Bầu khí chờ đợi

Ðức Thánh Cha Phanxicô

 

Bầu khí chờ đợi Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Phỏng vấn Linh Mục Ri'fat Bader, phát ngôn viên của Giáo Hội Giordania, và cha Pizzaballa, Bề trên tỉnh dòng Phanxicô quản thủ Thánh Ðịa.

Jerusalem (RG 20-05-2014; Vat. 24-05-2014) - Trong ba ngày từ 24 tới 26 tháng 5 năm 2014 Ðức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Giordania và Thánh Ðịa, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và Ðức Thượng Phụ Athenagora, Giáo chủ Chính thống giáo, gặp nhau tại Giêrusalem đầu tháng giêng năm 1964.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Ri'fat Bader, phát ngôn viên của Giáo Hội Giordania, và cha Pierbattista Pizzaballa, Bề trên tỉnh dòng Phanxicô quản thủ Thánh Ðịa, về bầu khí chờ đợi Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Hỏi: Thưa cha Bader, bầu khí chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Giordania ra sao?

Ðáp: Có nhiều ủy ban làm việc ráo riết đêm ngày để chuẩn bị thành phố Amman một cách tốt đẹp nhất cho việc tiếp đón Ðức Thánh Cha Phanxicô như thượng khách của nhà vua và toàn dân Giordania, cách riêng của Giáo Hội công giáo địa phương. Người ta có thể trông thấy các biểu ngữ chào mừng tại khắp nơi trên các đường phố thủ đô, với hình Ðức Thánh Cha tiếp vua Abdullah tại nhà trọ thánh Marta hồi tháng 4 vừa qua, và đàng sau là thành phố Vaticăng và nơi Chúa Giêsu lãnh phép rửa bên sông Giordan. Tại sân vận động quốc tế thủ đô sẽ có thánh lễ thứ ba do một vị Giáo Hoàng chủ sự sau thánh lễ hồi Năm thánh 2.000 với Ðức Gioan Phaolô II, và thánh lễ hồi năm 2009 với Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI. Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến sân vận động vào lúc 3 giờ chiều và xe díp sẽ chở ngài đi một vòng để chào tín hữu và khách hành hương tham dự thánh lễ. Chúng tôi cũng tổ chức cuộc gặp gỡ của Ðức Thánh Cha với người tỵ nạn, người đau yếu tật nguyền bên cạnh nơi xưa kia Chúa Giêsu đã lãnh nhận Phép rửa. Chúng tôi đặc biệt cho phép các nhà báo chụp hình Ðức Thánh Cha xuống bờ sông Giordan để làm phép nước sông, cũng như Ðức Phaolê VI đã làm cách đây 50 năm. Ðây là điều đã không có trong chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II và Ðức Biển Ðức XVI.

Hỏi: Ðâu là các hy vọng và các viễn tượng của các kitô hữu Giordania đối với chuyến viếng thăm này của Ðức Thánh Cha Phanxicô thưa cha?

Ðáp: Họ thực sự hạnh phúc và hãnh diện có thể gặp vị Giáo Hoàng thu hút tín hữu trong 14 tháng đầu tiên triều đại của người. Họ sung sướng vì được gặp gỡ vị Giáo Hoàng của "những người rốt hết", vị Giáo Hoàng ước mong một "Giáo Hội nghèo và của người nghèo". Ngoài ra chúng tôi sung sướng tiếp đón vị Giáo Hoàng của công lý và hòa bình, người cầu nguyện rất nhiều cho hòa bình và công lý tại Siria, tại Irak và trên toàn thế giới.

Thật ra, không phải chỉ có cộng đoàn kitô Giordania chờ đợi Ðức Thánh Cha, nhưng sẽ có rất đông tín hữu đến từ khắp nơi trong thế giới A rập và từ các nước khác. Ðây sẽ là một buổi cử hành quốc tế, vì thế kitô hữu toàn thế giới được mời gọi cầu nguyện với Ðức Thánh Cha. Chúng tôi chắc chắn Ðức Thánh Cha sẽ cầu nguyện cho sự ổn định và nền an ninh của quê hương đất nước chúng tôi. Ngoài ra chúng tôi cũng chuẩn bị cầu nguyện cùng với các anh em tỵ nạn Irak, Siri. Chúng tôi chào mừng họ đến tham dự thánh lễ cùng với gia đình họ. Thật vậy, mục đích đầu tiên của toàn vùng Trung Ðông là phải cùng với Ðức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình và công lý trong toàn vùng, để hiệp nhất mọi dân tộc và tái ổn định các vùng đất yêu qúy này của chúng tôi vẫn còn đang phải khổ đau. Ðây phải là kết qủa đầu tiên của chuyến viếng thăm này: đó là đem lại các hoa trái hòa bình, ổn định và bình an trong vùng.

Hỏi: Thưa cha, thế còn đối với Vương quốc Hashemita, đâu là ý nghĩa của chuyến viếng thăm này?

Ðáp: Có mối dây ý nghĩa nối liền hai kỷ niệm chúng tôi cử hành trong năm nay. Trước hết là kỷ niệm 50 năm chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI. Chuyến viếng thăm lần này là chuyến viếng thăm thứ tư của một vị Giáo Hoàng. Giordania là quốc gia duy nhất trên thế giới được bốn vị Giáo Hoàng viếng thăm trong vòng 50 năm qua. Ðây là một niềm hãnh diện rất lớn cho đất nước Giordania và là một khích lệ tiếp tục thăng tiến các tương quan với Tòa Thánh. Chúng tôi rất hãnh diện vì cuộc đối thoại giữa các tín hữu kitô và tín hữu hồi đã đem lại các kết qủa tích cực tại Giordania và chuyến viếng thăm này của Ðức Thánh Cha Phanxicô là một khích lệ tiếp tục con đường thăng tiến đối thoại liên tôn. Trong nghĩa đó nhà vua cũng như toàn dân Giordania đều coi trọng sự hiện diện của dân kitô a rập và muốn họ phải ở lại trong đất nước chúng tôi. Cuộc xuất hành của các tín hữu kitô khỏi vùng Trung Ðông không chỉ thiệt hại cho chính các cộng đoàn kitô, mà cũng thiệt hại cho dân chúng hồi giáo nữa. Bởi vì hoàng gia Giordania và rất nhiều người hồi đang nỗ lực thăng tiến một hình ảnh tích cực của Hồi giáo như là một tôn giáo có khả năng tôn trọng các tôn giáo khác. Ðây cũng là một mục đích và sự lo lắng chung của Tòa Thánh và nước Giordania, và nó sẽ được thăng tiến trong chuyến viếng thăm này của Ðức Thánh Cha.

Hỏi: Thưa cha Bader, Ðức Thánh Cha cũng sẽ gặp gỡ một nhóm các người tỵ nạn tại Bethany bên kia sông Giordan. Tình hình cuộc sống của hàng trăm ngàn người ty nạn hiện nay ra sao?

Ðáp: Thật ra chúng tôi không có các thống kê chính xác, nhưng bên Giordania hiện nay có khoảng 1,3 triệu người tỵ nạn Siri. Chúng tôi cũng tiếp đón các người tỵ nạn Irak, đó là chưa kể tới người tỵ nạn Palestine muốn trở về quê hương của họ. Vì thế tôi tin rằng Giordania vẫn luôn luôn là một vùng đất nổi tiếng đối với sự hiếu khách và rộng mở, như Ðức Gioan Phaolô II đã nói khi viếng thăm Aman ngày 20 tháng 3 năm 2000. Nhưng hai giá trị này đòi hỏi nhiều dấn thân và giá cao phải trả. Giordania là một quốc gia bé nhỏ, có tình hình kinh tế khó khăn và cũng đau khổ vì sự bất ổn chính trị trong vùng. Ðã vậy chúng tôi lại phải tiếp đón các anh chị em tỵ nạn này, có người ở trong các trại có người ở ngoài. Chúng tôi phải đặc biệt cám ơn tổ chức Caritas Giordania đã làm việc rất cực nhọc để bảo đảm thực phẩm và chỗ ở cho người tỵ nạn. Chúng tôi trợ giúp tất cả mọi người vì họ là thụ tạo của Thiên Chúa. Và như dấu chỉ phần đóng góp của Giáo Hội sẽ là cuộc gặp gỡ của Ðức Thánh Cha với các bệnh nhân và người tỵ nạn. Sẽ có nhiều người hồi trong nhà thờ gần Betany bên kia sông Giordan. Ðức Thánh Cha không đến để cải đạo của họ, nhưng để cho thấy tình yệu thương của Thiên Chúa, tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với tất cả mọi người.

* * *

Sau đây là một số nhận định của Linh Mục Pierbattista Pizzaballa, Bề trên tỉnh dòng Phanxicô Quản Thủ Thánh Ðịa.

Hỏi: Thưa cha Pizzaballa, cha nghĩ gì về chuyến công du Thánh Ðịa của Ðức Thánh Cha Phanxicô?

Ðáp: Chuyên viếng thăm của Ðức Thánh Cha có tính cách khích lệ đặc biệt đối với toàn cộng đoàn kitô tại Thánh Ðịa, chứ không phải chỉ đối với cộng đoàn công giáo mà thôi. Nó sẽ là một khích lệ đối với sự hiện diện của các kitô hữu, và là một an ủi, nhất là với cuộc gặp gỡ giữa Ðức Thánh Cha và Ðức Thượng Phu Bartolomaios I tại Mộ Thánh. Nó sẽ là một dấu chỉ lớn và là một cử chỉ hiệp nhất giữa tất cả mọi kitô hữu trên thế giới và nhất là tại Thánh Ðịa.

Hỏi: Như thế là có sự chờ đợi rất lớn đối với buổi cử hành đại kết lịch sử này trong Vương cung thánh đường Thánh Mộ?

Ðáp: Vâng, sự chờ đời rất lớn. Việc chuẩn bi đã xong. Có sự cuồng nhiệt và kích thích rất lớn.

Hỏi: Người Do thái và người Hồi giáo nhìn chuyến viếng thăm này như thế nào thưa cha?

Ðáp: Ðã có vài chuyện có lẽ đã phá rối bầu khí tươi vui. Nhưng tôi phải nói rằng từ phía do thái cũng như từ phía hồi giáo có sự tò mò rất lớn và một thái độ rất tích cực đối với Ðức Thánh Cha Phanxicô, được tất cả mọi người thương mến.

Hỏi: Ðã có gì còn lại trong các chuyến viếng thăm trước đây của Ðức Gioan Phaolô II và Ðức Biển Ðức XVI?

Ðáp: Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng đầu tiên chính thức đến Israel, sau bao nhiêu năm, và là người đã có các cử chỉ rất quan trọng tại đài tưởng niệm cuộc diệt chủng do thái Yad Vashem cũng như tại Bức Tường Khóc và trong các đền thờ hồi giáo. Người đã để lại một kỷ niệm không phai nhòa: người đã thay đổi trong dư luận thành kiến đối với Giáo Hội công giáo. Còn Ðức Biển Ðức XVI thì đã để lại một kỷ niệm rất sâu đậm trong cộng đoàn kitô với các buổi cử hành và với các diễn văn rất mạnh mẽ và rõ ràng.

Hỏi: Sau thánh Phanxicô thành Assisi có một Phanxicô khác đến thăm Thánh Ðịa. Sự hiện diện của thánh Phanxicô thành Assisi tại quê hương của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì?

Ðáp: Thánh Phanxicô thành Assisi với cử chỉ đơn sơ gặp gỡ Sultan vào thời đó đã bắt đầu một sự hiện diện của dòng Phanxicô vẫn còn tiếp tục cho đến nay. Và chính sự hiện diện đó đã duy trì sống động tương quan giữa Giáo Hội tây phương với Thánh Ðịa, và cũng đã giữ gìn sự hiện diện của kitô hữu trong bao thế kỷ qua. Việc Ðức Thánh Cha Phanxicô đến viếng thăm Thánh Ðịa là một khích lệ tiếp tục con đường ấy và canh tân việc hăng say đối thoại và gặp gỡ cũng như giữ gìn, ghi nhớ và là những viên đá sống động.

Hỏi: Thưa cha, chuyến viếng thăm này có thể giải tỏa các bế tắc của các cuộc thương thuyết đã bắt đầu từ năm 1993 và dẫn đưa tới thỏa hiệp nền tảng giữa Tòa Thánh và nước Israel hay không?

Ðáp: Thỏa hiệp nền tảng đã được thảo luận trong bao nhiêu năm nay rồi liên quan tới mọi đề tài và có một sự thỏa thuận chung. Giờ đây chỉ là việc kết thúc, và điều này cần một chút thời gian nữa. Trong ý hướng này người ta đã không gắn liền chuyến viếng thăm với một thỏa hiệp, vì muốn để cho Ðức Thánh Cha được tự do khỏi các vấn đề ngoại giao, và trao ban cho chuyến viếng thăm một viễn tượng rộng rãi hơn.

Hỏi: Mỗi khi có chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng người ta lại nói đến việc nhà nước Israel trả lại Nhà Tiệc Ly cho Giáo Hội. Ðiều này có thể xảy ra không, và Dòng Quản tủ Thánh Ðại sẽ phản ứng ra sao?

Ðáp: Chúng tôi sẽ rất vui sướng. Thật ra cuộc thảo luận này đã sôi nổi nơi một số người do thái cũng như hồi giáo. Nói đúng ra người ta không nói đến việc trả lại, nhưng là sử dụng cho việc cử hành phụng vụ. Thế thôi. Và cũng đã có nhiều tranh cãi. Chúng tôi hy vọng chúng sẽ lắng dịu sau chyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha. Việc thảo luận còn đang tiếp tục. Ðây là một nơi rất tế nhị, vì cả ba tôn giáo độc thần đều tranh nhau. Nhưng nó là dịp để cả ba tôn giáo thảo luận các vấn đề cụ thể, chứ không phải các nguyên tắc trừu tượng.

(RG 20-5-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page