Biển Ðông và Giáo hội Công giáo

Phỏng vấn Ðức cha Nguyễn Thái Hợp

 

Biển Ðông và Giáo hội Công giáo: Phỏng vấn Ðức cha Nguyễn Thái Hợp.

Hoa Kỳ (RFA 14-05-2014) - Ðức Giám mục giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp đang có chuyến làm việc tại Hoa Kỳ. Ngày 11 tháng 5 năm 2014, ngài giới thiệu quyển sách Công lý và Hòa bình trên biển Ðông tại thành phố Philadelphia. Kính Hòa có cuộc trao đổi với Ðức Giam Mục về đề tài biển Ðông và Giáo hội Công giáo Việt nam.

Hòa bình và Công lý ở Biển Ðông

Kính Hòa: Dạ thưa kính chào đức cha, đầu tiên KH xin cảm ơn Ðức Cha đã giành cho Ðài ACTD buổi phỏng vấn này.

Câu hỏi đầu tiên: Trong tình hình hiện thời như Ðức Cha cũng biết là đang có những biến chuyển mới ở Biển Ðông, và Ðức Cha đã có cho ra mắt quyển sách Hòa bình và Công lý ở Biển Ðông, thưa Ðức Cha xin Ðức Cha cho biết làm thế nào để có được cả hai điều hòa bình và công lý ở Biển Ðông?

ÐGM Nguyễn Thái Hợp: Xin chân thành cảm ơn anh KH và các thính giả của ÐACTD, tôi rất vui mừng là có sự trùng hợp đặc biệt mà tôi có mặt ở đây để nói chuyện về đề tài bức xúc đối với người dân Việt Nam. Nói về quyển sách Hòa bình và Công lý ở Biển Ðông. Ðó là kết quả cuộc tọa đàm dự định tổ chức năm 2011, nhưng ở thời điểm đó chúng tôi cũng như tất cả những người băn khoăn với đề tài Biển Ðông gặp khó khăn, khó khăn từ phía nhà cầm quyền đối với những người cộng tác, đối với những người chủ trương. Tuy nhiên sau đó theo yêu cầu của nhiều anh em, chúng tôi đã phát hành cuốn sách đó, lưu hành nội bộ, tức là chỉ phát hành rất ít cho một số anh em để họ sử dụng; và từ năm ngoái một số anh em trong phong trào giáo dân đã muốn cho phát hành cuốn sách đó ở bình diện rộng lớn hơn, ở Hoa Kỳ này; do đó hôm nay tôi đến Hoa Kỳ để tham dự lễ hội Ðức mẹ La vang ở Houston, sau đó tôi sang đây để phát hành cuốn sách đó tại Houston, DC, Philadelphia và một số nơi khác...

Ðề tài của cuốn sách là nói lên tham vọng của TQ đối với Biển Ðông, chủ trương đường lưỡi bò của Trung Quốc, chủ trương bị rất nhiều người phản đối, nhưng Trung Quốc với thâm mưu và ý đồ vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương đó theo tính cách tằm ăn giông, theo kiểu vết dầu loang và theo nhiều chuyên viên mà anh cũng đã nhận thấy đó, thì Trung Quốc đã lựa chọn một thời điểm rất là thích hợp khi mà Việt Nam đang hồ hởi mừng chiến thắng Ðiện Biên, rồi mừng 30/04 và khi mà Hoa Kỳ cũng đang vướng bận với những dễn biến tại Ukraina, thì Trung Quốc đã cho giàn khoan 981 vào Biển Ðông, vào vùng lãnh thổ Việt Nam. Sự kiện đó đã đặt ra rất nhiều vấn đề cho nhà cầm quyền Việt Nam và đặc biệt là cho người Việt Nam trong và ngoài nước.

Chúng tôi hy vọng rằng sự kiện giàn khoan 981 sẽ giúp chính quyền Việt Nam nhìn lại chính sách của họ trong thời gian qua.

Kính Hòa: Thưa Ðức Cha, trong quyển sách đó Ðức Cha đưa ra những gợi ý nào, có chuyên chở những ý kiến gì cho người đọc trong vấn đề công lý và hòa bình?

ÐGM Nguyễn Thái Hợp: Cuốn sách đó đã viết cách đây 3 năm, 3-4 năm, và chúng tôi đã bắt đầu thảo luận vấn đề Biển Ðông từ năm 2008-2009. Năm 2009 là lần đầu tiên câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình tổ chức tọa đàm về Biển Ðông và hải đảo Việt Nam thì cũng đã nghĩ tới vấn đề Biển Ðông, vì đã nghĩ tới vấn đề lãnh thổ Việt Nam theo công ước quốc tế về luật biển. Cũng như trong bối cảnh hôm nay thì lãnh thổ Việt Nam không chỉ tính trên đất liền, và nói chung nó có thể lớn gấp ba lần lãnh thổ mà chúng ta.. và trước áp lực "đường lưỡi bò" thì lãnh thổ Việt Nam sẽ bị giới hạn, và hôm nay chúng ta đang thấy điều lo sợ đó đang trở thành hiện thực.

Và một trong những ý tưởng mà anh em trao đổi là cần phải quốc tế hóa vấn đề Biển Ðông, chứ không thể tiếp tục đối thoại song phương với Trung Quốc. Chính cái kiểu đối thoại song phương của 2 nhà nước đã đưa Việt Nam vào thế bí như hiện nay, và thảm họa mất nước, mất dần lãnh thổ là điều chúng ta đang nhìn thấy trước mắt. Vì nghĩ như vậy nên chúng tôi cho rằng cần phải quốc tế hóa vấn đề Biển Ðông, Việt Nam cần phải đưa vấn đề Biển Ðông, đưa câu chuyện giàn khoan, câu chuyện Hoàng sa - Trường Sa, chuyện "đường lưỡi bò"... ra trước quốc tế và Liên Hiệp Quốc như Philippines đã làm, để nhờ trọng tài quốc tế phân xử.

Kính Hòa: Thế thì trong biến chuyển vừa qua, như Ðức Cha cũng biết, cách đây vài tiếng đồng hồ là ông Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã lên tiếng rất mạnh mẽ tại Hội Nghị Thượng Ðỉnh ASEAN tại Miến Ðiện, vậy thì theo Ðức Cha đây có phải là bước đầu tiên mà Việt Nam đưa vấn đề Biển Ðông ra quốc tế không ạ?

ÐGM Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi hy vọng rằng sự kiện giàn khoan 981 sẽ giúp chính quyền Việt Nam nhìn lại chính sách của họ trong thời gian qua. Nhân dịp này cũng xin cảm ơn các bộ đội biên phòng, cảnh sát biển trong phạm vi khả năng và quyền hạn của họ đã chiến đấu bảo vệ lãnh thổ; nhưng cũng mong rằng chính quyền nên có một chính sách nhất quán hơn mới có thể cứu vãn được biên giới và lãnh thổ Việt Nam. Trước đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có những tuyên bố về vấn đề Biển Ðông, chúng tôi đã có trích dẫn những tuyên bố đó đưa vào quyển sách; những tuyên bố đó cũng được nhiều người hoan nghênh.

Nhưng rồi cũng đâu lại vào đó, và cuối cùng chúng ta phải đối đầu với một thực trạng là nhà nước vẫn có một chính sách quá ôn hòa mà một số người đã gọi là "hèn" đối với Trung Quốc; trong khi đó bạo lực và quá bạo lực đối với dân, nhất là đối với những người đã lên tiếng phản đối Trung Quốc. Tại sao lại làm như vậy?! Hy vọng vụ giàn khoan 981 sẽ là một thực tế, một thực tế đau lòng, nhưng hy vọng là thực tế ấy sẽ giúp chính quyền nhìn ra sự thật, để không còn tin tưởng vào nơi 16 chữ vàng để đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi của đảng phái và ý thức hệ; ngõ hầu tạo được miền tin nơi những ngưới Việt Nam trong và ngoài nước.

Tôi không phải là chính trị gia, nhưng tôi nghĩ rằng để đưa được người Việt Nam, dân tộc Việt Nam ra khỏi bước ngoặt quan trọng và thê thảm hiện nay thì cần phải có sự đoàn kết của những người Việt Nam trong cũng như ngoài nước, những người Việt Nam thuộc những chính kiến, đảng phái và tôn giáo khác nhau. Ðã có người gọi đó là một Hội nghị Diên Hồng mới.

Tình hình sinh hoạt tôn giáo trong nước

Kính Hòa: Xin cám ơn Ðức Cha trong phần nói chuyện về đề tài Biển Ðông. Xin Ðức Cha giành cho chúng tôi thêm vài phút để chuyển qua một đề tài khác. Và cũng như mọi người Việt Nam trên thế giới đã theo dõi thời sự đều biết đến câu chuyện xảy ra năm ngoái (2013) ở giáo xứ Mỹ Yên, đều biết rằng Ðức Cha là người đứng đầu sóng ngọn gió. Thế thì gần một năm sau thì Ðức Cha có thể cho biết tình hình sinh hoạt tôn giáo nói chung, và ở giáo xứ Vinh giáo phận mà Ðức Cha phụ trách hiện nay như thế nào?

ÐGM Nguyễn Thái Hợp: Cách đây ít lâu có người đặt câu hỏi cho chúng tôi là tình hình giáo hội công giáo ở Việt Nam như thế nào: là xấu, tốt, hay trung bình.

Thật là khó lòng diễn tả một tình hình phức tạp chỉ với một trong ba chữ là xấu tốt hay trung bình, nhưng nếu phải lựa chọn, hay nếu phải xếp hạng thì đúng hơn, thì tôi nghĩ là trung bình, hay đúng hơn là trung bình thấp, tùy theo cái nhìn, tùy theo điều kiện cụ thể từng nơi.

Riêng đối với giáo phận chúng tôi thì tôi có đặt câu hỏi với một số quan chức Việt Nam là tại sao có xảy ra vụ Mỹ Yên, hay nếu hỏi một cách da diết hơn thì câu hỏi là anh có ý đồ gì khi đưa ra vụ Mỹ Yên thì tại sao phải huy dộng đến hơn 1 ngàn cảnh sát cơ động có trang bị hơi cay và chó nghiệp vụ, tại sao huy động cả quân đội có vũ trang để đến đó là cuối cùng chỉ thực sự đối diện với mấy chục người dân tay không chứ cũng chả có gậy gộc súng ống gì cả. Cái đó là do nghe nói giáo dân Mỹ Yên đã chuẩn bị vũ trang để khởi nghĩa... cuối cùng thành ra cũng chỉ như đánh nhau với gió. Tôi cũng đã băn khoăn đặt câu hỏi tại sao.

Thật là khó lòng diễn tả một tình hình phức tạp chỉ với một trong ba chữ là xấu tốt hay trung bình, nhưng nếu phải lựa chọn thì tôi nghĩ là trung bình, hay đúng hơn là trung bình thấp.

Từ ngày đó đến hôm nay chúng tôi vẫn đối thoại, hai bên vẫn có những cuộc gặp gỡ và cuối cùng cũng có hai người giáo dân Mỹ Yên được trả tự do trước thời hạn, tức là được về mừng lễ giáng sinh với gia đình. Có một quan chức đã bảo tôi xin giám mục làm sao để dân chúng đừng có lên đón họ như những chiến sĩ vinh quang trở về, mà cứ để cho họ về âm thầm thôi, thì tôi cũng thấy là không cần thiết phải làm như vậy, nên hai người đó đã được về nhà một cách âm thầm. Nhưng sau đó bà con đã tổ chức lễ hội ba ngày liền để mừng họ. Ước mong rằng trong tương lai sẽ không có những chuyện như vậy xảy ra nữa, trong thế kỷ 21.

Kính Hòa: Thưa Ðức Cha theo cách đánh giá của Ðức Cha thì hiện nay tình hình hoạt động của giáo hội công giáo Việt Nam là ở mức trung bình, hay thấp hơn trung bình một chút. Vậy theo Ðức Cha thì trong tương lai có thể làm gì để cho tình hình nó khá hơn ạ?

ÐGM Nguyễn Thái Hợp: Vấn đề đó không phải chỉ lệ thuộc vài giáo hội mà thôi, mà điều đó thì nhà cầm quyền cũng phải nghĩ đến tiến trình đó, để thực hiện những quyền con người, những hiệp ước mà nhà cầm quyền đã từng ký, mà mới đây như anh cũng biết là Việt Nam đã được đề nghị đưa vào Hội dồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Ðó là một vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm, làm sao để người ta có thể tin tưởng là Việt Nam là thành viên, và có ứng xử đúng tư cách là thành viên, chứ như trong thời gian qua thì Việt Nam đã có quá nhiều chuyện xảy ra, và có lẽ công an có quá nhiều quyền như trong thời gian vừa qua thì có lẽ đó là điều lệ thuộc rất nhiều vào chính quyền, vào những quyết định và ứng xử của họ.

Chúng tôi cầu mong đất nước được an bình hơn, người Việt sẽ đoàn kết với nhau hơnđể có thể đối phó với ngoại xâm, nạn ngoại xâm mà Việt Nam đã phải đối đầu suốt chiều dài lịch sử là nước phương Bắc, do cái tham vọng ngàn đời của họ, tham vọng Ðại Hán. Ðể như vậy cần phải động viên tất cả năng lực, đoàn kết, nhất trí của mọi người.

Kính Hòa: Dạ thưa Ðức Cha vừa nhắc tới chuyện là tình hình sắp tới nếu muốn tốt hơn thì có phần lệ thuộc vào chính quyền thì có vẻ như là chính quyền Việt Nam hiện nay vẫn e ngại những tổ chức giáo hội nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Làm thế nào để họ không e ngại điều đó nữa?

ÐGM Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi cũng không thể trả lời anh câu hỏi đó vì xưa nay chúng tôi vẫn luôn mơ tới điều mà Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức 16 đã nói, đó là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt. Tất cả tín hữu công giáo Việt Nam đang cố gắng làm người giáo dân tốt, và là người công dân tốt. Người công dân tốt là người bận rộn và lo lắng cho vận mệnh đất nước, chính vì vậy trong một số bài viết chúng tôi có nêu rõ chúng tôi không đồng ý với quan điểm đồng hóa đất nước với một chế độ chính trị, cũng không thể nói yêu nước là yêu CNXH.

Bởi vì nhìn lại lịch sử dân tộc qua các triều đại, từ đời Ngô, đời Ðinh, đời Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn... cho tới chế độ hiện tại, thì tất cả các triều đại đó, chế độ đó cũng phải tới lúc chuyển giao cho triều đại khác, chế độ khác. Nhưng mà đất nước chúng ta vẫn còn đấy, và không ai có quyền đồng hóa một chiều dài lịch sử của dân tộc với một thể chế chính trị... và chúng tôi đều mong muốn giáo dân tốt cũng là công dân tốt, nên vì vậy Hội đồng Giám mục Việt Nam trong văn thư vừa rồi đã thể hiện sự băn khoăn trước tình hình Biển Ðông và dân tộc đã yêu cầu nhà cầm quyền đừng đồng hóa đất nước với chế độ, và yêu cầu nhà cầm quyền nên xét lại mối tương quan giữa Việt Nam với Trung Quốc vì mối tương quan đó đang gây tác hại cho đất nước trong giai đoạn hiện tại.

Kính Hòa: Xin chân thành cảm ơn Ðức Cha đã dành cho ÐACTD cuộc nói chuyện này.

ÐGM Nguyễn Thái Hợp: Tôi xin cảm ơn anh KH, cảm ơn Ban Giám Ðốc ÐACTD, và cảm ơn quý bạn nghe đài.

 

Kính Hòa, phóng viên RFA

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page