Cộng Ðoàn Sinh Viên Công Giáo Bùi Chu
Tĩnh Tâm Mùa Chay 2014
Cộng Ðoàn Sinh Viên Công Giáo Bùi Chu Tĩnh Tâm Mùa Chay 2014.
Việt Nam (BTT CÐSVCG 10-04-2014) - "Nhân danh Ðức Giêsu Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa" (2Cr 5,20).
Mùa Chay là thời gian mà Giáo Hội mở ra nhằm mời gọi người Kitô hữu hãy canh tân đời sống, "ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái" để quay trở về cùng Thiên Chúa, như lời Thánh Phaolô: "Ðây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ" (2Cr 6,2).
Cộng Ðoàn Sinh Viên Công Giáo Bùi Chu đã tổ chức 3 ngày tĩnh tâm Mùa Chay, ngày 7, 8 & 9 tháng 4 năm 2014 tại Ðền Thánh Giêrađô - Giáo xứ Thái Hà trong bầu khí trang nghiêm và sốt sáng. Cha giảng phòng là cha linh hướng Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, C.Ss.R.
Ðối với Giáo Hội hoàn vũ, năm nay là năm Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền Ðức Tin Kitô giáo, còn với Giáo Hội Việt Nam là năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Gia Ðình, vì thế, Mùa chay này được mời gọi quay trở về nền tảng của Ðức Tin xuất phát từ gia đình và lan rộng đến Giáo hội phổ quát. Trong những ngày tĩnh tâm này, các chủ đề được xoay quanh Tân Phúc-Âm-hóa. Vì Phúc-Âm-hóa chính là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho toàn thể nhân loại. Các đề tài trong ba ngày là: Tân Phúc-Âm-hóa là gì, tại sao lại phải Tân Phúc-Âm-hóa và Tân Phúc-Âm-hóa như thế nào.
Như được Thần Khí Chúa thúc giục, qua mỗi ngày tĩnh tâm, Cộng Ðoàn Sinh Viên Công Giáo Bùi Chu lại được đón nhận nhiều hơn sự tham gia của các bạn sinh viên, không chỉ những gương mặt đã quen thuộc mà trong đó còn có sự góp mặt của sinh viên các Giáo phận Hà Nội, Hưng Hóa, Vinh, Thái Bình, Phát Diệm,... và đặc biệt hơn cả là sự hiện diện của những sinh viên tôn giáo bạn. Chính sự hiện diện đó của các bạn làm tăng thêm tinh thần đoàn kết của những người anh em sinh viên xa quê và luôn mong muốn nên một trong một chén và một bánh.
Trên cung thánh không trưng bày hoa, chỉ có cây cảnh và vị Chủ tế mang phẩm phục tím chay tịnh và đau khổ, cùng với lời Kinh Thánh mời gọi: "Hãy trở về cùng Ðức Chúa là Thiên Chúa của anh em" (Giô-en 2,13), khiến cho không khí Thánh lễ tăng thêm phần trang nghiêm, lắng đọng của Mùa Chay.
Trước Thánh Lễ, Cộng Ðoàn đã có giờ cầu nguyện sốt sắng bên ánh nến, với những thao luyện thư giãn và thinh lặng. Mọi người được mời gọi chỉ cảm nhận thôi, không phải là tư duy, suy nghĩ. Cùng cảm nhận Chúa qua hơi thở, qua ánh mắt, qua âm thanh, qua những đụng chạm trên cơ thể, qua những rung động thực sự...
Hãy cảm nhận y phục của bạn đang chạm đến đôi vai bạn.
Hãy cảm nhận lưng bạn, nó đang nhẹ nhàng tựa vào thành ghế.
Hãy hướng ý thức đến cảm giác nơi tay phải của bạn... rồi đến tay trái.
Hãy cảm nhận đôi bàn chân bạn đang chạm vào đôi giày, đôi dép bạn đang đi...
"Không khí đang tràn vào, không khí đang trôi đi, không khí ấm, không khí mát trong. Không khí tràn đầy phổi bạn, không khí lại ra ngoài. Không khí gắn với sự hiện diện của Thiên Chúa. Hãy hít Thiên Chúa vào như khi bạn hít không khí vậy. Hãy bộc lộ hết ước vọng, sự đói, sự khát khao Thiên Chúa. Hãy cảm nhận Thiên Chúa đang tràn vào trong bạn, cũng như cách thế người thanh tẩy, đổi mới và thêm sức cho bạn ra sao..."
Mở đầu Thánh lễ, Cha Gioan gửi lời chào Cộng đoàn phụng vụ, ngài nêu lên ý nghĩa của 3 ngày tĩnh tâm này và mời gọi mọi người sốt sắng cử hành phụng vụ Thánh. Cha đã mượn lại lời của Thánh Phaolô "Chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa" để mời gọi các bạn sinh viên "trở về" trong mùa Chay. Ngài đã đề cập đến những cám dỗ trong cuộc sống con người hôm nay, với cuộc khủng hoảng lớn nhất của thời đại là tôn thờ vật chất. Người có đạo đừng vì danh, lợi, thú mà đánh mất đi sự sống đời đời. Nhờ ơn Chúa, với sự trở về nội tâm, qua việc thống hối, hoán cải con người sẽ được Thiên Chúa biến đổi. Cha cũng gợi mở hướng dẫn Cộng đoàn sống mùa Chay một cách ý nghĩa và tích cực bằng ba phương thế chung của Giáo hội: ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.
Cha linh hướng Gioan công bố Lời Chúa
Trong ngày tĩnh tâm thứ nhất: Cha linh hướng mời gọi các bạn sinh viên hiểu thấu chủ đề phụng vụ của năm 2014 là "Tân Phúc-Âm-hoá để thông truyền Ðức Tin Kitô giáo". Toàn thể Giáo hội hôm nay đang tập trung quan tâm đến Tân Phúc-Âm-hóa. Năm 2010, Ðức Bênêđictô XVI lập Hội Ðồng Tòa Thánh lo thúc đẩy việc Tân Phúc-Âm-hóa, đến năm 2012 ngài họp Thượng Hội đồng Giám mục thế giới khóa 13 bàn về đề tài "Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền Ðức tin Kitô giáo". Vì thế, chúng ta phải cố gắng tìm hiểu một lần đến nơi đến chốn, để cảm thông với Giáo hội và góp phần vào việc Tân Phúc-Âm-hóa.
"Tân Phúc Âm Hóa" (New Evangelization): Thuật ngữ này được Ðức Gioan Phaolô II sử dụng lần đầu tiên trong chuyến công du tại Balan mà không có sự nhấn mạnh ý tưởng chuyên biệt nào về vai trò của nó trong tương lai; nhưng sau đó nó đã được sử dụng lại và mặc lấy một sinh khí mới trong Huấn Quyền của ngài cho các Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh. Ngài dùng thuật ngữ này để đánh thức và khơi dậy lại những cố gắng canh tân trong công cuộc mới về truyền giáo và rao giảng Tin Mừng tại châu lục này:
"Việc kỷ niệm một thiên niên kỷ rao giảng Tin Mừng tại đây hôm nay sẽ có đầy đủ ý nghĩa nếu anh em giám mục, cùng với các linh mục và giáo dân, chọn nó làm lời cam kết của mình; không phải một lời cam kết về một cuộc tái Phúc Âm Hóa, mà là một cuộc Phúc Âm Hóa Mới: mới về nhiệt huyết, phương pháp và cách biểu hiện".
Cho nên "Tân Phúc Âm Hóa" không phải là làm lại một cái gì đã làm không đầy đủ hay không đạt được mục đích, như thể hoạt động mới này là một sự phê phán mặc nhiên về thất bại của cuộc Phúc Âm Hóa thứ nhất.
Tân Phúc Âm Hóa cũng không phải là lại tiếp tục cuộc Phúc Âm Hóa thứ nhất, hay đơn giản là lập lại quá khứ.
Trái lại, đây là một sự dũng cảm mở ra những con đường mới để đáp lại những hoàn cảnh và điều kiện thay đổi mà Hội Thánh đang đối diện trong việc thực thi ơn gọi loan báo và sống Tin Mừng hôm nay.
Từ nay, thuật ngữ này được dùng để chỉ về những nỗ lực canh tân của Hội Thánh để đáp ứng những thách thức mà xã hội và các nền văn hóa hôm nay, qua các thay đổi quan trọng của chúng, đang đặt ra cho đức tin Kitô giáo, cho việc loan báo và làm chứng cho Ðức tin ấy. (Lineamenta 5).
Trong ngày thứ hai Cha chủ tế chia sẻ là tại sao lại phải Tân Phúc-Âm-hóa? Chúng ta đã biết phần nào về tinh thần của các Kitô hữu nguyên thủy, dẫu rằng lý tưởng không bao giờ được thực hiện trọn vẹn tại trần thế này, và Thánh Thần thì không tác động theo một khuôn khổ nhất định. Cần phải ý thức như thế mới nhận ra chân tính của người Kitô hữu. Tuy nhiên, một cách thực tế, chúng ta cũng phải thẩm định xem các Kitô hữu mà chúng ta gặp ngày hôm nay sống đạo ở mức độ nào sau hai mươi thế kỷ Phúc Âm Hóa.
Trong cuộc hành hương trở về nguồn, chúng ta đã tìm được mẫu người Kitô hữu nguyên thủy, là người đã hoán cải, đã đón nhận Ðức Giêsu trong mầu nhiệm sâu xa và thân mật của Ngài, đã rộng tiếp Thánh Thần. Người ta cảm thấy thật ngỡ ngàng trước sự tương phản quá rõ ràng giữa người Kitô hữu được thánh Phêrô định nghĩa vào ngày sau biến cố Hiện Xuống và người Kitô hữu mà chúng ta thấy trước mắt, tức người Kitô hữu chúng ta hôm nay. Tương lai Giáo Hội chính là những thành viên mai đây của mình. Công cuộc canh tân cộng đoàn trong Giáo Hội trước tiên tùy thuộc vào các thành phần cấu tạo nên cộng đoàn này như những viên đá của tòa nhà, tức những Kitô hữu hôm nay.
Vậy chúng ta hãy phân tích hiện trạng một cách khách quan hết sức có thể. Ngày nay, khi nói một Kitô hữu là chúng ta nói về ai và về điều gì?
Trong nhiều thế kỷ được gọi là chịu ảnh hưởng Kitô Giáo, cách chung người ta cho rằng Kitô hữu trước tiên phải là một người "hành đạo", "giữ đạo", nghĩa là một người có đi lễ các ngày Chúa Nhật và năng lãnh nhận các bí tích. Không có ai nghi ngờ gì cả về phương trình này: ai hành đạo thì có Ðức tin, ai có Ðức tin thì hành đạo. Ðức tin được xét theo dấu chỉ thấy được là việc hành đạo.
Nhưng những cuộc điều tra xã hội học và những cuộc thăm dò cho thấy một thực tế rõ ràng là phải đặt lại vấn đề về giả định ấy trong công việc mục vụ của chúng ta. Ngọn gió của trào lưu tục hóa đã lay động cây cối. Những cành cây xem ra sống động sum xê giờ đã bị gẫy lìa. Khắp nơi việc thực hành các nghi thức tôn giáo đã xuống dốc, nhất là nơi giới trẻ. Chúng ta không chỉ đứng trước hiện tượng số lượng mà cả vấn đề chất lượng nữa. Vậy trong Kitô giáo, phẩm chất và chân tính Kitô hữu khi được sống đích thực là gì?
Một cuộc thăm dò những người Công Giáo Pháp cho thấy một sự kiện báo động:
* 95% muốn có nhà thờ, nhưng phần lớn lại chẳng hề bước chân tới.
* 88% đòi cho con họ chịu phép rửa, nhưng hơn một nửa không biết Ðức Giêsu.
* 2/3 không tin Ðức Giêsu đã phục sinh.
Những sự kiện này cho thấy cách sống sượng một tình trạng có thật. Vị Giám Mục Pháp cho tôi biết những dữ kiện trên, đã tiếp tục phân tích:
"Một ngày nào đó ta sẽ quyết định rút ra những hệ quả hợp lý từ những nghiên cứu này; nếu không thì ta sẽ lại tiếp tục ban bí tích cho những kẻ không có đức tin, và tiếp tục cử hành thánh lễ hôn phối hay an táng cho những người đến tham dự mà trong lòng bực bội hay chế diễu (tôi nói đến thánh lễ, đỉnh cao của Ðức tin chứ không nói đến phụng vụ Lời Chúa mà nếu được thực hiện tốt có thể là một phương thế truyền đạt giáo lý). "Sancta Sanctis" (điều thánh thiện phải dành cho những người thánh). Các sự việc của Thiên Chúa phải dành cho những ai có đức tin. Bí tích phải dành cho kẻ nào tin và thực sự lên đường.
"Phải can đảm dẹp đi những ảo tưởng. Chúng ta đã thực hiện công đồng Vaticanô II trong niềm tin rằng các Kitô hữu tự bản chất được kêu gọi làm người truyền giáo. Nhưng đáng lẽ phải giúp cho họ tin đã. Công cuộc canh tân mà công đồng Vaticanô II mong đợi bị trì trệ, những người sống đạo bị tan đàn, những kẻ bài bác vai trò ngôn sứ ngày càng nhiều lên, những Kitô hữu muốn được trấn an thì chủ trương quay về quá khứ# Sở dĩ tất cả điều ấy xảy ra là vì người ta đã ngây thơ tin rằng ai cũng đều chấp nhận và sống sứ điệp Kitô giáo nền tảng (tức là lời chứng kinh nghiệm Ðức tin: tôi tin vào Ðức Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa, là Ðấng Cứu Thế). Nhưng thực ra chỉ có một số người chấp nhận và sống mà thôi" [Mgr G.Huyghe, Eglise d'Arras, số 2, 1973]
Nếu so sánh hình ảnh người Kitô hữu nguyên thủy với hình ảnh của rất nhiều người Kitô hữu hữu danh hơn là hữu thực ngày nay, ta sẽ thấy ngay sự tương phản đập ngay vào mắt, và phải đặt ngay vấn đề triệt để cho mọi cuộc canh tân trong Giáo Hội. Công đồng Vaticanô II là một Công Ðồng mang tính cách mục vụ, nghĩa la một Công Ðồng mong ước là cho Hội Thánh thích ứng với những yêu cầu thời đại, cả bên trong lẫn bên ngoài. Giả thiết mà Công Ðồng dùng làm khởi điểm là Giáo Hội bao gồm những Kitô hữu đích thực hay ít ra đang cố gắng trở nên như vậy. Nhưng những dữ kiện nêu trên buộc chúng ta phải xem lại giả thiết ấy. Phải đặt lại vấn đề một lần nữa: khi nói về người Kitô hữu là chúng ta nói cái gì và nói về ai?
Câu chất vấn ấy làm ta khó chịu: một cách tổng quát, Kitô hữu hôm nay có thực sự là những tín hữu có một đức tin thiết thân, dấn thân và đúng thực không?
Chúng ta có phận vụ phải xem xét lại các cấu trúc của Giáo Hội trên nhiều bình diện khác nhau, phải làm việc này và việc này phải lâu lắm mới hoàn tất. Nhưng hôm nay, ngay cả nền tảng đức tin cũng bị đặt thành vấn đề. Chúng ta vốn biết rằng Giáo Hội chỉ có ý nghĩa là nhờ Ðức Kitô. Ðức Kitô chỉ có ý nghĩa nếu Ngài là Con duy nhất của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa chỉ có nghĩa nếu Ngài là Thiên Chúa có ngôi vị và sống động. Than ôi, tất cả những điều ấy đều bị lung lay, bị đặt lại vấn đề.
Nơi nhiều người, Ðức Tin đã bị sói mòn tận căn. Họ cần phải tái khám phá lại ngay nơi trọng tâm của sứ điệp Kitô giáo.
Chúng ta đã quá chú trọng việc "cử hành bí tích", mà không chú trọng đủ vấn đề "sống và loan truyền Tin Mừng". Sự thiếu sót này bùng nổ ở tầm mức lục địa, khắp nơi ai cũng thấy người Kitô hữu không sống phù hợp với đức tin của họ.
Trước tình trạng khẩn cấp này, những tranh cãi nội bộ của chúng ta, dù thiên hữu hay thiên tả, không mang lại một cái gì sáng sủa hơn. Chúng ta cần phải tìm lại những đặc tính của người Kitô hữu. Sứ mạng của chúng ta không phải là phê phán cá nhân ai, mà là can trường bảo toàn lý tưởng Kitô giáo. Chúng ta phải trình bày Tin Mừng đúng với bản chất của Tin Mừng, là cho thế gian biết Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, cùng những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi những kẻ tự nhận mang danh Ngài trước mặt thiên hạ.
Chúng ta phải mời gọi các Kitô hữu ngày nay càng ý thức sống động hơn về đức tin của họ, gắn bó với Thiên Chúa ngày càng khắn khít hơn. Phải giúp một số Kitô hữu chuyển từ thứ Kitô giáo ít nhiều mang tính xã hội sang thứ Kitô giáo trọn nghĩa. Thứ Kitô giáo được cha mẹ truyền lại chủ yếu do sinh sản và giáo dục cũng phải trở thành thứ Kitô giáo chính mình lựa chọn, dựa trên quyết định của bản thân và việc nhận thức rõ ràng lý do chọn lựa như thế. Tertulianô đã nói lên điều ấy: "Fiunt, non nascuntur christiani", nghĩa là không phải mình sinh ra là Kitô hữu, mà mình trở thành Kitô hữu.
Ðề tài ngày thứ ba được Cha chia sẻ là phải Tân Phúc-Âm-hóa như thế nào? Qua 2 ngày tĩnh tâm, chúng ta đã hiểu Phúc-Âm-hóa là gì, rồi xem tại sao lại phải Tân Phúc-Âm-hóa. Ðức Giêsu Kitô đã dạy ta một nguyên tắc để phán đoán là "cứ xem quả thì biết cây" (Mt 12,33). Cây không còn sinh hoa trái tốt là cây có vấn đề. Ta cũng biết tâm điểm của Phúc-Âm-hóa là gặp gỡ chính Ðức Giêsu Kitô để Phúc Âm của Người biến đổi con người thành con người được Phúc-Âm-hóa. Có được Phúc-Âm-hóa rồi, ta mới có thể Phúc-Âm-hóa người khác. Ðức Giêsu Kitô và Phúc Âm của Người thì không biến đổi bao giờ: "Ðức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời" (Dt 13,8); nhưng thế giới và con người sống trong thế giới thì luôn đổi thay. Do đó Tân Phúc-Âm-hóa không phải là loan báo một Phúc Âm mới mà là Phúc-Âm-hóa một cách mới mẻ, nói cho cụ thể là phải đổi mới người Phúc-Âm-hóa để họ có một nhiệt tình mới, để họ biết dùng những phương pháp mới, để họ có thể trình bày Phúc Âm một cách mới mẻ phù hợp với con người của thời đại hôm nay. Người của thời đại hôm nay tin vào kinh nghiệm và việc làm hơn là lý thuyết lý luận, họ là người duy vật nên nhạy cảm với những gì họ thấy được, đụng chạm sờ mó được. Ðức Giêsu Kitô và năng động của Phúc Âm luôn ở cùng Giáo hội cho đến ngày tận thế, giúp Giáo hội Tân Phúc-Âm-hóa, Giáo hội luôn luôn phải cải cách (Ecclesia semper reformanda), mà Giáo hội là các Kitô hữu. Vậy Kitô hữu muốn Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo thì chính Kitô hữu phải được Tân Phúc-Âm-hóa trước hết, có thế mới hòng Phúc-Âm-hóa con người và thế giới được.
Chuyện kể là một triết gia Ấn độ đã nhìn lại quãng đời của mình như sau: Lúc còn trẻ tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất của tôi dâng lên Thượng Ðế là: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới". Ðến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Ðế: "Lạy Chúa xin ban cho con được ơn biến đổi tất cả những người con gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con mãn nguyện rồi". Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ này, tôi chỉ biết cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa, xin ban cho con được ơn thay đổi chính con". Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này ngay từ lúc đầu thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.
Khoảng 600 năm trước Ðức Giêsu Kitô, Ðức Khổng tử đã dạy các đệ tử của ngài phải tu thân thì mới tề gia được, có tề gia thì mới trị quốc được... Ðức Giêsu Kitô đã tự nguyện xuống thế làm người cách đây khoảng 2,000 năm để Phúc-Âm-hóa loài người và thế giới bằng chu toàn ba sứ vụ là: tư tế, ngôn sứ, vương giả. Tư tế là người hiến thân chuộc tội và cầu thay nguyện giúp cho đời; ngôn sứ là người loan báo cho đời biết Thiên Chúa cũng như biết mình, và tố cáo mọi tội ác bất công; vương giả là người làm tôi tớ phục vụ cho hạnh phúc mọi người như Người dạy (x. Mt 20,26-28). Kitô hữu là bạn hữu của Ðức Giêsu Kitô, dù là ai cũng phải Phúc-Âm-hóa mình sao cho giáo hoàng ra giáo hoàng, giám mục ra giám mục, linh mục ra linh mục, tu sĩ ra tu sĩ, giáo dân ra giáo dân, để tự nguyện chu toàn ba sứ vụ cho tốt. Nếu chỉ là tư tế biết đọc kinh xem lễ theo đúng "chữ đỏ" mà không hiệp thông với Ðức Giêsu Kitô hiến mình cho Thiên Chúa và mọi người; nếu chỉ là ngôn sứ giảng thuyết rất hùng hồn mà không loan báo Phúc Âm và không dám tố cáo tội ác bất công; nếu chỉ là vương giả để sống như ông vua độc tài quan liêu, xa hoa, hưởng thụ, vô cảm với người nghèo khổ bệnh tật bị áp bức# thì phải cầu xin Thiên Chúa đổi thay chính mình trước. Thánh Gioan tông đồ trong sách Khải huyền đã khuyên Kitô hữu mua thuốc đau mắt để nhỏ mắt cho thấy được (Kh 3, 13). Nhà văn Anh có tinh thần công giáo ngày nay đã viết một câu rất ngắn gọn sâu sắc: Bác ái phải bắt đầu từ bản thân, từ nhà mình trước (charity begins at home). Vì thế dù bây giờ còn trẻ, đã lớn, hay đã già, không bao giờ tu thân là muộn. Người Anh có câu châm ngôn rất hay là "muộn còn hơn không" (better late than never).
Kết thúc 3 ngày tĩnh tâm sốt sắng, Cha linh hướng đã mời gọi các bạn sinh viên thực hành Tân Phúc-Âm-hóa ngay ngày hôm nay, đó là cùng nhau thực hành sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng cách đến với anh em lương dân, giới thiệu Chúa cho những người chung quanh: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.... dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em" (Mt 28,19-20).
Sự bình an toát lên trên khuôn mặt của các bạn sinh viên sau 3 ngày tĩnh tâm sốt sắng, càng ý nghĩa hơn khi mỗi người đều nhận được một "món quà Lời Chúa" cuối Thánh Lễ. Ðó cũng chính là Kim Chỉ Nam giúp mỗi anh chị em suy ngẫm và thực hành trong những ngày còn lại của mùa Chay này để mỗi người biết sống Thánh, biết Tân Phúc Âm hóa đời sống của chính mình và để sửa soạn tâm hồn đón chờ Chúa Phục Sinh.
Từ những tâm tình gợi mở của Cha Gioan, Cộng đoàn ra về với những quyết tâm sống những ngày cuối cùng của mùa Chay theo cách Phúc-Âm-hóa của từng cá nhân, từng gia đình theo lời mời gọi của Chúa, của Giáo hội. Tin tưởng vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, mỗi người quyết tâm "trở về" để được đổi mới. Ước gì thế giới này trở nên một thế giới đẹp từ chính con mắt "đẹp" của mỗi người chúng ta. Hãy nhìn thế giới bằng ngọn đèn, bằng ánh sáng, chứ đừng phủ vây thế giới này bằng bóng tối và sự dữ.
"Hãy trở về cùng Ðức Chúa là Thiên Chúa của anh em" (Giô-en 2,13)
Nguyễn Văn Quynh - Phạm Tân
Ban Truyền Thông Cộng Ðoàn SVCG Bùi Chu