Tệ nạn nô lệ mới trên thế giới

 

Tệ nạn nô lệ mới trên thế giới.

Phỏng vấn Ðức Cha Marcelo Sanchez Sorondo, Chưởng ấn Hàn Lâm Viện các Khoa học xã hội của Tòa Thánh.

Roma (Vat. 23-01-2014) - Trong hai ngày mùng 2 đến 3 tháng 11 năm 2013 hội nghị về tệ nạn nộ lệ mới đã diễn ra trong nội thành Vaticăng. Hội nghị do Hàn Lâm Viện Tòa Thánh các Khoa học xã hội cùng tổ chức với Liên đoàn quốc tế các Hiệp hội bác sĩ công giáo.

Theo ước tính của Tổ chức Lao Ðộng Quốc Tế trong các năm 2002-2010 trên thế giới đã có khoảng 21 triệu nạn nhân của nạn cưỡng bách lao động, trong đó cũng bao gồm cả nạn khai thác tình dục. Mỗi năm có khoảng 2 triệu người là nạn nhân của kỹ nghệ buôn bán tình dục, trong đó 60% là các thiếu nữ, trong khi nạn buôn cơ phận người chiếm 11%.

Buôn bán người là một sinh hoạt tội phạm bao gồm việc bắt, bắt cóc và tuyển lựa cũng như chuyên chở, chuyển rời, tiếp đón một hay nhiều người với các phương tiện bất hợp pháp, nhằm mục đích khai thác các nạn nhân.

Tệ nạn buôn bán nô lệ đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người. Hàng bao ngàn năm trước công nguyên các Kim tự tháp bên Ai Cập đã do xương máu của các nô lệ xây lên. Trong mọi đế quốc thời xa xưa khắp nơi trên thế giới đều đã có hoạt động buôn bán nô lệ, nổi tiếng như dưới thời đế quốc Hy Lạp và Roma. Tại Roma hồi thế kỷ thứ I đã có 1 triệu nô lệ sinh sống, và rất nhiều đền đài dinh thự là do xương máu và mồ hội nước mắt của các nô lệ xây dựng, điển hình như Hý trường Colosseo do hoàng đế Tito khánh thành năm 80 sau công nguyên.

Vào thế kỷ XVI sau khi ông Cristoforo Colombo khám phá ra châu Mỹ, người dân các nước Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Pháp và Anh bắt đầu di cư sang Mỹ châu lập nghiệp. Nhu cầu trồng cây trong các đồn điền bông ngày càng cần nhiều nhân công. Số nhân công thuộc các chủng tộc địa phương không đủ nữa nên bắt đầu nảy sinh ra phong trào nhập cảng nhân công từ các nước khác, đặc biệt là người nô lệ thuộc các nước mạn tây phi châu. Hàng chục triệu người Mỹ da đen ngày nay là con cháu những người nô lệ Phi châu bị bán sang Mỹ trong các thế kỷ XVI-XVIII. Người ta ước đoán có đến hàng chục triệu người bị bắt và bán làm nô lệ như thế. Không thể tả hết được các ngược đãi và khổ đau mà người nô lệ phải gánh chịu trong cuộc sống, từ khi bị bắt, bị xiềng xích mang xuống tầu, rồi bán cho các đại điền chủ da trắng khi đến Mỹ châu.

Năm 1770 sau một loạt các canh tân trên thế giới tại Pháp, Ðan Mạch và Anh quốc người ta thấy nảy sinh ra các phong trào bài trừ nô lệ, đòi thay đổi các luật hình sự, bỏ luật treo cổ và thay đổi cách đối xử với các người bị bệnh tâm thần. Các nhà trí thức như Voltaire, Wesley và Rousseau đã góp phần đáng kể vào kiểu suy tư mới này. Vào thế kỷ XIX nhiều nước đã thành công trong việc giành độc lập bên Mỹ quyết định bỏ chế độ nô lệ. Chẳng hạn như Brasil năm 1822, Bolivia năm 1825, Anh quốc năm 1833, Pháp năm 1848 và sau cùng Hoa Kỳ năm 1865. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ luật năm 1910 vẫn cấm hôn nhân giữa những người khác chủng tộc, và có các biện pháp trục xuất các phụ nữ có các hành động vô luân. Vì thế 70% các phụ nữ bị bắt khi vượt biên giới bị rơi vào bẫy của hoạt động mại dâm.

Bắt đầu từ thập niên 1920 trở đi tại Hoa Kỳ việc buôn người không được coi như lá một vấn đề xã hội, ít ra cho tới năm 1990.

Chỉ với việc công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 nạn nô lệ cũng như việc buôn người mới bị bãi bỏ trên toàn thế giới. Nhưng đó đó chỉ là lý thuyết. Trên thực tế nạn nô lệ và buôn người vẫn tiếp tục tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, nhiều khi rất tinh vi và cũng không nhất thiết bắt buộc các nạn nhân phải vượt biên ra nước ngoài. Ðó là trường hợp nộ lệ của nạn cho vay nặng lãi; nạn lao động đen hằng năm đem lại số tiền lời khổng lồ 31 tỷ mỹ kim. Bên cạnh đó có hàng triệu nạn nhân nô lệ của kỹ nghệ tình dục, nạn trẻ em lao động liên lụy tới 245 triệu trẻ em vị thành niên phải làm việc lam lũ mỗi ngày. Ngoài ra, còn có nạn buôn bán trẻ em vị thành niên. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc năm 2003 có tới 1.3 triệu trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục. Thêm vào đó nạn buôn người còn ẩn nấp cả đàng sau phong trào quốc tế nhận con nuôi nữa. Số tiền buôn bán người năm 2004 lên tới 9 tỷ mỹ kim, và đạt kỷ lục năm 2005 với 31.6 tỷ mỹ kim.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Cha Marcelo Sanchez Sorondo, Chưởng ấn Hàn Lâm Viện Tòa Thánh các Khoa học xã hội về hội nghị này.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, lý do nào đã khiến cho Hàn Lâm Viện Tòa Thánh các Khoa học xã hội cùng tổ chức hội nghị này với Liên đoàn quốc tế các Hiệp Hội bác sĩ công giáo?

Ðáp: Nguồn gốc của hội nghị này là Ðức Thánh Cha Phanxicô, người đã biết đến các vấn đề này. Ngay khi vừa mới được bầu làm Giáo Hoàng Ðức Thánh Cha đã tiếp kiến các nhân viên của Hàn Làm Viện các Khoa học xã hội của Tòa Thánh. Trong thư gửi cám ơn ngài các cố vấn của Hàn Lâm Viện đã hỏi Ðức Thánh Cha xem ngài có muốn chúng tôi làm một điều gì đặc biệt không. Ðức Thánh Cha đã trả lời ngay lập tức với cùng bì thư ấy như sau: "Marcelo, tôi muốn người ta nghiên cứu vấn đề các hình thức nô lệ mới và nạn buôn bán người, bao gồm cả việc buôn bán cơ phận người nữa". Và như thế Hàn Lâm Viện đã bắt đầu làm việc. Nhưng chúng tôi đã thấy cần phải lôi cuốn cả các bác sĩ vào việc nghiên cứu này, và chúng tôi đã mời các bác sĩ công giáo, bởi vì bác sĩ José María Simón de Castelví, chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội bác sĩ công giáo đã muốn cộng tác, thế rồi cả Hàn Lâm viện Khoa học nữa, vì các giải pháp có thể có tính cách khoa học. Và thế là đã nảy sinh ra sáng kiến tổ chức hội nghị nói trên.

Hỏi: Thế hiện tượng buôn bán người hay nạn nô lệ tân thời đã được phân tích đưới các khía cạnh nào, thưa Ðức Cha?

Ðáp: Nó đã được phân tích đưới mọi khía cạnh. Ðiều mà chúng tôi muốn đó là tìm hiểu tầm rộng lớn của hiện tượng này, mà người ta đã từng biết tới một chút, nhưng chúng tôi muốn có các dữ kiện chính xác hơn. Chúng tôi cũng muốn đạt được môt ý tưởng chung cho Giáo Hội và cho các các Hội Ðồng Giám Mục. Có các Hội Ðồng Giám Mục, chẳng hạn như Hội Ðồng Giám Muc Anh quốc và Hội Ðồng Giám Mục Guatemala đã soạn thảo vài tài liệu liên quan tới vấn đề này, nhưng tôi tin rằng Giáo Hội, trong tổng thể của mình, vẫn chưa ý thức đủ về vấn đề này. Thế rồi chúng tôi cũng muốn tìm ra các hướng đi cụ thể. Chúng tôi đã hỏi tất cả các tham dự viên, các quan sát viên cũng như các tường trình viên gửi cho chúng tôi các đề nghị cụ thể và giờ đây chúng tôi đang lượng định các đề nghị đó. Có một đề nghị rất hay của một bác sĩ gợi ý là giữ lại yếu tố di truyền DNA của các trẻ em bị mất tích, và của cha mẹ các em đã tố cáo rằng các em mất tích rồi đối chiếu chúng với nhau. Thật ra điều đầu tiên mà những người bắt cóc các em làm là xóa các dấu tay của các em.

Hỏi: Chúng ta biết là trong nguồn gốc của tệ nạn buôn bán người có nạn nghèo túng cùng cực, chiến tranh, các cuộc xung khắc trong nước vv... Và có một phần của thế giới khai thác các tình trạng này, có đúng thế không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Vâng đúng thế, và chúng tôi sẽ nói lên điều này. Bắt đầu từ các nước có luật lệ chơi hai chiều: một đàng thì tổ chức họp nói tới sự sống con người, đàng khác thì cũng chính các cơ cấu và tổ chức của họ không muốn nhìn vấn đề này, hay tệ hơn họ còn tạo thuận tiện cho nạn buôn bán người nữa. Chẳng hạn chúng ta lấy thí dụ như những gì đã xảy ra tại Bosnia liên lụy tới một vài người Mỹ, và không phải chỉ có người Mỹ, trong nạn buôn bán nữ nô lệ. Việc này đã bị một phụ nữ Mỹ tố cáo và sau đó bà này bị mất việc làm. Chính vì thế, chúng tôi thấy thật là thích hợp lôi cuốn các bác sĩ nhập cuộc nghiên cứu, bởi vì cả họ cũng bị liên lụy, các cơ cấu đáng lý ra phải bênh vực con người lại bị liên lụy nhiều nhất trong các tệ nạn này.

Như vậy một đàng chúng ta đang đứng trước một tình hình thê thảm, và người ta không muốn nói đến vấn đề này, không muốn xem xét chuyện gì xảy ra; đàng khác người ta lại chơi trò nước đôi. Thế rồi, còn có các nước thừa nhận mại dâm như là một công việc: các nước này cũng tạo ra thị trường buôn người.

Thí dụ bên Cộng hòa liên bang Ðức vấn đề này thật là kinh khủng. Nhưng không phải chỉ có Ðức, mà tại nhiều nước Bắc âu cũng thế. Như vậy, một đàng Nhà nước nói rằng cần phải can thiệp, trong khi đàng khác thì Nhà nước lại kiếm lợi nhuận từ tệ nạn buôn người này. Ngay từ khi còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires Ðức Thánh Cha Phanxicô đã trực giác được vấn đề xã hội nghiêm trọng đụng tới linh hồn của thế giới xã hội, đụng tới các Khoa học xã hội. Chúng tôi đã ngạc nhiên vì đã không hiểu nó trước.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, Giáo Hội sẽ làm gì với các tài liệu và kết qủa của hội nghị về nạn nô lệ mới này?

Ðáp: Chúng tôi muốn triệu tập hội nghị lần thứ nhất và sẽ triệu tập nhiều hội nghị khác nữa để nghiên cứu vấn đề này. Nhưng đây đã là bước đầu tiên đáp ứng các nguyện vọng của Ðức Thánh Cha. Chúng tôi sẽ làm công việc này tốt chừng nào có thể. Chúng tôi không yêu sách là đã tìm ra giải pháp cho vấn đề, nhưng ít nhất nó là một bước tiến tới. Chúng tôi đã hỏi Tòa Thánh, là tại sao lại chưa ủng hộ biên bản của Liên Hiệp Quốc về việc phòng ngừa, hủy bỏ và truy nã nạn buôn người, đặc biệt là phụ nữ và các trẻ em, nhưng chúng tôi chưa nhận được câu trả lời. Ðiều này có nghĩa là chưa có một chính sách chung trong việc phòng chống và bài trừ tệ nạn buôn người. Chắc chắn là Ðức Thánh Cha muốn cho tất cả các điều này được rõ ràng. Cần phải ca ngợi Ðức Thánh Cha, vì với sự nhạy cảm của người Ðức Thánh Cha đã đưa chúng tôi, là các nhân viên của Hàn Lâm Viện thường thảo luận các vấn đề trừu tượng, vào con đường cụ thể của thực tại toàn cầu có các khía cạnh kinh khủng, trong đó có sự thờ ơ như Ðức Thánh Cha đã nói, khi viếng thăm các người tị nạn tại đảo Lampedusa nam Italia.

Con người bị bán đi nhưng không ai thèm ngó ngàng gì đến bản vị con người. Ðiều duy nhất mà người ta chú ý là tiền. Còn tệ hơn nữa, người ta dùng con người để làm tiền, như người ta đã làm đối với các người nô lệ xưa kia, bị bắt và bị bán như đồ vật. Và trong một nghĩa nào đó tệ nạn này ngày nay còn tệ hại hơn xưa kia rất nhiều! Xét vì mức độ văn minh mà xã hội loài người đã đạt được hiện nay. Nhất là nếu chúng ta duyệt xét vấn đề nô lệ tình dục, trong đó các bé trai bé gái là nạn nhân. Ðây là một trong các điều thê thảm nhất của thế giới toàn cầu, cùng với nạn di cư, mà các hậu qủa chúng ta đã trông thấy tại đảo Lampedusa rồi.

(RG 1-11-2013)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page