Tình hình Sierra Leone

 

Tình hình Sierra Leone.

Phỏng vấn Ðức Cha Giorgio Biguzzi.

Roma (RG 7-03-2014; Vat. 31-03-2014) - Trong những ngày vừa qua lực lượng bảo hòa Liên Hiệp Quốc đã kết thúc sứ mệnh bảo vệ hòa bình tại Sierra Leone và triệt thoái khỏi nước này.

Cộng hòa Sierra Leone rộng 71,740 cây số vuông, có hơn 6.2 triệu dân gồm 16 chủng tộc khác nhau, trong đó có các nhóm chính như: Temne chiếm 35%, Mende chiếm 31%, Limba chiếm 8%, Kono chiếm 5%, Krio chiếm 2%, Loko chiếm 2%, và 15% gồm các chủng tộc khác.

Sierra Leone được độc lập khỏi Anh quốc năm 1961 và trở thành Cộng hòa năm 1971. Tuy là một nước nhỏ, nhưng Sierra Leone có các mỏ kim cương, titanium bauxít, vàng và rutin. Sierra Leone sản xuất rất nhiều kim cương và vàng, và có mỏ rutin lớn nhất thế giới. Trên bình diện tôn giáo, Sierra Leone là một trong các nước có bầu khí hòa bình nhất; các tín hữu hồi và kitô cộng tác hài hòa với nhau. Rất ít khi xảy bạo lực, tuy người dân thuộc 16 chủng tộc khác nhau. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong vấn đề hành chánh, nhưng 90% dân nói tiếng Krio, là ngôn ngữ thương mại và giao dịch giữa các chủng tộc khác nhau.

Năm 1462 nhà thám hiểm người Bồ Ðào Nha Pedro de Sintra ghé vùng đất này, và đặt tên cho nó là "Serra Leoa" có nghĩa là các "Núi sư tử cái". Sau này Sierra Leone trở thành vùng đất buôn bán nô lệ cho tới năm 1792, khi thành phố Freetown được Công Ty Sierra Leone thành lập như nơi ở của các cựu nô lệ được đế quốc Anh phóng thích. Từ đó Freetown trở thành quê hương của các nô lệ được phóng thích từ khắp nơi trên thế giới tụ tập về, kể cả từ các vùng đất khác của Phi châu. Năm 1808 Freetown trở thành thuộc địa của Anh, và năm 1896 phần nội địa Sierra Leone nằm dưới quyền bảo hộ của Anh. Chiến tranh từ năm 1991 tới 2002 đã tàn phá quốc gia này và toàn hệ thống hạ tầng cơ sở, khiến cho hàng chục ngàn người chết và 2 triệu người phải chạy sang các nước láng giềng lánh nạn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Cha Giorgio Biguzzi, Giám Mục Makeni cho tới năm 2012, về việc chính thức chấm dửt sứ mệnh bảo hòa của Liên Hiệp quốc tại Sierra Leone và tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo tại nước này. Ðức Cha Biguzzi đã làm việc truyền giáo tại Sierra Leone từ 35 năm nay và đã từng là Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Sierra Leone. Bài phỏng vấn do phóng viên Massimiliano Menichetti đài Vaticăng thực hiện ngày 7 tháng 3 năm 2014.

Lực lượng bảo hòa Liên Hiệp Quốc đã được gửi tới Sierra Leone cách sây 15 năm để bình định tình hình chiến tranh tại đây, Cuộc chiến kéo dài từ năm 1991 đến 2002 đã khiến cho 130,000 người thiệt mạng.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, Ðức Cha nghĩ gì về việc chính thức chấm dứt sứ mệnh bảo hòa của Liên Hiệp quốc tại Sierra Leone trong những ngày vừa qua?

Ðáp: Tôi nghĩ có thể nói rằng sứ mệnh bảo hòa của Liên Hiệp Quốc tại Sierra Leone đã là một sứ mạng thành công. Tôi đã hiện diện tại đây trong suốt thời gian này. Các trận chiến khác nhau đã được giao phó cho lực lượng bảo hòa của Liên Hiệp Quốc. Chiến cuộc đã rất là đẫm máu giữa các binh sĩ địa phương, các phiến quân của lực lượng "Mặt trận cách mạng thống nhất", các lực lượng dân vệ Kamajors và các binh sĩ của Lực lượng các nước trong Cộng đồng kinh tế Tây Phi gọi tắt là ECOMOG bao gồm 90% là người Nigeria.

Hỏi: Lý do nào đã khiến cho chiến tranh bùng nổ tại Sierra Leone thưa Ðức Cha?

Ðáp: Trước hết phải nói rằng nó không phải là một cuộc chiến có bối cảnh tôn giáo, cũng không phải là cuộc chiến có bối cảnh bộ tộc, nhưng là cuộc chiến kinh tế xã hội, nghĩa là Nhà nước đã hoàn toàn sụp đổ, trong nghĩa đã không còn có các dịch vụ xã hội nữa, nạn gian tham hối lộ lan tràn. Hồi đó người ta có cảm tưởng là một vài bộ trưởng cướp bóc nhà nước, vì thế đã chỉ cần có ai đó đẩy một cái, và người đó cũng không có một dự án làm cho nó sụp đổ nữa, và thế là mọi sự kết thúc trong cảnh hỗn loạn.

Hỏi: Thưa Ðức Cha hồi năm 1991 các phiến quân thuộc "Mặt trận cách mạng thống nhất" đã từ Liberia xâm lăng Sierra Leone, có đúng thế không?

Ðáp: Vâng, đúng thế. Họ đến từ nước Liberia, và như đã nói chính quyền Sierra Leone hồi đó giống như một ngôi nhà rất mỏng manh nên đã sụp đổ, và khi nó sụp đổ thì liên lụy đến hàng chục ngàn người vô tội, là các thường dân.

Hỏi: Ðức Cha đã ở bên Sierra Leone trong thời gian đó. Ðó đã là thời gian rất đau khổ, có đúng thế không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Vâng, đúng vậy. Ðó đã là thời gian rất đau khổ, rất đau khổ! Tôi còn nhớ lần đầu tiên trông thấy hàng hàng lớp lớp người tị nạn bên trong nước Sierra Leone, tôi muốn khóc khi thấy những người bị chặt tay máu chảy dầm dề, các trẻ em chiến binh chết trên đường, nỗi sợ hãi, cảnh mất an ninh hoàn toàn, nền kinh tế sụp đổ, và như thế có cả nạn đói nữa.

Hỏi: Thế nhưng vào năm 1999 thì tình hình đã bắt đầu thay đổi?

Ðáp: Phải, ngày mùng 7 tháng 7 năm 1999 đã có lễ nghi ký Thỏa hiệp hòa bình giữa các phe lâm chiến. Và khi Lực lượng bảo hòa đến để giải trừ vũ trang, thì các chiến binh đã tin tưởng giao nộp vũ khí. Trong Thỏa hiệp hòa bình có các khoản: ngưng thù nghịch tức khắc, giải trừ khí giới, tái lập cuộc sống cho các chiến binh, biến Mặt trận cách mạng thống nhất thành một đảng phái chính trị, thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử các tội phạm nghiêm trọng nhất. Người ta đã thành lập một tòa án hỗn hợp đặc biệt tại Sierra Leone, và đưa các tội phạm sang xét xử bên tòa án La Haie ở Hòa Lan, và kết án ông Charles Taylor, nguyên tổng thống Sierra Leone.

Hỏi: Ngày nay gương mặt của nước Sierra Leone như thế nào thưa Ðức Cha?

Ðáp: Ðã có việc giải trừ vũ khí, hòa giải quốc gia. Cuộc sống hợp pháp với các cuộc bầu cử đã diễn ra trong các năm 2002, 2007 và 2012. Người ta cũng đã tái thiết nhiều. Ðã có các vụ đầu tư lớn trong các lãnh vực khai thác các tài nguyên quặng mỏ, xây cất đường lộ và các cơ cấu hạ tầng. Tuy nhiên, trước hết vẫn còn có nạn gian tham hối lộ lan tràn trong tất cả mọi tầng lởp, có nạn thất nghiệp rất trầm trọng, và xem ra không có sự kiểm soát thích đáng nào đối với các nhượng bộ cho các công ty đa quốc. Người ta đặt ra các vấn nạn rất lớn liên quan tới ảnh hưởng của tình trạng này trên người dân, trên các làng mạc, trên giới công nhân và trên các nông dân.

Hỏi: Vậy đất nước Sierra Leone đang được tái thiết nhờ dân chúng hay là nhờ các chủ thể quốc tế đang khai thác và lợi dụng Sierra Leone thưa Ðức Cha?

Ðáp: Trước hết chính dân chúng đang tái thiết đất nước, tuy nhiên các chính quyền đã dựa rất nhiều trên các nhượng bộ cho các công ty đa quốc của Trung Quốc, Âu châu, Nam Phi, Australia làm thành một khối... Vì thế chính quyền được lời, nhưng việc khai thác của các công ty đa quốc này cũng gây ra các vấn đề ô nhiễm môi sinh, tàn phá rừng gìa, và cũng gây ô nhiễm cho các nguồn nước nữa. Thế rồi còn có các vụ truất hữu đất đai của người dân, ban đầu xem ra gây ảo tưởng sẽ tạo công văn việc làm cho dân, nhưng rốt cuộc xem ra không có gì xảy ra cả. Thêm vào đó còn có các công tác xã hội còn rất chưa thích đáng chưa đáp ứng được các nhu cầu của người dân, bắt đầu bằng việc đào tạo giáo dục.

Hỏi: Theo Ðức Cha, đâu là thách đố mà đất nước Sierra Leone phải đương đầu hiện nay, xét vì sứ mệnh bảo hòa đã chấm dứt?

Ðáp: Ðó là việc củng cố các cơ cấu quốc gia: làm sao để có công lý, diệt trừ nạn gian tham hối lộ, trong sáng trong việc ký các hợp đồng đầu tư với các công ty đa quốc đem lại ích lợi và công ăn việc làm cho dân, việc chuẩn bị và đào tạo nhân viên các cấp địa phương. Cần phải đầu tư vào con người, đầu tư vào việc giáo dục đào tạo, nếu không thì cảnh khai thác bóc lột các tài nguyên quốc gia sẽ cứ tiếp tục mãi mãi, nhưng lại dưới quyền kiểm soát của một ai đó, chứ không sinh lợi cho dân nước.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Biguzzi, Giáo Hội và các thừa sai đã hiện diện trong các năm xung khắc chiến tranh, giờ đây nắm giữ vai trò nào?

Ðáp: Dĩ nhiên giờ đây vai trò của các thừa sai là phục vụ một Giáo Hội địa phương, một hàng giáo phẩm địa phương đã lớn lên. Giáo Hội địa phương rất dấn thân trong việc rao truyền Tin Mừng. Thế rồi qua các Caritas địa phương Giáo Hội rất dấn thân trong các công tác bác ái xã hội.

Giáo Hội Sierra Leone đã được 100 tuổi, và đã luôn uôn dấn thân trong việc thăng tiến giáo dục, qua các trường học được thành lập ngay cả trong các làng mạc xa xôi hẻo lánh nhất, nơi đã không có ai đi tới. Trong một quốc gia có tới 60-70% dân chúng theo Hồi giáo, các Giáo Hội Kitô điều khiển 43% các cơ sở giáo dục. Thế rồi theo truyền thống Giáo Hội cũng dấn thân điều khiển các nhà thương, các bệnh xá, các trạm phát thuốc. Có các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Áí của Mẹ Terexa Calcutta, đã có 4 chị tử đạo trong các năm chiến tranh. Bốn chị đã bị giết. Các chị có hai trung tâm một trong thủ đô Freetown và một tại Makeni, nơi các chị săn sóc những người nghèo nhất trong số các người nghèo.

(RG 7-3-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page