Tuyên bố 9 điểm của Nghị Hội
Công Giáo - Chính Thống Âu Châu lần thứ 4
Tuyên bố 9 điểm của Nghị Hội Công Giáo - Chính Thống Âu Châu lần thứ 4.
Minks, Belarus (VietCatholic News 10-06-2014) - Theo tin Zenit ngày 5 tháng 6 năm 2014, các tham dự viên Nghị Hội Công Giáo - Chính Thống Âu Châu lần thứ 4 họp tại Minks, Bạch Nga, đã công bố tuyên cáo cuối cùng vào ngày này, sau năm ngày hội họp.
Tuyên cáo gồm 9 điểm trong đó, Nghị Hội cho rằng nơi nào đức tin và nền luân lý Kitô Giáo bị bác bỏ, nơi ấy đều cảm nhận một trống vắng da diết dẫn nhiều người tới thất vọng và chủ nghĩa hư vô. Vì Giáo Hội Kitô cung hiến nhiều giá trị nhất quán qua việc hội nhập nhân loại vào Chúa Kitô, Ðấng vốn là suối nguồn của mọi giá trị chân thực.
Ý nghĩa sâu xa mà đại diện hai Giáo Hội muốn cung ứng là "Ðức tin vào Chúa Kitô không loại bỏ tính đa dạng nhân bản. Nó làm phong phú và phát huy các yếu tố của điều chân và điều thiện vốn hiện diện trong các nền văn hóa của con người".
Năm nay, Nghị Hội Lần Thứ 4 được tổ chức tại Minks, thủ đô Bạch Nga (Belarus), theo lời mời của Thượng Giám Mục (Patriarchal Exarch) Toàn Bạch Nga, Ðức Tổng Giám Mục Pavel của Minks và Sluzk. Các cuộc thảo luận được đặt dưới sự hướng dẫn của Hai Ðồng Chủ Tịch Nghị Hội, là Ðức TGM Gennadios của Sassima thuộc Tòa Thượng Phụ Ðại Kết, và Ðức Hồng Y Péter Erd, Chủ Tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục Công Giáo Âu Châu (CCEE).
Trong buổi khai mạc Nghị Hội, hơn 35 đại biểu của các Giáo Hội Chính Thống Âu Châu và của các Hội Ðồng Giám Mục Công Giáo Âu Châu đã hân hạnh được nghe các sứ điệp gửi Nghị Hội của Ðức Thượng Phụ Ðại Kết Barthôlômêo, của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và của Ðức Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga.
Nghị Hội Công Giáo - Chính Thống Âu Châu lần đầu tiên được tổ chức năm 2008 (11-14 tháng 12) tại Trent, Ý, với chủ đề "gia đình: một thiện ích cho nhân loại"; Nghị Hội lần thứ hai được tổ chức năm 2010 (18-22 tháng 10) tại Rhodes, Hy Lạp, với chủ đề: các liên hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước; Nghị Hội lần thứ ba được tổ chức năm 2012 (5-8 tháng 6) tại Lisbon, Bồ Ðào Nha, với chủ đề: Khủng hoảng kinh tế và nghèo đói. Tất cả đều là những thách đố đối với Âu Châu ngày nay. Chủ đề năm nay là: Tôn Giáo và Tính Ða Dạng Văn Hóa: Các Thách Ðố Ðối Với Các Giáo Hội Kitô Giáo tại Âu Châu. Sau đây là tuyên cáo 9 điểm của Nghị Hội.
Tuyên cáo 9 điểm
Nghị Hội Công Giáo - Chính Thống Lần Thứ Tư về Tôn Giáo và Tính Ða Dạng Văn Hóa: Các Thánh Ðố đối với Các Giáo Hội Kitô Giáo tại Âu Châu được tổ chức tại Minks, Bạch Nga từ 2 tới 6 tháng 6 2014. Tiếp theo các kinh nghiệm tích cực của ba nghị hội trước đây, các tham dự viên thuộc các Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống tại Âu Châu đã thảo luận các thách đố đang đối diện với Kitô Giáo Âu Châu trong một môi trường văn hóa càng ngày càng bị phân cực hơn.
Sau khi trình bày, thảo luận và xem xét chín chắn, Nghị Hội chấp nhận sứ điệp sau đây.
1. Chủ đề "Tôn giáo và tính đa dạng văn hóa: các thách đố đối với các Giáo Hội Kitô Giáo tại Âu Châu" được chọn để đáp ứng lời yêu cầu phát xuất từ các cộng đồng của chúng tôi là các cộng đồng cảm thấy mình bị thách đố một cách mạnh mẽ trước các thay đổi văn hóa và luân lý đang diễn ra tại Âu Châu. Trong 20 năm qua, việc hoàn cầu hóa trên phạm vi thế giới và việc tục hóa trong ngành làm luật tại Âu Châu đối với các vấn đề luân lý đã đặt ra nhiều vấn nạn đòi phải được giải đáp chung. Quan tâm của chúng tôi cũng gia tăng vì thấy rằng diễn trình ra xa lạ giữa Âu Châu và nguồn gốc Kitô Giáo của nó xem ra càng ngày càng gia tốc.
2. Sứ điệp của chúng tôi muốn trước nhất là dấu chỉ hân hoan và hy vọng cho tất cả những ai đang dấn thân vào sứ mệnh của Giáo Hội. Chúng tôi chia sẻ các điều kiện sống của mọi người Âu Châu trong cuộc khủng hoảng kinh tế và văn hóa, và chúng tôi biết rằng nhiều người đang đau khổ và đang đi tìm một lời lẽ đem ý nghĩa lại cho đời họ. Thực vậy, nơi nào đức tin và nền luân lý Kitô Giáo bị bác bỏ, nơi ấy đều cảm nhận một trống vắng da diết dẫn nhiều người tới thất vọng và chủ nghĩa hư vô. Giáo Hội Kitô cung hiến nhiều giá trị nhất quán qua việc hội nhập nhân loại vào Chúa Kitô, Ðấng vốn là suối nguồn của mọi giá trị chân thực. Do đó, Giáo Hội mời gọi thế giới tự biến đổi mình bằng cầu nguyện, thờ phượng và làm chứng cho Chúa Kitô.
3. Chúng tôi chia sẻ với người Âu Châu hiện nay niềm xác tín rằng đức tin Kitô Giáo là nguồn cội đệ nhất đẳng của nền văn hóa và luân lý Âu Châu. Hàng thế kỷ của lịch sử đã chứng kiến tại Phương Ðông và tại Phương Tây sự phong phú phi thường trong các thành tựu văn hóa trên lục địa ta nhờ sự đóng góp của đức tin Kitô Giáo. Thực thế, đức tin đã sản sinh ra văn hóa và văn hóa đã không ngừng được đức tin thách thức. Chúng tôi ghi ơn di sản Kitô Giáo của Âu Châu đã lên khuôn thế giới quan của chúng tôi và đem lại cho các dân tộc Âu Châu các nguyên tắc luân lý của họ.
4. Trong tính đa dạng của nó, các nền văn hóa Âu Châu tất cả đều đã rút tỉa từ các gốc rễ chung của Kitô Giáo. Giống như trong các ngữ cảnh văn hóa khác, ta phải thừa nhận rằng phần đáng kể trong các nền văn hóa của người ta đều dựa vào sự linh hứng của tôn giáo. Nền nhân học Kitô Giáo đã tác động sâu xa lên nền văn hóa Âu Châu. Nhìn nhận Thiên Chúa như Ðấng Tạo Hóa không hư vô hóa lý trí con người mà đúng hơn đem nó lại gần Sự Thật hơn. Kitô Giáo không bao giờ chống lại lý trí và đức tin. Thiên Chúa là Lý Trí trường cửu vốn tạo nên muôn loài đang hiện hữu. Khi mạc khải mình, Người không loại bỏ nhưng đúng hơn đã khẳng định trí khôn của con người. Ðóng góp cao nhất của Kitô Giáo cho lịch sử nhân loại chính là sự liên minh giữa đức tin và lý trí, một liên minh đã sản sinh ra viễn kiến về phẩm giá của từng con người nhân bản, nhu cầu tự do và liên đới, và sự cởi mở trước mầu nhiệm của nhân sinh.
5. Chúng tôi xin nhấn mạnh điều này: đức tin Kitô Giáo bảo đảm chứ không lấy đi việc ta tìm kiếm tự do và hạnh phúc. Ðức tin Kitô Giáo có nghĩa: hoàn toàn chấp nhận Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện trong Giáo Hội của Người nhờ Chúa Thánh Thần. "Vì Thiên Chúa quá yêu thế giới đến độ đã ban Con Một của Người cho thế giới" (Ga 3:16). Do đó, Chúa Kitô không phải là sản phẩm của nền văn hoá nhân bản. Là Thiên Chúa nhập thể, Người thách đố lịch sử và các nền văn hóa của con người. Các Giáo Hội Kitô Giáo chúng tôi làm chứng rằng việc xuất hiện của Chúa Kitô là một biến cố trong các nền văn hóa của các dân tộc chúng tôi. Ðức tin vào Chúa Kitô không loại bỏ tính đa dạng nhân bản. Nó làm phong phú và phát huy các yếu tố của điều chân và điều thiện vốn hiện diện trong các nền văn hóa của con người.
6. Các Giáo Hội Kitô Giáo của Phương Ðông và của Phương Tây không sợ tính đa dạng văn hóa. Kể từ lúc được thành lập, Giáo Hội vẫn đã có tính đa nguyên về văn hóa rồi. Ngay trong các môn đệ của Chúa Giêsu, đã có những phương thức văn hóa khác nhau, như giữa những người nói tiếng Aram và những người nói tiếng Hy Lạp. "Có nhiều dị biệt trong ơn phúc, nhưng chỉ cùng một Thần Khí" (1 Cor 12:4). Kitô Giáo công bố Tin Mừng của Chúa Kitô trong nhiều nền văn hóa nhân bản khác nhau.
7. Tự do tôn giáo là yếu tố yếu tính của đức tin Kitô Giáo. Ðối với chúng tôi, tự do tôn giáo có nghĩa là tự do tìm kiếm và tin theo sự thật. Nó không dựa vào thái độ chủ quan của một cá nhân hay một nhóm, mà dựa vào phẩm giá của mỗi con người nhân bản được tạo nên cho Tuyệt Ðối, cho Sự Thật và cho Thiên Chúa. Luật lệ nào cổ vũ sự dửng dưng tôn giáo, chủ nghĩa duy tương đối hay chủ nghĩa hòa đồng bừa bãi (syncretism), ngay cả vì lòng khoan dung, đều sẽ tiến tới chỗ giản lược quyền căn bản đối với phẩm gia con người vào lãnh vực tư. Ðối với các Giáo Hội Kitô Giáo, phát huy tự do tôn giáo là bước vào cuộc đối thoại đại kết mà không có các chủ nghĩa duy cải đạo, cực đoan chính thống (fundamentalism) hay buông thả luân thường đạo lý.
8. Hố phân cách hiện nay giữa Kitô Giáo và não trạng chính dòng gây ra nhiều hiệu quả trầm trọng cho tương lai các định chế và đời sống Âu Châu. Ngày nay, đối với nhiều người Âu Châu, hiện không còn điểm qui chiếu vững chắc nào để họ lên khuôn tác phong luân lý của họ và lượng giá điều gì đúng điều gì sai nữa, vì họ đang sống dưới ý muốn của "cái tôi chúa tể tự lập". Chủ nghĩa cá nhân dẫn tới chủ nghĩa duy tương đối luân lý. Người ta không còn nể nang gì đối với sự thật khách quan hay ích chung nữa. Hố phân cách giữa quan điểm của các Giáo Hội về tính luân lý và các trào lưu chính của hậu hiện đại hệ nằm ở điểm này: chúng tôi xác tín rằng các nguyên tắc luân lý được Tạo Hóa khắc ghi vào trái tim mọi hữu thể nhân bản, trong khi ngữ cảnh hậu hiện đại cho rằng tính luân lý là điều người ta quyết định theo từng cá nhân. Chúng tôi mời gọi người Âu Châu thừa nhận rằng chìa khóa mở cửa tự do là chấp nhận rằng ta tiếp nhận ta từ Thiên Chúa, chứ không phải ta có thể võ đoán sử dụng mọi sự như thể ta là người sáng tạo ra bản thân mình.
Giữa các nguyên tắc Tin Mừng và các giá trị nhân bản, không hề có sự đối nghịch. Kitô Giáo có nghĩa: mọi điều tốt và thực nơi nhân loại đều được bảo bọc bởi ơn thánh của Chúa Kitô, Ðấng cứu rỗi ta. Thiên Chúa tự hạ xuống hàng nhân tính của ta không phải để triệt tiêu các tiềm năng của nó, mà để hàn gắn điều đang bệnh hoạn và đem nhân tính ta tới chỗ hoàn hảo của nó.
9. Ðức tin và luân lý tính đi đôi với nhau; văn hóa và luân lý tính cũng thế. Ta không nên quên rằng sự tiến bộ vĩ đại thực hiện được trong lịch sử Âu Châu liên quan tới nhân quyền và việc che chở người yếu thế phát xuất từ các nguyên tắc mà Kitô Giáo vốn đem lại cho Âu Châu. Trong tư cách mục tử, chúng tôi muốn tiếp tục đem tới cho giáo dân của chúng tôi những điều tốt nhất trong giáo huấn luân lý của mình và trong tư cách công dân, chúng tôi muốn trình bày giáo huấn này cho các chính phủ và các định chế Âu Châu. Chúng tôi xác tín rằng các cộng đồng Kitô Giáo, một khi chịu rút tỉa linh hứng từ Tin Mừng Chúa Kitô, đều có khả năng hành động như các nhân chứng của những gì là tốt đẹp đối với mọi người.
Trong Chúa Kitô, chúng tôi tìm được nguồn suối linh hứng để canh tân mình và đem chúng tôi tới một cảm thức lớn hơn về trách nhiệm tại Âu Châu và trên thế giới ngày nay.
Vũ Văn An