Người Kitô hữu Palestine bị lấy mất

quyền mừng lễ Phục Sinh ở Jerusalem

 

Người Kitô hữu Palestine bị lấy mất quyền mừng lễ Phục Sinh ở Jerusalem.

Jerusalem (WHÐ 14-04-2014) - Ðã gần đến lễ Phục Sinh. Các giáo xứ đều chuẩn bị mừng lễ, ở vùng Cận Ðông cũng thế. Nhưng các Kitô hữu Palestine có thể đến được Jerusalem không? Họ đang kêu gọi nới lỏng an ninh trong dịp lễ Phục Sinh. Họ đã gửi kiến nghị lên Toà án Tối cao của Israel, để đòi chính phủ và cảnh sát Israel bãi bỏ các hạn chế đi lại. Những hạn chế này đã ngăn chặn, không cho các tín hữu đến nhà thờ Mộ Thánh Chúa và các địa điểm khác vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh. Trong ngày này, cảnh sát luôn dự định thiết lập các rào chắn và Toà án vẫn không có ý kiến.

Vì vậy, để có cơ hội đến được những nơi thánh, các Kitô hữu Palestine phải xin giấy phép đi lại của chính quyền Israel. Cha Shomali, chính xứ giáo xứ Beit Jala gần Bethlehem, vẫn đang chờ được cấp giấy phép. Cha đã dự định cùng đi với giáo dân của mình đến Jerusalem vào Chúa Nhật Lễ Lá. Năm nào cũng phải chờ như thế.

Sau đây là cuộc trò chuyện của cha Shomali với Ðài Vatican:

- Lễ Phục Sinh sắp tới cha có đi Jerusalem không?

+ Mỗi lần, họ đều cấp giấy phép cho chúng tôi trước một hoặc hai ngày, như thế rất khó để tổ chức cho các cộng đoàn Kitô hữu có mặt ở Jerusalem. Ðó là tâm địa của người Israel. Vậy thì Giáo hội ở Jerusalem chỉ là Giáo hội dành cho người nước ngoài. Ðiều đó không đúng, có rất nhiều Kitô hữu địa phương sống ở Jerusalem. Cũng có các Kitô hữu Palestine ở trong khu vực Belem nữa.

- Cha có nhận thấy đó là một sự thụt lùi không?

+ Ngày thứ Bảy Tuần Thánh bao giờ cũng là một điều khó khăn ở tại Jerusalem. Ngay cả khi tôi còn là một chủng sinh hồi hai mươi năm trước, thật không dễ dàng để được vào thành phố này. Năm nay sẽ còn khó khăn hơn vì các Kitô hữu Palestine Chính thống và Công giáo đều mừng lễ Phục Sinh vào cùng một ngày. Nên ai cũng đến đó. Ngoài ra, có rất nhiều khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến đây để mừng lễ Phục Sinh và họ cũng muốn tham dự. Nhưng Israel dành ưu tiên cho họ chứ không phải cho chúng tôi.

- Vậy, nếu muốn đến Jerusalem, cha sẽ làm cách nào?

+ Thành Jerusalem cổ hoàn toàn bị phong toả. Toà Thượng phụ đã xin giấy phép đặc biệt cho các chủng sinh được đi xe vào thành cổ. Nhưng đối với các Kitô hữu hoàn toàn không dễ dàng chút nào. Năm nay, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng tìm cách đến Jerusalem, nhưng phải có giấy phép để đi qua nút chặn. Không có giấp phép là không được.

- Và nói chung, thái độ của chính quyền đối với các Kitô hữu Palestine như thế nào?

+ Ðối với người Israel, chúng tôi phải có hộ chiếu. Ðiều đó có nghĩa rằng hoặc bạn là người Palestine hoặc không phải là người Palestine. Và nếu các cuộc đàm phán với người Palestine không đạt được kết quả, dân tộc Palestine vẫn đành chịu và sẽ không được phép. Và bây giờ sắp đến lễ Phục Sinh, giấy phép lại bị cắt giảm hoặc không được cấp để tham dự lễ Phục Sinh. Ðây là thực tế mà người Israel bắt chúng tôi phải làm quen.

- Việc không được đến Jerusalem dự lễ Phục Sinh ảnh hưởng đến cha và giáo dân của cha ra sao?

+ Ðó sẽ là một cử hành bị bỏ lỡ vì mọi người đều quen với việc Beit Jala và các vùng xung quanh đến đó vào dịp lễ Phục Sinh hoặc sau đó, để cử hành Thánh Lễ hoặc đi đàng Thánh Giá. Chúng tôi thực sự rất buồn nếu không được đến Jerusalem. Ðiều đó đi ngược lại tất cả các quyền con người và tất cả các điều luật đã ký kết với Nhà nước Vatican về việc được tự do đến những nơi thánh. Ðối với người Kitô hữu Palestine chúng tôi, Jerusalem là điều gì đó rất đặc biệt, là nơi đức tin Kitô giáo của chúng tôi được sinh ra. Ðức tin được sinh ra từ Chúa Phục Sinh. Ðúng là Belem rất quan trọng nhưng Jerusalem cũng thế. Nơi Chúa phục sinh rất quan trọng đối với chúng tôi. Thế nên chúng ta thấy rằng mọi người từ khắp nơi trên thế giới được đến Jerusalem để cử hành lễ Phục Sinh, còn chúng tôi chỉ cách Jerusalem 8 dặm, lại không được đến đó. Ðiều đó làm cho chúng tôi rất buồn và khiến cho các giáo dân của chúng tôi đi tìm một hộ chiếu khác để có thể sống đúng phẩm giá trên miền đất của mình. Chúng tôi là những người sinh ra ở đây, nhưng họ lại không cho chúng tôi đi qua. Vì vậy, là người nước ngoài ở đất nước của chúng tôi lại tốt hơn.

- Cuối cùng, cha có muốn nói thêm điều gì hay muốn đưa ra lời kêu gọi nào không?

+ Tôi xin Ðức Thánh Cha, ngài sắp đến thăm chúng tôi trong gần một tháng nữa, hãy nói một lời hoà bình và công lý cho Thánh Ðịa của chúng tôi và cho tất cả các Kitô hữu trên thế giới, cho những người đang lắng nghe chúng tôi, để họ biết được câu chuyện của chúng tôi. Ðối với cộng đồng Kitô hữu chúng tôi, chúng tôi đang ở trên đồi Calvê và chúng tôi phải đóng thuế để được sinh ra trên vùng đất này. Chúng tôi phải chịu đựng bất công và chúng tôi xin các bạn hãy nghĩ đến và cầu nguyện cho chúng tôi bởi vì nếu Chúa không thay đổi tâm địa của các nhà lãnh đạo chính trị, sẽ chẳng có gì thay đổi. Xin cầu nguyện đặc biệt cho chúng tôi, cho cộng đoàn Kitô hữu đang ở cùng với Chúa trên đồi Canvê trong lúc khó khăn này.

(Vatican Radio, 11-04-2014)

 

Minh Ðức

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page