Nguyên tắc thần học

nghĩa vụ và quyền lợi của Giám Mục Phụ Tá

 

Nguyên tắc thần học, nghĩa vụ và quyền lợi của Giám Mục Phụ Tá.

I. Các Giám Mục trong Giáo Hội của Thiên Chúa

1. Nguyên tắc thần học

Ðiều 375:

"1. Do sự thiết lập của Thiên Chúa, các Giám mục kế vị các Tông Ðồ nhờ Chúa Thánh Thần là Ðấng được ban cho các ngài; các ngài được đặt làm Chủ Chăn trong Giáo Hội để làm những thầy dạy học thuyết, tư tế phụng tự thánh và thừa tác viên lãnh đạo.

2. Do chính việc tấn phong Giám mục, ngoài nhiệm vụ thánh hóa, các Giám mục còn nhận lãnh các nhiệm vụ giảng dạy và lãnh đạo, tuy nhiên, do bản chất của chúng, các ngài chỉ có thể thi hành những nhiệm vụ này trong sự hiệp thông phẩm trật với thủ lãnh và với mọi thành viên của Giám mục đoàn".

Bốn điểm đặc trưng của các Giám Mục:

1/. Các Giám Mục kế vị các Tông Ðồ do sự thiết lập của Thiên Chúa

Công Ðồng Vatican II, trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội "Lumen Gentium", số 20, đã xác định: "Các Giám mục nhận lãnh tác vụ coi sóc cộng đoàn cùng với các linh mục và phó tế làm phụ tá, khi thay mặt Thiên Chúa lãnh đạo đoàn chiên mà các ngài là những chủ chăn, với tư cách là thầy dạy giáo thuyết, tư tế lo phụng tự thánh và thừa tác viên lo việc cai quản# Vì thế, thánh Công Ðồng dạy rằng chính Chúa đã thiết lập các Giám Mục kế vị các Tông đồ với tư cách là những chủ chăn Giáo Hội, ai nghe các ngài là nghe Ðức Kitô, còn ai khước từ các ngài là khước từ Ðức Kitô và Ðấng đã sai Ðức Kitô (x.Lc 10,16).

2/. Các ngài được đặt làm Chủ Chăn trong Giáo Hội (x. LG, số 20; CD, số 2).

3/.Việc tấn phong Giám mục ban quyền hành cho các ngài

Quyền hành Giám mục (giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo) không do Ðức Giáo Hoàng ban cho các ngài nhưng do chính việc tấn phong qua bí tích truyền chức Giám mục.

"Thánh Công Ðồng dạy rằng việc thánh hiến Giám mục trao ban sự sung mãn của Bí tích Truyền Chức mà cả phụng vụ của Giáo Hội lẫn các thánh Giáo phụ đều gọi là chức tư tế thượng phẩm, là bậc cao nhất của thừa tác vụ thánh. Việc thánh hiến Giám mục trao ban tác vụ thánh hóa cũng như tác vụ giảng dạy và cai quản, những tác vụ mà tự bản tính chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ lãnh và các thành viên của Giám mục đoàn" (LG, số 21).

4/.Hiệp thông phẩm trật với thủ lãnh và với mọi thành viên của Giám mục đoàn

Mỗi Giám mục hành sử quyền hành trong tư thế là thành viên của Giám Mục đoàn. Nếu quyền hành Giám mục có nguồn mạch trong việc tấn phong do bí tích, thì việc hành sử quyền hành phải thông qua giáo nhiệm "missio canonica" (x. LG, số 21; CD, số 11).

2. Tấn phong

Nếu không bị ngăn trở hợp lệ, người được tiến cử lến chức Giám mục phải được tấn phong trong vòng ba tháng kể từ ngày nhận được văn thư của Tòa Thánh, và trước khi nhận giáo vụ (Ðiều 379).

Không Giám mục nào được phép phong chức Giám mục cho ai, nếu trước đó chưa có thư ủy nhiệm của Ðức Giáo Hoàng (Ðiều 1013). Sự vi phạm điều này sẽ làm cho vị Giám mục phong chức, cũng như người nào được Giám mục ấy truyền chức cho, đều bị vạ tuyệt thông tiền kết được dành riêng cho Tông Tòa (Ðiều 1382).

Trước khi nhận giáo vụ theo giáo luật, vị được tiến cử Giám mục phải tuyên xưng đức tin và phải tuyên thệ trung thành với Tông Tòa theo công thức do Tông Tòa phê chuẩn (Ðiều 380).

Trừ khi được Tông Tòa miễn chuẩn, trong lễ tấn phong Giám mục, Giám mục tấn phong phải có thêm ít là hai Giám mục phụ phong khác. Tuy nhiên cùng với các vị ấy, tất cả các Giám mục hiện diện cũng nên tấn phong người được tuyển chọn (Ðiều 1014).

II. Phân Biệt: Giám Mục Giáo Phận - Giám Mục Phó - Giám Mục Phụ Tá

1. Giám mục giáo phận

Giám mục giáo phận (episcopus dioecesanus) là Giám mục được trao cho nhiệm vụ coi sóc một giáo phận và lấy chính tên giáo phận đó làm danh hiệu cho mình (x. Ðiều 376).

Ví dụ: Ðức Giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu được giao phó đứng đầu và cai quản Giáo phận Long Xuyên nên được gọi là "Giám mục giáo phận Long Xuyên".

Trước kia, theo Giáo luật cũ năm 1917, Giám mục giáo phận thường được gọi là "Giám mục chính tòa" (episcopus residentialis). Bộ Giáo luật hiện hành không sử dụng tên gọi này nữa.

2. Giám mục phó

Giám mục phó (episcopus coadjutor) là Giám mục được đặt để giúp cho Giám mục giáo phận, với quyền kế vị (Ðiều 403 §3).

Bởi vì Giám mục phó đương nhiên và luôn luôn có quyền kế vị, nên mỗi giáo phận chỉ có thể có một Giám mục phó mà thôi.

Do quyết định của Bộ Giám Mục ngày 31/08/1976, các Giám mục phó sẽ mang danh hiệu của chính giáo phận nơi mình phục vụ.

3. Giám mục phụ tá

Giám mục phụ tá (episcopus auxiliaris) là Giám mục được đặt để giúp cho Giám mục giáo phận, nhưng không có quyền kế vị (Ðiều 403 1).

Giáo luật phân biệt hai loại Giám mục phụ tá (tùy thuộc vào văn thư bổ nhiệm của Tòa Thánh):

- Giám mục phụ tá thông thường (Ðiều 403 1).

- Giám mục phụ tá với những năng quyền đặc biệt (Ðiều 403 2) .

Trong một Giáo phận, có thể có một hoặc nhiều Giám mục phụ tá. Các Giám mục phụ tá được bổ nhiệm với danh xưng là một Giám mục hiệu tòa (episcopus titularis).

Vd. Ðức Giám mục Giuse Trần Văn Toản là Giám mục phụ tá của Giáo phận Long Xuyên, Giám mục hiệu tòa Acalisso.

Hiệu tòa Acalisso (vị trí ở Asardere, Licia, nước Thổ Nhĩ Kỳ) cũng như các hiệu tòa khác ở vùng Trung Ðông và Bắc Phi chỉ còn tên trong danh sách các giáo phận của Giáo Hội, nhưng trên thực tế thì đã không còn hiện hữu vì bị lực lượng Hồi giáo chiếm đóng. Cho nên trước kia, Giám mục hiệu tòa được gọi là Giám mục "in partibus infidelium" (trong phần đất dân ngoại). Giám mục hiệu tòa không có bất cứ quyền tài phán gì trong hiệu tòa của mình, nhưng chỉ hưởng danh dự của chức giám mục mà thôi.

III. Nghĩa vụ và quyền lợi của Giám Mục Phụ Tá

Các nghĩa vụ và quyền lợi của Giám mục phụ tá được ấn định do văn thư bổ nhiệm, do luật chung và do Giám mục giáo phận.

1. Do văn thư bổ nhiệm

Ðôi khi do văn thư bổ nhiệm, Tòa Thánh có thể ấn định một số năng quyền đặc biệt dành cho một Giám mục phụ tá.

2. Do luật chung

Luật chung ấn định quyền hạn cho Giám mục phụ tá như sau:

2.1. Tổng Ðại Diện hoặc Ðại diện Giám mục

- Giám mục phụ tá với những năng quyền đặc biệt phải được đặt làm Tổng Ðại diện (Ðiều 406 1).

- Giám mục phụ tá thông thường phải được Giám mục giáo phận đặt làm Tổng Ðại diện hoặc ít là Ðại diện Giám mục, và vị này chỉ lệ thuộc quyền Giám mục Giáo phận, hoặc quyền Giám mục phó, hoặc quyền Giám mục phụ tá với những năng quyền đặc biệt mà thôi (x. Ðiều 406 2), vì chưng Giám mục phụ tá không thể ở dưới quyền của một Tổng Ðại diện không có thánh chức giám mục.

2.2. Trong việc mục vụ giáo phận

Ðiều 407 quy định:

- Giám mục Giáo phận, Giám mục phó và Giám mục phụ tá với những năng quyền đặc biệt phải hội ý với nhau trong những vấn đề quan trọng hơn (x. Ðiều 407 1).

- Khi phải giải quyết những vấn đề quan trọng hơn, nhất là những vấn đề có tính mục vụ, Giám mục giáo phận phải ưu tiên hội ý với các Giám mục phụ tá trước những người khác (x. Ðiều 407 2).

- Giám mục phụ tá phải thi hành nhiệm vụ của mình thế nào để có sự hiệp nhất với Giám mục giáo phận trong tinh thần cũng như hành động (x. Ðiều 407 3).

2.3. Nghi lễ đại triều và các nghi lễ khác

Nếu không bị ngăn trở chính đáng, mỗi khi được Giám mục giáo phận yêu cầu, Giám mục phụ tá buộc phải cử hành các nghi lễ đại triều và các nghi lễ khác thuộc bổn phận của Giám mục Giáo phận (x. Ðiều 408 1).

Giám mục giáo phận không được thường xuyên ủy thác cho người khác những quyền lợi và những nhiệm vụ thuộc về Giám mục mà Giám mục phó hoặc Giám mục phụ tá có thể thi hành (x. Ðiều 408 2).

2.4. Cư sở

Giám mục phụ tá buộc phải cư trú trong Giáo phận, chỉ được rời giáo phận trong thời gian ngắn, trừ khi phải thi hành một nhiệm vụ ngoài giáo phận hoặc khi đi nghỉ, nhưng kỳ nghỉ không được quá một tháng (x. Ðiều 410).

2.5. Một số quyền lợi và nghĩa vụ khác của Giám mục phụ tá

- Tham dự Công đồng chung và địa phương (Ðiều 339 1 và 443 1, 20).

- Thành viên đương nhiên của Hội đồng Giám mục (Ðiều 450, 1).

- Thành viên công nghị giáo phận (Ðiều 463 1, 10).

- Thành viên của ban tư vấn (Ðiều 473 4).

- Trong lúc tòa giám mục khuyết vị, nếu nhà chức trách có thẩm quyền không ấn định cách khác, thì Giám mục phụ tá chỉ duy trì tất cả những quyền hành và những năng quyền mà ngài có như vị Tổng Ðại diện hoặc vị Ðại diện Giám mục, lúc tòa chưa khuyết vị, cho tới khi tân Giám mục nhậm chức; và nếu không được chỉ định làm Giám quản giáo phận, Giám mục phụ tá phải thi hành quyền mà luật đã ban cho ngài, dưới quyền Giám quản giáo phận là người lãnh đạo giáo phận (Ðiều 409 2).

- Khi tòa giám mục bị cản trở (sede impedita) mà Tòa Thánh không dự liệu cách khác, nếu không có Giám mục phó hoặc ngài bị ngăn trở, thì Giám mục phụ tá có quyền lãnh đạo giáo phận (Ðiều 413 1).

- Trong lúc tòa giám mục khuyết vị (sede vacante), việc lãnh đạo giáo phận thuộc quyền Giám mục phụ tá cho tới lúc đặt Giám quản giáo phận (Ðiều 419).

- Giám mục phụ tá có nhiệm vụ phải thông báo sớm hết sức cho Tông Tòa biết tin Giám mục giáo phận từ trần (Ðiều 422).

- Giám mục phụ tá vẫn giữ quyền hành Tổng Ðại Diện hay Ðại diện Giám mục, khi nhiệm vụ của Giám mục giáo phận bị đình chỉ (Ðiều 481 2).

- Có quyền giảng Lời Chúa khắp mọi nơi, kể cả trong các nhà thờ và nhà nguyện của các hội dòng thuộc luật giáo hoàng, trừ khi Giám mục địa phương đã minh nhiên cấm giảng trong những trường hợp đặc biệt (Ðiều 763).

- Năng quyền giải tội ở khắp nơi trên thế giới, trừ khi Giám mục giáo phận từ chối điều đó trong một trường hợp đặc biệt (Ðiều 967 1).

- Thừa tác viên thông thường của bí tích Thêm Sức (Ðiều 882).

- Thừa tác viên của bí tích Truyền Chức Thánh (Ðiều 1012).

- Thừa tác viên cử hành việc thánh hiến và cung hiến ((Ðiều 1169 1 và 1206).

- Thừa tác viên ban phép lành dành riêng cho các Giám mục (Ðiều 1169 2).

- Có quyền thiết lập cho mình một nhà nguyện tư và lưu giữ Thánh Thể tại nhà nguyện tư của Giám mục (Ðiều 1227; Ðiều 934 1, 20).

- Có quyền tha hình phạt tiền kết do luật thiết lập nhưng chưa được tuyên bố ở tòa ngoài, và nếu Tông Tòa không dành riêng việc giải cho mình, nhưng chỉ trong khi ban bí tích Giải Tội (Ðiều 1355 2).

- Giám mục được dành riêng cho Ðức Giáo Hoàng quyền xét xử trong những vụ án hình sự (Ðiều 1405 1, 30).

- Giám mục được dành riêng cho Tòa Thượng Thẩm Roma quyền xét xử trong những vụ án hộ sự (Ðiều 1405 3,10).

- Người nào dùng vũ lực thể lý chống lại một người có chức giám mục, thì bị vạ cấm chế tiền kết; nếu người ấy là giáo sĩ, thì còn bị vạ huyền chức tiền kết nữa (Ðiều 1370 2).

"Khi lợi ích các linh hồn đòi hỏi, Giám mục giáo phận đừng ngần ngại thỉnh nguyện Thẩm quyền thiết đặt một hay nhiều Giám mục phụ tá phục vụ cho giáo phận và không có quyền kế vị" (CD, số 26). Giám mục phụ tá tuy được gọi là "phụ tá" nhưng ngài là "Giám mục của giáo phận". Nói cách khác, Giám mục phụ tá được bổ nhiệm là để phục vụ cho nhu cầu mục vụ của giáo phận, chứ không phải cho riêng cá nhân của Giám mục giáo phận, mặc dù chính Giám mục giáo phận yêu cầu Tòa Thánh bổ nhiệm (x. Ðiều 403). Vì chưng, khi tòa giám mục khuyết vị thì quyền hành của các Tổng Ðại diện và Ðại diện giám mục đều chấm dứt, nhưng Giám mục phụ tá vẫn là "Giám mục phụ tá" và giữ nguyên quyền hành cũng như năng quyền mà ngài đã có lúc tòa chưa khuyết vị, cho tới khi có tân Giám mục nhận chức (x. Ðiều 409 2).

3. Do Giám mục Giáo phận

Quyền hạn của Giám mục phụ tá còn do chính quyết định của Giám mục giáo phận.

IV. Ðặc Ân Giám Mục

Bộ Giáo luật hiện hành không nói gì đến các đặc ân giám mục.

Tuy nhiên, Ðiều 349 1, 20 của Bộ Giáo luật 1917 quy định:

- Kể từ khi được Tông Tòa bổ nhiệm, các giám mục có thể mặc áo chùng tím (soutane), áo choàng tím (mantelet: áo choàng không tay, dài tới gối), mũ sọ tím (calotte), mũ trái khế tím (barrette).

- Sau khi được tấn phong, Giám mục được mang thánh giá đeo ngực, nhẫn giám mục, mũ gầu (mitre), gậy mục tử.

V. Nhậm Chức

Giám mục phụ tá nhậm chức khi ngài trình tông thư bổ nhiệm cho Giám mục giáo phận trước sự hiện diện của vị chưởng ấn tòa giám mục, và vị này lập biên bản về việc nhậm chức (Ðiều 404 2).

 

Luy G. Huỳnh Phước Lâm

Linh mục Tổng Ðại Diện

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page