Ðức Thánh Cha tiếp kiến 200 ngàn người

thuộc giới học đường Italia

 

Ðức Thánh Cha tiếp kiến 200 ngàn người thuộc giới học đường Italia.

Vatican (Vat. 10-05-2014) - Chiều ngày 10 tháng 5 năm 2014, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ 200 ngàn người gồm các vị lãnh đạo, giáo chức và các học sinh các trường tại Italia, đặc biệt là các trường Công Giáo.

Tham dự cuộc gặp gỡ này tại Quảng trường thánh Phêrô cũng có Ðức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genova, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Italia và bà bộ trưởng giáo dục Stefania Giannini, cùng với các thành viên Phong trào Công Giáo tiến hành Italia, các nhân viên mục vụ học đường, gia đình và giới trẻ. Họ đứng đầy Quảng trường Thánh Phêrô và dọc theo đường Hòa Giải cho đến tận bờ sông Tevere.

Cuộc gặp gỡ do Hội Ðồng Giám Mục Italia tổ chức trong khuôn khổ chương trình gọi là "Giáo Hội bênh vực các trường học".

Ðức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genova, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Italia, tuyên bố rằng đã đến lúc đặt lại ở trung tâm những gì quan trọng nhất, trong số các trường học đáng được đặc biệt quan tâm, vì nếu chúng ta không đầu tư vào lãnh lực này thì một nước rất khó phục hồi sự tăng trưởng. Một xã hội không dành năng lực kinh tế, nhất là các năng lực nhân sự cho trường học, nghĩa là cho việc huấn luyện và canh tân, thì rốt cuộc sẽ bị lỡ cơ hội phục hồi".

Chương trình gặp gỡ bắt đầu lúc 3 giờ chiều với phần sinh hoạt của các học sinh và sau đó, lúc 4 giờ 15 phút chiều, Ðức Thánh Cha tiến vào quảng trường, đi xe zíp để chào thăm mọi người trước khi chính thức bắt đầu cuộc gặp gỡ từ lúc 5 giờ đến 6 giờ rưỡi chiều.

Cuộc gặp gỡ xen lẫn các bài chia sẻ, các bài ca, chứng từ và trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha bày tỏ sự hài lòng về cuộc gặp gỡ như một lễ hội của học đường. Ngài nói:

"Chúng ta biết rõ có những vấn đề và những điều không ổn. Nhưng anh chị em ở đây, chúng ta ở đây vì chúng ta yêu mến học đường. Tôi nói là "chúng tôi" vì tôi cũng yêu mến học đường, tôi đã yêu mến trường học như học sinh, sinh viên và như là giáo chức. Tiếp đến như Giám Mục. Trong giáo phận Buenos Aires, tôi thường gặp giới học đường và ngày nay tôi cám ơn anh chị em vì đã chuẩn bị cuộc gặp gỡ này, cho toàn thể Italia.

Ðức Thánh Cha cũng giải thích rằng: "đi đến trường học có nghĩa là cởi mở tâm trí đối với thực tại, trong sự phong phú của các khía cạnh, các chiều kích. Ðây là điều thật đẹp! Trong những năm đầu tiên, ta học 360 độ, rồi dần dần ta đào sâu một hướng đi rồi dần dần chuyên môn. Nếu một người học cách học, thì sẽ luôn luôn là một người cởi mở đối vpơi thực tại! Ðó là điều mà một nhà đại giáo dục người Italia đã dạy, đó là cha Lorenzo Milani.

"Ðức Thánh Cha đặc biệt nhắn nhủ các giáo chức hãy luôn cởi mở đối với thực tại, với tâm trí luôn cởi mở để học hỏi! Ðúng vậy, nếu một giáo chức không cởi mở để học hỏi, thì không phải là một nhà giáo tốt, không hay, và các học sinh đánh hơi thấy ngay. Các học sinh bị thu hút vì những giáo sư có một tư tưởng cởi mở, luôn tìm kiếm những gì hơn nữa, và làm cho các học sinh cũng được lây nhiễm thái độ ấy. Ðó là động lực đầu tiên khiến tôi yêu mến học đường.

"Một lý do khác nữa, đó là học đường là nơi gặp gỡ: gặp gỡ bạn bè, giáo chức và các nhân viên trợ giúp. Các phụ huynh gặp giáo dục, hiệu trưởng gặc các gia đình, v.v. Ðó là điều căn bản trong tuổi tăng trưởng, như một sự bổ túc cho gia đình... Trường học làm cho chúng ta gặp gỡ những người khác chúng ta, về tuổi tác, văn hóa, nguồn gốc.. Trường học là xã hội đầu tiên hội nhập và bổ túc gia đình. Gia đình và học đường không bao giờ được đối nghịch nhau!

"Sau nữa, tôi yêu mến trường học vì trường dạy chúng ta về chân, thiện, mỹ. Giáo dục không thể trung lập. Hoặc nó tích cực hoặc tiêu cực, hoặc nó làm phong phú hoặc làm nghèo nàn. Sứ mạng của gia đình là phát triển chân, thiện, Mỹ. Ðiều này diễn ra qua một con đường phong phú, được họp thành nhờ bao nhiêu yếu tố. Vì thế, có bao nhiêu môn học! Vì sự phát triển là thành quả của nhiều yếu tố cùng tác động và kích thức trí tuệ, lương tâm, tình cảm, thân xác, v.v.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page