Ðức Phanxicô và Ðức Barthôlômêô
tại buổi cầu nguyện đại kết
Ðức Phanxicô và Ðức Barthôlômêô tại buổi cầu nguyện đại kết.
Jerusalem (VietCatholic News 26-05-2014) - Trong một buổi cử hành đầy tính biểu tượng tại Vương Cung Thánh Ðường Mộ Thánh vào Chúa Nhật 25 tháng 5 năm 2014, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và Ðức Thượng Phụ Barthôlômêô I nói tới quyết tâm chung của các ngài trong việc làm cho lời cầu nguyện hợp nhất của Chúa Kitô được đáp ứng.
Theo tin Zenit, trước buổi cử hành đại kết, hai vị đã ký một tuyên bố chung. Và chính trong buổi cử hành chung này, Thượng Phụ Barthôlômêô đã giảng lễ và sau đó, Ðức Phanxicô đã có bài phát biểu đáp lễ. Sau đó, các vị đã tiến vào Mộ Thánh để tôn kính ngôi mộ trống, rồi bước lên Vương Cung Thánh Ðường để chúc lành cho dân chúng. Sau đó, các vị tiếp tục lên Ðồi Calvariô, với sự tháp tùng của hai thượng phụ Hy Lạp và Ácmêni cũng như vị Trông Coi Ðất Thánh, để tôn kính nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết.
Các Vị Bản Quyền tại Ðất Thánh, Tổng Giám Mục Mục Syria, Tổng Giám Mục Êtiôpia, Giám Mục Anh Giáo, Giám Mục Luthêrô, và nhiều vị khác cùng tham dự buổi cử hành. Cũng có sự hiện diện của năm vị tổng lãnh sự năm nước bảo đảm "nguyên trạng" của Vương Cung Thánh Ðường là Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp, cũng như các vị lãnh sự của "Corpus separatum" dành cho Jerusalem là Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương Quốc Thống Nhất (Anh).
Theo tương truyền, Mộ Thánh là nơi chôn cất, nơi chịu đóng đinh và sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Sau việc dẹp tan cuộc nổi dậy của người Do Thái vào năm 135, Giêrusalem kinh qua một thay đổi căn để: người Do Thái, người Samaria và người Kitô hữu gốc Do Thái đều bị tống xuất và bị cấm hồi hương. Với ý định triệt hạ mọi vết tích tôn giáo từng khích động hai cuộc tạo loạn, Hadrian đã cho phá hủy mọi nơi thờ phượng, và Mộ Thánh cũng cùng chịu chung một số phận: nó bị san bằng và một đền thờ dâng kính nữ thần Venus-Ishtar được xây lên trên đó. Thời Công Ðồng Chung Nixêa thứ nhất, giám mục Giêrusalem là Macarius, đã kêu mời Hoàng Ðế Constantinô trùng tu lại Mộ Thánh mà kỳ diệu thay vẫn còn nguyên vẹn dưới đống gạch vụn. Vương Cung Thánh Ðường Phục Sinh đã được xây tại đó theo yêu cầu của Hoàng Hậu Helena, mẹ Constantinô, và sau đó kinh qua một lịch sử đầy sóng gió của nhiều thế kỷ về sau. Viên đá che cửa mộ bị đập bể trong cuộc xâm lăng của người Ba Tư vào năm 614 và sau đó chịu nhiều thiệt hại hơn nữa cho tới năm 1099 khi các Thập Tự Quân quyết định bao gồm mọi đền đài dâng kính cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô vào một tòa nhà duy nhất; tòa nhà này vẫn còn nguyên vẹn cho tới tận cuối thế kỷ 19. Sau đó, nó bị nhiều hư hại do trận động đất năm 1927 và cuộc chiến tranh Ả Rập - Do Thái đầu tiên năm 1948.
Vương Cung Thánh Ðường tiếp tục được quản trị theo "nguyên trạng" và là tài sản của ba cộng đồng: La Tinh (đại diện bởi Dòng Phanxicô), Chính Thống Hy Lạp và Chính Thống Ácmêni; các Giáo Hội Chính Thống Coptic, Syria và Êtiôpia có thể cử hành tại Vương Cung Thánh Ðường. Tại phòng lớn ngay cửa ra vào, có Phiến Ðá Xức Dầu, tương truyền là nơi Chúa Giêsu, khi được tháo từ trên thánh giá xuống, được xức dầu tại đó.
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Barthôlômêô được tiếp đón bởi ba vị bề trên của ba cộng đồng "nguyên trạng" tức Chính Thống Hy Lạp, Dòng Phanxicô và Tông Truyền Ácmêni. Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp của Giêrusalem là Theophilos III và Vị Trông Coi Ðất Thánh là Cha Pierbattista Pizzaballa, Dòng Phanxicô, và Thượng Phụ Tông Truyền Ácmêni là Tổng Giám Mục Nourhan Manougian, tôn kính Phiến Ðá Xức Dầu, tiếp theo đó là Ðức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Ðại Kết.
Theo hãng tin Catholic News Service, Ðức Phanxicô và Ðức Barthôlômêô tới công trường Nhà Thờ Mộ Thánh lúc gần 8 giờ tối ngày 25 tháng 5 năm 2014. Các vị tới từ hai phía đối nghịch và gặp nhau taị giữa công trường, nơi hai vị ôm hôn nhau trước khi bước vào Nhà Thờ.
Ở bên trong Nhà Thờ, các vị tham dự buổi cầu nguyện chung với đại diện của ba cộng đồng "nguyên trạng" là các cộng đồng cùng quản lý tòa nhà. Biến cố này hết sức ngoại thường vì ba cộng đồng thường giữ khoảng phân cách rất ngặt nghèo khi cầu nguyện trong nhà thờ. Cũng có nhiều đại diện các Giáo Hội khác tham dự buổi cử hành đại kết này.
Thoạt đầu buổi cầu nguyện, với các bài thánh ca và bài đọc bằng tiếng Hy Lạp và La Tinh, Ðức Giáo Hoàng và Ðức Thượng Phụ qùy gối và cùng nhau cầu nguyện trước Phiến Ðá Xức Dầu. Cả hai vị đều đọc một bài nói ngắn. Ðức Barthôlômêô giảng lễ trước bằng tiếng Anh. Ðức Phanxicô đọc diễn văn bằng tiếng Ý.
Sau đó, hai vị mới tiến vào chính Mộ Thánh. Các vị quỳ gối và hôn kính Mộ Thánh. Ra khỏi Mộ Thánh, các ngài leo lên Ðồi Calvariô để thắp nến tại nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Hai vị đã dành cho nhau hơn một tiếng đồng hồ, gấp đôi thời gian đã dự định.
Ðiều ấy cũng dễ hiểu vì Tòa Thánh vốn nhấn mạnh rằng cuộc gặp gỡ giữa Ðức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Ðại Kết là lý do chính của cuộc viếng thăm 3 ngày tại Ðất Thánh của ngài. Hai nhà lãnh đạo dự trù gặp nhau tất cả bốn lần trong suốt chuyến viếng thăm. Huy hiệu chính thức của cuộc viếng thăm là con thuyền với hai Thánh Tông Ðồ Anh Em là Phêrô và Anrê ôm nhau trên đó. Thánh Phêrô sáng lập ra Giáo Hội Rôma. Thánh Anrê sáng lập ra Giáo Hội Constantinople.
Hôm 25 tháng 5 năm 2014, chúng tôi đã cho đăng Tuyên Bố Chung của hai vị. Hôm nay (26 tháng 5 năm 2014), xin đăng tải hai bài nói của hai vị tại Buổi Cầu Nguyện Chung:
Diễn văn của Ðức Phanxicô tại buổi cầu nguyện chung với Thượng Phụ Barthôlômêô
Thưa Ðức Thượng Phụ
Các hiền huynh giám mục
Anh chị em thân mến
Trong Vương Cung Thánh Ðường này, vương cung thánh đường mà mọi Kitô hữu đều hết lòng tôn kính, cuộc hành hương của tôi với sự đồng hành của người anh em quí yêu trong Chúa Kitô là Ðức Thượng Phụ Barthôlômêô, đã đạt tới đỉnh cao của nó. Chúng tôi thực hiện cuộc hành hương này theo vết chân các vị tiền nhiệm đáng kính của chúng tôi, là Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và Ðức Thượng Phụ Athenagoras, những vị, với lòng can đảm và vâng phục Chúa Thánh Thần, 50 năm trước đây, đã làm thành khả hữu tại thành thánh Giêrusalem này, cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Giám Mục Rôma và Thượng Phụ Constantinople. Tôi xin thân ái kính chào tất cả quí vị đang hiện diện nơi đây. Một cách đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tận đáy lòng tôi với những ai đã làm cho giây phút này thành khả hữu: Ðức Cha Theophilos, người đã chào mừng chúng tôi một cách ân cần đến thế, Ðức Cha Nourhan Manoogian và Cha Pierbattista Pizzaballa.
Thật là một ơn phúc ngoại thường được tụ họp ở đây để cầu nguyện. Ngôi mộ trống, ngôi mộ mới trong vườn nơi Giuse thành Arimatêa đã cung kính đặt xác Chúa Giêsu vào, là nơi từ đó lời công bố phục sinh đã bắt đầu: "Ðừng sợ; tôi biết các bà đang kiếm Chúa Giêsu bị đóng đinh. Người không ở đây, vì Người đã sống lại, như chính Người đã nói. Hãy đến mà xem nơi Người đã nằm. Rồi hãy đi mau để nói cho các môn đệ Người hay 'Người đã sống lại từ cõi chết'" (Mt 28:5-7). Lời công bố này, được xác nhận bởi chứng từ của những người được Chúa hiện ra, là tâm điểm của sứ điệp Kitô Giáo, được trung thành chuyển giao hết thế hệ này sang thế hệ nọ, như Tông Ðồ Phaolô, ngay từ những ngày đầu, đã làm chứng: "Tôi chuyển giao cho anh em như một điều có tầm quan trọng hàng đầu điều mà chính tôi đã tiếp nhận: đó là Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như Thánh Kinh đã nói, và Người đã được chôn cất và đã sống lại vào ngày thứ ba, đúng như lời Thánh Kinh" (1 Cor 15:3-4). Ðây là căn bản của đức tin vốn liên kết chúng ta, qua đó, chúng ta cùng nhau tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô, Con Một Chúa Cha và là Chúa duy nhất của chúng ta, "đã chịu nạn thời quan Phôngxiô Philatô, chịu đóng đinh, chịu chết và chịu táng xác; xuống ngục tổ tông; đến ngày thứ ba sống lại" (Kinh Tin Kính). Mỗi người chúng ta, mọi người đã được rửa tội trong Chúa Kitô, đều đã sống lại cách thiêng liêng từ ngôi mộ này, vì trong phép rửa, tất cả chúng ta thực sự đã trở thành chi thể của thân xác Ðấng vốn Sinh Ra trước hết trong tạo dựng; chúng ta đã được mai táng cùng với Người, để cũng được trỗi dậy với Người và bước đi trong nét mới mẻ của sự sống (xem Rm 6:4).
Chúng ta hãy để mình tiếp nhận ơn thánh đặc biệt của giây phút này. Chúng ta im lặng cung kính trước ngôi mộ trống này để tái khám phá ra sự cao cả trong ơn gọi làm Kitô hữu của mình: chúng ta là những con người nam nữ của phục sinh, chứ không phải của chết chóc. Từ nơi này, chúng ta học cách biết sống cuộc sống của mình, các thử thách của các Giáo Hội chúng ta và của toàn thế giới, dưới ánh sáng buổi sáng Phục Sinh. Mọi thương tích, mọi vết thương đau đớn và sầu khổ của chúng ta, đã được đôi vai vị Mục Tử Nhân Lành gánh lấy, Ðấng dã tự hiến dâng làm lễ hy sinh và nhờ đó đã mở đường cho ta vào sự sống đời đời. Các vết thương mở toang của Người là khe mở qua đó dòng suối xót thương của Người tuôn chẩy ra khắp thế giới. Chúng ta đừng tự để mình bị cướp đi căn bản hy vọng của mình! Chúng ta đừng làm cho thế giới mất hết sứ điệp hân hoan của phục sinh! Và ta đừng để mình ra điếc đối với lời kêu gọi mạnh mẽ phải hợp nhất, một lời kêu gọi đang vang lên từ chính nơi này, bằng chính lời lẽ của Ðấng, khi sống lại từ cõi chết, từng gọi chúng ta là "anh em của Thầy" (xem Mt 28:10; Ga 20:17).
Rõ ràng chúng ta không thể chối bỏ các chia rẽ vẫn còn tiếp tục hiện hữu giữa chúng ta, các môn đệ của Chúa Giêsu: nơi thánh thiêng này làm chúng ta càng ý thức một cách đau đớn hơn nữa các chia rẽ ấy gây thảm kịch như thế nào. Ấy thế nhưng, 50 năm sau cái ôm hôn của hai bậc Cha đáng kính trên, chúng ta biết ơn và bỡ ngỡ hiểu ra cách, với ơn thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, làm thế nào để có thể dấn những bước có ý nghĩa tiến tới hợp nhất. Chúng ta biết rằng vẫn còn cần phải đi thật xa nữa chúng ta mới đạt tới sự hiệp thông viên mãn, một sự hiệp thông cũng có thể được diễn tả qua việc chia sẻ cùng một bàn Thánh Thể, một điều chúng ta hết sức thèm muốn; ấy thế nhưng, các bất đồng của chúng ta không nên làm chúng ta khiếp đảm và làm các tiến bộ của chúng ta ra tê liệt. Chúng ta cần tin rằng, như viên đá trước mộ đã được lăn ra thế nào, thì mọi trở ngại cho việc hiệp thông trọn vẹn của chúng ta cũng sẽ bị loại bỏ như thế. Ðây sẽ là một ơn phúc của phục sinh, một ơn mà ngay cả hôm nay chúng ta cũng có thể đã được nếm thử. Mỗi lần chúng ta xin tha thứ cho nhau vì tội lỗi chống lại các Kitô hữu khác và mỗi lần chúng ta tìm được can đảm để ban và để nhận sự tha thứ ấy, chúng ta đều cảm nhận được sự phục sinh! Mỗi lần chúng ta để lại sau lưng các thiên kiến lâu đời và tìm được can đảm để xây dựng các liên hệ anh em mới, ta đều tuyên xưng rằng Chúa Kitô quả đã sống lại! Mỗi lần chúng ta suy nghĩ về tương lai Giáo Hội dưới ánh sáng lời kêu gọi hợp nhất, hừng đông của Phục Sinh cũng đều bừng sáng! Ở đây, tôi xin nhắc lại niềm hy vọng từng đã được các vị tiền nhiệm của tôi phát biểu về cuộc đối thoại liên tục với mọi anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô, nhằm tìm ra phương thế để thi hành thừa tác vụ đặc biệt của Giám Mục Rôma, một thừa tác vụ, dù trung thành với sứ mệnh của ngài, vẫn có thể cởi mở đối với tình thế mới và, trong bối cảnh hiện nay, vẫn có thể là một việc phục vụ của tình yêu và của hiệp thông được mọi người thừa nhận (xem Gioan Phaolô II, Ut Unum Sint, 95-96).
Ðứng tại các nơi thánh này như những người hành hương, trong lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta cũng nhớ tới toàn thể Trung Ðông, thường xuyên và một cách đáng trách được đánh dấu bằng các hành vi bạo lực và tranh chấp. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho nhiều người nam nữ khác tại các phần khác nhau trên thế giới đang khốn khổ vì chiến tranh, nghèo nàn và đói khát, cũng như nhiều Kitô hữu đang bị bách hại vì đức tin vào Chúa phục sinh của họ. Khi Kitô hữu thuộc các tuyên tín khác nhau cùng chịu đau khổ với nhau, bên cạnh nhau, và giúp đỡ nhau bằng tình bác ái huynh đệ, ở đấy phát sinh ra đại kết đau khổ, một đại kết máu, chứng tỏ hết sức mạnh mẽ không những đối với các hoàn cảnh trong đó nó diễn ra, mà nhờ hiệp thông các thánh, còn đối với toàn thể Giáo Hội nữa.
Thưa Thượng Phụ, người anh em qúi yêu, thưa tất cả anh chị em, chúng ta hãy để qua một bên các nghi ngại chúng ta thùa hưởng từ quá khứ và hãy mở rộng cõi lòng ta cho hành động của Chúa Thánh Thần, Thần Khí của yêu thương (xem Rm 5:5) và của sự thật (xem Ga 16:13), để cùng nhau vội tiến về ngày diễm phúc khi sự hiệp thông trọn vẹn được tái lập. Khi thực hiện cuộc hành trình này, chúng ta cảm thấy được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện mà chính Chúa Giêsu, ngay tại thành phố này, trước ngày Người chịu thống khổ, chịu chết và phục sinh, đã dâng lên Chúa Cha cho các môn đệ của Người. Lời cầu nguyện này là lời cầu nguyện mà chúng ta, trong khiêm tốn, không bao giờ mệt mỏi biến thành của riêng mình: "để chúng nên một... để thế giới tin" (Ga 17:21)
Bài giảng của Thượng Phụ Barthôlômêô trong buổi cầu nguyện chung
Thưa Ðức Thánh Cha và là người anh em qúi yêu trong Chúa Kitô,
Thưa Ðức Thượng Phụ của Thành Thánh Giêrusalem, và là người anh em và người đồng tế rất yêu thương trong Chúa,
Thưa quí Hồng Y, quí giám mục, và các đại diện rất đáng kính của các Giáo Hội và tuyên tín Kitô Giáo,
Anh chị em quí mến,
Quả thật kính sợ, xúc động và tôn kính khi chúng ta đứng trước "nơi Chúa nằm", ngôi mộ ban sự sống mà từ đó sự sống đã trào dâng. Và chúng ta xin dâng vinh quang lên Thiên Chúa rất từ nhân, Ðấng đã làm cho chúng ta, các tôi tớ bất xứng của Người, thành xứng đáng được hưởng ơn phúc trọng đại trở thành người hành hương tại nơi mà mầu nhiệm cứu rỗi thế giới đã diễn ra. "Nơi này kính sợ xiết bao! Ðây không phải là gì khác mà chính là nhà Thiên Chúa, và đây là cổng thiên đàng" (St 28:17).
Chúng ta đã tới như những người đàn bà mang mộc dược, vào ngày thứ nhất trong tuần, "để thăm ngôi mộ" (Mt 28:1), và giống như họ, cả chúng ta nữa cũng nghe thấy lời khuyên của thiên thần "đừng sợ". Hãy loại bỏ khỏi trái tim các bạn mọi sợ sệt; đừng do dự; đừng thất vọng. Ngôi mộ này tỏa ra các sứ điệp can đảm, hy vọng và sự sống.
Sứ điệp trước nhất và lớn nhất từ Ngôi Mộ trống này là sự chết, "kẻ thù cuối cùng" của chúng ta (xem 1Cor 15:26), nguồn gốc của mọi sợ sệt và thống khổ, đã bị đánh bại; nó không còn giữ được lời cuối cùng trong cuộc sống chúng ta. Nó đã bị vượt thắng bởi tình yêu, bởi Ðấng đã tự ý chấp nhận cái chết vì người khác. Mọi cái chết vì tình yêu, vì một ai khác, đều biến thành sự sống, sự sống thực. "Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết, nhờ cái chết đã đè bẹp cái chết, và với những người trong mồ Người đã ban cho sự sống".
Như thế, đừng sợ sự chết; nhưng cũng đừng sợ sự dữ, bất kể nó mang hình thức nào trong đời sống chúng ta. Thánh Giá Chúa Kitô đã thu hết mọi mũi tên của sự dữ: hận thù, bạo lực, bất công, đau đớn, sỉ nhục, tất cả mọi sự người nghèo, người yếu thế, người bị áp bức, người bị bóc lột, người bị đẩy ra bên lề và người thất sủng trong thế giới chúng ta phải chịu. Tuy nhiên, hãy an tâm tin tưởng, tất cả các bạn đang bị hành khổ ở đời này, rằng, y hệt như trường hợp Chúa Kitô, Phục Sinh sẽ tới sau thánh giá; hận thù, bạo lực và bất công không có triển vọng; và tương lai thuộc về công lý, tình yêu và sự sống. Cho nên, các bạn nên cố gắng hướng tới đích nhắm này bằng mọi tài nguyên mà các bạn vốn có trong tình yêu, trong đức tin và trong nhẫn nại.
Dù sao, còn có một sứ điệp nữa phát sinh từ Ngôi Mộ đáng kính này mà chúng ta đang đứng ở phía trước vào lúc này. Sứ điệp này nói rằng lịch sử không thể nào bị thảo chương; lời tối hậu trong lịch sử không thuộc con người, mà thuộc Thiên Chúa. Những tên lính canh của quyền lực thế tục canh chừng Ngôi Mộ này cách vô ích. Chẳng ích chi khi họ đặt tảng đá lớn ở cửa Mộ mong cho không có ai lăn được nó. Vô ích thay các chiến lược dài hạn của những người quyền thế trên thế gian, mọi sự nhiên hậu đều tùy thuộc sự phán xét và thánh ý Thiên Chúa. Mọi cố gắng của nhân loại hiện thời nhằm tự mình lên khuôn tương lai của mình không cần tới Thiên Chúa đều chỉ tạo nên tính cao ngạo vô ích.
Sau cùng, Ngôi Mộ thánh thiêng này mời gọi chúng ta bỏ đi một nỗi sợ khác nữa, một nỗi sợ có lẽ thịnh hành nhất trong thời hiện đại của chúng ta: đó là nỗi sợ người khác, sợ người khác với mình, sợ người tin theo một đức tin khác, một tôn giáo khác hay một tuyên tín khác. Kỳ thị sắc tộc hay mọi hình thức kỳ thị khác vẫn còn đang phổ biến trong nhiều xã hội đương thời của chúng ta; tệ hơn nữa, chúng còn thẩm thấu vào đời sống tôn giáo của người ta nữa. Chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo vốn đang đe dọa nhiều vùng trên thế giới, nơi mà cả chính hồng phúc sự sống cũng bị hy sinh trên bàn thờ của hận thù tôn giáo. Ðứng trước những điều kiện như thế, sứ điệp của Ngôi Mộ đem lại sự sống này quả là cấp thiết và rõ ràng: yêu người khác, cái người khác khác với bạn, những tín hữu của các niềm tin khác và các tuyên tín khác. Yêu họ như anh chị em bạn. Hận thù dẫn tới chết chóc, trong khi yêu thương "loại trừ sợ sệt" (1 Ga 4:18) và dẫn tới sự sống.
Thưa Ðức Thánh Cha,
Anh chị em thân mến,
Năm mươi năm trước đây, hai nhà lãnh đạo Giáo Hội vĩ đại, là Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI và Ðức Cố Thượng Phụ Ðại Kết Athenagoras, đã loại trừ sợ sệt; các ngài đã loại trừ khỏi chính các ngài niềm sợ hãi vốn thịnh hành cả một thiên niên kỷ, một nỗi sợ hãi đã cầm giữ hai Giáo Hội cổ xưa, là Giáo Hội Tây Phương và Giáo Hội Ðông Phương, ở một khoảng phân cách nhau thật xa, đôi lúc còn đặt hai Giáo Hội này ở thế chống đối nhau nữa. Thay vào đó, khi đứng trước khoảng không gian thánh thiêng này, các ngài đã trao sợ sệt để đổi lấy yêu thương. Và thế là ở đây, chúng tôi với Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, như những người kế nhiệm các ngài, đang theo vết chân các ngài và đang tôn kính sáng kiến lịch sử của các ngài. Chúng tôi đã trao đổi cho nhau cái ôm hôn của tình yêu, dù vẫn còn đang tiếp tục con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn với nhau trong yêu thương và chân lý (Eph. 4.15) ngõ hầu "thế gian tin" (Ga 17:21), không có đường nào khác dẫn tới sự sống ngoài đường yêu thương, hòa giải, hòa bình đích thực và trung thành với Sự Thật.
Ðó là con đường mà mọi Kitô hữu đều được mời gọi bước theo trong các liên hệ của họ với nhau, bất kể họ thuộc Giáo Hội nào hay tuyên tín nào, nhờ thế, cung hiến được một điển hình cho mọi người khác trên thế giới. Con đường này có thể dài và gay go; thực thế, đối với một số người, đôi lúc xem ra nó là một ngõ cụt. Tuy nhiên, nó là con đường duy nhất dẫn tới việc thành tòan thánh ý Chúa rằng "[các môn đệ của Người] nên một" (Ga 17:21). Chính thánh ý Thiên Chúa này đã mở đường cho nhà lãnh đạo đức tin của chúng ta bước đi, đó là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã chịu đóng đinh và đã sống lại tại nơi thánh thiêng này. Vinh quang và quyền năng thuộc về Người, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn đời. Amen.
"Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau; vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa" (1Ga 4:7).
Vũ Văn An