Bí tích Thánh Thể phải đưa chúng ta

tới cuộc sống bác ái quảng đại và tha thứ

 

Bí tích Thánh Thể phải đưa chúng ta tới cuộc sống bác ái quảng đại và tha thứ.

Vatican (Vat. 12-02-2014) - Qua bí tích Thánh Thể Chúa Kitô muốn bước vào cuộc sống chúng ta, thấm nhuần nó với ơn thánh của Ngài, và dẫn đưa chúng ta tới cuộc sống bác ái, quảng đại, thứ tha và hòa giải.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với khoảng 30,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư 12 tháng 2 năm 2014 tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong số hàng trăm nhóm hiện diện cũng có một phái đoàn tín hữu Việt Nam đến từ Ðan Mạch.

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý tương quan giữa bí tích Thánh Thể và cuộc sống chúng ta như là Giáo Hội và như là tín hữu kitô riêng rẽ. Ngài nói: Bí tích Thánh Thể dẫn đưa chúng ta vào sự hiệp thông thực sự với Chúa Giêsu và mầu nhiệm phục sinh của Ngài bằng cách canh tân toàn tình yêu và ơn thánh nảy sinh từ cuộc khổ nạn cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô, như suối nguồn vô tận cho chúng ta. Như thế chúng ta phải tự hỏi: chúng ta sống bí tích Thánh Thể như thế nào? Bí tích Thánh Thể là gì đối với chúng ta? Nó chỉ là một lúc lễ hội, một truyền thống được củng cố vững vàng, một dịp để gặp gỡ nhau hay cảm thấy mình yên ổn, hay một cái gì hơn nữa? Việc tưởng niệm Chúa đã yêu thương chúng ta chừng nào và để cho chúng ta được Người nuôi dưỡng bời Lời và Mình Người có thực sự đánh động con tim và cuộc sống chúng ta hay không, và có khiến cho chúng ta giống Chúa hơn không, hay chỉ là một dấu ngoặc, một lúc riêng rẽ không lôi cuốn và không thay đổi chúng ta? Ðức Thánh Cha đề cập đến các dấu chỉ cụ thể cho biết tín hữu sống bí tích Thánh Thể như thế nào, tốt hay không tốt mấy. Ngài nói:

Dấu chỉ thứ nhất là kiểu chúng ta nhìn và qúy mến người khác. Trong bí tích Thánh Thể Chúa Kitô luôn khiến cho sự tận hiến đã thực hiện trên thập giá trở thành thời sự. Toàn cuộc sống của Ngài là một cử chỉ chia sẻ hoàn toàn chính mình vì tình yêu. Vì thế Ngài yêu thích ở với các môn đệ và các người Ngài quen biết. Ðiều này đối với Ngài có nghĩa là chia sẻ các ước mong, các vấn đề của họ, những điều khuấy động tâm hồn và cuộc sống của họ. Khi chúng ta tham dự Thánh Lễ chúng ta tìm thấy các người nam nữ đủ loại: người trẻ, người già, trẻ em, người nghèo người khá giả, dân địa phương, người ngoại quốc, cùng đi với thân nhân hay đi một mình...

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đưa ra một loạt câu hỏi như sau: Nhưng bí tích Thánh Thể mà tôi cử hành, có đưa tôi tới với tất cả mọi người như anh chị em thực sự hay không? Nó có làm lớn lên trong tôi khả năng vui với người vui, khóc với người khóc hay không? Nó có thúc đẩy tôi tới với người nghèo, người bệnh, người bị gạt bỏ bên lề xã hội hay không? Nó có giúp tôi nhận ra nơi họ gương mặt của Chúa Giêsu hay không? Chúng ta tất cả đều đi Lễ, bởi vì chúng ta yêu mến Chúa Giêsu và muốn chia sẻ cuộc Khổ Nạn và sự Phục sinh của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Nhưng chúng ta có yêu mến các anh chị em túng thiếu cần giúp đỡ như Chúa Giêsu yêu họ hay không? Chẳng hạn ở Roma, trong các ngày này, chúng ta đã trông thấy biết bao nhiêu khó khăn xã hội, hay vì mưa gây thiệt hại cho nhiều khu phố, hoặc do thiếu công ăn việc làm vì cuộc khủng hoảng xã hội trên toàn thế giới. Tôi tự hỏi, chúng ta tất cả tự hỏi: "Tội đi lễ đấy, nhưng tôi sống điều này như thế nào? Tôi có lo lắng trợ giúp họ, tới gần họ và cầu nguyện cho họ là nhữn người đang có vấn đề hay không? Hay tôi hơi thờ ơ với họ? Hay tôi lo bép xép: "Bạn có thấy bà ấy ông ấy mặc đẹp không?" Ðôi khi chúng ta làm điều đó sau Thánh lễ, đúng không? Nhưng không được làm như vậy. Chúng ta phải lo lắng cho các anh chị em khác đang có một nhu cầu, một căn bệnh, một vấn đề. Hôm nay chúng ta hãy nghĩ đến các anh chị em có vấn đề đó ở Roma này, vì mưa, vì thảm cảnh mưa, và các vấn đề xã hội của việc làm, và chúng ta hãy xin điều đó với Chúa Giêsu mà chúng ta lãnh nhận trong bí tích Thánh Thể, xin Ngài giúp chúng ta và giúp họ. Ðề cập tới dấu chỉ thứ hai Ðức Thánh Cha nói:

Dấu chỉ thứ hai rất quan trọng là ơn thánh cảm thấy mình được tha thứ và sẵn sàng tha thứ. Ðôi khi có người hỏi: "Tại sao lại phải đi nhà thờ, xét vì người thường tham dự Thánh Lễ cũng là kẻ tội nhân như những người khác?". Thật ra, ai cử hành bí tích Thánh Thể không làm điều đó vì cho rằng hay muốn tỏ ra mình tốt lành hơn các người khác, mà chính bởi vì nhận biết mình luôn cần được tiếp đón và tái sinh bởi lòng xót thương của Thiên Chúa, nhập thể nơi Ðức Giêsu Kitô. Nếu mỗi người trong chúng ta không cảm thấy mình là kẻ có tội, thì tốt hơn đừng đi Lễ! Chúng ta đi lễ, bởi vì chúng ta là những người tội lỗi, và chúng ta muốn lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa Giêsu, tham dự vào ơn cứu đỘ của Ngài, tham dự vào vào ơn tha thứ của Ngài.

Kinh "tôi cáo mình" mà chúng ta đọc đầu lễ không phải là "hình thức", mà là một cử chỉ sám hối thật sự. Tôi là người tội lỗi và tôi xưng thú tội lỗi của tôi. Thánh Lễ bắt đầu như thế. Chúng ta không bao giờ được quên rằng Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu đã xảy ra "trong đêm ngài bị trao nộp" (1 Cr 11,23). Trong bánh và rượu, mà chúng ta dâng và chung quanh đó chúng ta tụ tập nhau, được canh tân mỗi lần ơn Mình và Máu của Chúa Kitô cho việc cứu chuộc tội lỗi của chúng ta. Chúng ta phải đi tham dự Thánh Lễ một cách khiêm tốn, như những kẻ có tội và Chúa giảng hòa chúng ta. Ðiều này tóm tắt cách tốt đẹp nhất ý nghĩa sâu xa nhất hiến tế của Chúa Giêsu Kitô, và đến lần nó nới rộng con tim của chúng ta cho sự tha thứ cho các anh em khác và cho sự hòa giải.

Dấu chỉ qúy báu cuối cùng được cống hiến cho chúng ta giữa buổi cử hành Thánh Thể và cuộc sống của các cộng đoàn kitô của chúng ta. Cần luôn luôn lưu ý rằng Thánh Thể không phải là một cái gì chúng ta làm; không phải là một tưởng niệm của chúng ta về điều Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Không. Nó chính là một hành động của Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô làm cho chúng trở thành thời sự trên bàn thờ. Và Ðức Kitô là Chúa. Nó là một ơn của Chúa Kitô, tự hiện diện và quy tụ chúng ta quanh Ngài, để dưỡng nuôi chúng ta bằng Lời và bằng chính sự sống của Ngài. Ðiều này có nghĩa là sứ mệnh và căn cước của chính Giáo Hội vọt lên từ đó, từ bí tích Thánh Thể và luôn luôn thành hình tại đó. Vì thế chúng ta phải để ý: một buổi cử hành có thể không chê trách vào đâu được, rất đẹp trên bình diện bề ngoài, nhưng nếu nó không đưa chúng ta tới chỗ gặp gỡ Chúa Giêsu, thì nó có nguy cơ không đem lại sự dưỡng nuôi nào cho con tim và cuộc sống chúng ta. Ðức Thánh Cha tóm tắt tương quan giữa bí tích Thánh Thể và cuộc sống tín hữu như sau:

Trái lại, qua bí tích Thánh Thể Chúa Kitô muốn bước vào cuộc sống chúng ta, thấm nhuần nó với ơn thánh của Ngài, và như thế trong mỗi cộng đoàn kitô có sự trung thực giữa phụng vụ và đời sống.

Các bạn thân mến, con tim chúng ta được tràn đầy tin tưởng và hy vọng khi nghĩ tới các lời của Chúa Giêsu được ghi lại trong Phúc Âm thánh Gioan: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta có sự sống đời đời và Ta sẽ cho người đó sống lại ngày sau hết" (Ga 6,54). Chúng ta hãy sống bí tích Thánh Thể với tinh thần của đức tin và cầu nguyện, tha thứ, sám hối, tươi vui cộng đoàn, lo lắng cho những người thiếu thốn và cho nhu cầu của biết bao anh chị em khác, trong xác tín rằng Chúa sẽ thành toàn điều Ngài đã hứa ban cho chúng ta: đó là cuộc sống vĩnh cửu.

Ðức Thánh Cha đã chào mọi người hiện diện và cầu mong chuyến hành hương Roma củng cố đức tin của họ. Ngài đã đặc biệt chào Ðức Hồng Y Vlk, các Giám Mục Tchèques đang viếng mộ hai thánh Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Ngài gọi Ðức Hồng Y Vlk là vị chiến đấu lão thành và là người bảo vệ đức tin của Cộng hòa Tchèques. Ngài xin các vị chuyển lời chào thăm và phép lành Tòa Thánh tới các linh mục, tu sĩ và giáo dân toàn nước. Ngài bảo đảm cầu nguyện cho các vị và cho họ. Ðức Thánh Cha cũng xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Ðức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết thứ sáu tới đây là lễ nhớ hai thánh Cirillo và Metodio, tông đồ của các dân tộc Slave và Bổn Mạng châu Âu. Ngài cầu mong chứng tá của các vị giúp các bạn trẻ trở thành môn đệ thừa sai trong các môi trường sống của họ, cũng như khích lệ người đau yếu dâng các khổ đau cầu nguyện cho ơn hoán cải của những người tội lỗi, và là mẫu gương cho các cặp vợ chồng mới cưới lấy Phúc Âm làm luật nền tảng cho cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page