Các công nhân bị đánh đập và sa thải

vì muốn thành lập nghiệp đoàn

để bảo vệ quyền lợi của họ

 

Các công nhân bị đánh đập và sa thải vì muốn thành lập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của họ.

Phỏng vấn Linh Mục Franco Cagnasso, Giám Tỉnh Hiệp Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano (PIME) tại Bangladesh.

Roma (RG 9-02-2014; Vat. 18-02-2014) - Trong các ngày đầu tháng 2 năm 2014 Tổ chức quốc tế "Canh chừng các quyền con người" đã mạnh mẽ tố cáo các điều kiện làm việc tồi tệ của các nhân công Bangladesh; nhất là biến cố họ đã bị đánh đập và sa thải, khi muốn thành lập nghiệp đoàn để bảo vệ các quyền của giới công nhân.

Như đã biết, tình trạng của các công nhân Bangladesh rất tồi tệ: phải làm việc nhiều giờ vất vả với đồng lương qúa thấp và không có các điều kiện an ninh tối thiểu. Hồi tháng 4 năm 2013 đã có một ngàn công nhân bị thiệt mạng trong vụ sập nhà máy tại thủ đô Dacca. Nhà máy này nằm chung trong một dinh thự lớn có nhiều hãng xưởng khác nhau. Mặc dù đã được báo động và khuyến cáo về nguy cơ bị sập, nhưng giới chủ nhân đã không chú ý và không đưa ra các biện pháp cấp thời để giải quyết vấn đề. Họ lại còn tuyên bố rằng tình trạng không nguy hiểm và vẫn bắt buộc nhân công đi làm việc.

Riêng trên bình diện chính trị, các căng thẳng vẫn tiếp tục trong thời gian qua, sau khi có các cuộc bầu cử và đảng "Liên minh Awami", là đảng cầm quyền, do bà thủ tướng Sheikh Hasina lãnh đạo, tái đẳc cử. Các cuộc đầu phiếu đã bị phe đối lập tẩy chay, và bị định nghĩa là "đẫm máu" nhất trong lịch sử hiện đại của Bangladesh, vì đã có 100 nơi bỏ phiếu bị đốt phá và 18 người chết trong các cuộc xung đột giữa các nhóm chính trị chống đối nhau.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Franco Cagnasso, Giám tỉnh Hiệp Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano tại Dacca, dành cho phái viên Massimiliano Menichetti của đài Vaticăng ngày mùng 9 tháng 2 năm 2014.

Hỏi: Thưa cha Giám tỉnh, tình hình chính trị tại Bangladesh hiện nay ra sao? Các đảng phái có lập trường như thế nào?

Ðáp: Tình hình chính trị rơi vào một sự chống đối rất gay cấn. Chưa có sự bình đẳng dân chủ. Các đảng phái đều có các nhóm bạo động và băng đảng của họ, và ai có lập trường đối lập lại không thường xuyên có mặt tại Quốc hội: họ chạy trên đường phố và hiện diện tại quảng trường. Trong cả ba chính quyền phe đối lập đã hầu như luôn luôn vắng mặt để phản đối...

Giờ đây họ lại còn không ra ứng cử nữa, và như thế trên thực tế Quốc hội chỉ bao gồm những người thuộc đảng phái thắng cử mà thôi.

Hỏi: Nhưng trong một tình trạng như thế thì dân chúng sống ra sao thưa cha?

Ðáp: Người ta nói rằng dân chúng rất bị chính trị hóa tại Bangladesh, trong nghĩa người dân có một sự chú ý sinh động đối với sự chống đối nhau giữa các đảng phái, họ chống lại các chế độ đôc tài... Nhưng trong thực tế có một sự không trưởng thành chính trị rất lớn. Không có quan niệm tôn trọng đối thủ, sử dụng các phương pháp hòa hoãn thuyết phục để chiếm được sự tin tưởng của đa số. Nhận xét thứ hai có thể đưa ra đó là hiện nay dân chúng đã qúa mệt mỏi với tình hình này rồi, mệt mỏi đối với bạo lực gia tăng và vun trồng bởi đảng đối lập mạnh thứ hai là đảng "Jamaat-e-Islam". Ðây là một đảng qúa khích, sử dụng các phương pháp bạo lực hơn bình thường, để ép buộc dân chúng theo các cuộc đình công, các ngăn chặn... như chưa từng có. Cũng có một sự chống đối giữa tâm thức đời và tâm thức muốn đưa các nguyên tắc tôn giáo vào trong Hiến Pháp.

Hỏi: Khi nói tới việc đưa các nguyên tắc tôn giáo vào trong Hiến Pháp, chúng ta đang nói tới chủ thuyết hồi giáo cực đoan qúa khích, nói tới luật Sharia, có đúng thế không thưa cha?

Ðáp: Có nhiều hình thức Hồi giáo cực đoan lớn mạnh trong các năm qua, nhờ rất nhiều trường dậy Kinh Coran và các trường được thành lập, tài trợ và hướng dẫn mà không có sự kiểm soát nào từ phía các phong trào phát xuất từ Trung Ðông. Dầu sao đi nữa, đây là một thứ Hồi giáo xưa kia rất khoan nhượng, nhưng bây giờ đang trở thành cứng nhắc, khép kín và một phần cũng bạo lực nữa. Thật rất khó mà đo lường được các chiều kích của chúng. Trên bình diện đầu phiếu chúng không có qyuền lực lớn, nhưng lại rất có tổ chức và được trợ giúp về mặt kinh tế.

Hỏi: Bangladesh tập trung vào công nghệ và đã đạt được một sự phát triển lớn, mặc dù hiện nay có hơi giảm sút. Ðâu là điều kiện sống của người dân thưa cha?

Ðáp: Chúng tôi vẫn luôn đang phát triển. Vấn đề đó là sự kiện này bao gồm một thay đổi xã hội rất là sâu rộng: các thành phố lớn lên nhưng vô luật lệ. Có một hiện tượng thành thị hóa rừng rú. Thế rồi, còn có sự mất gốc rễ hoàn toàn trong môi trường sống, việc đánh mất văn hóa của rất nhiều người và một thứ nghèo túng mới. Người ta nói rằng tại đồng quê người nghèo tốt xấu gì cũng tìm ra cái gì đó để ăn, trái lại trong thành phố có sự chênh lệch cao hơn giữa người giàu và người nghèo, giữa việc phung phí tiền bạc vô lý của người giầu và tình trạng sống nghèo túng không có tiền của dân nghèo.

Ða số dân Bangladesh vẫn còn rất nghèo. Rất tiếc sự gia tăng này không ảnh hưởng nhiều trên cuộc sống của đại đa số dân. Có một lớp trung lưu đang nổi lên, nhưng đây là một tiến trình rất chậm chạp và nó thực sự bao gồm biết bao nhiêu khổ đau của biết bao nhiêu người khác.

Hỏi: Thưa cha Cagnasso, một trong các nút thắt đó là an ninh của công nhân tại các nơi làm việc. Năm ngoái trong biến cố sập nhà máy đã có hơn một ngàn người chết trong thủ đô Dacca... Cha nghĩ sao?

Ðáp: Ðiều kiện của các công nhân - như đã thấy trong thảm cảnh này - thật rất khó khăn: giờ giấc làm việc, điều kiện vệ sinh, thiếu trợ giúp y tế, không có lương hưu trí... Giờ đây áp lực quốc tế đã đưa chính quyền tới chỗ áp đặt trên các chủ nhân phải trả lương tối thiểu cho các công nhân. Tuy nhiên, chính trong những ngày đầu tháng 2 này tôi nghe vài người nói rằng lương tối thiểu đã được cải thiện hơn một chút, nhưng chủ nhân lại bắt công nhân làm việc với các giờ giấc tệ hơn trước. Phụ nữ, người trẻ, làm việc trong các nhà máy trở về nhà sau nửa đêm, sau 10 giờ làm việc vất vả, thế mà các chủ nhân lại bắt họ phải bắt đầu làm việc trở lại ngay; họ nhận được mỗi người một trái chuối, và được lệnh cấm không được nói cho ai biết các điều xảy ra.

Hỏi: Trong bối cảnh như thế, đối với cha ở lại sống tại Bangladesh có nghĩa là gì và các cha làm gì?

Ðáp: Chúng tôi một ít như là con rận trên con voi, bởi vì Giáo Hội công giáo là một thiểu số, chỉ chiếm 0,3 % hay tổng cộng là 400 ngàn người trên tổng số 160 triệu dân.

Chúng tôi trợ giúp các kitô hữu, loan báo Tin Mừng cho những ai ước muốn biết Tin Mừng và Giáo Hội... Chúng tôi tìm hoạt động trong lãnh vực giáo dục với các trường học, nhất là cho những người nghèo nhất. Cũng có một trường cho người nghèo và cho các nhóm thiểu số, bị bỏ rơi nhất và đôi khi bị áp bức, như các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm Ấn giáo và Phật giáo. Thế rồi, còn có các dịch vụ y tế khác nhau, bởi vì thảm cảnh đích thực đó là ở đây y khoa tiến bộ hơn, nhưng giá cả cũng mắc mỏ hơn. Người đau yếu không nhận được sự săn sóc nào, họ bị sa thải, mất công ăn việc làm và vì thế phải trả các chi phí thuốc men rất mắc mỏ. Và điều này đưa tới chỗ suy sụp của một gia đình: ai có đất đai thì bán đi để lấy tiền chữa bệnh, cuối cùng thì phải sống trên vỉa hè, rồi chết.

Hỏi: Như thế các cha đã tìm cách giúp các anh chị em khốn khổ này?

Ðáp: Vâng, đúng thế. Chúng tôi có các trạm phát thuốc, vài trung tâm tiếp đón các bệnh nhân, chúng tôi trợ giúp tài chánh để giúp họ trả các chi phí y tế. Thế rồi, chúng tôi còn có hai ba nhà thương, nhưng trong một thực tại như Bangladesh, thì chúng chả có ý nghĩa gì.

Hỏi: Ðâu là tương quan của các cha với các tôn giáo khác thưa cha Giám tỉnh?

Ðáp: Tương quan của chúng tôi với các tôn giáo khác không tệ: chúng tôi được tư do di chuyển, xây cất các nhà thờ... Dĩ nhiên có một điều không được quên, đó là một thiểu số thì vẫn luôn luôn là một thiểu số. Vì thế, cho tới khi nào còn được chấp nhận, thì có thể sống yên hàn, ít nhất là bây giờ. Nhưng nếu thử tìm cách đòi vài quyền lợi khác, hay nổi loạn chống lại vài bất công nào đó, thì lập tức nhóm đa số và tâm thức thống trị phản ứng ngay một cách rất mạnh mẽ. Thế nên có thể nói tình trạng sống không tệ lắm, nhưng phải yên lặng.

(RG 9-2-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page