Bầu khí cử hành Lễ Phục Sinh
bên Argentina, Hy Lạp và Trung Phi
Bầu khí cử hành Lễ Phục Sinh bên Argentina, Hy Lạp và Trung Phi.
Phỏng vấn linh mục Alejandro Russo, cha sở nhà thờ chính tòa Buenos Aires, linh mục Andreas Vuccinos, giám đốc Caritas Hy lạp và nữ tu Eliana Baldi, thừa Comboniana sống tại Bangui.
Roma (RG 28-04-2014; Vat. 6-05-2014) - Tại Argentina bên châu Mỹ Latinh, lễ Phúc Sinh vẫn còn được cử hành long trọng, mặc dù là vùng còn có bạo lực và bất bình đẳng xã hội rất cao. Hồi tháng giêng năm 2013, Ðức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, khi đó còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires, đã gửi tín hữu một sứ điệp video, trong đó ngài nhắc lại rằng Chúa Giêsu đã trao ban sự sống cho chúng ta, và "Phục Sinh là Chúa Giêsu sống".
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn linh mục Alejandro Russo, cha sở nhà thờ chính tòa Buenos Aires, người đã từng cộng tác với Ðức Hồng Y Bergoglio từ nhiều năm nay.
Hỏi: Thưa cha, bầu khí mừng lễ Phục Sinh năm nay tại Buenos Aires ra sao?
Ðáp: Trong sứ điệp Phục Sinh Ðức Hồng Y Bergoglio thường nhấn mạnh trên lòng Thương Xót của Thiên Chúa, y như ngài đang làm bây giờ, khi nói về sự tha thứ. Có lần ngài đã nói rằng Thiên Chúa tha thứ không mệt mỏi, và trên thực tế đây cũng là điều ngài đã nói trong buổi đọc kinh Truyền tin lần đầu tiên như là Giáo Hoàng ngày 17 tháng 3 năm ngoái.
Hỏi: Tín hữu tai Argentian đã sống lễ Phục Sinh năm nay ra sao thưa cha?
Ðáp: Ðiều quan trọng nhất liên quan tới hai tình hình cụ thể. Thứ nhất là ngày thứ Năm Tuần Thánh đã có rất đông người tham dự các cuộc rước do các giáo xứ và chính các tổng giáo phận tổ chức, viếng thăm 7 nhà thờ và 7 di tích kính dâng bí tích Thánh Thể Cực Thánh. Các phong trào, các hội đoàn và tất cả giáo dân đi từ nhà thờ này tới nhà thờ khác để chầu Thánh Thể, theo thói quen của người Tây Ban Nha đã có từ thời thuộc địa. Thế rồi sang ngày thứ Sáu Tuần Thánh, đã có lễ nghi tôn kính Thánh Giá, tôn kính Ðức Mẹ Sầu Bi, và tín hữu thinh lặng viếng thăm cả 7 nhà thờ suốt ngày. Ðến thứ Sáu Tuần Thánh đã có buổi đi đàng Thánh Giá. Tất cả tập trung nơi cuộc Khổ Nạn. Rồi tín hữu tới tham dự chật ních nhà thờ các lễ nghi canh thức Phục Sinh.
Hỏi: Thưa cha, Argentina đang phải sống trong tình trạng kinh tế phức tạp. Năm nay Giáo Hội loan báo cho dân chúng điều gì?
Ðáp: Argentian đã không bao giờ là một quốc gia ổn định về kinh tế và là một nước đã quen với tình hình này rồi. Lời loan báo Phục sinh luôn là một, và là lời loan báo Chúa Giêsu đã chết nhưng đã phục sinh. Ðây là điều được nhắc tới trong buổi đi đàng Thánh Giá trong thủ đô Buenos Aires với sự tham dư của 20-30 ngàn người, khi mưa hay không mưa gì cũng vậy. Lòng đạo đức bình dân qua việc sùng kính Chúa Kitô bị đóng đinh và Ðức Mẹ Sầu Bi này quan trọng. Số người tham dự các lễ nghi Tuần Thánh và đi xưng tội cũng đông. Trong các nhà thờ lớn luôn luôn có 4, 5 linh mục ngồi tòa giải tội liên tục, và từ tối thứ Năm cho tới tối thứ Bẩy Tuần Thánh tín hữu đi xưng tội. Và trong các đền thánh thì lại còn nhiều hơn nữa có tới 10 linh mục giải tội liên lỉ.
* * *
Từ Argentina chúng ta qua Hy Lạp với bài phỏng vấn linh mục Andreas Vuccinos, giám đốc Caritas.
Hỏi: Thưa cha cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và nạn thất nghiệp cao có ảnh hưởng trên việc cử hành lễ Phục Sinh tại Hy Lạp hay không?
Ðáp: Ðây là một lễ Phục Sinh rất khó khăn đối với dân chúng, bởi vì cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn mạnh lắm, tình hình chưa được giải quyết. Trái lại nó còn nghiêm trọng nữa vì người dân không có tiền. Giờ đây người dân chỉ được lãnh lương vào ngày cuối tháng, nghĩa là chính quyền không trả lương trước ngày cuối tháng. Dân chúng không thể nhận tiền hưu trí mà cũng phải đợi tới ngày cuối tháng mới được lãnh. Do đó nhiều người không có khả năng mừng lễ Phục Sinh. Các người hưu trí không thể mừng lễ khi chưa có lương. Các nhân viên làm việc trong các cơ quan của chính quyền không nhận được lương tháng 13 nữa, như bên Hy Lạp người ta vẫn gọi là "quà Phục Sinh".
Hỏi: Trên bình diện đức tin thì tín hữu mừng lễ ra sao thưa cha?
Ðáp: Bên Hy Lạp tín hữu công giáo theo lễ nghi Latinh. Nhưng từ năm 1971 đến nay hằng năm chúng tôi cử hành lễ Phục Sinh cùng ngày với các tín hữu chính thống, bởi vì chúng tôi có nhiều gia đình hỗn hợp gồm công giáo và chính thống. Giáo Hội chính thống Hy Lạp theo lịch phụng vụ Gregoriano quanh năm, nhưng riêng đối với lễ Phục Sinh thì lại theo lịch cũ là lịch Giuliano. Vì thế các tín hữu công giáo chúng tôi cũng cử hành lễ Phục Sinh theo lịch này, ngay từ thời Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI rồi.
Hỏi: Cha đã nói rằng tình hình tại Hy Lạp hiện nay vẫn khó khăn, nhưng các thống kê cho thấy nạn thất nghiệp đã giảm bớt một chút rồi mà. Và Caritas đã trợ giúp các gia đình gặp khó khăn như thế nào?
Ðáp: Khi có tới 1 triệu 300 ngàn người thất nghiệp, cả khi một triệu người có tìm ra công ăn việc làm đi nữa, thì điều này không có nghĩa là đã giải quyết được vấn đề của các gia đình.
Nhờ Caritas Italia và các Caritas khác, chúng tôi tìm trợ giúp những người nghèo túng nhất, đa số là các người di cư hay tỵ nạn. Chúng tôi giúp họ thực phẩm, qua trung tâm cung cấp các bữa ăn mỗi ngày. Chúng tôi chỉ có thể giúp họ bằng cách này thôi. Chúng tôi không có nhiều khả năng, vả lại các ngân qũy của chúng tôi cũng hạn hẹp, vì cuộc khủng hoảng và vì thuế má. Giáo Hội cũng sống cùng các vấn đề của dân chúng.
Hỏi: Trong mùa Phục Sinh Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần mời gọi chúng ta kết hiệp các khổ đau của chúng ta với các khổ đau của Chúa Kitô, để tái khám phá ra niềm vui trợ giúp các anh chị em khác. Bên Hy Lạp có thể thực hiện điều này như thế nào? Làm sao trợ giúp và đồng hành với những ai mệt mỏi với lời của Ðức Thánh Cha Phanxicô thưa cha?
Ðáp: Chúng tôi tìm thực hiện điều này qua những ai có thể trợ giúp chúng tôi. Tuy nhiên không còn nhiều người nữa, vì tất cả những người đã trợ giúp chúng tôi giờ đây họ không thể trợ giúp nữa.
Chúng tôi không được mất niềm hy vọng. Như lá tín hữu kitô chúng tôi luôn luôn hy vọng, chúng tôi phải biết chịu đựng mọi khó khăn kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi không bao giờ được đánh mất niềm hy vọng! Sứ điệp của Ðức Thánh Cha cho Mùa Chay đã rất là hay, và chúng tôi phải phân phát nó cho mọi người để cho họ thấy Ðức Thánh Cha luôn nói về người nghèo và tình trạng sống của những người yếu đuối nhất trong xã hội của chúng tôi.
* * *
Sau cùng là bài phỏng vấn nữ tu Eliana Baldi, thừa sai dòng Comboni sống tại Bangui. Sau hơn một năm, bạo lực vẫn còn đang hoành hành tại Trung Phi. Thứ năm trước khi vào Tuần Thánh đã có một linh mục công giáo bị sát hại tại miền bắc bởi các dân quân thân với nhóm phiến quân Seleka. Hồi tháng 3 năm 2013 nhóm này đã đưa ông Michel Djotodia lên làm tổng thống, nhưng ông đã phải từ chức sau đó, vì bất lực không kìm hãm được các cuộc dụng độ giữa các cộng đoàn khác nhau trong nước. Tiếp theo đó là các hoạt động đẫm máu của nhóm chống Balaka.
Hỏi: Thưa chị Elianna Baldi, lễ Phục Sinh có ý nghĩa nào trong tình hình bạo lực rối ren hiện nay tại Cộng hòa Trung Phi?
Ðáp: Sống lễ Phục Sinh năm nay có nghĩa là nhớ lại điều đã xảy ra hồi năm ngoái, khi thủ đô bị hàng ngàn phiến quân chiếm đóng vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá. Họ lùng sục khắp nơi khiến mọi người sợ hãi, kinh hoàng. Người ta không biết điều gì đang xảy ra và sẽ kết thúc như thế nào. Vì thế cử hành lễ Phục Sinh năm nay đối với những người còn sống, trước hết có nghĩa là biết ơn Chúa vì mình còn sống sót trong đất nước bị tàn phá này. Dĩ nhiên sống trong thủ đô Bangui không giống như sống tại các nơi khác của Trung Phi, nhất là miền bắc trên trục lộ dẫn sang nước Ciad, nơi cách đây ít ngày dân chúng đã phải chạy trốn vào trong rừng. Trong khi đó các lực lượng binh sĩ Ciad đang rút lui và người dân sợ các cuộc đụng độ xảy ra giữa lực lượng chống Balaka, binh sĩ Ciad hay các cựu phiến quân Seleka.
Hỏi: Ðức Tổng Giám Mục Bangui đã cùng Imam Chủ tịch Hội đồng hồi giáo Trung Phi và lãnh đạo các Giáo Hội tin lành đã đi ra nước ngoài để nói cho cộng đồng quốc tế biết rằng chiến cuộc tại Trung Phi không phải là chiến tranh tôn giáo mà là cuộc xung đột nhằm kiểm soất quyền bính. Tại sao vậy thưa chị?
Ðáp: Báo chí thế giới đang tìm làm cho người ta tin rằng đây là một cuộc chiến tôn giáo để biện minh cho một số hành động nào đó. Nhưng thật ra cuộc xung đột nảy sinh nhằm kiểm soát dầu hỏa và các tài nguyên khác của Trung Phi. Vì thế hành động hiệp nhất này của hàng lãnh đạo tôn giáo rất quan trọng. Nó cho thấy các vị hiệp nhất với nhau, và người dân Trung Phi không đánh nhau vì lý do tôn giáo. Chẳng hạn một bằng chứng là Chúa Nhật Lễ Lá, là Ngày giới trẻ quốc gia, cũng có sự tham dự của một nhóm bạn trẻ đại diện cho giới trẻ Hồi giáo, để cùng nhìn về một tương lai hy vọng cho tất cả mọi người.
Hỏi: Thưa chị, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần cầu nguyện và kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Trung Phi. Ngài xin mọi người tiếp nhận ơn lòng thương xót của Thiên Chúa, để cho quyền năng của Người biến đổi hận thù thành tình yêu, báo oán thành tha thứ, chiến tranh thành hòa bình. Làm sao có thể thực hiện được điều đó trong dịp lễ Phục Sinh tại Trung Phi?
Ðáp: Dây cũng là sứ điệp mà mọi giới lãnh đạo tôn giáo Trung Phi lập lại. Nhưng thực tế đó là con tim của người dân đã bị thương tích nặng nề. Giờ đây người ta thảo luận để tạo ra sự sẵn sàng của tâm trí. Cần phải có thời gian. Ðiều quan trọng đó là sự rõ ràng của sứ điệp giúp dân chúng hướng cái nhìn về một tương lai duy nhất ý nghĩa và có thể: đó là một tương lai chung sống và hòa bình. Tiện đây tôi muốn nhắc lại một chuyện rất hay đẹp đó là một hôm có một linh mục dòng Comboni đi lấy thuốc cho người tỵ nạn trong giáo xứ. Tình cờ ngài gặp một nhóm thanh niện đang bàn luận cách giết một thiếu nữ bị tố cáo là gián điệp của một cộng đoàn khác. Cha đã phản ứng ngay và thuyết phục các bạn trẻ đừng giết người, và cha đã bị họ đâm vào đầu gối. Rất may là vết thương không nặng và cha đã khỏi. Nhưng cha đã cứu được cô gái ấy và lay động được nhóm thanh niên đã tấn công cha. Sau đó họ đã tới xin lỗi cha. Ðó đã là một chứng tá mạnh mẽ đối với người trẻ mà cha yêu thương săn sóc. Ðó là một dấu chỉ của lòng quảng đại, tình yêu thương trong viễn tượng một lễ Phục sinh của hòa bình đích thực, của ước muốn bỏ lại sau lưng sự dữ và khổ đau.
(RG 28-4-2014)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)