Tình hình bạo lực

tại Nam Sudan và Trung Phi

 

Tình hình bạo lực tại Nam Sudan và Trung Phi.

Phỏng vấn nữ tu Elena Balatti, dòng Comboni, và tu huynh Serge Mbremandji dòng Capucino.

Sudan (RG 28.29-01-2014; Vat. 4-02-2014) - Ngày 30 tháng 1 năm 2014, Liên Hiệp Phi Châu đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh lần thứ 22 tại Addis Abeba, thủ đô Etiopia, để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại hai nước Nam Sudan và Trung Phi. Như đã biết, hai quốc gia này đang lâm cảnh nội chiến gây ra nhiều chết chóc và tàn phá cho dân chúng.

Người ta đang chờ đợi các phát triển của cuộc ngưng bắn ký kết giữa các lực lượng của chính quyền tổng thổng Salva Kiir và các lực lượng phiến quân của phó tổng thống Riek Machar, đã đánh nhau từ giữa tháng 12 năm 2013 đến nay. Cuộc nội chiến đã khiến cho 700 ngàn người phải tản cư lánh nạn và 122 ngàn người khác tị nạn sang các nước láng giềng. Theo các quan sát viên quốc tế số người chết có thể lên đến 10,000 người.

Trong khi tại Cộng hòa Trung Phi Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã cho phép một lực lượng binh sĩ bảo hòa Âu châu tới trợ giúp một lực lượng đã hiện diện tại đây, là nơi xảy ra các vụ bạo lực đẫm máu giữa phiến quân Seleka lên cầm quyền và các lực lượng chống Balaka. Sáng ngày 29 tháng 1 năm 2014 người ta đã nghe tiếng súng giao tranh trong khu phố PK5, là khu thương mại của thủ đô Bangui.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn nội dung cuộc nói chuyện giữa phóng viên Giada Aquilino của đài Vaticăng và nữ tu Elena Balatti, dòng Comboni làm việc truyền giáo tại Nam Sudan từ gần 20 năm nay, và cha Serge Mbremandji dòng Capucino, Bề trên tỉnh dòng các Cha Capucino tại Trung Phi và Ciad. Trước hết là bài phỏng vấn nữ tu Elena Balatti.

Hỏi: Thưa chị Elena, tình hình tại Nam Sudan hiện nay ra sao?

Ðáp: Tôi có thể nói rằng tại thành phố Malakal, nơi tôi đang sống, cuộc ngưng bắn có hiệu lực. Ðây là vùng đã được quân chính phủ tái chiếm ngày 20 tháng giêng vừa qua, tức là ba ngày trước khi ký kết ngưng bắn. Nhưng rất tiếc các vụ giao tranh vẫn tiếp diễn ở nhiều vùng khác, bởi vì trong các vùng có sự hiện diện của cả hai nhóm binh sĩ chính phủ và binh sĩ đào ngũ nổi loạn, thì tình hình vẫn rất căng thẳng. Chúng ta không được quên rằng cả hai lực lượng đều thuộc quân đội Nam Sudan cho tới ngày 15 tháng 12 năm ngoái, khi các vụ bạo lực bùng nổ. Ðây là tình hình ở bên giới giữa vùng sông Nilo Thượng và bang của người Jonglei, cũng như trong bang Unity là nơi có các mỏ dầu hỏa.

Hỏi: Dân chúng bị thử thách nặng nề bởi các cuộc giao tranh. Trong lúc này thì ai là người gặp nguy cơ lớn hơn thưa chị?

Ðáp: Người dân Malakal đã bị thử thách rất nặng nề. Kể cả người già đã nhớ là chưa bao giờ nhớ xảy ra một tai họa như thế trong qúa khứ. Rất tiếc là như Giáo Hội, chúng tôi tìm cách không nói đến yếu tố chủng tộc trong cuộc xung đột này, vì nó không có lợi cho ai hết. Nhưng sự thực là có yếu tố chủng tộc trong đó. Trong các vùng nơi các lực lượng phản loạn kiểm soát, người Dinka là một chủng tộc khác với họ gặp nhiều nguy cơ hơn, trong khi trong các vùng có binh sĩ của chính phủ kiểm soát lại xảy ra điều ngược lại.

Trong lúc này chủng tộc gặp nguy hiểm nhất tại Malakal và bộ lạc Nuer. Nhưng đây không phải là việc nhắm tới nhóm Nuer nói chung. Thực ra quân đội chỉ truy lùng những người theo lực lượng phản loạn Seleka và đã chiến đấu với họ mà thôi.

Hỏi: Thưa chị, Ðức Cha Lukudu Loro, Tổng Giám Mục Juba, trong các ngày qua đã triệu tập các Giám Mục toàn vùng để trao đổi liên quan tới tình hình Nam Sudan hiện nay. Giáo Hội nắm giữ vai trò nào hiện nay?

Ðáp: Vai trò của Giáo Hội công giáo đã là điều nòng cốt, đặc biệt tại Malakal, là một trong các vùng bị tàn phá nhiều nhất bởi chiến cuộc. Trong sân nhà thờ chính tòa có lúc có tới 7.000 người tị nạn. Mọi chủng tộc đều có thể vào đây lánh nạn. Giáo Hội đã được tất cả mọi lực lượng tham chiến tôn trọng, và đã có thể can thiệp cho hàng ngàn người tị nạn này. Ðến độ chính các phiến quân cũng đã quyết định trợ giúp nhân đạo bằng cách cung cấp thực phẩm cho người tị nạn, trong thời gian họ đã kiểm soát thành phố, để đáp ứng các nhu cầu chính của dân chúng. Như vậy, Giáo Hội công giáo đã được coi như là một nơi trú ẩn, nơi sự hiện diện của Thiên Chúa bảo đảm cho người dân có thể tiếp tục sống, hy vọng và tin tưởng.

Hỏi: Trong thời điểm của khổ đau, bạo lực và khốn khó này, niềm hy vọng cho Nam Sudan có thể đến từ đâu thưa chị Elena?

Ðáp: Sau nhiều năm sống tại Nam Sudan, tôi đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng, và cuộc khủng hoảng hiện nay là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất. Tuy nhiên, sau một thời gian các dân tộc Nam Sudan thuộc nhiều nhóm chủng tộc khác nhau, kể cả các nhóm đã đánh nhau, nhưng rồi lại thành công trong việc tìm ra một kiểu chung sống với nhau. Như thế, tôi nghĩ rằng niềm hy vọng trong lúc này là ý nghĩa của tình huynh đệ sẽ vẫn còn tồn tại.

Hỏi: Thưa chị, tại Malakal cũng có một đài phát thanh công giáo, có đúng thế không và đài truyền đi sứ điệp nào?

Ðáp: Sau một thời gian không có các phương tiện truyền thông xã hội, sau khi có ngưng bắn, đài phát thanh đã hoạt động trở lại, và đài đã có thể phát đi mỗi ngày ít giờ, nhờ thế có thể cho dân chúng tư tưởng sự bình thường hóa đang trở lại. Trong số các chương trình chúng tôi phát trong các ngày này, có một chương trình đặc biệt quan trọng: đó là chương trình tìm thân nhân bị thất lạc. Thật thế, vì đa số dân tại Malakal đã trốn chạy chiến tranh và thất lạc nhau. Chúng tôi có ý định tiếp tục phát đi các chương trình thăng tiến hòa bình hòa giải và hòa hoãn, nhằm kìm hãm ước muốn báo thù, là điều không đưa tới đâu cả.

* * *

Sau đây là một số nhận định của linh mục Serge Mbrenmandji, Bề trên tỉnh dòng Capucino tại Trung Phi.

Hỏi: Thưa Cha Serge, tình hình tại thành phố Bouar, là nơi cha đang sống hiện như thế nào?

Ðáp: Tại Bouar ngày 17 tháng Giêng lực lượng chống Balaka và lực lượng binh sĩ Trung Phi đã tấn công phiến quân Seleka, là lực lượng đã lên nắm quyền hồi tháng 3 năm 2013 do ông Michel Djotodia chỉ huy. Họ muốn đánh đuổi lực lượng Seleka và các lính đánh thuê người Ciad và người Sudan đã chiếm đóng Trung Phi từ nhiều tháng qua. Hôm đó vào quãng trưa người ta đã bắt đầu nổ súng, dân chúng chạy trốn khắp nơi và tới trú ẩn cả trong cứ điểm truyền giáo của chúng tôi, trong nhà thờ chính tòa Bouar, cũng như tại nhà của các tu sĩ Cát Minh. Tại cứ điểm Saint Laurent của chúng tôi có 10,600 người tị nạn.

Hỏi: Từ hôm đó đến nay điều gì đã xảy ra? Các cha đã trợ giúp những người dân tị nạn này như thế nào, và tình hình hiện nay ra sao thưa cha?

Ðáp: Trước hết chúng tôi đã mở cửa nhà tiếp đón mọi người và cung cấp cho họ tất cả những gì chúng tôi có thể cung cấp. Chúng tôi không có thực phẩm để phân phát cho họ, nhưng chúng tôi đã có một ít do tổ chức PAM, tức Chương trình thực phẩm quốc tế trợ giúp. Người dân đã ở lại trong cứ điểm truyền giáo của chúng tôi cho đến sáng ngày 29 tháng giêng.

Tại Bouar khi những người chống Balaka đến, thì lực lượng Seleka đã đi rồi. Nhưng trước khi bỏ đi, họ đã giết rất nhiều thường dân. Nhưng cũng có thật là những người chống Balaka đến thì họ lại bắt đầu sách nhiễu người dân theo Hồi giáo: họ ăn trộm đồ vật, đòi tiền bạc và cả đe dọa giết những người hồi này nữa.

Hỏi: Thưa cha vậy hiện nay điều gì cấp thiết nhất?

Ðáp: Trong lúc này người dân đã trở về nhà. Tại Bouar dân chúng có thể sống yên lành. Vấn đề đó là trên đường từ Bouar đi Bangui dài khoảng 450 cây số, có một trung tâm truyền giáo của các cha Cát Minh, cách Bouar 60 cây số. Tại đây các người chống Balaka và lực lượng Seleka vẫn tiếp tục giao chiến. Tình hình khó khăn lắm, vì không có đường dây diện thoại. Nhưng các bác sĩ của tổ chức Bác Sĩ Không Biên Giới đã có thể tới Baoro, và họ cho chúng tôi biết đã có ít nhất 100 người chết. Trong vùng này không có lực lượng quốc tế trấn đóng giữa hai lực lượng giao tranh chống Balaka và Seleka, và vì thế người ta giết nhau như không vậy, rồi đốt nhà của dân. Chúng tôi cũng biết rằng lực lượng Seleka đến cứ điểm truyền giáo để bắn giết và cướp phá. Vì thế tình hình tại Baoro hiện nay rất là khó khăn.

Hỏi: Cộng hòa Trung Phi cần cái gì, cả trên bình diện quốc tế, và có hy vọng nào cho tương lai của Cộng hòa Trung Phi không?

Ðáp: Ðiều mà chúng tôi xin, nếu có thể, đó là sự hiện diện của lực lượng bảo hòa quốc tế tại những vùng này để trao ban tin tưởng cho dân chúng. Ðối với chúng tôi niềm hy vọng đó là hòa bình tới mau chừng nào có thể, và nhất là có an ninh cho dân chúng và các thường dân. Tôi tin rằng với thời gian tất cả mọi người lại có thể bắt đầu chung sống với nhau.

(RG 28.29-1-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page