Ðức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin
và chúc Tết Nguyên Ðán
Ðức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin và chúc Tết Nguyên Ðán.
Vatican (Vat. 26-01-2014) - Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 26 tháng 1 năm 2014, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chúc Tết các dân tộc Viễn Ðông, ngài mời gọi các tín theo tiếng Chúa gọi, đồng thời cũng kêu gọi hòa bình cho Ucraine, cầu nguyện cho các bệnh nhân phong cùi.
50 ngàn tín hữu đã tụ tập tại Quảng Trường Thánh Phêrô dù trời khá lạnh. Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, Ðức Thánh Cha quảng diễn bài Phúc Âm thuật lại việc Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng tại miền Galilea, kêu gọi những người khiêm hạ làm môn đệ theo Chúa. Ngài nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể lại khởi đầu đời sống công khai của Chúa Giêsu nơi các thành thị và làng mạc xứ Galilea. Sứ mạng của Chúa không khởi đầu từ Jerusalem, nghĩa là từ trung tâm tôn giáo, xã hội và chính trị, nhưng từ một vùng ngoại biên, bị những người Do Thái giữ đạo nghiêm ngặt, coi rẻ vì sự hiện diện của các dân tộc khác nhau trong vùng ấy, vì thế, Ngôn Sứ Isaia đã gọi đó là "miền Galilea của dân ngoại" (Is 8,23).
"Ðó là một vùng biên giới, một vùng chuyển tiếp nơi có nhiều người thuộc các chủng tộc, văn hóa và tôn giáo khác biệt gặp gỡ nhau. Vì thế, miền Galilea trở thành địa điểm biểu tượng sự cởi mở của Tin Mừng đối với mọi dân tộc. Về phương diện đó, miền Galilea giống thế giới ngày nay: nhiều nền văn hóa cùng hiện diện, cần được đối chiếu và gặp gỡ nhau. Cả chúng ta hằng ngày vẫn ở trong một "miền Galilea của dân ngoại", và trong bối cảnh đó, chúng ta có thể cảm thấy kinh hãi và chiều theo cám dỗ muốn xây dựng những vòng đai để được an toàn hơn, được bảo vệ hơn. Nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng Tin Mừng không được dành riêng cho một phần nhân loại, Tin Mừng được loan báo cho tất cả mọi người. Ðó là một Tin Vui dành cho những ai đang chờ mong, có lẽ cho cả những người không chờ đợi gì cả và cũng chẳng có sức mà tìm kiếm hay yêu cầu.
Khi khởi hành từ Galilea, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng không ai bị loại khỏi ơn cứu độ của Thiên Chúa, đúng hơn, Thiên Chúa muốn khởi hành từ ngoại biên, từ những người rốt cùng, để đi tới tất cả mọi người. Ngài dạy chúng ta một phương pháp, và phương pháp của Ngài diễn tả nội dung, nghĩa là lòng từ bi của Chúa Cha. "Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn cần phân định xem đâu là con đường Chúa muốn, nhưng tất cả chúng ta đều được mời gọi chấp nhận lời kêu gọi này, đó là: hãy ra khỏi tình trạng thoải mái của mình và can đảm đi tới mọi vùng ngoại biên đang cần được ánh sáng Tin Mừng" (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 20).
Chúa Giêsu chẳng những bắt đầu sứ mạng của Ngài từ một nơi ở ngoài trung tâm, nhưng còn từ những người thấp kém nữa. Ðể chọn các môn đệ đầu tiên và các tông đồ tương lai, Chúa tìm tới những trường dạy các ký lục và các nhà thông luật, nhưng là những người khiêm hạ và đơn sơ, quyết tâm chuẩn bị đón nhận Nước Chúa đến. Chúa Giêsu đi gọi họ tại nơi họ làm việc, bên bờ hồ: họ là những người đánh cá. Ngài kêu gọi họ và họ theo Ngài ngay lập tức. Họ bỏ lưới và đi theo Ngài: cuộc sống của họ trở thành một cuộc phiêu lưu ngoại thường và hấp dẫn.
Ðức Thánh Cha nói:
Các bạn thân mến, ngày nay Chúa cũng kêu gọi! Ngài tiến qua những nẻo đường của đời sống thường nhật của chúng ta. Ngày hôm nay, trong lúc này đây, Chúa đi qua quảng trường này. Chúa kêu gọi chúng ta hãy đi với Ngài, cộng tác với Ngài cho Nước Thiên Chúa, tại các miền "Galilea" thời nay. Mỗi người trong anh chị em hãy suy nghĩ, Chúa đi qua hôm nay, Chúa đang nhìn tôi. Ngài nói gì với tôi? Và nếu có ai trong anh chị em cảm thấy Chúa đang nói "Hãy theo Thầy", thì hãy can đảm, đi theo Chúa. Chúa không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng. Hãy nghe tiếng Chúa gọi trong tâm hồn đi theo Chúa. Chúng ta hãy để cho cái nhìn, tiếng nói của Chúa đi tới chúng ta, và chúng ta hãy đi theo Ngài! "Ðể niềm vui Tin Mừng đi tới tận bờ cõi trái đất và không ngoại biên nào bị thiếu ánh sáng của Chúa"(Ibid. 288).
Ngày Thế giới các bệnh nhân phong cùi
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh Cha chào thăm mọi người, ngài nói thêm rằng:
"Hôm nay là Ngày Thế giới các bệnh nhân phung cùi. Bệnh này tuy đã giảm bớt, nhưng đáng tiếc là nó vẫn còn nơi nhiều người sống trong tình trạng lầm than cùng cực. Ðiều quan trọng là duy trì tình liên đới sống động với các anh chị em ấy. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và tất cả những người trợ giúp họ, và bằng nhiều cách, đang dấn thân đánh bại căn bệnh này".
"Tôi cũng gần gũi trong kinh nguyện với Ucraine, đặc biệt là những người đã bị thiệt mạng trong những ngày này và với gia đình họ. Tôi cầu mong rằng sẽ có một cuộc đối thoại xây dựng giữa các cơ chế và xã hội dân sự, và tránh những mọi hành vi bạo động. Ước gì trong tâm hồn mỗi người tinh thần hòa bình và sự tìm kiếm công ích được trổi vượt!
Lên án vụ thiêu một em bé 3 tuổi
Ðức Thánh Cha nhắc đến vụ 1 em bé 3 tuổi ở nam Italia bị bọn mafia thiêu hủy cùng với gia đình. Ngài nói: "Hôm nay, có bao nhiêu trẻ em tại Quảng trường này! Rất đông đảo! Tôi cũng muốn nghĩ đến em Cocò Campolong, mới 3 tuổi, đã bị thiêu trong xe ở Cassano allo Jonio. Sự tàn ác như thế đối với một em bé như vậy dường như chưa bao giờ có trong lịch sử tội ác. Chúng ta hãy cầu nguyện với em Cocò, chắc chắn em đang ở trên trời với Chúa Giêsu, cầu cho những kẻ đã phạm tội ác này, để họ thống hối và hoán cải, trở về cùng Chúa.
Chúc Tết các dân tộc Á đông
Ðức Thánh Cha nói: "Trong những ngày tới đây, hàng triệu người sống tại Viễn Ðông hoặc rải rác tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có những người Hoa, Ðại Hàn và Việt Nam, mừng Tết nguyên đán. Tôi cầu chúc tất cả mọi người được một cuộc sống vui tươi và hy vọng. Ước gì niềm khát khao tình huynh đệ không thể dập tắt được trong tâm hồn họ, tìm được trong gia đình ấm cúng như một nơi ưu tiên trong đó tình huynh đệ có thể được khám phá, được giáo dục và thực thi. Ðây sẽ là một đóng góp quí giá cho việc xây dựng một thế giới nhân bản hơn, trong đó an bình được hiển trị.
Ðề cao gương tân Chân Phước hoàng hậu Cristina di Savoia
Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến lễ phong chân phước hoàng hậu Maria Cristina di Savoia, hôm thứ bẩy 25 tháng 1 năm 2014 tại Napoli. "Chân phước sống vào giữa thế kỷ 19, là Hoàng hậu của hai miền Sicilia. Người là một phụ nữ có đời sống thiêng liêng sâu xa và rất khiêm nhường, biết gánh vác những đau khổ của dân, trở thành người mẹ đích thực của người nghèo. Tấm gương bác ái đặc biệt của Người làm chứng rằng đời sống tốt đẹp theo Phúc Âm là điều có thể trong mọi môi trường và hoàn cảnh xã hội.
Ðức Thánh Cha chào các phái đoàn hành hương và sau cùng ngài đặc biệt chào các em thiếu nhi thuộc phong trào Công Giáo tiến hành Italia, được Ðức Hồng Y Giám quản Agostino Vallini tháp tùng, kết thúc cuộc lữ hành hòa bình. Hai em bé một nam một nữ Matteo và Sarah đã đọc một sứ điệp ngắn và thả hai con chim bồ câu hòa bình.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)