Ðức Thánh Cha Phanxicô
sẽ cử hành Phụng Vụ đại kết
tại nhà thờ Thánh Mộ
Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Phụng Vụ đại kết tại nhà thờ Thánh Mộ.
Jerusalem (VietCatholic News 25-05-2014) - Một trong những điểm nổi bật trong chuyến tông du của Ðức Thánh Cha Phanxicô đến Thánh Ðịa Giêrusalem là cuộc gặp gỡ với Thượng Phụ Ðại kết của Chính thống giáo là Bartholomêô Ðệ Nhất, và là buổi cử hành Phụng Vụ đại kết tại Nhà Thờ Thánh Mộ.
Buổi lễ bao gồm đại diện của 5 cộng đoàn Kitô hữu duy trì một sự hiện diện lịch sử tại thánh địa lớn nhất của Kitô giáo - Ðó là cộng đoàn Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền.
Trong thời kỳ đế quốc Ottoman cai trị Giêrusalem, thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Ðế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Ðệ Tam đưa ra vào năm 1853 đã quy định Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại 4 đền thờ tại Thánh Ðịa Giêrusalem, trong đó có Nhà Thờ Thánh Mộ.
Cha Athanasius Macòra, người đại diện cho Giáo Hội Công Giáo trong việc giám sát việc thi hành thỏa ước Nguyên Trạng giải thích rằng thoả ước này tuyên bố rằng những đền thờ, và các cử hành, giờ giấc... phải được duy trì như tình trạng hiện nay và không có thay đổi nào có thể được thực hiện bởi bất kỳ cộng đồng Kitô nào, hoặc ngay cả chính phủ. Ðiều đó có nghĩa là "về cơ bản, không có thay đổi nào được cho phép."
Như thế, cử hành Phụng Vụ đại kết tại nhà thờ Thánh Mộ là một ngoại lệ so với thỏa ước Nguyên Trạng. Tuy nhiên, vì tất cả các cộng đoàn đều đồng ý nên cử hành này có thể được diễn ra và loé lên hy vọng cho sự hiệp nhất Kitô ngay trong phạm vi đền thờ Thánh Mộ.
Nhà thờ Thánh Mộ - Holy Church of the Holy Sepulchre là danh từ của Công Giáo, người Chính Thống Giáo Hy Lạp và Giáo Hội Armenia Tông Truyền gọi là nhà thờ Phục sinh - Holy Church of Resurrection - nằm phía bên trong bức tường than khóc trong khu vực cổ thành Giêrusalem, kế cận với đồi Golgotha (hay còn gọi là đồi Can Vê nơi Chúa Giêsu đã bị đóng đinh vào thập giá). Theo truyền thống, nhà thờ đã được xây dựng trên khu mộ Chúa Giêsu đã được táng xác.
Trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, đây được xem là nơi thánh thiêng bậc nhất của Kitô Giáo. Thế nhưng đến thế kỷ thứ hai, hoàng đế Hadrianus đã cố ý cho đổ đất lấp hết những dấu tích của Kitô giáo, rồi xây đền thờ nữ thần Aphrodite, là một thứ nữ thần sắc đẹp như kiểu thần Vệ Nữ.
Sau khi đón nhận đức tin Công Giáo, năm 325, Ðại Ðế Constantine đã truyền phá hủy đền thờ nữ thần Aphrodite và cho đào bới khu vực này để tìm lại các dấu tích thánh thiêng của Kitô Giáo. Mẹ nhà vua là nữ hoàng Helena đã hiện diện từ năm 326 tại địa điểm này để đích thân giám sát các cuộc khai quật và xây dựng nhà thờ mới.
Theo dòng lịch sử, Giêrusalem đã bị phá hủy ít nhất hai lần, bị bao vây 23 lần, bị tấn công 52 lần, và bị chiếm và tái chiếm lại 44 lần. Số phận của ngôi nhà thờ này cũng trôi nổi theo những thăng trầm của thành Thánh Giêrusalem.
Ngôi nhà thờ mà chúng ta thấy hiện nay đã được tái thiết từ đống tro tàn vào thế kỷ thứ 12.
Ðặng Tự Do