Ðại hội

giới trẻ công giáo Việt Nam

tại Pháp 2014

 

Ðại hội giới trẻ công giáo Việt Nam tại Pháp 2014.

Champagne (VietCatholic News 17-05-2014) - Ðại hội giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Pháp Champagne 2014 được tổ chức vào cuối tuần từ ngày 08 đến 11 tháng 05 năm 2014 tại Tu viện Saint-Pierre, Champagne 07340, tọa lạc ở phía nam của nước Pháp cách thành phố Lyon khoảng 65 km về phía nam.

Ðại hội giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Pháp được tổ chức liên tiếp 2 năm một lần nhằm tạo ra một sân chơi, cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ giữa các bạn trẻ Công Giáo Việt Nam trên toàn nước Pháp. Tiếp nối truyền thống của các lần đại hội trước - Poitiers 2005, Strasbourg 2007, Lyon 2009, Jambville 2012 - đại hội giới trẻ Champagne 2014 mời gọi tất cả các bạn trẻ Công Giáo gốc Việt Nam, còn là học sinh - sinh viên hay đã đi làm, còn sống độc thân hay đã có gia đình, và đang thao thức về cuộc sống và đức tin đến quây quần và cùng trải qua một cuối tuần sống động và cởi mở, làm quen và chia sẻ niềm vui trong cuộc sống và trong đời sống đức tin, và trên hết cùng gặp gỡ Chúa Kitô.

Chủ đề của đại hội Champagne 2014 là: Tôi tin và hành đạo - Je suis croyant et pratiquant.

Ðại hội lần này được tổ chức với sự chủ trì và linh hướng của:

Các Cha:

- Lm Nguyễn Kim Sang, Trưởng Tuyên Úy đoàn

- Lm Vũ Thái Hòa, Trưởng Ban Giới Trẻ

- Lm Lâm Thái Sơn, Trưởng Ban Mục Vụ Trưởng Thành

- Lm Hà Quang Minh, Cựu Trưởng Tuyên Úy đoàn

- Lm Vũ Minh Sinh, Tuyên úy Giới trẻ Giáo Xứ Việt Nam Paris

- Lm Nguyễn Văn Hội, dòng Chúa Cứu Thế, Paris

Các sơ:

- Sơ Nguyễn Thị Chung, Lyon

- Sơ Võ Thụy Thiên Nga, Strabourg

và sự tham gia của các thầy, các sơ và hơn 90 bạn trẻ đến từ các vùng khác nhau trên toàn nước Pháp: Paris, Lyon, Strasbourg, Dijon, Rennes và Orleans. Có một bạn đến từ nước Ý.

Ngày 1: Thứ năm 08/05/2014 - Gặp gỡ

Từ trưa thứ năm 08 tháng 05 năm 2014, tu viện Saint-Pierre trở nên khác hẳn những ngày thường, không khí nhộn nhịp hơn do công tác chuẩn bị của các Cha, các thầy, các sơ và thành viên ban tổ chức. Mọi người cùng chung tay chuẩn bị mọi thứ để có thể tiếp đón các bạn trẻ, từ phòng sinh hoạt, cầu nguyện đến nơi nghỉ ngơi, từ công tác đón và chở các bạn từ nhà ga đến đón tiếp tại tu viện. Băng rôn chào đón được treo lên, các bảng hướng dẫn chỉ đường bằng tiếng Việt được dán tại nhiều ngã tư đường trong thị trấn. Tất cả đã sẵn sàng để đón tiếp các bạn.

Các bạn Trẻ đầu tiên tiên đến đại hội là các bạn đến từ Lyon. Năm nay đại hội tổ chức ở gần Lyon nên nhóm Lyon gồm các bạn trẻ, các thầy các sơ trẻ là nhóm chủ nhà. Khoảng 3h chiều, các nhóm bạn trẻ từ các thành phố khác lần lượt tề tựu về họp mặt gồm các bạn từ thủ đô Paris và vùng phụ cận, Strasbourg và Dijon ở phía đông, Rennes ở phía tây bắc, và Orleans ở trung tâm nước Pháp. Tay bắt mặt mừng, họ như những người xa nhà lâu, nay trở về. Trong các nhóm có nhiều bạn trẻ đã có mặt trong hầu hết các Ðại Hội trước đây, ở Poitiers năm 2005, ở Strasbourg năm 2007, ở Lyon năm 2009, ở Jambville năm 2012. Ðại hội năm nay cũng có rất nhiều gương mặt mới tham gia.

Dù hơi mệt sau nhiều giờ di chuyển bằng xe hơi nhưng các bạn trẻ ai cũng phấn khởi và rạng ngời niềm vui vì rất háo hức để bắt đầu các hoạt động trong 4 ngày đại hội.

Họ đều là người trẻ: học sinh - sinh viên trẻ, lao động trẻ, cán bộ trẻ, chủ trẻ, phụ huynh trẻ, giáo lý viên trẻ, tu sĩ trẻ, sơ trẻ, linh mục trẻ... tất cả họ đều đáp lời mời của Ban Tuyên Úy Gìới Trẻ Công Giáo Việt Nam tại Pháp, đáp lời mời của các cha tuyên úy địa phương về họp mặt với nhau, giữa những người trẻ, để làm quen với nhau, gặp gỡ Chúa Kitô, và chia sẻ với nhau và cho nhau Niềm vui trong cuộc sống thường ngày và niềm vui trong cuộc sống đức tin.

Trao đổi cho nhau những câu chào hỏi, những tin tức biến chuyển về học hành, làm ăn,.. Hỏi thăm, tìm chỗ tiếp tân, hướng phòng ngủ, lối đến nhà nguyện. Các bạn trẻ mới đến tham dự đại hội lần đầu từ bỡ ngỡ, rụt rè lúc đầu nhanh chóng hòa đồng và trở nên thân quen. Tất cả đều là anh em của nhau vì có chung một Chúa là Ðức Giêsu Kitô.

Buổi chiều cùng ngày, các bạn trẻ được các thầy Việt Nam hiện đang tu tại tu viện Saint-Pierre hướng dẫn tham quan tu viện, nhà thờ, nhà nguyện và vườn cây trong khuôn viên. Tu viện tọa lạc ở gần chân núi, xung quanh là cánh đồng cây ăn trái, là nơi rất lý tưởng để tĩnh tâm và cầu nguyện, cũng như các hoạt động sinh hoạt nhóm cho các bạn trẻ.

Bữa ăn tối lúc 18h45 tại tu viện Saint-Pierre được nấu bởi các sơ và các cô tình nguyện viên đến từ cộng đoàn Lyon, với sự giúp đỡ của có 4 thầy Việt Nam đang tu tại tu viện. Sau bữa tối với các món Việt Nam ngon miệng, các bạn trẻ nhanh chóng lấy lại sức và sẵn sàng cho nghi thức nhập trại và sinh hoạt đầu tiên của đại hội.

Ðúng 20h30, nghi thức nhập trại bắt đầu. Nghi thức nhập trại được hướng dẫn bởi Cha Hội dòng Chúa Cứu Thế nhằm "phá băng" và giúp hâm nóng các bạn trẻ trước khi vào trại sinh hoạt. Các bạn trẻ phải đội một cái nồi trên đầu và đi qua một chiếc cầu được xếp bằng các băng ghế dài. Các bạn phải giữ thăng bằng sao cho cái nồi không bị rớt xuống đất. Sau đó các bạn phải chạy vào vườn tìm trứng Phục Sinh, là điều kiện để có thể chui qua "cổng" để vào trại. "Cổng" được ghép nhanh từ hai băng ghế dài và một chiếc bàn, với chiều cao của "cổng" chưa đến 40 cm, buộc các bạn phải nằm và bò sát đất mới có thể qua được. Tất cả mọi người, gồm các Cha, các Sơ, các thầy và các bạn trẻ đều phải chui qua "cổng". Dẫn đầu "đoàn chiên" chui qua cổng là Cha Hòa Trưởng Ban Giới Trẻ. Nghi thức vào trại đặc biệt khiến cho các bạn đều vứt bỏ cái tôi và "vỏ bọc" của mình, hâm nóng các bạn và làm các bạn sẵn sàng cho các sinh hoạt.

Buổi tối sinh hoạt đầu tiên diễn ra nhanh chóng với phần giới thiệu của Ban Giới Trẻ và thông báo chương trình của các ngày đại hội với nhiều hoạt động hứa hẹn một mùa đại hội vui vẻ và ấm cúng. Các bài ca và cử điệu sinh hoạt được hướng dẫn bởi Cha Hội nhanh chóng làm các bạn trẻ xích lại gần hơn, cảm thấy hứng thú, háo hức và sẵn sàng cho chương trình sinh hoạt vào sáng hôm sau.

Ngày 2: Thứ sáu 09/05/2014 - Trao đổi, học hỏi, cầu nguyện

Tiết trời ở Champagne vào những ngày cuối tuần này rất đẹp, nắng nhẹ và mát mẻ, không khí miền quê gần chân núi trong lành tạo cảm giác rất dể chịu. Sau một đêm nghỉ ngơi để lấy lại sức và khởi động ngày mới với bữa ăn sáng nhẹ ở nhà dòng, các bạn trẻ đã sẵn sàng cho một ngày sinh hoạt cầu nguyện mới.

Ðúng 9h sáng, buổi sinh hoạt bắt đầu. Bầu không khí nhanh chóng được hâm nóng bằng các bài ca và cử điệu sinh hoạt được hướng dẫn bởi Cha Hội và Cha Sinh.

Bài hát "Xin Tin Yêu vào nơi Ðức Kitô" được chọn làm bài ca chủ đạo của đại hội Champagne 2014, với các ca từ và cử điệu sôi động vui vẻ nhưng sâu lắng thể hiện lòng tin yêu vào Chúa:

Xin Tin Yêu vào nơi Ðức Kitô, xin Tin Yêu vào nơi Ðức Kitô,

Không ai tách lìa chung tôi, khỏi Tin Chúa Kitô, không ai tách lìa chúng tôi.

Xin Tin Yêu vào nơi Ngài là Ðức Kitô, là tình yêu cao vời khôn ví, vời khôn ví.

Bao gian nan vẫn trung kiên, bao truân chuyên trọn nỗi niềm, tựa thấy Ðấng vô hình.

Trọn một niềm một niềm Tin Yêu, dẫu rằng đời là đời cô liêu, xin Tin Yêu vào nơi Ngài,

Xin Tin Yêu vào nơi Ngài. .... Xin Tin Yêu vào nơi Chúa.

Các bài ca sinh hoạt quen thuộc được xướng lên: Nối vòng tay lớn, Anh em ta về, Nào cùng vỗ tay, Yêu bằng tình người, Ðèn sáng muối mặn, Gieo mầm tin yêu, Gặp gỡ Ðức Kitô... làm các bạn trẻ cởi mở và xích lại gần nhau hơn. Các nhóm bạn trẻ, các Cha, các Thầy, các Sơ tự giới thiệu về cộng đoàn mình.

Cha Minh bắt đầu bài thuyết trình đầu tiên lúc 9h30 xoay quanh chủ đề của đại hội: Tôi tin và hành đạo - Je suis croyant et pratiquant. Một số ý chính trong bài thuyết trình của Cha Minh như sau:

" Ðức tin mà chúng ta đang mang, là đức tin lãnh nhận. Không phải tự nhiên mà có. Ðức tin đó cũng là đức tin thực hành. Ðức tin không có việc làm là đức tin chết. Và cuối cùng đức tin đó cũng là đức tin loan báo. " Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng cho muôn dân " Mt 28, 19. Hai chữ " Các con " ở đây phải đưọc hiểu rộng rãi là tất cả mọi người kitô hữu, chứ không phải chỉ có các soeur, các cha, những người đi tu.

Khi chúng ta nói: " Tôi tin và hành đạo ", " Je suis croyant et pratiquant ", chúng ta tuyên xứng đức tin cuả mình, cách sống đạo cuả mình. Tuy nhiên chúng ta cũng nên tìm hiểu tại sao tin và hành phải đi đôi với nhau như hình và bóng, như cá với nước, như cành liền cây ? Ðể trả lời cho câu hỏi trên, cách tốt nhất là mở sách phúc âm, tìm về cội nguồn.

- Về mặt lịch sử, sách Tông Ðồ Công Vụ chương 2, đoạn 42-43, nói về cộng đoàn Công Giáo đầu tiên tại Jérusalem. Bốn điểm chính được nêu ra: 1/ Nghe giáo huấn cuả các tông đồ. 2/ Hiệp thông huynh đệ. 3/ Bẻ bánh. 4/ Cầu nguyện. Nói một cách khác: học hỏi lời Chuá, chia sẻ bát cơm manh áo, rước mình thánh Chúa và cầu nguyện, là bốn việc làm, bốn yếu tố căn bản định nghiã cho căn tính ngưòi kitô hữu. Chúng ta có thể kết luận là ngay từ ban đầu tin và hành đã đi đôi với nhau. Và sự hành đạo không phải chỉ giới hạn trong phạm vi cầu nguyện, tham dự thánh lễ. Người kitô hữu, ngoài việc thờ phượng còn giúp đỡ lẫn nhau, vật chất và tinh thần.

- Về mặt tu đức, chúng ta có kinh Lạy Cha. Như chúng ta đều biết, kinh này do chính Chuá Giêsu dạy cho các tông đồ (Mt 6, 9-13). Kinh Lạy Cha vừa là lời cầu nguyện riêng, vừa là lời kinh cộng đoàn. Cầu nguyện riêng hay cầu nguyện với cộng đoàn, người tín hữu đều hiệp thông với Chúa và với những người khác. Hai chữ " Chúng con " xác nhận Chuá là cha cuả tất cả mọi người. Và tất cả mọi người đều là anh em với nhau. Cho nên khi tôi đọc kinh Lạy Cha, tôi không chỉ cầu nguyện riêng cho cá nhân tôi, gia đình, bạn hữu cuả tôi mà thôi, mà còn cho tất cả mọi người. Lời cầu cuả tôi là lời cầu chung, tập thể, lời cầu cuả cả Giáo Hội mà tôi là một thành viên.

- Về mặt thần học, chúng ta có thể đọc thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi tìn hữu thành Corintho. (1 Cor 12, 12-31). Giáo Hội được Phaolô ví như một thân thể, trong đó Chúa là đầu và chúng ta là chi thể. Trong tư tưởng cuả Phaolô, người kitô hữu không thể sống cô lập, riêng rẽ. Mọi người tùy thuộc lẫn nhau và bổ túc cho nhau nhờ vào sự đa dạng cuả các ân sủng. " Un pour tous. Tous pour un ". Giáo Hội sau lễ Chuá thánh thần hiện xuống khác với tập thể Babel. (Sáng thế ký, 11, 1-9). Nếu công trình xây tháp Babel không được Thiên Chúa chúc lành thì Giáo Hội Ngũ Tuần (TÐCV 2, 1-13) là ân sủng của Chúa Thánh Thần, là biểu tượng cho Giáo Hội hoàn vũ, trong đó mỗi cá nhân, chủng tộc, quốc gia, ngôn ngữ đều được khích lệ và tôn trọng ngang nhau."

Sau bài thuyết trình của Cha Minh, hai bạn trẻ là nhân chứng Ðức Tin đứng ra chia sẻ với đại hội về đời sống Ðức Tin của mình:

Bạn trẻ đầu tiên là Tony, 19 tuổi đang học trung học, đến từ cộng đoàn Strasbourg. Tony chia sẻ: Từ nhỏ em được bố mẹ đưa đi nhà thờ, học giáo lý và đi Lễ. Khi đó em không muốn đi nhưng vì bố mẹ thúc ép nên em mới đi nhà thờ. Tuy nhiên, từ việc bị bố mẹ thúc đi, sau một thời gian sinh hoạt trong cộng đoàn, em tìm thấy niềm vui của riêng mình khi đến nhà thờ đi Lễ, khi gặp gỡ các bạn khác, khi giúp Lễ cho các Cha. Em cảm thấy vui khi có thể giúp Lễ, giúp cho mọi người xung quanh. Em cảm thấy yêu mến mọi người khi đến nhà thờ.

Bạn trẻ thứ hai là Mai, 22 tuổi đang học đại học, đến từ nhóm Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) cộng đoàn Paris. Mai chia sẻ: Mai hiện là huynh trưởng nhóm Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT). Mai học tiếng Việt và giáo lý ở Giáo Xứ Việt Nam Paris. Phương châm sống của huynh trưởng nhóm Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) là: Cầu nguyện, rước Lễ, hy sinh và làm việc tông đồ. Mai và các bạn huynh trưởng họp mặt ở Giáo Xứ mỗi cuối tuần để chỉ dạy và sinh hoạt với các em thiếu nhi. Mai cảm thấy với vai trò huynh trưởng, mình có trách nhiệm: Chỉ dạy các em văn hóa Việt Nam qua các buổi sinh hoạt, tình yêu Chúa qua các giờ Chầu Thánh Thể; Tiếp tục thể hiện Ðức Tin và truyền bá Ðức Tin của mình cho mọi người trong tình yêu Thiên Chúa. Sinh hoạt ở Giáo Xứ với vai trò huynh trưởng mang lại cho Mai một lý tưởng sống. Mai cảm nhận được Chúa đã chết vì mình, yêu thương mình, nên mình cần đáp lại bằng cách yêu mến Chúa và thương yêu anh em.

Sau lời chia sẻ của hai bạn, các bạn trẻ được phân chia ra thành các nhóm nhỏ để thảo luận và chia sẻ xung quanh hai câu hỏi mà Cha Minh đưa ra:

- Tôi tin vào ai? Thượng đế mà tôi tôn thờ là ai?

- Tôi hành đạo, sống đạo như thế nào, trong những phạm vi nào, qua những phương tiện nào, cách thức nào và với ai?

Các nhóm nhanh chóng tỏa ra ở khắp nơi trong tu viện, kiếm cho nhóm mình một chỗ để có thể quây quần thảo luận, có nhóm ở trong phòng sinh hoạt, có nhóm ở ngoài vườn... làm cho bầu không khí tu viên Saint-Pierre trở nên sối động hẳn. Các bạn trẻ trong mỗi nhóm chia sẻ đời sống Ðức Tin của mình và chuẩn bị câu trả lời để chia sẻ trước đại hội vào buổi chiều. Thảo luận nhóm có lúc rất sôi nổi bởi các tranh luận rất trẻ, có lúc rất xúc động khi một số bạn chia sẻ đời sống Ðức Tin của mình khi bạn nhận ra tình yêu Thiên Chúa khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Ðúng 11h00, tiếng chuông nhà thờ điểm báo hiệu Thánh Lễ bắt đầu. Thánh Lễ được tổ chức trong nhà thờ của tu viện.

Sau Thánh Lễ, các bạn trẻ cùng quây quần chụp hình lưu niệm Champagne 2014. Ai nấy đều hớn hở để có thể góp mặt trong tấm hình lưu niệm của đại hội giới trẻ Champagne 2014.

Giờ cơm trưa lúc 12h15 với các món Việt Nam tiếp thêm năng lượng để các bạn sẵn sàng cho các hoạt động vào buổi chiều. Sau giờ nghỉ ngơi buổi trưa, các bạn bắt đầu trở lại sinh hoạt và tiếp tục buổi thảo luận nhóm xoay quanh hai câu hỏi được đưa ra lúc sáng.

Ðúng 15h30, tất cả các nhóm tập họp lại để bắt đầu giờ đúc kết. Ðại diện mỗi nhóm trình bày phần chia sẽ của nhóm mình:

Trả lời cho câu hỏi "Tôi tin vào ai? Thượng đế mà tôi tôn thờ là ai?", với tất cả các nhóm đó là Tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đó là Tin vào Chúa Phục Sinh, Chúa yêu thương, Mẹ Maria. Mỗi bạn trẻ có thể tìm thấy Chúa trong cuộc sống hằng ngày, qua các anh em của mình trong gia đình, cộng đoàn.

Trả lời cho câu hỏi "Tôi hành đạo, sống đạo như thế nào, trong những phạm vi nào, qua những phương tiện nào, cách thức nào và với ai?", suy nghĩ của các nhóm rất đa dạng, bởi vì các bạn có độ tuổi, tâm lý và hoàn cảnh sống khác nhau. Nhìn chung, câu trả lời của các bạn đều dựa trên sự yêu thương, hi sinh và tha thứ. Có nhóm trả lời rằng: Chúng ta cần sống đơn sơ giản dị, hi sinh và phục vụ, dấng thân phục vụ giáo xứ và cộng đoàn, anh em. Chúng ta cần biết mở lòng và yêu thương mọi người, biết làm gương và luôn cầu nguyện. Với nhóm khác thì: Chúng ta thực hành Ðức Tin bằng cách đi Lễ thường xuyên, cầu nguyện, Chầu Thánh Thể, hay tham gia các buổi cầu nguyện bằng cách hát tôn vinh Chúa như ở Taizé. Chúng ta vừa cầu nguyện vừa "vui sống". Với nhóm có một số bạn là các ông bố bà mẹ trẻ: chúng ta cần làm gương và chỉ dạy cho các con, cầu nguyện chung trong gia đình vào mỗi buổi tối, phải luôn làm công việc tông đồ để truyền Ðức Tin cho người chưa biết đến Chúa, phải biết yêu thương mọi người.

Sau khi các nhóm chia sẻ, Cha Minh đúc kết dựa theo các thảo luận mà các bạn đưa ra. Ngài chia sẻ: Ðức Tin là con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều đang cùng đi trên một con đường. Khi chúng ta tin, chúng ta có thể tìm thấy niềm vui. Ðức Tin của chúng ta là Ðức Tin Công Giáo, chúng ta tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong xã hội ngày nay khi mà sự "khử thiêng" đang dần xâm chiếm, việc giữ vững đức tin là một thử thách lớn đối với mỗi người Công Giáo. Có một số người biện luận rằng do công việc bận rộn nên tôi chỉ cần giữ đạo tại tâm là được, tôi đọc kinh ở nhà mà không cần đến nhà thờ vào tất cả các Chúa Nhật. Ðây là một lập luận sai và nguy hiểm, bởi vì đạo Công Giáo dựa trên cộng đồng. Ðức Tin phải được thực hành trong cộng đoàn, mỗi người cần phải hòa nhập với anh em, thể hiện và truyền đức tin của mình với anh em. Các cộng đoàn trong xứ, trong nước và trên toàn thế giới cùng hiệp ý cầu nguyện cùng nhau.

Chương trình đại hội tiếp tục với phần "Louange - Tôn vinh Chúa" của nhóm Thiếu Nhi Thánh Thể Paris lúc 16h00. Với phong cách hoàn toàn trẻ, buổi "Louange" với các bài hát và cử điệu đặc biệt trẻ trung dìu các bạn trẻ đi từ cảm xúc thăng hoa cao trào với Chúa Kitô Phục Sinh đến sâu lắng trong tình yêu Thiên Chúa. Buổi "Louange" đã rất thành công khi đánh động tất cả các cảm xúc trong mỗi bạn trẻ.

Mang theo dư âm của giờ "Louange", từng nhóm bạn trẻ bắt đầu thời gian làm việc nhóm để chuẩn bị cho đêm văn nghệ sẽ diễn ra vào ngày mai. Tiếp nối truyền thống của các kỳ đại hội trước, mỗi kỳ đại hội đều có phần "Vui Tin" với các buổi thuyết trình và thảo luận cầu nguyện, và phần "Vui Sống" với cao trào là đêm văn nghệ tối thứ bảy với các màn kịch và thi hoa hậu. Mỗi thành viên của từng nhóm đều tham gia đêm văn nghệ. Ðề tài của đêm văn nghệ chỉ được thông báo vào giờ chót với mục đích để các bạn trẻ thể hiện sự sáng tạo. Các bạn phải chuẩn bị phần kịch và thi hoa hậu với các dụng cụ trang phục tự kiếm tại chỗ.

Sau giờ cơm tối, tất cả các bạn trẻ cùng tập trung tại nhà nguyện của tu viện để bắt đầu giờ Canh Thức lúc 20h30, được dẫn bởi Sơ Thiên Nga. Giờ Canh Thức như một khoảng lặng trong suốt một ngày sinh hoạt, các bạn trẻ quây quần bên nhau trước Chúa, cùng cầu nguyện trong bầu không khí ấm áp và thiêng liêng. "Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi", Lời Chúa được đọc lên đánh động tất cả mọi người. Tất cả quây quần nơi đây đều là anh chị em của nhau trong tình yêu Thiên Chúa. Mỗi bạn viết ra lời cầu nguyện của mình lên giấy, và đốt nến dâng lên Chúa. Mảnh giấy nhỏ chứa đựng tâm tình và lời nguyện xin đơn sơ của mỗi bạn với Chúa. Lần lượt từng lời nguyện của các bạn được đọc lên mang theo tâm tinh da diết và đánh động mọi người. Lạy Chúa xin trông nghe và xin thương xót chúng con.

Buổi Canh Thức kết thúc với các Cha ban phép lành của Chúa.

Ðêm đến, lửa trại được đốt lên. Các bạn quây quần bên nhau. Hơi nóng tỏa ra xua tan cái lạnh buổi đêm. Ánh sáng lửa trại chiếu vào gương mặt từng bạn, rạng nên niềm vui sau một ngày sinh hoạt nhiều cảm xúc. Các bạn cùng ca hát và trò chuyện. Tình huynh đệ thêm được bền chặt.

Ngày 3: Thứ bảy 10/05/2014 - Trao đổi, học hỏi, văn nghệ

Ðúng 9h sáng, buổi sinh hoạt bắt đầu. Bầu không khí nhanh chóng được hâm nóng bằng các bài ca và cử điệu sinh hoạt được hướng dẫn bởi Cha Hội và Cha Sinh.

Bài hát "Xin Tin Yêu vào nơi Ðức Kitô", bài ca chủ đề của đại hội Champagne 2014, được xướng lên, các bạn khởi động để bắt đầu ngày sinh hoạt mới.

Cha Minh bắt đầu bài thuyết trình thứ hai lúc 9h15 xoay quanh chủ đề về giáo huấn của Giáo Hội. Trong bài thuyết trình này, Cha xoay quanh 3 điểm chính:

1. Tìm đến trung tâm Ðức Tin.

2. Những thánh đố của đức tin ngày hôm nay.

3. Trách nhiệm cuả người Công Giáo đối với xã hội.

Ðiểm thứ nhất: Tìm đến trung tâm Ðức Tin

"Je suis croyant": Tôi là người tín hữu, là người có đức tin và Thượng Ðế. "Tôi" ở đây không phải là cái tôi ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, cái tôi kêu ngạo, cái tôi khinh đời. Cái tôi ở đây phải được hiểu là lịch sử đức tin của tôi. Ai trong chúng ta cũng có một lịch sử đức tin cả. Ðức tin của chúng ta là đức tin lãnh nhận từ các thánh tông đồ. Ðức tin đích thực là đức tin đi vào lịch sử con người, đức tin nhập thế và nhập thể. Ðức tin phải có chỗ đứng trong đời sống hiện tại cuả chính tôi, trong không gian và thời gian của lịch sử đời tôi. Trong xã hội ngày hôm nay, chúng ta cần tìm đến trung tâm của đức tin, cần trở về nguồn, cần xác định rõ ràng đấng mà chúng ta tôn thờ, Ðức Giêsu Kitô. Tại sao? Một trong những lý do căn bản là chúng ta đang sống trong một xã hội khử thiêng trên nước Pháp (hay tục hoá - La laicisation). Những truyền thống Công Giáo dần dần mất ảnh hưởng trong quần chúng. Người Công Giáo trở thành thiểu số. Người sống đạo thực sự là người có lòng tin sâu xa, có xác tín vững vàng. Mà muốn có lòng tin sâu xa, muốn có "bản lãnh", người tin cần gặp gỡ Chuá Giêsu, cần có đời sống nội tâm, sống mật thiết với Ðức Kitô. Ðiều này đòi hỏi phải tập luyện lâu năm.

Ðời sống nội tâm không phải tự nhiên mà có. Người tin cần phải trải qua những thử thách. "Lửa thử vàng, gian nan thử đức". Các tông đồ theo Chuá ròng rã 3 năm thế mà khi Chuá bị bắt, tất cả đều bỏ chạy lấy thân. Phải đợi đến khi Chuá sống lại các ông mới tìm lại được đức tin đã đánh mất. Và còn phải nhờ sức mạnh cuả Chuá Thánh Thần ngày lễ Ngũ Tuần, các ông mới bạo dạn ra đi truyền giáo.

Ðức tin là bước đầu cho mọi hoạt động mục vụ. Chúa Giêsu, mỗi lần quyết định làm một việc quan trọng, luôn luôn bắt đầu bằng cầu nguyện. Trước khi công khai rao giảng nước Thiên Chuá, Ngài đã vào xa mạc 40 ngày đêm, ăn chay, hãm mình, cầu nguyên (Mt 4, 3-11). Trong vườn Gethsémanie, trước khi chịu đóng đinh, Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyên. Cầu nguyện là đặt mình trong tay Chúa, phó thác cho Chúa, hiện diện với Chúa, đối thoại với Chuá.

Ðời sống nội tâm còn đòi hỏi phải bỏ mình (se déposséder), bỏ đi những điều giả tạo, không thiết yếu để chú tâm vào Người mình tin.

Ðiểm thứ hai: Những thánh đố của đức tin ngày hôm nay.

Thực sự những thách đố mà người Công Giáo phải chấp nhận đối diện cũng là những thách đố cuả mọi công dân Pháp. Ðó là những biến chuyển xã hội văn hoá (mutations sociales) bắt đầu từ cuộc cách mạng Pháp 1789 và nhanh chóng đi vào đời sống xã hội từ sau đệ nhị thế chiến. Những biến đổi này là kết quả cuả nhiều yếu tố khác nhau quy tụ lại cùng một lúc: kinh tế thị trường, văn hoá đa dạng, kỹ thuật tân tiến... Cả một trật tự luân lý xã hội vững chắc dựa trên cơ cấu gia đình, xóm làng, giáo xứ từ từ rạn nứt mà không có một khuôn mẫu (matrice) nào khác thay thế. Những lễ nghi, những thói quen, những tôn ti trật tự kính trên nhường dưới không còn được giữ lại và truyền tụng cho thế hệ kế tiếp.

Những thách đố trong xã hội ngày nay - Cá nhân chủ nghiã (Individualisme), xã hội tục hoá (la laicité) - làm cho chúng ta sợ hãi, không dám xưng mình là Công Giáo, không dám dấn thân. Nhưng nó cũng là một cơ hội để tôi luyện đức tin của chúng ta, làm cho đức tin của chúng ta vững vàng hơn, trong sáng hơn. "Lửa thử vàng, gian nan thử đức".

Ðiểm thứ ba: Trách nhiệm cuả người Công Giáo đối với xã hội.

Chúng ta là người Công Giáo nhưng cũng là người công dân trong một Nước. Người Công Giáo nên có thái độ tích cực, cởi mở, tránh cố chấp, góp phần xây dựng xã hội, tham gia vào các hoạt động tại điạ phương hoặc trên bình diện quốc gia, trong mọi phạm vi kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Mỗi người Công Giáo là hạt muối của Giáo Hội, Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội cuả mọi người. Giáo Hội luôn ý thức mình được sai đi rao giảng Tin Mừng, là "muối đất, là ánh sáng thế gian". Người kitô hữu là người sống giữa đời, trong lòng thế giới, chia sẻ ngọt bùi với anh em đồng loại, là hình ảnh hôm nay của Chúa Kitô đã nhập thế, nhập thể, mặc lấy thân phận con người. Ngài luôn đồng hành với chúng ta qua sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, mọi lúc, mọi chốn. "Thầy sẽ ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế". Mt 28, 20.

Sau bài thuyết trình của Cha Minh, hai bạn trẻ là nhân chứng Ðức Tin đứng ra chia sẽ với đại hội về đời sống Ðức Tin của mình:

Bạn trẻ đầu tiên là Phúc, đã đi làm, đến từ nhóm Giới Trẻ cộng đoàn Paris. Phúc chia sẻ: Phúc sinh ra và lớn lên trong gia đình theo đạo Phật. Phúc sang Pháp học và sinh hoạt trong nhóm Giới Trẻ Giáo Xứ Paris dù không có Ðạo. Dần dần Phúc tìm nhận ra được ơn gọi của Chúa và Phúc đã quyết định học giáo lý và Rửa Tội. Phúc được Rửa Tội cách đây 3 năm. Phúc tìm được niềm vui khi đến nhà thờ, khi dấn thân phục vụ Giáo Xứ và anh em.

Bạn trẻ thứ hai là Hiền, đã lập gia đình và đang đi làm, đến từ cộng đoàn Lyon. Hiền chia sẻ: Là mẹ của bốn con nhỏ, Hiền cố gắng nuôi dạy các con, hướng các con đi theo con đường mà tất cả các em bé Công Giáo đi theo. Trong xã hội "khử thiêng" hiện nay tại Pháp, điều này là không hề dễ dàng. Hiền cố gắng làm gương, thể hiện tình yêu Thiên Chúa của mình cho các con, để các con biết Chúa. Hiền chỉ dạy các con theo cách rất đơn sơ, dìu các con đi nhà thờ, nghe Lời Chúa, học giáo lý và cầu nguyện. Những lúc Hiền gặp phải nhiều khó khăn, Hiền cầu nguyện với Chúa để Ngài soi sáng cho Hiền để chỉ dạy các con. Với Hiền, Giáo Hội hiện diện ở ngay trong gia đình mình, với thiên chức của người mẹ, mình phải thể hiện đức tin và truyền đức tin đó cho các con.

Sau lời chia sẻ của hai bạn, các bạn trẻ được phân chia ra thành các nhóm nhỏ để thảo luận và chia sẻ xung quanh hai câu hỏi mới mà Cha Minh đưa ra:

- Giáo Hội của tôi là một Giáo Hội như thế nào?

- Người anh em của tôi đang ở đâu và làm thế nào để đến với họ?

Các nhóm nhanh chóng tỏa ra ở khắp nơi trong tu viện, kiếm cho nhóm mình một chỗ để có thể quây quần thảo luận, có nhóm ở trong phòng sinh hoạt, có nhóm ở ngoài vườn... Tinh thần của các bạn cao hơn hẳn hôm qua khi đã trải qua một ngày cùng nhau sinh hoạt và thảo luận, và biết nhau nhiều hơn. Buổi thảo luận thêm phần sôi nổi hơn và cởi mở hơn. Các bạn mở lòng mình hơn để có thể chia sẻ đời sống đức tin của mình. Không khí tu viện Saint-Pierre trở nên sối động hơn hẵn.

Ðúng 11h00, tiếng chuông nhà thờ điểm báo hiệu Thánh Lễ bắt đầu. Thánh Lễ được tổ chức trong nhà thờ của tu viện.

Giờ cơm trưa lúc 12h15 với các món Việt Nam tiếp thêm năng lượng để các bạn sẵn sàng cho các hoạt động vào buổi chiều. Sau giờ nghỉ ngơi buổi trưa, các bạn bắt đầu trở lại sinh hoạt và tiếp tục buổi thảo luận nhóm xoay quanh hai câu hỏi được đưa ra lúc sáng.

Ðúng 15h30, tất cả các nhóm tập họp lại để bắt đầu giờ đúc kết. Ðại diện mỗi nhóm trình bày phần chia sẻ của nhóm mình:

Trả lời cho câu hỏi "Giáo Hội của tôi là một Giáo Hội như thế nào ? với tất cả các nhóm: chúng ta chính là Giáo Hội. Giáo Hội là đầu, chúng ta là chi thể.

Trả lời cho câu hỏi "Người anh em của tôi đang ở đâu và làm thế nào để đến với họ? các bạn đều dựa trên lời Chúa Giêsu dạy về tình yêu. Ðó là tất cả anh em của tôi trong gia đình hay ngoài xã hội, là những người được rửa tội hay chưa được rửa tội, là người có đạo khác hay vô thần. Tất cả đều là anh em khi mối quan hệ được dựa trên tình yêu thương không vụ lợi. Tất cả chúng ta đều là con cái Chúa.

Sau khi các nhóm chia sẻ, Cha Minh đúc kết dựa theo các thảo luận mà các bạn đưa ra. Ngài chia sẻ: Mỗi ý kiến chia sẽ của các bạn đều giúp mở rộng tầm nhìn của mỗi người chúng ta. Giáo Hội: là những người thân trong gia đình, là các anh em đồng bào trong một đất nước, là các anh em bằng hữu trên toàn thế giới. Giáo Hội là những người Công Giáo tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng là những người có đạo khác hoặc vô thần. Tất cả chúng ta đều là anh em. Chúng ta được dạy phải yêu thương nhau, yêu thương tất cả mọi người vì chúng ta đều là con Thiên Chúa. Sống trong xa hội mà sự "khử thiên, bài Thiên Chúa" ngày càng rõ rệt, lời tuyên xưng "Tôi là người Công Giáo và tôi thực hành đức tin" cần được thể hiện rõ ràng và kiên quyết bởi mỗi người trẻ chúng ta. Chúng ta lãnh nhận đức tin, đó là một gia tài, thì chúng ta phải biết thực hành đức tin, để phát triển gia tài đó.

Ðúng 17h00, sau một ngày học hỏi và chia sẻ đức tin, thời gian của "Vui Sống" bắt đầu. Từng nhóm bạn trẻ bắt đầu thời gian làm việc nhóm để chuẩn bị cho đêm văn nghệ sẽ diễn ra vào tối nay. Không khí bắt đầu nóng lên dù rằng trời bắt đầu lạnh hơn vào cuối ngày. Các nhóm tỏa ra đi tìm các phục trang và đạo cụ để chuẩn bị cho màn kịch của nhóm và phần thi hoa hậu.

Sau giờ cơm tối, đêm văn nghệ được bắt đầu lúc 20h30.

Ðêm văn nghệ được bắt đầu bởi các màn kịch của các nhóm với nội dung xoay quanh chủ đề của đại hội...

...tiếp nối bởi phần thi hoa hậu châu Á với nhiều tình huống và lời đối đáp gây cười đến nức cả bụng...

Ðêm văn nghệ kết thúc trong tiếng cười với niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt của từng bạn.

Ðêm đến, lửa trại được đốt lên. Các bạn quây quần bên nhau. Hơi nóng tỏa ra xua tan cái lạnh buổi đêm. Ánh sáng lửa trại chiếu vào gương mặt từng bạn, rạng nên niềm vui sau một ngày sinh hoạt nhiều cảm xúc. Các bạn cùng ca hát và trò chuyện. Tình huynh đệ thêm được bền chặt.

Ngày 4: Chúa Nhật 11/05/2014 - Tổng kết, chia tay và hẹn gặp lại

Sau khi ăn sáng và vệ sinh phòng, các bạn tập trung tại phòng sinh hoạt bắt đầu ngày sinh hoạt cuối cùng của kỳ đại hội.

Cha Hòa trưởng ban Giới Trẻ đúc kết các hoạt động trong các ngày đại hội. Các bạn trẻ được mời gọi đóng góp ý kiến đóng góp về cách tổ chức và các hoạt động trong các ngày đại hội. Nhìn chung theo đánh giá của các bạn trẻ, đại hội Champagne đã rất thành công khi tất các các bạn đã được trải qua khoảng thời gian vui vẻ, đoàn kết, thăng hoa nhưng cũng sâu lắng. Cảm xúc của các bạn được đánh động và các bạn tìm được niềm vui của mình giữa anh em và trong tình yêu Thiên Chúa. Tất cả các bạn đều rất háo hức và sẵn sàng cho ky đại hội tiếp theo. Vì năm 2016 sẽ có Ðại hội Giới Trẻ toàn thế giới JMJ nên kỳ Ðại hội Giới Trẻ Việt Nam tại Pháp tiếp theo sẽ được tổ chức vào năm 2017.

Thánh Lễ Chúa Nhật bắt đầu lúc 11h00. Sau Thánh Lễ, các bạn trẻ bắt tay nhau, cùng trao cho nhau nụ cười. Có chút tiếc nuối vì kỳ đại hội đã đi đến giây phút cuối cùng, nhưng ai cũng vui vẻ và cùng hẹn nhau tại kỳ đại hội đến. Các nhóm cùng chụp hinh lưu niệm trước khi chia tay, lấy phần picnic của mình và chuẩn bị hành lý để lên đường về nhà.

Tạm biệt Champagne 2014, cùng hẹn nhau ở đại hội 2017.

 

Lm. Vũ Thái Hòa

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page