Ðức Thánh Cha chống nạn thất nghiệp

 

Ðức Thánh Cha chống nạn thất nghiệp.

Vatican (SD 20-03-2014) - Trong buổi tiếp kiến 7 ngàn người, trong đó có 1,700 công nhân và cựu công nhân thuộc hãng thép ở thành phố Terni sáng 20 tháng 3 năm 2014, Ðức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ phê bình hệ thống kinh tế ngày nay không còn khả năng kiến tạo công ăn việc làm nữa.

Buổi tiếp kiến diễn ra nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập xưởng thép ở thành phố Terni, cách Roma khoảng 110 cây số về hướng bắc. Tháp tùng các công nhân viên cũng có Ðức Giám Mục và chính quyền địa phương. Hãng này đang bị đe dọa đóng cửa làm cho hàng ngàn người mất công ăn việc làm.

Lên tiếng trong dịp này, Ðức Thánh Cha nói: "Ðứng trước sự phát triển kinh tế hiện nay và những khó khăn về công ăn việc làm, cần phải tái khẳng định rằng lao công là một thực tại thiết yếu đối với xã hội, gia đình và mỗi cá nhân. Thực vậy, lao công có liên hệ trực tiếp tới con người, tới cuộc sống, tự do và hạnh phúc của họ. Giá trị trước tiên của con người là thiện ích của con người.. Lao công không những có mục tiêu kinh tế và lợi nhuận, nhưng còn có một mục tiêu liên hệ tới con người và nhân phẩm. Nếu thiếu công ăn việc làm thì phẩm giá con người bị thương tổn!"

Ðức Thánh Cha nhận định rằng: "Ai bị thất nghiệp hoặc không đủ việc làm thì có nguy cơ bị đặt ra ngoài lề xã hội, trở thành nạn nhân bị gạt ra ngoài xã hội. Bao nhiêu lần xảy ra là những ngừơi không có việc làm - đặc biệt là những người trẻ thất nghiệp ngày nay - họ lâm vào tình trạng nản chí trường kỳ hoặc vô cảm".

Ðức Thánh Cha đặt câu hỏi: "Chúng ta có thể làm được gì đứng trước tình trạng thất nghiệp rất trầm trọng tại nhiều nước Âu Châu? Ðó là hậu quả của một chế độ kinh tế không còn khả năng kiến tạo việc làm, vì đặt nơi trung tâm một thần tượng mà người ta gọi là tiền bạc! Vì thế, các nhân vật chính trị, xã hội, kinh tế được kêu gọi tạo điều kiện để thiết định kinh tế một cách khác, dựa trên công bằng, và tình liên đới để đảm bảo cho mọi người cơ may được có công ăn việc làm xứng đáng.

"Lao công là một thiện ích của tất cả mọi người, và vì thế lao công cũng phải là điều mà mọi người có thể đạt được. Cần phải đối phó với giai đoạn khó khăn nặng nề và thất nghiệp trầm trọng bằng những phương thế có tính chất sáng tạo và liên đới. Óc sáng tạo của các chủ xí nghiệp và các nhà thủ công can đảm, hướng nhìn về tương lai trong sự tín thác và hy vọng. Chính sự liên đới giữa mọi thành phần xã hội, biết từ bỏ một cái gì đó, chấp nhận lối sống điều độ thanh đạm hơn, để giúp những người ở trong tình trạng túng thiếu và khó khăn".

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Anh chị em thân mến, đừng bao giờ ngừng hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn. Ðừng để mình bị cuốn vào cơn lốc bi quan! Nếu mỗi người thi hành phận sự của mình, nếu tất cả đặt con người ở trung tâm, với phẩm giá của họ, nếu thái độ liên đới và chia sẻ huynh đệ được củng cố theo tinh thần Tin Mừng, thì người ta có thể ra khỏi cánh đồng lầy của tình trạng kinh tế và lao công cơ cực và khó khăn". (SD 20-3-2014)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page