Hội Ðồng Tòa Thánh Về Ðối Thoại Liên Tôn
gửi Sứ điệp đến các Phật tử
nhân dịp Ðại lễ Vesak năm 2014
Hội Ðồng Tòa Thánh Về Ðối Thoại Liên Tôn gửi Sứ điệp đến các Phật tử nhân dịp Ðại lễ Vesak năm 2014 (Phật lịch 2557).
Roma (WHÐ 26-04-2014) - Nhân dịp Ðại lễ Vesak 2014 (Phật lịch 2557) của Phật giáo, nhằm ngày 13 tháng 05 năm 2014, Ðức hồng y Jean-Louis Tauran đã gửi một sứ điệp chúc mừng đến các tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới.
Toàn văn sứ điệp như sau:
Kitô hữu và Phật tử: Cùng nhau cổ vũ tình huynh đệ
Các bạn Phật tử thân mến,
1. Thay mặt Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn, một lần nữa tôi lại vui mừng gửi đến Phật tử trên khắp thế giới, những lời chúc mừng tốt đẹp nhất của tôi nhân dịp Ðại lễ Vesak của các bạn.
2. Năm nay lời chúc của chúng tôi dựa trên Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2014 của Ðức giáo hoàng Phanxicô với chủ đề: "Tình huynh đệ: nền tảng và đường dẫn đến hòa bình". Trong đó, Ðức giáo hoàng Phanxicô đã nhận định rằng: Tình huynh đệ là một chiều kích thiết yếu của con người, vì con người là một hữu thể có tương quan. Ý thức sâu sắc về các mối tương quan dẫn chúng ta đến việc nhìn nhận và đối xử với mỗi người như người anh chị em thực sự; nếu không sẽ không thể xây dựng được một xã hội công bằng, một nền hoà bình vững chắc và lâu dài (số 1).
3. Các bạn thân mến, truyền thống tôn giáo của các bạn tin tưởng rằng các tương quan bằng hữu, đối thoại, bố thí, chia sẻ quan điểm một cách hài hòa và tôn trọng sẽ dẫn đến một thái độ thiện hảo và yêu thương, và đối lại, thái độ ấy lại tạo ra các mối tương quan đích thực và huynh đệ. Các bạn cũng tin rằng nguồn gốc của nhiều tệ nạn là do vô minh và ngộ nhận, hậu quả của tham sân si, và sẽ dẫn đến sự phá vỡ các mối quan hệ huynh đệ. Chẳng may, "tính ích kỷ hằng ngày là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh và nhiều bất công", ngăn cản chúng ta nhìn những người khác "như những hữu thể được dựng nên cho tương quan hỗ tương, hiệp thông và trao ban". (Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới năm 2014, số 2). Thói ích kỷ ấy chắc chắn sẽ dẫn đến việc xem người khác như một mối đe dọa.
4. Là các Phật tử và Kitô hữu, chúng ta đang sống trong một thế giới thường xuyên bị xâu xé bởi áp bức, ích kỷ, tính cục bộ, đấu tranh sắc tộc, bạo lực và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Một thế giới mà "người khác" bị xem và đối xử như một người thấp kém, một kẻ phi ngã vị, hoặc một người đáng sợ và, nếu được cần phải loại trừ. Tuy nhiên, chúng ta được kêu gọi, trong tinh thần hợp tác với tất cả mọi người hành hương thiện chí khác, tôn trọng và bảo vệ cả nhân loại trong sự khác biệt về kinh tế- xã hội, chính trị và tôn giáo. Ðâm rễ sâu trong niềm tin tôn giáo khác nhau của mình, chúng ta được đặc biệt kêu gọi công khai tố cáo các tệ nạn xã hội làm phương hại đến tình huynh đệ; chữa lành cho tha nhân khỏi những gì ngăn cản họ lớn lên với lòng quảng đại bất vụ lợi; và trở nên những người hoà giải, phá vỡ các bức tường chia rẽ trong xã hội, và phát huy tình huynh đệ thực sự giữa các cá nhân và các tập thể với nhau.
5. Thế giới của chúng ta ngày nay đang ##ngày càng cảm nhận về một nhân loại chung và cùng tìm kiếm một thế giới công bằng, hoà bình và thân thiện hơn. Nhưng việc thực hiện được những niềm hy vọng này lại tùy thuộc vào sự nhìn nhận các giá trị phổ quát. Chúng tôi hy vọng rằng công cuộc đối thoại liên tôn, bằng việc nhìn nhận những nguyên tắc nền tảng của đạo đức phổ quát, sẽ giúp thúc đẩy một cảm thức mới mẻ về sự hiệp nhất sâu xa và tình huynh đệ, giữa mọi thành viên của gia đình nhân loại. Thật vậy, "mỗi người chúng ta được kêu gọi trở thành một nghệ nhân xây dựng hòa bình, bằng cách đoàn kết thay vì chia rẽ, dập tắt thay vì nuôi dưỡng hận thù, bằng việc khai mở con đường đối thoại thay vì dựng nên những bức tường ngăn cách mới! Hãy đối thoại với nhau, gặp gỡ nhau để thiết lập một nền văn hóa đối thoại, nền văn hoá gặp gỡ trên thế giới" (Diễn văn của Ðức giáo hoàng Phanxicô tại Hội nghị quốc tế về hòa bình do Cộng đồng Thánh Egidio tổ chức, ngày 30-09-2013).
6. Các bạn thân mến, để xây dựng một thế giới huynh đệ, điều hết sức quan trọng là chúng ta hợp sức với nhau để hướng dẫn mọi người, nhất là người trẻ, biết ưu tiên tìm kiếm tình huynh đệ, sống trong tình huynh đệ và can đảm xây dựng tình huynh đệ hơn. Chúng tôi cầu nguyện cho việc cử hành đại lễ Vesak của các bạn trở nên một cơ hội để tái khám phá và cổ vũ cho tình huynh đệ, đặc biệt nơi các xã hội đang chia rẽ.
Một lần nữa xin gửi lời chào thân hữu và mến chúc tất cả các bạn một đại lễ Vesak hạnh phúc!
Hồng y Jean-Louis Tauran
Chủ tịch
Lm. Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ
Thư ký
Huy Hoàng chuyển ngữ