Gương mặt của hai vị tân Hiển Thánh
Gioan XXIII và Gioan Phaolô II
Gương mặt của hai vị tân Hiển Thánh Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.
Phỏng vấn Ðức Hồng Y Angelo Comastri và Ðức Hồng Y Loris Francesco Capovilla.
Roma (SD 17-04-2014; 19-03-2014; 20-04-2014; Vat. 28-04-2014) - Chúa Nhật 27 tháng 4 năm 2014 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ phong Hiển Thánh cho Ðức Gioan XXIII và Ðức Gioan Phaolô II. Hiện diện trong thánh lễ cũng có Ðức Biển Ðức XVI, cũng như ngoại giao đoàn cạnh tòa thánh và nhiều giới chức đạo đời và mấy triệu tín hữu đến từ khắp nơi trên thế giới. Ðây là biến cố chưa từng có vì là lần đầu tiên trong lịch sử dài hơn 2,000 năm của Giáo Hội hai Giáo Hoàng còn sống cùng hiện diện trong thánh lễ phong Hiển Thánh cho hai Giáo Hoàng khác. Thánh lễ đã được các đài truyền hình quốc tế chiếu trực tiếp để tín hữu toàn thế giới có thể theo dõi.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Angelo Comastri, giám quản Ðền Thờ thánh Phêrô và thành phố Vaticăng là người đã sống gần Ðức Gioan Phaolô II.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y Comastri, Ðức Hồng Y có kỷ niệm nào về Ðức Gioan Phaolô II? Làm sao ngài lại có thể trở lại quảng trường Thánh Phêrô sau vụ mưu sát hồi năm 1981?
Ðáp: Lần đầu tiên tôi gặp Ðức Gioan Phaolô II là khi tôi được chỉ định làm Giám Mục. Hồi đó vụ mưu sát đã xảy ra gần 10 năm trước rồi. Và tôi nhớ là khi đứng mặt giáp mặt với Ðức Gioan Phaolô II tôi đã rất là cảm động. Bất thình lình tâm trí tôi như bị một màn sương che phủ và tôi đã không có câu hỏi nào trong trí. Ðức Gioan Phaolô II nói: "Ðức Cha xúc động qúa! Xin hỏi tôi điều gì đi chứ". Lúc đó tôi mới nói: "Xem nào, vâng con xin hỏi Ðức Thánh Cha: làm sao mà Ðức Thánh Cha có thể trở lại quảng trường thánh Phêrô sau vụ mưu sát như vậy?" Tôi nhớ là Ðức Gioan Phaolô II nhìn tôi mỉm cười và nói: "Thật đã không dễ đâu". Và tôi hỏi ngài: "Thế Ðức Thánh Cha đã không sợ à?" Và ngài trả lời: "Chắc chắn là tôi sợ chứ. Xin Ðức cha nhớ là những người can đảm không phải là những người không sợ hãi, nhưng là người cho dù có sợ vẫn tiến tới để đưa sứ mệnh của họ tiến tới". Và ngài nói thêm: "Sau vụ mưu sát người ta khuyên tôi nên mặc áo giáp chắn đạn dưới áo chùng... Nhưng tôi đã không muốn. Mạng sống của tôi ở trong tay Thiên Chúa".
Hỏi: Tình yêu con thảo của Ðức Gioan Phaolô II đối với Ðức Maria có ảnh hưởng nào trên chứng tá sự thánh thiện của ngài, thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Ðức Gioan Phaolô II đã tâm sự rằng ngài đã khám phá ra sự sùng kính Ðức Maria khi còn trẻ. Ban đầu xem ra lòng sùng kính Ðức Mẹ - trong một cách nào đó - làm lu mờ quyền tối thượng của Chúa Kitô. Thế rồi khi đọc "Khảo luận về lòng sùng kích đích thật đối với Mẹ Maria" của thánh Luigi Maria Grignion de Montfort, ngài hiểu ra rằng Ðức Maria không làm cho chúng ta xa Chúa Giêsu, trái lại Mẹ dẫn đưa chúng ta tới với Chúa Giêsu. Và ngài cũng nói rằng chính Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường này, con đường của Mẹ Maria, khi từ trên thập giá Người đã nói với Gioan: "Gioan, này là Mẹ con" và nói với Mẹ Maria: "Này là con Mẹ". Chúa Giêsu đã chỉ Mẹ Maria cho chúng ta như con đường để tới với Người bởi vì Mẹ Maria, bởi định nghĩa, là Ðấng vâng lời. Là Ðấng nói tiếng "xin vâng". Và bên cạnh Mẹ Maria, khi nhìn Mẹ Maria, chúng ta học được kiểu "xin vâng" đó. Khi đó khẩu hiệu "Totus tuus", chương trình của Ðức Gioan Phaolô II có nghĩa là "Lậy Mẹ Maria, con hoàn toàn là của Mẹ để đi đến với Chúa Giêsu".
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðức Hồng Y đã gần gũi Ðức Karol Wotijla trong những lúc cuối cùng cuộc đời dương thế của ngài. Cả trong kiểu đối diện với thử thách cuối cùng người ta cũng đã trông thấy sự thánh thiện của Ðức Gioan Phaolô II có đúng thế không?
Ðáp: Tôi có một kỷ niệm rất sống động của cuộc gẵp gỡ cuối cùng với ngài: đó là ngày mùng 1 tháng 4 năm 2005, một ngày trước khi ngài qua đời. Tôi nhớ là tôi đã làm mọi chuyện với sự vội vã. Tôi đến sân San Damaso, lấy thang máy, đến phòng của Ðức Giáo Hoàng và tìm thấy cha Stanislaw dẫn tôi vào phòng Ðức Giáo Hoàng, đây là lần đầu tiên trong đời tôi vào phòng một vị Giáo Hoàng. Tôi thấy ngài ngồi dựa lưng vào mấy chiếc gối trong khi một bác sĩ chuyền dưỡng khí cho ngài vì ngài liên tục bị khủng hoảng nghẹt thở. Khi đó tôi nói: "Thưa Ðức Thánh Cha, con vừa bắt đầu công việc ngài đã giao cho, xin Ðức Thánh Cha chúc lành cho con". Và tôi thấy bàn tay phải của Ðức Thánh Cha thò ra ngoài khăn trải giường, sưng rất to, giơ lên chúc lành nhưng rơi xuống. Khi đó tôi nói: "Thưa Ðức Thánh Cha, phép lành đã ra từ con tim và như thế là đủ cho con rồi". Ðó là kỷ niệm đẹp nhất mà tôi mang theo trong mình. Khi đó Ðức Thánh Cha chăm chú nhìm tôi. Tôi còn thấy đôi mắt đó nhìn tôi: đôi mắt thanh thản, trong sáng... Tôi nhớ là khi ra khỏi phòng Ðức Giáo Hoàng, tôi tự hỏi từ đâu nảy sinh ra sự thanh thản đó: nó nảy sinh từ sự kiện ngài chắc chăn đi găp Chúa. Nhưng đối với tôi cũng còn có một lý do khác nữa: ngài đã xác tín rằng đã hoàn toàn tiêu hao cuộc sống cho Chúa. Khẩu hiệu "Totus tuus" ấy ngài đã thực hiện nó một cách tràn đầy: tất cả là của Mẹ Maria cho Chúa Giêsu.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y trong các năm qua Ðức Hồng Y đã có thể đọc và thu thập hàng ngàn lời cầu mà tín hữu toàn thế giới đả để lại nơi mộ của Ðức Gioan Phaolô II. Có cái gì đánh động Ðức Hồng Y từ các chứng tá này?
Ðáp: Ðiều đánh động tôi đó là tất cả chúng hướng về hai phía: hoặc đó là các gia đình cám ơn Ðức Giáo Hoàng vì gương sống của ngài, các lời ngài nói, và chứng tá của ngài hay đó là các người trẻ cám ơn Ðức Gioan Phaolô II vì niềm hăng say mà ngài đã thắp lên trong họ. Và đó là hai mối tình của Ðức Gioan Phaolô II: gia đình và giới trẻ. Nhưng đồng thời chúng ta tất cả đều nhớ ngài như là vị Giáo Hoàng của giới trẻ. Ngoài ra các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là một trong các sáng chế của ngài để quy tụ người trẻ và thắp lên nơi họ lòng hăng say theo Chúa Giêsu.
Hỏi: Bây giờ chúng ta tất cả đều có thể khấn cầu Ðức Gioan Phaolô II như là Thánh, tương quan giữa tín hữu và Ðức Gioan Phaolô II sẽ thay đổi như thế nào thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Tôi xin trả lời từ trên trước rồi từ dưới sau. Từ trên tôi nhớ tới một khẳng định của thánh nữ Têrêxa thành Lisieux: hai tháng trước khi chết thánh nữ tâm sự rằng: "Tôi sẽ sống trên Trời để làm sự lành cho trái đất". Tôi tin rằng Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là người đã yêu thương Giáo Hội, giới trẻ, gia đình, nhân loại biết bao, sống trên Trời run rẩy như khi người còn sống trong ước muốn làm cái gì đó, làm sự lành, đem người ta đến với Chúa Giêsu. Như vậy nơi ngài chắc chắn có sự đam mê đó, ước muốn đó, bởi vì trên Trời sự thiện được khuyếch đại lên. Ðàng khác, chúng ta nhớ tới ngài như là một vi Giáo Hoàng đã trao ban một chứng tá đức tin vĩ đại và một lòng can đảm sống đức tin lớn lao. Ðiều đánh động tôi nhất đó là sự can đảm này của Ðức Gioan Phaolô II, sức mạnh tiến tới để chiến thắng mọi sợ hãi, như lời kêu gọi ngài đã đưa ra trong thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô ngày 22 tháng 10 năm 1978: "Ðừng sợ hãi! Hãy mở ra, còn hơn thế nữa, hãy mở toang các cửa cho Chúa Kitô! Chúa Kitô biết trong trái tim con người có điều gì. Chỉ có Ngài biết mà thôi". "Ðừng sợ hãi hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô" Tôi tin rằng các lời này là kỷ niệm đẹp nhất về Ðức Giona Phaolô II. Nó giống như một mũi tên chỉ đường, một dấu hiệu nói rằng "Hãy đi đến với Chúa Giêsu".
Sau đây là một vài nhận xét của Ðức Hồng Y Capovilla, nguyên bí thư của Ðức Gioan XXIII trong hơn 10 năm trời.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, tại sao Ðức Thánh Cha Phanxicô đã muốn tôn phong Hiển Thánh Ðức Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII năm nay mà không cần chứng nhận phép lạ thứ hai do lời bầu cử của người?
Ðáp: Tôi không thể vào trong các ý định của Ðức Thánh Cha. Tôi chỉ biết rằng xem ra Ðức Thánh Cha muốn lấy lại không phải diễn văn của Ðức Gioan XXIII, nhưng là linh hứng đến từ bên trên là triệu tập tất cả các Giám Mục, tất cả các Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới, quy tụ bện nhau để lắng nghe, cầu nguyện, suy tư trong tình huynh đệ và tự hỏi xem chúng ta phải làm gì để con người thời đại của thế kỷ XXI đáp trả là lời mời gọi của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, là người đã nói: "Công Ðồng Chung Vaticăng II là ngôi sao dẫn đường của thế kỷ XXI". Tuy nhiên đó không phải là lộ trình của một biến cố thôi, mà là lộ trình sứ điệp của Chúa Giêsu "Niềm vui Phúc Âm". Giáo Hội là một bà mẹ, xem xét con cái mình. Dọc dài các thế kỷ nếu thầy cần đề nghị người này người nọ nam hay nữ để mọi tín hữu kitô chú ý, thì Giáo Hội tự do làm điều đó và có Chúa Thánh Thần soi sáng con đường của Giáo Hội. Ðức Thánh Cha Phanxicô đến gần cầm tay hướng dẫn chúng ta như một người cha người mẹ. Ngài không bắt buộc nhưng thuyết phục chúng ta. Ngài khÔng đem đến cho chúng ta sứ điệp và kinh nghiệm tại Argentina của ngài, nhưng đến nhân danh Chúa Giêsu và chỉ nói về Chúa Giêsu thôi.
Hỏi: Ðức Hồng Y đã viết rằng Ðức Gioan XXIII vị Giáo Hoàng tốt lành không gợi lên sự nuối tiếc nào, nhưng khích lệ nhìn tới trước, Ðức Hồng Y có ý nói gì vậy?
Ðáp: Tôi có ý nói rằng chúng ta không phải là những người giữ gìn một đền thánh, một thánh tích, một viện bảo tàng - chính Ðức Gioan XXIII đã nói điều đó - nhưng chúng ta được mời gọi giữ gìn một ngôi vườn, nơi có các hạt giống của Ngôi Lời nhập thể; vun trồng một ngôi vườn và tạo thuận tiện cho một lễ Hiện Xuống mới, một lễ Vượt Qua mới, một mùa xuân mới, không phải chỉ là cho niềm vui của từng người, nhưng là cho toàn nhân loại. Chúng ta đang tiến bước chứ chưa tới đích. Ðường còn dài. Chúng ta hiểu rằng mình có một kho tàng không phải chỉ để giữ gìn, mà còn để cống hiến cho toàn thế giới nữa. Phúc âm là Tin Mừng. Tin Mừng tôi là Con Thiên Chúa và Ngài không bỏ rơi tôi. Thật là hay đẹp, khi hầu như mỗi ngày nghe Ðức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu không khước từ ai hết, Ngài chờ đợi mọi người".
Hỏi: Ðức Hồng Y diển tả thời gian mười năm cộng tác với Ðức Gioan XXIII như thế nào?
Ðáp: Tôi đã không bao giờ cảm thấy mình là cộng sự viên cũng như bí thư của người. Tôi cảm thấy tất cả niềm vui được ở bên một người được Thiên Chúa gửi tới, hướng dẫn và đã ném các hạt giống. Ngài đã không thể thực hiện tràn đầy tất cả những gì có trong tâm hồn ngài, nhưng ngài đã để lại các hạt giống.
(SD 17-4-2014; 19-3-2014; 20-4-2014)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)