Ðức Thánh Cha mời gọi

cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô

cho nền hòa bình toàn thế giới

 

Ðức Thánh Cha mời gọi tín hữu cầu nguyện thật nhiều cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô, cho nền hòa bình tại Thánh Ðịa, vùng Trung Ðông và trên toàn thế giới.

Vatican (Vat. 28-05-2014) - Trong buổi tiếp kiến chung hơn 70,000 tín hữu sáng thứ tư 28 tháng 5 năm 2014 tại quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tha thiết mời gọi tín hữu cầu nguyện thật nhiều cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô, cho nền hòa bình tại Thánh Ðịa, vùng Trung Ðông và trên toàn thế giới.

Như qúy vị và các bạn đã biết, Ðức Thánh Cha vừa mới công du ba nước Giordania, Palestine và Israel về, vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với các tín hữu một số cảm tưởng và tâm tình của ngài. Ðức Thánh Cha đã không quên cám ơn các giới chức đạo đời, chính quyền Giordania, Palestine và Israel, cũng như tất cả mọi người đã cộng tác để chuyến viếng thăm được diễn ra thành công tốt đẹp.

Nhắc tới kỷ niệm chuyến viếng thăm và cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và Ðức Thượng Phụ Athenagoras tại Thánh Ðịa cách đây 50 năm, Ðức Thánh Cha nói: Trong Công Ðồng Chung Vaticăng II Ðức Phaolô VI đã khai mạc các chuyến công du ngoài nước Italia của các Giáo Hoàng trong thời hiện đại. Cử chỉ ngôn sứ đó của Giám Mục Roma và Ðức Thượng Phụ Costantinopoli đã đặt viên đá chỉ đường trên lộ trình đau khổ nhưng nhiều hứa hẹn của sự hiệp nhất giữa mọi kitô hữu, và từ đó tới nay đã có các bước tiến ý nghĩa. Vì thế cuộc gặp gỡ của tôi với Ðức Thượng Phụ Bartolomaios, người anh em yêu mến trong Chúa Kitô, đã là cao điểm của chuyến viếng thăm. Chúng tôi đã cầu nguyện tại Mộ Chúa Giêsu cùng với Ðức Thượng Phụ chính thống Giêrusalem Theophilos III và Ðức Thượng Phụ Armeni Tông truyền Bourhan cũng như các Tổng Giám Mục và Giám Mục của các Giáo Hội khác nhau và các cộng đoàn, các giới chức chính quyền dân sự và nhiều tín hữu. Ðức Thánh Cha chia sẻ cảm tưởng của ngài như sau:

Tại đây, nơi đã vang lên lời loan báo sự Phục Sinh, chúng tôi đã cảm thấy tất cả sự cay đắng và khổ đau của các chia rẽ còn hiện hữu giữa các môn đệ Chúa Kitô. Và điều này thật gây đau đớn, gây đau đớn cho con tim. Chúng ta còn chia rẽ. Tại nơi đã vang lên lời loan báo sự Phục Sinh, nơi Chúa Giêsu trao ban sự sống cho chúng ta, chúng ta còn một chút chia rẽ, nhưng nhất là trong buổi cử hành tràn đầy tình huynh đệ, qúy mến và tôn trọng nhau đó, chúng tôi đã cảm thấy mạnh mẽ tiếng nói của vị Mục Tử Nhân Lành Phục Sinh muốn làm cho tất cả mọi con chiên của Người thành một đoàn duy nhất; chúng tôi đã cảm thấy ước mong chữa lành các vết thương còn mở và kiên trì theo đuổi con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn. Một lần nữa, như các vị Tiền Nhiệm đã làm, tôi xin lỗi vì những điều chúng ta đã làm để tạo ra sự chia rẽ này, và tôi xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chữa lành các vết thương mà chúng ta đã gây ra cho các anh em khác. Chúng ta tất cả là anh em trong Chúa Kitô, và với Ðức Thượng Phụ Bartolomaios chúng ta là bạn, là anh em, và chúng tôi đã chia sẻ ước muốn cùng nhau tiến bước, làm tất cả những gì có thể, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau làm việc cho đoàn chiên Chúa, tìm kiếm hòa bình, giữ gìn thụ tạo, chúng ta có chung biết bao nhiêu điều. Và như là anh em chúng ta phải tiến tới.

Một mục đích khác của chuyến hành hương này là khích lệ con đường tiến tới hòa bình trong vùng, là ơn của Thiên Chúa đồng thời cũng là dấn thân của con người. Tôi đã làm điều đó tại Giordania, tại Palestine và Israel. Và tôi đã luôn luôn làm điều đó như người hành hương, nhân danh Thiên Chúa và nhân danh con người, và mang theo trong tim một sự thương cảm lớn lao đối với các con cái của vùng Ðất này đã sống trong chiến tranh từ qúa lâu rồi, và sau cùng họ có quyền biết tới hòa bình! Vì thế tôi đã khuyến khích các kitô hữu để cho mình được Chúa Thánh Thần "xức dầu" với con tim rộng mở và ngoan ngoãn, để luôn có khả năng có các cử chỉ khiêm tốn, huynh đệ và hòa giải. Thần Khí cho phép có các thái độ đó trong cuộc sống thường ngày với các người của các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, và như thế trở thành những "thủ công" của hòa bình. Hòa bình được làm một cách thủ công. Không có các kỹ nghệ chế tạo hòa bình. Nhưng người ta làm hòa bình mỗi ngày một cách thủ công, với con tim rộng mở để ơn của Thiên Chúa tới. Do đó tôi đã khích lệ các kitô hữu để cho mình được "xức dầu".

Tại Giordania tôi đã cám ơn chính quyền và nhân dân vì dấn thân của họ tiếp đón nhiều người tỵ nạn đến từ các vùng chiến tranh, một sự dấn thân nhân bản đáng được và đòi hỏi sự yểm trợ của cộng đồng quốc tế. Tôi đã rất bị ấn tượng bởi lòng quảng đại của nhân dân Giordania tiếp nhận người tỵ nạn, biết bao nhiêu người tỵ nạn trốn chạy chiến tranh, trong vùng này. Xin Chúa chúc lành, chúc lành thật nhiều cho dân tộc hiếu khách này. Và chúng ta phải cầu nguyện để Chúa chúc lành cho sự tiếp đón này và xin anh chị em hãy đòi hỏi tất cả các cơ cấu quốc tế trợ giúp dân tộc này trong công việc tiếp nhận của họ. Ðức Thánh Cha cũng báo cho tín hữu biết sáng kiến của ngài như sau:

Trong chuyến hành hương tại những nơi khác tôi cũng đã khích lệ các chính quyền liên hệ theo đuổi các cố gắng để giảm bớt các căng thẳng trong vùng Trung Ðông, nhất là tại vùng đất Siria bị bầm dập, cũng như tiếp tục tìm kiếm một giải pháp công bằng cho cuộc xung khắc giữa người Palestine và Israel. Vì thế tôi đã mời tổng thống Israel và tổng thống Palestine, cả hai là những người đích thật của hòa bình và tạo dựng hòa bình, đến Vaticăng để cùng tôi cầu nguyện cho hòa bình. Và tôi xin anh chị em đừng để chúng tôi một mình: xin anh chị em cầu nguyện, cầu nguyện nhiều để Chúa ban hòa bình cho chúng ta, ban hòa bình cho vùng đất được chúc phúc ấy! Tôi tin cậy nơi lời cầu nguyện của anh chị em. Hãy cầu nguyện mạnh mẽ, hãy cầu nguyện trong thời gian này, hãy cầu nguyện nhiều để hòa bình tới.

Chuyến hành hương Thánh Ðịa này cũng là dịp củng cố trong đức tin các cộng đoàn kitô, đang đau khổ qúa nhiều, và để bầy tỏ lòng biết ơn của toàn thể Giáo Hội đối với sự hiện diện của các kitô hữu trong vùng này và trong toàn vùng Trung Ðông. Các anh chị em này của chúng ta là các chứng nhân can đảm của niềm hy vọng và tình bác ái, là "muối đất và ánh sáng" trong vùng Ðất này. Với cuộc sống đức tin và lời cầu nguyện của họ và với sinh hoạt giáo dục và bác ái quý báu, họ hoạt động cho sự hòa giải và tha thứ, góp phần vào thiện ích chung của xã hội.

Với chuyến hành hương này là một ơn đích thật của Chúa, tôi đã muốn đem tới một lời hy vọng, nhưng tới lượt mình tôi cũng đã nhận được một lời hy vọng! Tôi đã nhận được nó từ các anh chị em, hy vọng "chống lại mọi hy vọng" (Rm 4,18), qua biết bao nhiêu khổ đau, như các nỗi khổ đau của người chạy trốn quê hương của mình vì các xung khắc; như các nỗi khổ đau của biết bao nhiêu người trong các vùng khác nhau trên thế giới này, bị kỳ thị và khinh rẻ vì niềm tin của họ nơi Chúa Kitô. Chúng ta hãy tiếp tục gần gũi họ! Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và cho nền hòa bình tại Thánh Ðịa và trong vùng Trung Ðông. Ước chi lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội cũng nâng đỡ con đường tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các kitô hữu, để thế giới tin vào tình yêu của Thiên Chúa, là Ðấng đã đến ở giữa chúng ta nơi Ðức Giêsu Kitô. Và giờ đây tôi mời tất cả anh chị em cùng tôi cầu xin Ðức Bà, là Nữ Vương Hòa Bình, Nữ Vương sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô, là "Mẹ" của tất cả mọi kitô hữu: xin Mẹ ban hòa bình cho chúng ta, và cho toàn thế giới, và xin Mẹ đồng hành với chúng ta trên con đường hiệp nhất.

Rồi Ðức Thánh Cha đã cùng tín hữu đọc một kinh Kính Mừng cho ý chỉ này.

Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương bắc Mỹ và Tây âu cũng như các nhóm hành hương đến từ các nước xa như Australia, Nam Phi, Philippines, Indonesia, Mêhicô, Argentina và Brasil. Ðức Thánh Cha đã đặc biệt cám ơn các đoàn hành hương Giordania và Israel vì sự tiếp đón quảng đại và nồng hậu dành cho ngài trong chuyến tông du vừa qua. Ngài giữ gìn các kỷ niệm ấy trong tim và xin Chúa ban cho họ tràn đầy phước lộc, thịnh vượng và một nền hòa bình lâu bền.

Chào các đoàn hành hương Italia, đặc biệt là giới trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Ðức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết tháng 5 kính Ðức Mẹ sắp kết thúc. Ngài xin người trẻ biết chạy đến ẩn náu nơi Ðức Mẹ khi gặp khó khăn, người đau yếu can đản đương đầu với thập giá mỗi ngày lấy Ðức Mẹ làm điểm quy chiếu. Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biến gia đình thành tổ ấm cầu nguyện và thông cảm lẫn nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page