỉ", mà còn 12 người trẻ khác nữa! Có em tuổi đời vỏn vẹn đôi tám và mới sang Thái Lan vài tháng thôi. Ðọc tâm sự của cô Maria Ðặng Thị Hương với tựa đề: "Thái Lan, con đường tôi chọn và kỉ niệm đầu tiên" chúng ta không khỏi không ngậm ngùi cảm thương:

"Tôi một cô gái nông thôn, cũng bình thường như bao người khác. Tôi lớn lên trong một gia đình Công Giáo của một xứ đạo nhỏ mới thành lập. Vì điều kiện kinh tế, nên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông tôi nghỉ học và ở nhà giúp bố mẹ làm việc nội trợ trong gia đình. Suốt một năm sau khi nghỉ học tôi thấy cuộc sống của mình khá tẻ nhạt và như không có một chút tia sáng nào cho tương lai khi tối ngày chỉ biết đi chợ, nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa. Tôi bắt đầu muốn học một nghề gì đó cho tương lai. Tôi đã chọn nghề may.

Cùng lúc này tôi bắt đầu tham gia các hoạt động của giới trẻ Công Giáo. Với độ tuổi bây giờ đáng lẽ ra tôi đã hoạt động của thành viên giới trẻ được 3 năm, nhưng có lẽ do điều kiện hay là một chút thờ ơ của mình mà tôi đã quên đi trách nhiệm và nghĩa vụ của cao quý này. Tôi chỉ tham gia các hoạt động sinh hoạt trong ca đoàn vì hồi đó tôi còn lười lắm. Còn bây giờ thì khác, tôi đã chín chắn hơn xưa và cách suy nghĩ trong tôi củng đổi mới. Tôi như được thắp lên ngọn lửa mến trong lòng, tôi say sưa với mọi việc làm và hoạt động của giới trẻ. Tôi nhiệt tình hơn trong mỗi lần giao lưu văn nghệ của các dịp lễ lớn trong năm, tôi luôn có mặt trong những hội cắm trại với các giáo xứ. Không chỉ thế tôi còn nhiều lần được đi hành hương đến nhiều địa điểm trong và ngoài giáo phận như Thánh địa La Vang, nhà thờ thánh Antôn. Tuy say sưa sinh hoạt giới trẻ như vậy nhưng vẫn làm trọn công việc trong nhà và những buổi chiều đi học may.

Tôi như người câm giữa rừng người xa lạ trên đất khách quê người. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của bạn bè tôi cũng có việc làm ổn định, tôi phục vụ ở một quán ăn gần nhà thờ. Giống như khi còn ở nhà tôi đọc kinh chúc tụng, cảm tạ Thiên Chúa mỗi sáng và tối. Vì tôi ở gần nhà thờ đó là một sự thuận lợi cho việc tham dự vào các thánh lễ mỗi Chúa Nhật.

Một sáng Chúa Nhật nọ tôi tình cờ gặp được một cha, vị linh mục người Việt Nam nhưng được học tập và truyền chức tại Thái Lan. Tôi tiếp cận cha với tiếng chào lễ phép và xin được nói chuyện với cha nhưng hôm đó vì cha còn nhiều việc phải làm nên chúng tôi kết thúc cuộc nói chuyện rất nhanh. Nhưng không vì thế mà ấn tượng của tôi về cha là ít đi. Tôi về và đi làm bình thường. Tình cờ vào thứ 5 trong tuần đó, cha có ghé vào nhà hàng tôi đang phục vụ để ăn trưa với ba người khác. Tôi vừa phục vụ cha vừa được nói chuyện với cha. Chúng tôi bàn luận về nhiều vấn đề của cuộc sống, công việc. Trước vẻ bề ngoài đây nghiêm nghị nhưng cha rất thân mật trong cách giao tiếp, tôi vô tình kể cho cha nghe chuyện một lần tổ chức sinh hoạt chung cho Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan. Cha rất hài lòng về câu chuyện và những ý kiến của tôi, mặc dù cha đã nhiều lần làm lễ cho người Việt mình. Vì mới đến nên tôi chưa biết điều đó, nhưng những ý kiến của tôi trong cuộc nói chuyện với cha hình như đang được cha lên kế hoạch, vì cha nhìn tôi cười và bảo tôi rằng "Cha sẽ cho con xem bản kế hoạch của cha, 12 giờ Chúa Nhật tại nhà thờ gặp cha nhé ". Tôi rất vui vì được cha để ý quan tâm.

Rồi ngày Chúa Nhật cũng đã đến, theo hẹn tôi gặp cha vào 12 giờ trưa sau khi có một thánh lễ kết thúc... Tôi rất bất ngờ bản kế hoạch của cha là một dịp cắm trại dành cho các anh chị em Việt Nam xa quê hương. Một hoạt động mang nhiều ý nghĩa giúp gắn kết hàng nghìn người đang sống và làm việc tại đây. Trong bản kế hoạch có rất nhiều nghi thức và hoạt động như tĩnh tâm, xưng tội, dâng thánh lễ, ẩm thực Việt và các hoạt động vui chơi, giao lưu văn nghệ. Nhờ sự nhiệt tình và một chút năng khiếu trong văn nghệ tôi đã được cha sắp xếp cho một tiết mục văn nghệ ở hội cắm trại này. Tôi rất háo hức và mong đợi ngày tháng này tới và tôi cũng đã chuẩn bị được một tiết mục cho riêng mình.

Những khi đi làm, rảnh rỗi tôi lại thường suy nghĩ về tương lai, cuộc đời mình. Tôi đã thay đổi và những thay đổi này đã giúp tôi thấy được vẻ đẹp của cuộc sống hơn. Tôi thấy mình như được Chúa thắp sáng cho ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa hi vọng, và tôi nghĩ dù là nhỏ nhoi tôi vẫn muốn mang ngọn lửa ấy đến với mọi người để cùng nhau thắp sáng ngọn lửa cho đời không chỉ bằng lời ca mà bằng cả những hành động..."

Nhưng tại sao Chúa đã vội cắt đứt những hàng chỉ này? Tại sao giới trẻ di dân đang cần các linh mục tuyên úy và các chương trình mục vụ, thế mà Chúa lại vội vã gọi họ ra đi? Chúa có chương trình đặc biệt nào cho nhóm di dân người Việt tại Thái Lan, khi bỗng dưng Ngài muốn họ ngừng dệt đời mình?

Chẳng ai có thể đưa ra một câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, niềm tin giúp chúng ta hiểu rằng một đàng Chúa luôn cần những bàn tay nhân loại để tiếp tục chữa lành, tha thứ, chúc phúc, nhưng mặt khác, thực ra, Ngài cũng chẳng cần đến ai, một cách tuyệt đối. Niềm tin luôn mách bảo cho chúng ta phải chấp nhận trong tin tưởng và bước đi trong hy vọng. Nó mở rộng tầm nhìn và cõi lòng để hân hoan đón nhận chương trình của Thiên Chúa. Kinh Tiền tụng cầu cho người quá cố nhắn nhủ chúng ta: "Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn nơi quê trời".

Qua cuộc đối thoại với cô Martha mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa Chúa Giêsu tái xác quyết: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 11, 25-26). Lúc này, có lẽ Chúa đang hỏi mỗi người chúng ta như đã hỏi cô Maria: "Con có tin thế không?" Và chắc chắn Ngài chờ đợi nơi mỗi người chúng ta lời tuyên xưng giống như cô Martha: Thưa Thầy, con vẫn tin Thầy là Ðức Kitô.

Ðứng tại bàn thờ nhìn xuống quan tài của Giacobê Nguyễn Văn Hanh đặt giữa nhà thờ, tôi chợt nhớ một câu hát thật ý nghĩa: "Người chết nối linh thiêng vào đời". Thật kỳ diệu, tuy cha nằm bất động và chơ vơ ở đó, nhưng đang nối kết bao nhiêu người với nhau, nối kết chúng tôi với cha và nối kết cuộc đời này với cõi vĩnh hằng. Cách đây 42 năm cha đã đến cõi nhân gian này. Bây giờ cha rời bỏ chúng tôi để về Nhà Cha, nơi quê hương vĩnh cửu. Chỉ mới hưởng dương, mãi mãi ở tuổi trung niên. Nhưng, có đến thì có đi. Ðó là chuyện dĩ nhiên, phải không? Có điều: sao đi vội thế?

Ngày 30-6-2007, khi thụ phong linh mục, cha đã chọn một châm ngôn quá độc đáo: "Việc Chúa làm cho tôi, ôi vĩ đại / Ta thấy mình chan chứa một niềm vui". Phải chăng cha muốn ám chỉ cái chết của mình? Phải chăng cha đã lờ mờ linh cảm cái kết thúc khác thường của đời mình? Nếu vậy, rất có thể giữa lúc các thân nhân ruột thịt đang nghẹn ngào "giọt ngắn giọt dài" và các bạn bè đang "nước mắt lưng tròng" nhớ thương cha, thì có lẽ cha vẫn đứng đâu đó, quanh đây, an nhiên tự tại, nheo mắt, mỉm cười hóm hỉnh và giơ tay chào:

Xin vĩnh biệt mọi người,

Tôi ra đi lần cuối.

Không bao giờ trở lại

Hẹn nhau trên Nước Trời.

 

Ða Minh Việt Nam

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page