Ðức Phanxicô tới Bêlem
Ðức Phanxicô tới Bêlem.
Jordan (VietCatholic News 25-05-2014) - Ðức Phanxicô đã tới Bêlem thuộc West Bank trong chuyến viếng thăm Ðất Thánh ba ngày của ngài. Ngài đã cử hành thánh lễ ngoài trời cạnh Nhà Thờ Giáng Sinh ở đây cho khoảng 8,000 Kitô hữu địa phương.
Mục đích chính của chuyến đi là cải thiện các liên hệ với Giáo Hội Chính Thống. Tuy nhiên, các phóng viên cho rằng người Palestine hy vọng có được một sự biểu lộ hỗ trợ do chuyến viếng thăm này đem lại vì Ðức Giáo Hoàng tới chỉ sau khi các cuộc đàm phán hòa bình với Israel bị đổ vỡ.
Các viên chức Palestine vốn nhấn mạnh rằng Ðức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên du hành thẳng tới West Bank hơn là qua ngả Israel. Nhiều người Palestine coi việc đó như một thừa nhận đối với cố gắng nhằm vận động cho tư cách nhà nước của họ.
Gần tới chuyến đi, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Hồng Y Pietro Parolin lên tiếng bênh vực quyền của Palestine có một quê hương "có chủ quyền và độc lập" và cho rằng cuộc du hành của Ðức Giáo Hoàng sẽ dẫn tới "các quyết định can đảm" về hòa bình.
Các bạo hành đối với Kitô hữu Palestine
Lela Gilbert của FoxNews cho hay hôm Chúa Nhật (25/05/2014) và thứ Hai (26/05/2014), Ðức Phanxicô sẽ tới thăm các lãnh thổ Palestine và Do Thái. Ngài sẽ dành phần lớn ngày Chúa Nhật để viếng Bêlem, nơi đường xá đã được sửa chữa, cờ quạt được giăng lên, các ban nhạc quân hành được tập dượt, và các chuẩn bị về an ninh đã được tổ chức kỹ lưỡng.
Công chúng sẽ chào đón Ðức Giáo Hoàng tại Nhà Thờ Giáng Sinh, nơi truyền tụng Chúa Giêsu đã sinh ra, và là nơi Ðức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ lúc 11 giờ sáng. Việc ngài đến sẽ được hàng đoàn người địa phương hân hoan đón chào, mong nghe được những lời chúc lành và hứa hẹn hòa bình.
Còn Ðức Giáo Hoàng, ngài sẽ nghe được gì ở Bêlem? Trong một cuộc gặp gỡ dự trù với Thẩm Quyền Palestine, chắc chắn ngài sẽ được nghe các chính trị gia địa phương nói tới sự kiện thành phố chịu nhiều đau khổ về kinh tế do hàng rào an ninh của Do Thái bao vây. Ngài cũng dự tính sẽ gặp các trẻ em Palestine tại trại tị nạn Dehaishe và tại đây, chắc chắn ngài sẽ nhận được nhiều ta thán về cuộc "chiến đóng".
Gilbert tự hỏi: nhưng là cuộc chiếm đóng nào? Cô cho rằng trong nhiều thế kỷ, Bêlem vốn là thành phố Kitô Giáo, với tín hữu chiếm tới 80% dân số chỉ cách nay chừng 50 năm. Tuy nhiên, ngày nay, họ chỉ chiếm chưa tới 15% và tỷ số này tiếp tục xuống dốc. Bêlem càng ngày càng bị người Hồi Giáo "chiếm đóng", và không ít người trong số họ đang tạo áp lực mạnh lên các người láng giềng Kitô Giáo của họ.
Christy Anastas, một Kitô hữu trẻ, đã dám phá im lặng ra một cuốn video hồi tháng Tư vừa qua mô tả thực trạng cuộc sống của cô và của gia đình cô tại Bêlem: họ phải chịu nhiều bất công, thiếu tự do ngôn luận và phụ nữ bị bạo hành. Chú cô vì từ khước không trả thuế tôn giáo đã bị hạ sát ngay trước cửa nhà.
Nhờ lòng can đảm của Christy, nhiều Kitô hữu khác cũng đã lên tiếng về các bạo hành do người Hồi Giáo Palestine gây ra cho họ. Gilbert mong Ðức Phanxicô nghe được tiếng nói của họ, thay vì chỉ bị bao quanh bởi 1 chiều dư luận thuần Palestine.
Ủng hộ nhà nước Palestine
Karin Laub và Nicole Winfield của Associated Press cũng cho rằng Ðức Phanxicô tới Bêlem để ủng hộ giải pháp nhà nước Palestine. Bằng chứng: ngài tới thẳng West Bank, không qua ngả Israel như các vị giáo hoàng trước ngài. Ðúng thế, ngài dùng trực thăng của Giócđăng bay thẳng từ Amman tới Bêlem và tiến thẳng vào nghi thức nghinh đón chính thức và gặp gỡ chủ tịch Mahmoud Abbas.
Theo Hanan Ashrawi, một Kitô hữu Palestine và là viên chức cao cấp trong Tổ Chức Giải Phóng Palestine, thì đây là một thừa nhận mặc nhiên đối với nhà nước Palestine.
Tháng 11 năm 2012, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đã áp đảo thừa nhận "nhà nước Palestine" ở West Bank, Gaza và Ðông Giêrusalem, các lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967, như là một quan sát viên không phải là thành viên. Sự thừa nhận này hiện có ý nghĩa hết sức nhỏ nhoi trên thực tế, vì Israel vẫn đang kiểm soát trọn vẹn Ðông Giêrusalem và West Bank.
Tuy nhiên, sự thừa nhận trên cũng đủ cho phép Palestine bắt đầu tìm kiếm tư cách thành viên của một số cơ quan Liên Hiệp Quốc và tham dự các qui ước quốc tế để thăng tiến tư cách của mình.
Người ta mong đợi Ðức Phanxicô sẽ đẩy mạnh lời kêu gọi của Vatican về giải pháp hai nhà nước cho cuộc tranh chấp Israel - Palestine trong cuộc hội kiến với Abbas và sau đó khi tới Israel.
Ủng hộ hai nhà nước
CNN khi tường thuật việc Ðức Phanxicô, tại Bêlem, kêu gọi thừa nhận nhà nước Palestine, cho hay ngài cũng kêu gọi việc thừa nhận nhà nước Israel như thế. Thực vậy, ngài kêu gọi "mọi người thừa nhận quyền của hai nhà nước được hiện hữu và sống trong hòa bình và an ninh bên trong các biên giới được quốc tế nhìn nhận".
Ðứng bên cạnh Chủ Tịch Palestine Mahmoud Abbas, ngài gọi các lãnh thổ này là Nước Palestine. Ngài nói với ông Abbas tại một cuộc họp báo rằng "cuộc gặp gỡ mới đây của chúng ta tại Vatican và sự hiện diện của tôi tại Palestine làm chứng cho các liên hệ tốt đẹp hiện có giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Palestine".
Nhưng ngài cũng kêu gọi mọi phía trì chí trong việc theo đuổi con đường hòa bình với nhau chứ không hành động đơn phương để phá hoại nó. "Tôi chỉ có thể phát biểu niềm hy vọng sâu xa của tôi rằng mọi phía sẽ tự chế đưa ra các sáng kiến và hành động mâu thuẫn với ước muốn từng được nói ra trong việc đạt tới một thỏa hiệp chân thực, và rằng hòa bình phải được theo đuổi với một quyết tâm và trì chí không mệt mỏi"
Chính phủ Israel từng phản đối các sáng kiến đơn phương của Palestine nhằm tìm sự thừa nhận quốc tế tư cách nhà nước của mình. Còn người Palestine thì phản đối các sáng kiến của Israel nhằm mở rộng các khu định cư tại West Bank. Các nhà lãnh đạo Palestine cũng có truyền thống bác bỏ việc thừa nhận sự hiện hữu của nhà nước Israel.
Bảo vệ người Kitô hữu
Trái với lo ngại của Gilbert trên đây, Ðức Phanxicô hiểu rõ số phận người Kitô hữu Palestine. Thực vậy, ngài nhắc tới Bêlem như là nơi sinh của Chúa Giêsu, Ðấng ngài gọi là Hoàng Tử Hòa bình, rồi kêu gọi ông Abbas che chở quyền lợi tôn giáo của người Công Giáo Palestine.
Vatican luôn tỏ quan ngại đối với việc di cư của Kitô hữu Palestine. Ðồng thời, Ðức Phanxicô cũng lên tiếng bênh vực người nghèo, người đau khổ vì các căng thẳng giữa người Do Thái và người Palestine. Ngài nói "dù không có bạo lực, bầu khí bất ổn và thiếu hiểu biết nhau cũng đã tạo ra bất an toàn, vi phạm nhân quyền, cô lập hóa và trốn chạy của toàn bộ nhiều cộng đoàn, tranh chấp, khan hiếm và đau khổ đủ loại".
Cử hành thánh lễ
Sau khi gặp gỡ ông Abbas, Ðức Phanxicô dùng giáo hoàng xa chạy qua đám đông gồm hàng nghìn người Công Giáo và nhiều khách bàng quan khác tụ tập nhau tại Công Trường Giáng Sinh, nơi họ đứng chờ Thánh Lễ đại trào.
Các linh mục và giáo dân lắc lư theo điệu nhạc tôn giáo, trong khi nhiều người vẫy cờ đỏ, xanh, đen và trắng của Palestine cũng như cờ vàng và trắng của Vatican. Ðức Giáo Hoàng thỉnh thoảng lại rời giáo hoàng xa để bắt tay với người trong đám đông.
Hàng nghìn người thờ phượng nghinh đón ngài khi ngài tới công trường để cử hành thánh lễ cạnh địa điểm nơi người ta tin rằng Chúa Giêsu đã sinh ra. Trong bài giảng lễ, ngài nói tới sự quan trọng của việc chăm sóc trẻ em, lên án số phần trẻ em đi lính, trẻ em làm việc và thanh thiếu niên tị nạn.
Ngỏ lời với Abbas
Tại Phủ Chủ Tịch, Ðức Phanxicô ngỏ những lời sau đây với Mahmoud Abbas, chủ tịch Palestine: "hàng nhiều thập niên qua, Trung Ðông đã chịu nhiều hậu quả bi đát của cuộc tranh chấp kéo dài từng gây nên nhiều vết thương khó mà hàn gắn được. Dù không có bạo lực, bầu khí bất ổn và thiếu hiểu biết nhau cũng đã tạo ra bất an toàn, vi phạm nhân quyền, cô lập hóa và trốn chạy của toàn bộ nhiều cộng đoàn, tranh chấp, khan hiếm và đau khổ đủ loại.
"Trong khi bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người đau khổ nhất do cuộc tranh chấp này gây ra, tôi muốn xác quyết xác tín tận đáy lòng tôi rằng giờ đã đến để chấm dứt tình trạng hiện trở nên càng ngày càng không thể chấp nhận được này. Vì lợi ích của mọi người, cần phải tăng cường các cố gắng và sáng kiến nhằm tạo ra các điều kiện cho một nền hòa bình bền vững đặt căn bản trên công lý, trên sự thừa nhận quyền của mọi cá nhân, và trên sự an toàn hỗ tương. Giờ đã đến để mọi người tìm được can đảm để trở nên can đảm và có óc sáng tạo trong việc phục vụ ích chung, lòng can đảm quyết tạo hòa bình dựa trên sự nhìn nhận của mọi người đối với quyền của hai nhà nước được hiện hữu, được sinh tồn trong hòa bình và an toàn bên trong các biên giới được quốc tế thừa nhận.
"Vì mục tiêu này, tôi chỉ có thể phát biểu niềm hy vọng sâu xa của tôi rằng mọi phía sẽ tự chế đưa ra các sáng kiến và hành động mâu thuẫn với ước muốn từng được nói ra trong việc đạt tới một thỏa hiệp chân thực, và rằng hòa bình phải được theo đuổi với một quyết tâm và trì chí không mệt mỏi. Hoà bình sẽ mang lại vô vàn hiện ích cho nhân dân vùng này và cho toàn thế giới. Và do đó, phải theo đuổi nó một cách cương quyết, cho dù mỗi bên phải chịu một hy sinh nào đó.
Tôi cầu xin để nhân dân Palestine và nhân dân Israel cùng các nhà lãnh đạo liên hệ của họ sẽ tiếp nhận cuộc hành trình hòa bình đầy hứa hẹn này với cùng một lòng can đảm và kiên định cần thiết đối với mọi cuộc hành trình. Hòa bình trong an toàn và tin tưởng nhau sẽ trở thành chiếc khung tham chiếu vững vàng giúp ta sẵn sang chạm trán và giải quyết mọi vấn đề khác, và nhờ thế cung cấp được một cơ hội để phát triển quân bình, được dùng làm khuôn thước cho các lãnh vực khủng hoảng khác.
"Ở đây, tôi muốn nói ít lời về cộng đồng Kitô hữu rất tích cực đang góp phần một cách có ý nghĩa vào ích chung của xã hội, chia sẻ niềm vui và nỗi đau của toàn thể nhân dân. Các Kitô hữu mong được tiếp tục vai trò này trong tư cách công dân trọn vẹn, cùng với các đồng bào công dân, những người được họ coi như anh chị em.
"Thưa Tổng Thống, ngài là người của hòa bình và là người tạo ra hòa bình. Cuộc gặp gỡ mới đây của chúng ta tại Vatican và sự hiện diện của tôi tại Palestine làm chứng cho các liên hệ tốt đẹp hiện có giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Palestine. Tôi tin tưởng rằng các liên hệ này sẽ phát triển hơn nữa vì lợi ích mọi người. Về phương diện này, tôi bày tỏ sự đánh giá cao đối với các cố gắng đang được đưa ra nhằm soạn thảo một thỏa hiệp giữa các bên liên quan tới nhiều khía cạnh khác nhau trong sinh hoạt của cộng đồng Công Giáo tại đất nước này, nhất là phải chú ý đặc biệt tới tự do tôn giáo. Tôn trọng nhân quyền căn bản này, thực tế, là một trong các điều kiện chủ yếu xây dựng hòa bình, tình huynh đệ và hòa hợp. Nó cho thế giới hay rằng xây đắp hòa hợp và hiểu biết nhau giữa các nền văn hóa và tôn giáo là điều khả hữu và cần thiết. Nó cũng chứng thực cho sự kiện này: vì những điều ta chia sẻ thì nhiều vô kể, nên ta có thể tìm được phương tiện cho một cuộc chung sống thanh thản, có lớp lang và đầy hòa bình, biết chấp nhận các dị biệt và vui mừng biết rằng vì là con cái của cùng một Thiên Chúa, nên tất cả chúng ta đều là anh chị em.
'Thưa Tổng Thống, thưa các bạn tụ họp nhau tại Bêlem: xin Thiên Chúa Toàn Năng chúc lành cho quí vị, che chở quí vị và ban cho quí vị sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để tiếp tục một cách can đảm con đường hòa bình, để gươm giáo biến thành lưỡi cày và mảnh đất này một lần nữa lại pha`t triển trong thịnh vượng và hòa hợp. Chào bình an!".
Vũ Văn An