Hy vọng gì

trong chuyến viếng thăm Vatican

của Obama

 

Hy vọng gì trong chuyến viếng thăm Vatican của Obama.

Hoa Kỳ (VietCatholic News 26-03-2014) - Có tin máy bay của Tổng Thống Obama đã đáp xuống phi trường Rôma và cuộc gặp gỡ giữa ông và Ðức Phanxicô sẽ diễn ra hôm thứ Năm, 27 tháng Ba năm 2014. Trước đây hai ngày, ký giả Meredith Somers của tờ Washington Times cho hay sẽ có nhiều chuyện để bàn thảo giữa Obama và Ðức Phanxicô.

Nhiều chuyện để bàn thảo

Thực thế, bất kể nhiều dị biệt về học thuyết, hai nhân vật này đều có khát vọng hỗ tương về công bằng xã hội. Về hôn nhân đồng tính và phá thai chẳng hạn, dĩ nhiên hai vị có những ý kiến trái ngược nhau, nhưng Obama hy vọng sẽ tìm được đồng thuận ở nhiều điểm khác. Ðó là nhận định của Paul Manuel, giám đốc Viện Lãnh Ðạo, một tổ chức bất vụ lợi chuyên cổ vũ việc áp dụng sự khôn ngoan của Thánh Kinh vào diễn trình đưa ra quyết định, đồng thời là giáo sư khoa học chính trị tại Mount St. Mary's University. Ông tin rằng Obama sẽ sẵn sàng thảo luận sáng kiến của Ðức Phanxicô về việc buôn người.

Trong tháng này, Ðức Phanxicô đã tuyên bố ủng hộ Chiến Dịch Huynh Ðệ của Hội Ðồng Giám Mục Ba Tây nhằm triệt hạ nạn buôn người tại Ba Tây. Ông Manuel gợi ý rằng việc bách hại Kitô hữu tại Trung Ðông là một chủ đề nữa có thể được thảo luận. Theo ông, vấn đề này có liên hệ tới chủ đề tự do tôn giáo, một chủ đề khá quen thuộc với kế hoạch chăm sóc y tế của Obama.

Thực thế, một số định chế Công Giáo tại Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối sáng kiến của Obama gọi là Ðạo Luật Chăm Sóc Có Thể Ðài Thọ Ðược mà người bình dân quen gọi là Obamacare, vì sáng kiến này buộc họ phải cung cấp việc kiềm soát sinh sản cho công nhân, trái ngược với học thuyết Công Giáo. Manuel cho rằng đây sẽ là một cuộc đàm luận hứng thú, mạnh bạo.

Ðức Phanxicô cũng từng cổ vũ việc cải cách chính sách di dân và đặt ưu tiên vào việc làm cho các quốc gia tránh được thảm họa chiến tranh. Rất có thể sẽ cuộc thảo luận về vấn đề hòa bình tại Ðất Thánh, Ukraine và Nam Sudan.

Các ưu tiên trên không hẳn nằm quá xa các mục tiêu của ông Obama. Nhưng Manuel nói rằng vấn đề bất quân bình trên bình diện hoàn cầu chắc chắn sẽ là điểm đồng thuận.

Ðức Phanxicô cũng có thể nêu vấn đề phá thai và hôn nhân truyền thống. Manuel tin rằng ngài sẽ không bỏ lỡ cơ hội. Chính phủ Obama vốn ủng hộ hôn nhân đồng tính, dùng tế bào gốc để nghiên cứu và quyền phá thai, những vấn đề bị Giáo Hội Công Giáo chống đối.

Trong khi ấy, Jo-Renee Formicola, một giáo sư chính trị học tại Seton Hall University cho hay: "Khi đi tìm một cơ sở chung nào đó, thì sẽ không phải là các vấn đề học thuyết. Mà là các vấn đề bao quát hơn, như ý niệm giúp người nghèo nhất trong số người nghèo".

Khi loan báo cuộc viếng thăm Vatican của Obama, Nhà Trắng nhận định rằng hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận "sự bất bình đẳng đang gia tăng". Ðức Phanxicô vốn coi việc giúp đỡ người nghèo và người đau khổ là một ưu tiên kể từ lúc được bầu làm giáo hoàng cách nay một năm. Trong khi ấy, Obama cũng từng thúc đẩy việc gia tăng mức lương tối thiểu cho các công nhân liên bang. Bà Formicola cho rằng "Nhìn vào nghị trình của tổng thống, bạn sẽ thấy có việc đi từ việc gia tăng giai cấp trung lưu tới việc nhấn mạnh tới người nghèo và tăng mức lương tối thiểu".

Ðây sẽ là cuộc viếng thăm Vatican lần thứ hai của Obama và lần đầu ông gặp Ðức Phanxicô. Ông từng viếng Ðức Bênêđíctô XVI năm 2009.

Washington Times cho rằng Ðức Phanxicô là người vừa được hoan hô vừa bị chỉ trích vì câu nói bất hủ "tôi là ai mà dám phê phán (người đồng tính)?". Ngài miễn cưỡng nhận tư cách siêu sao nhạc rock khắp thế giới, nhờ những câu truyện đời thực rất bất qui ước của ngài.

Tờ báo này cũng nhắc lại rằng báo Time năm ngoái bầu ngài là Nhân Vật của Năm. Trong khi ấy, Thống Ðốc Pennsylvania, Tom Corbett, vào tuần này, tỏ lòng hy vọng Ðức Phanxicô sẽ viếng Philadelphia vào năm tới để chủ tọa Hội Nghị Thế Giới về gia đình.

Daniel Levine, một giáo sư chính trị học tại Ðại Học Michigan, nhận định rằng "Ðức Giáo Hoàng đã trở nên tiếng tăm tại Hoa Kỳ. Ngài thực sự tạo nên nhiều hoài mong trái ngược nhau. Ngài là người gây tranh cãi rất nhiều trong nền chính trị Hoa Kỳ. Ðiều quan trọng là ngài cần tiếp xúc với TT Obama. Dù thích hay không, ông cũng vẫn là tổng thống của Hiệp Chúng Quốc".

Ðức Phanxicô từng hội kiến với nhiều nhà lãnh đạo và nổi danh trên thế giới. Năm ngoái, ngài gặp Tổng Thống Nga Vladimir Putin và Nữ Tổng Thống Á Căn Ðình Cristina Fernandez. Ngài dự tính thăm Ðất Thánh vào tháng Năm này. Ông Levine cho rằng "Ðức Giáo Hoàng gặp gỡ đủ mọi loại viên chức. Nên theo tôi, điều quan trọng là ngài nên tiếp xúc với Ông Obama".

Washington Times nhận định rằng năm ngoái không phải là năm thuận lợi cho Giáo Hội Công Giáo, nhất là tại Hoa Kỳ. Theo bà Formicola, Giáo Hội bị nhiều phê phán do vụ tai tiếng lạm dụng tình dục gây ra và vì thế con số tín hữu đã giảm sút.

Cuộc thăm dò của Trung Tâm Khảo Cứu Pew vào năm 2012 cho biết con số người Công Giáo Hoa Kỳ tự cho mình là thành viên "mạnh" của Giáo Hội đã xuống rất thấp và chỉ đang bắt đầu lên trở lại.

Nhưng theo ông Levine "Tổng Thống Obama rất cần được người ta nhìn thấy với Ðức Giáo Hoàng. Toàn bộ hình ảnh công cộng của Ðức Phanxicô là một hình ảnh chào đón, ôm hôn nhiều vị vọng, ôm hôn mọi người".

Theo Manuel, xem ra người ta quá chờ mong ở cuộc hẹn ban đầu này, nhưng điều quan trọng là Tổng Thống Obama và Ðức Phanxicô không những chỉ thân ái với nhau mà thôi mà còn cần phải tìm ra điểm đồng thuận để xây dựng thêm. Ông tự hỏi không biết giữa hai nhân vật này có một tương hành về xúc cảm (chemistry) nào chăng? Vì nếu có, hẳn họ sẽ biến nó thành một điều gì đó hết sức đặc biệt.

Obama cần Ðức Phanxicô hơn Ðức Phanxicô cần Obama

John Allen của tờ Boston Globe thì cho rằng cũng giống như Vladimir Putin và Francois Hollande, Obama cần được chụp hình "với nhà lãnh đạo tinh thần nổi tiếng nhất thế giới" hiện nay. Theo nhà báo này, không nên mong chờ nhiều ở chuyến viếng thăm này, vì thực ra sẽ không có nhiều bi hài kịch chi đáng kể. Nói chung, đây cũng chỉ là những vụ giao tiếp được biên đạo qui mô và đôi bên đều cảm thấy nhu cầu phải đầu tư vào những nụ cười tươi bất kể điều gì xẩy ra.

Tuy nhiên, theo Allen, vẫn có một vài điều đáng kể. Dựa vào hậu cảnh, sau đây là ba điều. Thứ nhất, nói về quan điểm chính trị, Obama cần cuộc gặp gỡ này hơn Ðức Phanxicô. Vì Ðức Phanxicô hiện đang rất nổi tiếng với tỷ lệ chấp thuận ở Hoa Kỳ gần hai lần cao hơn ông Obama, trong khi ngài chỉ mới nhận chức vụ một năm nay, còn Obama đang trong giai đoạn để lại di sản nghĩa là đắn đo xem lịch sử sẽ ghi nhớ ông ra sao. Xây dựng một song tác (partnership) với Ðức Giáo Hoàng trong việc phục vụ người nghèo trên thế giới chắc chắn sẽ là một khả thể quyến rũ về phương diện này.

Ngắn hạn hơn, Obama đang bận tâm về các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ngay lúc này, Ðảng Cộng Hòa xem ra vẫn sẽ duy trì được việc kiểm soát Hạ Viện và rất có thể chiếm lại được Thượng Viện, nên Obama cần tránh bất cứ điều gì có thể củng cố cảm tưởng Ðảng Dân Chủ có vấn đề đối với Thiên Chúa.

Thành thử, nếu phải nhượng bộ, thì tính toán chính trị cho thấy ông Obama sẽ là người được thúc đẩy phải đưa ra hơn cả.

Thứ hai, cuộc gặp gỡ chắc chắn sẽ tác động trên hướng đi của những người Hoa Kỳ bảo thủ từng bất đồng với Ðức Phanxicô, tùy thuộc việc Ðức Giáo Hoàng và các cố vấn tại Vatican của ngài xử lý vấn đề tế nhị liên quan đến sự bế tắc giữa Nhà Trắng và các giám mục Hoa Kỳ về chỉ thị ngừa thai áp đặt lên các chủ nhân, ngược với lương tâm Công Giáo.

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ sẽ nghe các luận chứng trong hai vụ thách thức chỉ thị này, cả hai do các cơ sở kinh doanh kiếm lời khởi tố, trong đó, các chủ nhân phản bác dựa trên cơ sở tôn giáo.

Một số người Công Giáo Hoa Kỳ chống phá thai vốn không hài lòng đối với các tuyên bố được lặp đi lặp lại của Ðức Phanxicô rằng ngài không có ý định nói nhiều về phá thai, hôn nhân đồng tính, và kiểm soát sinh đẻ vì lập trường của Giáo Hội đã được nhiều người biết đến. Ðó là một phần trong nỗi khó chịu bao quát hơn nơi một số người Công Giáo lấy làm bực bội vì sự nổi tiếng của ngài nơi các giới thế tục đã làm nhẹ đi việc nhấn mạnh tới giáo huấn.

Nếu người ta không thấy Ðức Phanxicô làm áp lực với ông Obama về chỉ thị ngừa thai hay ít nhất bày tỏ quan tâm đối với nó, thì cuộc gặp gỡ này sẽ sói mòn thêm tư thế của ngài nơi những người Công Giáo quá đầu tư vào các vấn đề về sự sống.

Khi Obama gặp Ðức Bênêđíctô XVI năm 2009, Ðức Giáo Hoàng hưu trí đã tìm được một cách hết sức sáng tạo để làm nổi bật hố phân cách giữa Giáo Hội và chính phủ Mỹ về đạo đức sinh học. Cuối buổi gặp gỡ, Ðức Bênêđíctô XVI trao cho Obama một bản tài liệu năm 2008 của Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin có tựa là Dignitas Personae, trình bày các nền tảng triết lý và thần học của lập trường chống phá thai. Ðây là một động thái khôn khéo, vì Ðức Bênêđíctô không cần phải nói điều gì, chỉ trao cho Obama bản văn cũng đủ nói lên rất nhiều. Hẳn người ta sẽ chờ xem Ðức Phanxicô có tìm ra cách khôn khéo như thế không để nêu lên các vấn đề về sự sống.

Thứ ba, các cuộc chiến tranh văn hóa không hẳn là nơi duy nhất để Ðức Giáo Hoàng và Ông Tổng Thống Mỹ bất đồng. Vatican và Nhà Trắng vốn dị biệt ý kiến về Syria: lập trường Vatican dưới thời Ðức Phanxicô thực sự gần gũi với lập trường của Nga và Trung Hoa hơn lập trường của Hoa Kỳ.

Nói chung, chính phủ Obama minh nhiên muốn TT Bashar al-Assad ra đi, và gần đây, còn mưu toan dùng vũ lực để buộc việc này xẩy ra. Vatican không muốn thay đổi chế độ, dựa vào cảm thức của thiểu số Kitô Giáo tại Syria. Thiểu số này tin rằng bất cứ ai sau Assad đều tệ hại hơn.

Trong hậu cảnh ấy, Ðức Phanxicô hiện đang có cơ hội sử dụng vốn liếng chính trị của ngài để liệu xem có thể áp lực để Obama chịu lắng nghe những điều các Kitô hữu tại Syria đang lên tiếng không.

 

Vũ Văn An

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page