Tình trạng sống của người tị nạn Siria

sau ba năm nội chiến

 

Tình trạng sống của người tị nạn Siria sau ba năm nội chiến.

Phỏng vấn ông Valerio Neri, Giám đốc tổ chức "Cứu các trẻ em" và ông Michele Prosperi, nhân viên của tổ chức từ trại tị nạn Za'atari bên Giordania trở về.

Siria (RG 11-03-2014; Vat. 1-04-2014) - Ba năm đã trôi qua kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2011, khi xảy ra các vụ xuống đường biểu tình của hàng trăm ngàn người, phản đối chính sách cai trị độc tài của tổng thống Bashar al-Assad và đòi dân chủ hóa đất nước Siria. Cho tới nay chính quyền Damasco vẫn coi các lực lượng đối lập là các nhóm khủng bố phá hoại, không thừa nhận các mục tiêu tranh đấu của họ và vẫn tiếp tục ra lệnh cho quân đội bỏ bom các thành phố và làng mạc, nơi có các lực lượng đối lập chiến đấu đòi dân chủ. Các cuộc thảo luận hòa đàm giữa hai bên đã không đem lại kết quả cụ thể nào, ngoài việc cho phép di tản các thường dân gồm phụ nữ người già và trẻ em ra khỏi thành phố Homs là trung tâm cuộc nổi dậy của nhân dân Siria. Cuộc chiến đã kéo dài vì Nga, Iran và Trung Quốc yểm trợ vũ khí cho ông Bashar al-Assad, trong khi Hoa Kỳ, vài nước trong Liên Hiệp Âu châu và vài nước A rập cung cấp khí giới cho các lực lượng nổi loạn.

Chiến tranh Siria là cuộc chiến đòi dân chủ nảy sinh từ phong trào Mùa xuân A rập, nhưng đồng thời cũng là cuộc chiến của các quốc gia sản xuất và buôn bán vũ khí. Tổng thống Bashar al-Assad thì tham quyền cố vị, không muốn dân chủ hóa đất nước cũng không muốn nhượng bộ, còn các lực lượng đối lập tuy chia rẽ nhưng nhất quyết chiến đấu cho tới thắng lợi cuối cùng. Cảnh huynh đệ tương tàn khiến cho tương lai của đất nước Siria rơi xuống vực thẳm.

Ba năm nội chiến đã khiến cho 160,000 người thiệt mạng vì bom đạn, đói khát bệnh tật, giá lạnh, và 4 triệu người phải tị nạn chiến tranh sang các nước láng giềng như Giordania, Libăng, hay bên trong biên giới Siria. Cả một quốc gia văn minh phồn thịnh bị tàn phá tan hoang, y như trường hợp của Libăng trong cuộc nội chiến hồi thập niên 1970.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Valerio Neri, Giám đốc tổ chức "Cứu các trẻ em", về bản tường trình của tỗ chức liên quan tới tình trạng sống của người tị nạn Siri.

Hỏi: Thưa ông Neri, sau ba năm nội chiến tình hình Siria hiện nay ra sao? Và tổ chức phi chính phủ "Cứu các trẻ em" đã làm được những gì?

Ðáp: Hoạt động của tổ chức đã khởi sự như là công tác cứu trợ một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Nhưng hiện nay việc phá hủy toàn bộ các cơ cấu hạ tầng, kể cả các cơ cấu hạ tầng y tế, khiến cho Siria rơi vào một tình trạng khẩn cấp rất nghiêm trọng. Chính vì thế các trẻ em lại càng là nạn nhận của các bệnh tật, các bệnh phát xuất từ tình trạng sống bẩn thỉu thiếu vệ sinh, vì có ít bác sĩ, ít nhà thương và ít thuốc men, nên các bệnh nhân không được săn sóc như đáng lý ra họ phải được săn sóc. Hai trên ba nhà thương trên toàn nước Siria đã bị phá hủy.

Hỏi: Thưa ông, ngoài sự kiện thiếu thốn các cơ cấu hạ tầng, bản tường trình của ông cũng tố cáo nhiều sự kiện khác, chẳng như chương trình chích ngừa đã sụp đổ hoàn toàn, có đúng thế không?

Ðáp: Vâng đương nhiên rồi, khi cả hệ thống y tế của thành phố và toàn nước sụp đổ, thì người ta đâu có thể chích ngừa cho các trẻ em nữa, và số tật bệnh gia tăng rất nhiều, các tật bệnh mà trước kia đã chiến thắng được. Chẳng hạn như là bệnh bại liệt và tất cả các thứ bệnh lây lan từ thú vật, và từ các ký sinh trùng...

Hỏi: Ðó là chưa nói tới các trẻ sơ sinh. Ông cho biết là chỉ một phần tư các vụ sinh nở được trợ giúp, và vì thế số trẻ sơ sinh thiệt mạng cũng gia tăng, vì các vụ cúp điện trong chính các cơ cấu y tế còn hoạt động.

Ðáp: Ðúng vậy. Ðây là một dữ kiện thực sự gây xúc động. Rất thường khi các bác sĩ phải áp dụng phương pháp mổ để lấy đứa trẻ ra, không thể chờ đợi người mẹ sinh tự nhiên vì sợ bị bỏ bom. Và điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là một vụ mổ bụng người mẹ để lấy đứa bé ra. Trong khi tình trạng giải phẫu đáng lý ra phải được bảo đảm chắc chắn trăm phần trăm trên bình diện vệ sinh. Nhưng ở đây thì xảy ra các vụ nhiễm trùng, vì người mẹ bị trả về nhà ngay, và các bà mẹ mất máu rất nhiều trong các vụ mổ như vậy...

Thế rồi rất nhiều vụ mổ như thế được thực hiện trong các nơi cấp cứu, chứ không phải trong các phòng mổ được sát trùng và hoàn hảo. Do đó qúy vị có thể tưởng tượng được một đứa bé sinh ra trong hoàn cảnh như vậy, với một vài khó khăn hô hấp hay khó khăn nào đó mà các y sĩ nhi khoa không thể lập tức can thiệp để cứu sống trẻ em ấy. Vì thế chúng tôi chứng kiến số tử vong của trẻ em gia tăng vì sự kiện không có khả năng cấp cứu.

Hỏi: Như thế bản tường trình kêu gọi các phe lâm chiến cho phép mở các hành lang nhân đạo để chuyển đồ cứu trợ tới cho dân chúng tị nạn sớm chừng nào có thể?

Ðáp: Ðúng thế. Các chính quyền và cả Hội đồng bảo an Liên HIệp Quốc phải làm ngay, và mạnh tay một chút, chứ đừng chỉ nói suông là "chúng ta phải đem đồ cứu trợ tới cho dân chúng Siri", rồi ngồi chờ người ta cho phép. Bởi nếu không thì dân chúng sẽ chết, và phép cũng sẽ chẳng bao giờ tới.

* * *

 Sau đây là một số nhận định của ông Michele Prosperi, nhân viên của tổ chức "Cứu các trẻ em" từ trại tị nạn Za'atari bên Giordania trở về.

Hỏi: Thưa ông, tình hình trong trại tị nạn Za'atari bên Giordania hiện nay ra sao?

Ðáp: Hơn phân nửa số người tị nạn trong trại này là trẻ em, tức có 50,000 trẻ em, và trong số này có 26,000 là trẻ em dưới 5 tuổi; và rất nhiều em tới trại tị nạn này khi còn rất nhỏ. Các em đã không trông thấy gì khác ngoài mầu trắng của các lều tạm trú và đá cát của sa mạc. Các em không biết các mầu sắc là gì, cả khi có giàu óc tưởng tượng các em cũng không biết các mầu sắc ra sao.

Hỏi: Ông đã thu thập biết bao nhiêu chuyện, điều gì đã đánh động ông nhất?

Ðáp: Ðó là tình trạng chấn thương tinh thần mà các người tị nan đã phải sống. Siria đã là một đất nước, trong đó có các điều kiện sống tuyệt đối tốt đẹp, hệ thống y tế tuyệt đối hữu hiệu, và có khả năng góp phần làm giảm số tử của trẻ em... Còn hơn thế nữa, Siria đã xuất cảng cả thuốc men và thuốc chính ngừa. Vì thế các bà mẹ và phụ nữ Siri mà chúng tôi gặp gỡ mỗi ngày rất là đau buồn, khi bất thình lình phải sống trong hoàn cảnh mất hết nhân phẩm này. Ðối với nhiều phụ nữ tư tưởng đương nhiên gắn liền với những người mà họ đã bỏ lại trong nước và đang phải sống dưới cảnh bom đạn. Phải biết rằng trong trại tị nạn Za'atari bên Giordania mỗi đêm người ta đều nghe được tiếng các vụ dội bom ở miền nam Siria. Có rất nhiều người còn có người thân ở lại trong vùng này. Tôi nhớ một câu chuyện rất thương tâm của một bà cụ có bốn người con gái còn ở lại trong nước, rồi bà kể lại chuyện đứa cháu gái của bà 14 tuổi, lấy chồng cách đây hai tháng, nhưng một tháng sau ngày cưới thì bị đạn chết. Thế là bà mất hết không được dự đám cưới và đám tang của cháu.

Hỏi: Sau ba năm chiến tranh người tị nạn có ý thức được thời gian trôi đi hay không?

Ðáp: Tư tưởng và tâm tình của các người tị nạn dĩ nhiên là đã thay đổi theo dòng thời gian. Ban đầu thì họ hy vọng mọi sự được giải quyết nhanh chóng. Nhưng bây giờ họ rất lo lắng đối với thời gian cần có để có thể trở về quê hương, và là điều mà tất cả mọi người đều mong ước. Thanh thiếu niên và người trẻ rất ước mong trở về sống trong quê hương Siria của họ và tái thiết nó. Ðó là điều họ nói lên với tất cả những gì họ làm, cả việc thay đổi ý chí và thay đổi các sự vật. Họ cũng rất ước mong thế giới lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để chặn đứng cuộc xung đột đẫm máu tại Siria, hay ít nhất là để cho phép chuyên chở các đồ cứu trợ nhân đạo tới cho dân chúng.

Ðây là điều mà tất cả mọi người tị nạn đều yêu cầu một cách rất mạnh mẽ. Nó không chỉ hướng tới các chính quyền, mà nó hướng tới tất cả mọi người, và các cộng đoàn quốc tế, trong nghĩa nó thỉnh cầu tất cả mọi người hoạt động làm sao để thế giới thay đổi khác đi. Bởi vì sự kiện giờ đây chiến tranh đang xảy ra tại Siria không có nghĩa là ngày mai nó không thể xảy ra ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới này.

(RG 11-3-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page