Thực trạng truyền thông Công Giáo
"thời broadband"
Thực trạng truyền thông Công Giáo "thời broadband".
Adelaide, Australia (VietCatholic News 5-05-2014) - Bài Thuyết trình tại Ðại Hội Các Linh Mục Việt Nam tại Úc Châu của kỹ sư J.B. Ðặng Minh An:
Kính thưa quý cha,
Năm 1999, cũng tại Adelaide này con đã có dịp trình bày về tương lai của truyền thông Công Giáo trong viễn tượng của Internet. 15 năm đã trôi qua, những bức phá về kỹ thuật và sự bùng nổ các mạng xã hội đã thay đổi sâu sắc các phương tiện truyền thông. Chúng ta đang đối diện với một thực tại vượt quá trí tưởng tượng phong phú nhất của những nhà truyền giảng Tin Mừng đi trước chúng ta.
Thực trạng ấy có hai đặc trưng chính: thứ nhất là từ việc chỉ có thể xuất bản trên Internet những văn bản và hình ảnh, ngày nay tất cả các dạng thức xuất bản bao gồm cả audio và video đều có thể phát qua mạng lưới điện toán toàn cầu. Thứ hai, là tất cả các biên giới về địa lý và thời gian đều bị san bằng. Nếu năm 1999 chúng ta nói về firewall, về những bức tường lửa thì ngày nay đó là những chuyện đang lùi dần về quá khứ. Với sự bùng nổ của các mạng xã hội như Facebook, Tweeter, ngay cả ở những quốc gia nơi mà chỉ cần đeo thánh giá trên cổ cũng đủ tù đầy chết chóc, người ta vẫn coi được lễ phong Thánh cho hai vị Giáo Hoàng.
Ði sâu hơn vào thực tại của các phương tiện truyền thông xã hội ngày nay, có những điểm con mong muốn được chia sẻ với quý cha để sao cho những thực tại mới này có thể giúp truyền thông Công Giáo đem lại những hệ quả tích cực đối với sự phát triển về phương diện tâm lý, đạo đức, và xã hội của cá nhân, cấu trúc và hoạt động của xã hội, sự giao lưu giữa các nền văn hóa, sự cảm nhận và truyền đạt các giá trị, thế giới quan, ý thức hệ và niềm tin tôn giáo.
1. Hiện tượng tái cấu trúc các phương tiện truyền thông xã hội.
Mùa hè năm 2012, Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ ủy thác cho Trung Tâm Nghiên Cứu Ứng Dụng vào các hoạt động Tông Ðồ của trường Ðại Học Georgetown nghiên cứu về những ảnh hưởng của truyền thông xã hội trên người Công Giáo Hoa Kỳ. Kết quả cố nhiên là có những sai biệt khi áp dụng cho người Công Giáo Việt Nam, và cũng có những khác biệt sâu đậm giữa người Công Giáo sinh sống trong nước và hải ngoại. Tuy nhiên, những số liệu này cũng cho ta một hình dung về những gì đang diễn ra.
Một trong những kết quả thống kê đáng được đề cập là hiện tượng tái cấu trúc lại các phương tiện truyền thông xã hội. Trong hai phương tiện truyền thông cổ điển là báo in và truyền hình thì báo in đang chết dần mòn. Truyền hình vẫn tiếp tục dẫn đầu với 61% số người được hỏi coi đó là nguồn thông tin chủ yếu của họ. 20% trả lời là Internet. 12% trả lời là báo in và chỉ còn 4% nghe radio. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là với những tiến bộ mới trong vận tốc truyền thông tin, chẳng hạn như với chương trình National Broadband Network của Úc; và với sự đơn giản hóa tối đa việc truy cập vào Internet bằng các loại điện thoại smart phone, các loại ipad càng ngày càng ít người hồ nghi rằng chỉ trong vòng vài năm nữa Internet sẽ vượt xa truyền hình.
Với xu hướng đó, cần thiết là chúng ta phải có những đầu tư nhất định cho Internet Công Giáo nhưng trong thực tế đời sống của nhiều người Công Giáo Việt Nam tại hải ngoại báo in vẫn còn là nguồn thông tin duy nhất vươn tới được thì tờ Dân Chúa vẫn phải được duy trì. Cha Quảng có lẽ sẽ nói đôi lời về tương lai báo Dân Chúa, nhưng nếu không có những hỗ trợ của các cộng đoàn và các cha quản nhiệm thì tình hình là đáng quan ngại.
2. Ý thức về sự hiện diện của Giáo Hội trên mạng lưới điện toán toàn cầu.
Văn kiện "Giáo Hội và Internet" được Hội Ðồng Tòa Thánh về Truyền Thông Xã Hội đưa ra ngày 02/03/2002 nói rõ rằng
"Linh mục, phó tế, tu sĩ và những giáo dân làm việc mục vụ cần phải được huấn luyện về truyền thông để tăng cường hiểu biết của họ về hệ quả của truyền thông xã hội đối với cá nhân và xã hội; và giúp họ đạt được một cách thế truyền thông làm rung động lòng người và gây thu hút nơi con người trong một nền văn hóa truyền thông."
Như thế, rõ ràng quan điểm của Giáo Hội đối với Internet là rất tích cực. Thậm chí, cả Ðức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Ðức Thánh Cha Phanxicô đều có những accounts twitter lôi cuốn hàng mấy chục triệu người theo dõi.
Riêng tại Hoa Kỳ, Giáo Hội có lẽ hiện diện một cách tích cực trên Internet nhất so với tất cả các nước còn lại trên thế giới với một đài truyền hình Công Giáo phát 24 trên 24 trên Internet và một lực lượng hùng hậu hàng chục thông tấn xã Công Giáo cũng như cơ man những Web sites chuyên biệt của các dòng tu, giáo phận, giáo xứ.
Nhưng, điều đáng kinh ngạc là trong thống kê vào mùa hè năm 2012 của Trung Tâm Nghiên Cứu Ứng Dụng vào các hoạt động Tông Ðồ, 53% những người thường xuyên sử dụng Internet nói rằng họ không hề ý thức rằng Giáo Hội cũng hiện diện trên Internet!
Tình hình có lẽ còn bi đát hơn nếu chúng ta thực hiện một thống kê tương tự trên người Việt Công Giáo.
Thành ra, chúng con tha thiết xin quý cha và quý cộng đoàn trong những hoàn cảnh thích hợp nói đôi lời quảng cáo giúp không chỉ cho VietCatholic chúng con mà còn cho bất cứ cơ quan truyền thông Công Giáo nào, quý cha thấy là có ơn ích thiêng liêng cho anh chị em. Nếu quý cha cho chiếu những videos Tin Tức Công Giáo và những bài suy niệm của Ðức Thánh Cha bằng tiếng Việt trên nhà thờ thì thật là tuyệt vời.
3. Những tấn kích liên tục nhắm vào Giáo Hội.
Những kỹ thuật và phương tiện mới này không chỉ dành riêng cho Giáo Hội mà còn cho bất cứ cá nhân hay nhóm xã hội nào bao gồm một thế giới truyền thông thế tục có thể đôi khi thờ ơ hay ngay cả thù địch với đức tin và luân lý Kitô Giáo. Ðiều này một phần do bởi văn hóa truyền thông tiêm nhiễm quá đậm một ý tưởng tiêu biểu của thời hậu hiện đại theo đó sự thật duy nhất tuyệt đối là không có sự thật tuyệt đối hay, nếu có những sự thật như thế, thì chúng không thể tiếp cận với lý trí nhân loại và do đó là không có liên quan.
Liên Ðoàn Công Giáo về Quyền Tự Do Tôn Giáo và Dân Sự mở một cuộc nghiên cứu trên 4 cơ quan truyền thông thế tục có ảnh hưởng nhất tại Hoa Kỳ là tờ The New York Times, The Washington Post, Time magazine và chương trình truyền hình CBS Evening News cho thấy trong những vấn đề đang gây tranh cãi liên quan đến giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo như kiểm soát dân số, hôn nhân đồng tính, luật độc thân linh mục, vai trò của phụ nữ và vấn đề xâm phạm trẻ vị thành niên, lập trường của Giáo Hội luôn bị xuyên tạc và những nhận xét đầy ác ý thường được buông ra cách nặng nề để đẩy chúng ta về phía thua cuộc. Chẳng hạn như 63% những tài liệu được nghiên cứu cho thấy những công kích gay gắt về lập trường của Giáo Hội về hôn nhân đồng tính.
Có lẽ chỉ có hai trường hợp ngoại lệ là việc đối thoại liên tôn và lập trường quyết liệt chống chiến tranh của Giáo Hội là được tán thưởng.
Ðứng trước những tấn kích như thế, 28% những người được hỏi thừa nhận rằng họ cảm thấy "hổ thẹn" không muốn xác nhận căn tính Công Giáo của mình, trong khi đó 44% thừa nhận mình thiếu những kiến thức cần thiết về giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, không đủ đáp trả lại những tấn kích.
Công việc hộ giáo không thể chỉ là việc của những người làm truyền thông Công Giáo chuyên nghiệp. Chắc chắn nó đòi hỏi những kiến thức thần học, khả năng sư phạm và tâm lý mà hàng giáo sĩ có nhiều thuận lợi hơn anh chị em giáo dân chúng con.
4. VietCatholic trước thực tại mới
Ðược thành lập vào ngày lễ Các Thánh 1 tháng 11 năm 1996, VietCatholic không ngừng cải tiến kỹ thuật. Từ việc chỉ phát những văn bản và hình ảnh, từ 5 năm qua chúng con đã thử nghiệm các chương trình phát hình và trong 3 năm qua chúng con hợp tác với các cơ quan trung ương Tòa Thánh để thực hiện chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican phát hình đều đặn mỗi tuần một lần khoảng 30 phút. Chương trình trình bày những hoạt động của Ðức Thánh Cha, những giáo huấn của ngài, những hoạt động của giáo triều Rôma, đời sống Giáo Hội trên hoàn vũ và những vấn đề quan yếu trên thế giới.
Bên cạnh đó là những phóng sự đặc biệt dành cho những biến cố lớn trong đời sống Giáo Hội như Giáng Sinh, Phục Sinh, Phong Thánh, Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới...
Mỗi ngày Ðức Thánh Cha Phanxicô lại có những thánh lễ và những lời giảng dạy rất thiết thực của ngài. Cho nên, chúng con lại có thêm chương trình Suy Niệm với Ðức Thánh Cha Phanxicô phát hàng tuần cũng khoảng 30'.
Thực hiện những chương trình này mất rất nhiều thời gian nhưng vẫn chưa có thể nói là đáp ứng được phần nào những nhu cầu của cộng đoàn dân Chúa.
Kết luận:
Cuộc cách mạng kỹ thuật trong lĩnh vực truyền thông đã xảy ra và còn đang tiếp diễn với những bức phá ngoạn mục mới; cùng với sự bùng nổ của các mạng xã hội đòi hỏi những suy tư và đầu tư thích hợp của mọi thành phần dân Chúa.
Còn quá nhiều những vấn đề, quá nhiều những mảng chúng ta chưa có một đáp trả thỏa đáng như trong lãnh vực hộ giáo, bênh vực những giáo huấn của Giáo Hội .. Ðứng trước cơn thác lũ thông tin hiện nay thuyền không tiến lên được ắt sẽ lùi.
Thực tại mới đòi hỏi những cách nghĩ mới và những cố gắng mới.
Cám ơn quý cha đã lắng nghe.
J.B. Ðặng Minh An