Ðánh giá cuộc hội kiến
giữa Ðức Giáo Hoàng và Tổng Thống Obama
Ðánh giá cuộc hội kiến giữa Ðức Giáo Hoàng và Tổng Thống Obama.
Hoa Kỳ (VietCatholic News 25-03-2014) - Còn 2 ngày nữa mới tới giờ hẹn giữa Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng Thống Obama cuả Mỹ, nhưng nhiều người đã đặt câu hỏi liệu cuộc gặp gỡ giữa hai vị nguyên thủ sẽ được đánh giá ra sao? với bối cảnh đây là cuộc gặp mặt giữa 2 người có uy quyền nhất hành tinh: một người là vị lãnh đạo tinh thần uy tín cao nhất, và một người là nguyên thủ cuả một quốc gia giàu có nhất.
Liệu đây sẽ là một cuộc gặp gỡ hoành tráng giống như cuộc hội kiến với Tổng Thống Putin cuả Nga ngày 25 tháng 11 năm 2013, hay là lạnh nhạt giống như với Tổng Thống Pháp Hollande ngày 24 tháng 1 năm 2014, hay là không kèn không trống như cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam ngày 24 tháng 3 năm 2014? (Xin xem note *)
Nhưng bầu không khí náo nhiệt hay căng thẳng chỉ là những cách phô trương cuả khách mà thôi. Chứ việc đón tiếp cuả chủ nhà là Toà Thánh thì luôn luôn được thực hiện theo những thủ tục và truyền thống qui định từ lâu đời. Phương châm cuả Vatican theo như lời vị thư ký báo chí của Vatican là Cha Frederico Lombardi thì "Giáo hoàng là tôi tớ cuả những tôi tớ cuả Chuá (servant of the servants of God), cho nên hễ chủ nào tới thì chúng tôi sẵn sàng đón tiếp".
Nhắc lại Putin với hậu ý là đáp lại lời thỉnh cầu cuả Ðức Thánh Cha, ông ta đã thành công 'trong việc duy trì hoà bình ở Syria', đã đem theo một đoàn tuỳ tùng chở trên 40 chiếc xe limousine khi tới Roma, làm cho lưu thông bị gián đoạn trong nửa ngày trời. Nhiều tờ báo ý đã nhạo báng rằng đoàn xe trông giống như là một đám rước cuả bà nữ hoàng Cleopatra ngày xưa.
Ngược lại, Tổng Thống Pháp Hollande tới Roma với một tai tiếng đè nặng trên vai. Nhiều người cho rằng ông không đáng được gặp Giáo Hoàng, cho nên thái độ cuả ông là 'đã lỡ hưá thì phải tới'. Và ông đã tới Roma với một bộ mặt ảm đạm.
Còn phái đoàn Việt Nam? Xin thưa vì không có một mục đích gì cả. Không có lời công bố trước, nghiã là không có chuẩn bị. Không có tuyên bố chung, nghiã là không có đàm phán, và không có bình luận riêng, nghiã là không bên nào thấy có một ý nghĩa gì ở việc gặp gỡ....Chỉ là một cuộc du lịch. Do đó không hề có một cơ quan truyền thông nào loan tin ngoại trừ cuả Vatican.
Trở lại vấn đề hội kiến với Obama, người Mỹ đã có nhiều nỗ lực để cho cuộc gặp gỡ này không trở thành vô nghiã, họ đã công bố và chuẩn bị thật là kỹ lưỡng từ nhiều tháng trước.
Cuộc hội kiến sẽ là một thắng lợi lớn cho nước Mỹ nếu có một lời tuyên bố từ Ðức Thánh Cha rằng Ngài sẽ tham dự Ðại Hội Quốc Tế về Gia đình tổ chức vào tháng 9 năm 2015. Chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có một lời tuyên bố như vậy. Hôm ngày 25 tháng 3 năm 2014 đã có một cuộc họp báo cuả Toà Thánh về những công tác chuẩn bị cho Ðại Hội và Ðức Tổng Giám Mục Chaput tuyên bố rằng sau khi gặp gỡ riêng với Ðức Thánh Cha "Chúng tôi sẽ tiếp tục cầu nguyên cho việc Ngài có thể tham dự Ðại Hội...", đó là một cách nói bóng bẩy rằng Ðức Thánh Cha chưa quyết định.
Liệu Obama có thể thuyết phục Ðức Thánh Cha rằng ông xứng đáng là một người được ủng hộ chăng?
Bà Kathleen Parker cuả báo The Washington Post, từng đoạt giải Pulitzer, viết rằng "không nên lẫn lộn giữa việc Ðức Giáo Hoàng gặp gỡ với việc Ðức Giáo Hoàng ủng hộ ông Obama, bà viết:
"Bên thềm cuộc họp, hình như tất cả mọi nỗ lực (cuả chính quyền Mỹ ) đều nhắm vào việc đạt được một caí gì đó từ Ðức Thánh Cha. Trên trang web "We the People" của Toà Bạch Cung, người ta đăng một bản kiến nghị yêu cầu mọi tôn giáo hành động trước những biến đổi khí hậu.
Một ủy ban cuả Mỷ nhằm thúc đẩy cải cách tình trạng những người nhập cư sẽ gặp Ðức Thánh Cha một ngày trước khi Tổng thống Obama hội kiến, và chính vị Tổng thống Mỹ cũng nói rằng ông muốn thảo luận về chương trình giải quyết đói nghèo và bất bình đẳng thu nhập.
Tất cả những vấn đề này có thể được mô tả như là "không khó bán" cho nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo, một người đã né tránh cung điện của giáo hoàng và tới ở một căn phòng khiêm tốn và đi bộ trên các đường phố của Roma trong một đôi giày tầm thường, đã từng nói rằng chúng ta có bổn phận phải bảo vệ tất cả những gì do Thiên Chúa tạo ra, và lại là một người Nam Mỹ.
Vì vậy, được Ðức Giáo Hoàng lên tiếng tỏ ra lo ngại về đói nghèo, nhập cư và bảo vệ môi trường là một việc không đòi hỏi nhiều mồ hôi nước miếng. Nhưng...với vị Giáo Hoàng, nhìn thấy linh hồn riêng của người đối thoại lại là một cái gì khác.
Khi Ðức Giáo Hoàng và ông Tổng Thống nhìn vào mắt nhau, họ có thể chưa nhìn thấy linh hồn của nhau, nhưng chúng ta biết rằng một trong hai người thì có một người sẽ tập trung chăm chú vào việc phát hiện ra linh hồn cuả người đối diện. Những gì xảy ra kế tiếp thì không biết sẽ ra sao."
Bà kết luận:
"Sự kinh nghiệm cuả Ðức Giáo Hoàng về các hoạt động trần thế thì ít, nhưng việc kinh doanh chính của Ngài lại là linh hồn.
Và Ngài lại là một người khôn ngoan, không dễ bị lừa (cagey, láu lỉnh), một vị Dòng Tên lõi đời - biết nhận thức sâu sắc về bản chất con người và động cơ cuả họ. Nói cách khác, Ngài biết rõ rằng Ngài đang là đối tượng của một ông tổng thống muốn có một bức ảnh đẹp. Nhưng. .. Nụ cười của Ngài trước các máy ảnh không nên được hiểu như là niềm vui với người đứng cạnh, mà nên hiểu đó là phương cách để cho sự việc được trở nên tốt hơn.
Bởi vì bên dưới lớp hào nhoáng bề ngoài là một cuộc xung đột bén nhạy giữa Giáo Hội cuả Ngài và ông Tổng Thống này. Chắc chắn, Ngài đã được giải thích triệt để về hàng chục vụ kiện chống lại chính quyền Obama liên quan đến biện pháp tránh thai qua Ðạo Luật Y Tế.
...Các lý do cuả các tranh chấp có thể có vẻ bí ẩn với phần đông công chúng, nhưng vào cuối ngày, thì, vị Giáo Hoàng vẫn là một người Công Giáo. Do đó mặc dù Ngài có thể ban phép lành cho vị tổng thống và có một nụ cười thật tươi, nhưng những lời cầu nguyện của Ngài vẫn là cho sự cứu rỗi của nhân loại chứ không hàm ý cho một đảng chính trị và sẽ không có ai hiểu như vậy cả."
Trần Mạnh Trác
Note
*: Nếu tin này làm cho ai ngạc nhiên, thì chúng tôi xin cam đoan là đã có cuộc gặp gỡ giữa Ðức Giáo Hoàng và một phái đoàn đông đảo đại diện cho chính quyền Việt Nam ngày 24 tháng 3 năm 2014, dẫn đầu bởi ông chủ tịch Quốc Hội là Nguyễn Sinh Hùng.
Theo ông Hùng qua blog của ông thì cuộc họp này chính là cuộc họp 'giữa những người cầm đầu' hàng năm giữa Việt Nam và Vatican trong chương trình giao hảo, được bổ túc thêm bởi nhiều cuộc họp cấp ủy ban khác.