Vai trò của Giáo Hội tại Ðông Timor

 

Vai trò của Giáo Hội tại Ðông Timor.

Phỏng vấn Ðức Cha Basilio Do Nascimento, Giám Mục Bacau, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðông Timor.

Roma (RG 16-03-2014; Vat. 14-04-2014) - Trong các ngày từ 17 tháng 3 năm 2014 các Giám Mục nước Ðông Timor đã về Roma viếng mộ hai thánh Tông Ðồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Ðông Timor là một hòn đảo nhỏ trong vùng Ðông Nam Á, từng là thuộc địa của Bồ Ðào Nha từ hồi thế kỷ thứ XVI.

Timor đến từ chữ "timur" trong tiếng Indonesia và Malaysia có nghĩa là "đông", phía đông. Sau đó nó trở thành Timor trong tiếng Bồ Ðào Nha, và người Anh gọi là Timor Bồ Ðào Nha. Trong khi "Lesle" trong tiếng Bồ Ðào Nha có nghĩa là "phía đông", thành ra Timor - Lesle là "Dông - Ðông". Trong tiếng Titum gọi là "Lorosa'e" có nghĩa là "mặt trời mọc", nên người ta cũng gọi là Timor Lorosa'e.

Lịch sử đảo này cho biết người dân Ðông Timor thuộc ba đợt di cư. Trước hết là nhóm thổ dân Australoid từ Tận Guinea và Australia di cư đến Timor cách đây 40,000 năm. Vào khoảng năm 3000 trước công nguyên có nhóm Austronesian đến đảo và sống về nghề nông. Nhóm thứ ba di cư tới đây từ miền Nam Trung Hoa và Bắc Indochine. Trước thời thực dân, Timor nằm trong mạng lưới buôn bán với Trung Hoa và Ấn Ðộ. Vào thế kỷ XIV Timor xuất cảng gỗ Sandal, nô lệ, mật ong và sáp ong. Chính gỗ Sandal đã lôi cuốn người tây âu thám hiểm Timor hồi thế kỷ XVI. Nhưng chỉ vào năm 1789 người tây âu mới bắt đầu chiếm một phần đảo, trong khi Dili được thành lập. Và Bồ Ðào Nha tuyên bố việc đô hộ của mình ở phần phía Ðông, trong khi phần phía Tây thuộc người Hòa Lan.

Cho tới thế kỷ XIX Bồ Ðào Nha chỉ coi Ðông Timor như một phần đất buôn bán xa và thứ yếu, nên đã không đầu tư nhiều vào việc xây cất cơ cấu hạ tầng, giáo dục và y tế. Họ chỉ chú ý tới việc xuất cảng gỗ Sandal và cà phê. Chính sách cai trị của họ tàn ác và chỉ nhắm khai thác lạm dụng, chứ không thăng tiến cuộc sống của người dân Timor.

Vào đầu thế kỷ XX Timor đã trợ giúp nền kinh tế lụn bại của Bồ Ðào Nha rất nhiều. Trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến, Nhật Bản chiếm Dili. Các nước đồng minh tuyển mộ binh sĩ đánh nhau với quân Nhật, và các vùng núi trở thành vùng chiến tranh du kích. Các cuộc giao tranh với quân Nhật đã khiến cho khoảng 70,000 người dân Timor thiệt mạng.

Khi Ðệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, Bồ Ðào Nha lại tiếp tục đô hộ Ðông Timor. Năm 1974 người dân Timor cách mạng đòi độc lập, và năm 1975 Bồ Ðào Nha phải bỏ chính sách đô hộ Ðông Timor. Nhưng cuộc nội chiến lại bùng nổ giữa đảng "Mặt trận cách mạng cho Ðông Timor độc lập" viết tắt là FRETILIN và "Liên Minh dân chủ Timor" viết tắt là UDT. Ðảng "Liên minh dân chủ Timor" cố đảo chánh, nhưng đảng FRETILIN đứng vững nhờ sư yểm trợ của binh sĩ Bồ Ðào Nha còn trấn đóng tại địa phương, và đơn phương tuyên bố độc lập ngày 28 tháng 11 năm 1975. Chính quyền Indonesia lo sợ Ðông Timor trở thành một nước cộng sản nằm sát các quần đảo của mình nên quyết định can thiệp bằng cách xua quân chiếm Ðông Timor vào tháng 12 cùng năm, và tuyên bố Ðông Timor là tỉnh thứ 27 của mình. Các đàn áp và xung đột sau đó giữa quân đội Indonesia và các lực lượng kháng chiến Ðông Timor đã khiến cho gần 103,000 người thiệt mạng, vì bom đạn, đói khát và bệnh tật. Sau khi tổng thống Suharto của Indonesia từ nhiệm, Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết cho Ðông Timor tổ chức trưng cầu dân ý và đa số dân muốn độc lập. Những người phò Indonesia lại gây ra bạo lực, khiến cho lực lượng bảo hòa của Liên Hiệp Quốc phải can thiệp để tái lập trật tự xã hội và ở lại Ðông Timor cho tới năm 2000.

Năm 2002 hơn 205,000 người tị nạn hồi hương, và ngày 20 tháng 5 năm 2002 Ðông Timor trở thành quốc gia độc lập gọi là Cộng hòa Ðông Timor hay Cộng hòa dân chủ Timor-Lesle. Vị tổng thống dân chủ đầu tiên là ông Xanana Gusmão. Tuy nhiên, các bất ổn chính trị năm 2006 đã khiến cho 155.000 người phải bỏ nhà cửa lánh nạn khiến cho lực lựợng bảo hòa lại phải can thiệp. Các vụ mưu sát xảy ra năm 2008 khiến cho Liên Hiệp Quốc lại phải một lần nữa gửi lực lượng bảo hòa tới Ðông Timor, và sứ mệnh bảo hòa đã kéo dài cho tới năm 2012.

Cộng hòa Ðông Timor có điện tích gần 15,000 cây số vuông, với khoảng 1.2 triệu dân, đa số sống chung quanh thủ đô Dili. Với 96.8% dân theo Công Giáo. Ðông Timor là quốc gia có đông tin hữu công giáo nhất Á Châu, sau Philippines.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Cha Basilio Do Nascimento, Giám Mục Bacau kiêm Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðông Timor.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Do Nascimento, Giáo Hội Công Giáo hiện nắm giữ vai trò nào tại Cộng hòa Ðông Timor?

Ðáp: Vai trò của Giáo Hội tiếp tục quan trọng: nó được hàng lãnh đạo chính trị cũng như dân chúng thừa nhận. Tôi nghĩ rằng ngày nay Giáo Hội phải biết đặt để mình trong thực tại mới này của đất nước. Tôi luôn nói rằng ngay sau khi bị Indonesia xâm chiếm, Giáo Hội đã nắm giữ vai trò che chở, bằng cách tố cáo các vụ vi phạm nhân quyền của người dân Timor. Thế rồi đã có một giai đoạn trong đó Giáo Hội đã dấn thân hòa giải với các người anh em Indonesia, và ngày nay Giáo Hội đang tìm cách chu toàn vai trò giáo dục, không chỉ trong nghĩa đơn sơ là dậy cho người ta biết đọc biết viết, mà giáo dục người dân Ðông Timor sống trong hoàn cảnh mới này của đất nước. Chẳng hạn như nền dân chủ là một điều mới mẻ đối với Ðông Timor: chúng tôi đang từ một chế độ truyền thống bước sang một chế độ tân tiến, mà người dân phải dấn thân học hỏi và hiểu biết, và tôi tin rằng vai trò của Giáo Hội ngày nay là giáo dục dân chủ.

Hỏi: Các Ðức Cha nói gì với Ðức Thánh Cha trong cuộc gặp mặt đầu tiên này?

Ðáp: Ðiều đầu tiên chúng tôi nói với Ðức Thánh Cha là bằng cách dùng hai từ mà Ðức Thánh Cha ưa thích: đó là Ðông Timor là một quốc gia ở "ngoại biên" vừa trong nghĩa ở xa đối với các trung tâm phát triển của thế giới, vừa trong nghĩa địa lý, nghĩa là chúng tôi ở "tận cùng thế giới". Tôi tin rằng kiểu nói này đúng với Ðông Timor. Tuy nó có các chiều kích bé nhỏ và một sự độc lập giới hạn, nhưng Ðông Timor là một quốc gia có một truyền thống công giáo dài 500 năm. Vì thế chúng tôi mời Ðức Thánh Cha đến mừng lễ 500 năm rao truyền Tin Mừng cho Ðông Timor với chúng tôi vào năm 2015. Chúng tôi cũng minh giải cho ngài biết tình hình Giáo Hội của chúng tôi, các khó khăn, các nhu cầu và nhất là thực tại trong đó chúng tôi hiện sống.

Hỏi: Việc Ðức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm Giáo Hoàng đã được tiếp nhận như thế nào tại Ðông Timor, và tín hữu đánh gía năm đầu tiên làm Giáo Hoàng của Ðức Thánh Cha Phanxicô như thế nào?

Ðáp: Tên của Ðức Thánh Cha đã không được biết đến. Vì thế nó đã là một ngạc nhiên đích thật, nhất là khi các phương tiện truyền thông xã hội đã đưa ra các tên tuổi nổi tiếng hơn và cho rằng các vị sẽ có nhiều may mắn được bầu. Nhưng ngay từ lúc đầu tiên Ðức Thánh Cha Phanxicô đã gây ấn tượng, và chinh phục người dân Ðông Timor. Vì đây là quốc gia có 97% dân được rửa tội. Và Ðức Thánh Cha đã khơi dậy cảm tình giữa các kitô hữu vì cách sống của ngài, vì sự đơn sơ và ngôn ngữ rất cụ thể của ngài. Ấn tượng đó là khi ngài nói, Ðức giáo Hoàng động tới thực tại của con người, thực tại của cuộc sống thường ngày.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, Thượng Hội Ðồng Giám Mục sắp tới sẽ dành cho gia đình. Thực tại gia đình tại Ðông Timor hiện nay ra sao?

Ðáp: Tại Ðông Timor gia đình vẫn còn có giá trị lớn và gia đình có trọng lượng quan trọng. Nhưng hiện nay mô thức tuyền thống của gia đình Timor, tức mô thức phụ hệ với nhiều con, phải đương đầu với các mô thức mới và các tư tưởng như bình đẳng phái tính, hạn chế sinh sản, tạo ra một sự lẫn lộn nào đó giữa người dân được giáo dục trong qúa khứ theo các giá trị mà Bồ Ðầo Nha đem đến.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, đâu là thách đố lớn nhất đối với ba giáo phận của Ðông Timor hiện nay?

Ðáp: Vấn đề nền tảng là việc đào tạo. Khi tôi nói 97% dân theo Công giáo, thì tôi quy chiếu số người được rửa tội. Nhưng việc giáo dục đức tin rất thiếu sót. Và đây cũng là hậu qủa của chiến tranh, trong đó có nhiều người được rửa tội trong nhà thờ, nhưng rồi Giáo Hội không có giờ và cũng không có phương tiện để đào tạo giáo dân trong lòng tin. Thách đố của chúng tôi là ở đó. Thế rồi chúng tôi cũng thiếu các cơ cấu, đến độ ngày nay cả việc đào tạo giáo sĩ và các nhân viên mục vụ cũng khá nghèo nàn. Vì thế chúng tôi cần sự trợ giúp của các Giáo Hội khác. Cho tới nay chúng tôi đã xin sự trợ giúp của Giáo Hội Bồ Ðào Nha và năm nay cả Giáo Hội Brasil cũng giúp chúng tôi một tay. Hội Ðồng Giám Mục Brasil đã gửi các giáo sư cho chúng tôi để đào tạo các giáo sư chủng viện. Nói tóm lại ưu tư lớn nhất của chúng tôi hiện nay là công việc giáo dục đào tạo trên tất cả mọi bình diện.

(RG 16-3-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page