Cuộc tuần hành cho hòa bình

ngày đầu năm 2014

 

Cuộc tuần hành cho hòa bình ngày đầu năm 2014.

Phỏng vấn Ðức Cha Giancarlo Bregantini, Chủ tịch Ủy ban lao động công lý và hòa bình của Hội Ðồng Giám Mục Italia, và linh mục Giuseppe Romano, tuyên úy nhà tù Campobasso.

Roma (RG 1-01-2014; Vat. 20-01-2014) - Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa ngày mùng 1 tháng 1 năm 2014 lễ kính Ðức Maria là Mẹ Thiên chúa và cũng là Ngày Hòa Bình Thế Giới, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ mọi người sống hòa bình bắt đầu ngay trong gia đình mình. Ði từ sự thật tất cả mọi người đều là con cái của cùng một Thiên Chúa là Cha, và vì đó là anh chị em với nhau trong cùng một gia đình nhân loại, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mọi người đều có bổn phận hoạt động để xây dựng một xã hội hòa bình, công bằng, huynh đệ và liên đới hơn. Ngài cũng cám ơn hàng chục ngàn tín hữu tham dự cuộc tuần hành cho hòa bình do cộng đồng Thánh Egidio, các hiệp hội và phong trào tổ chức tại Roma và đó đây trong 700 thành phố trên toàn thế giới.

Ðức Thánh Cha cũng cám ơn các tham dự viên cuộc tuần hành toàn quốc tại Campobasso, do Hội Ðồng Giám Mục Italia tổ chức ngày 31 tháng 12 năm 2013. Tham dự cuộc tuần hành nào đã có 3,000 đại diện đến từ khắp nơi trong nước Italia.

Trong sứ điệp gửi các tham dự viên Ðức Thánh Cha Phanxicô định nghĩa cuộc tuần hành là "một tái dấn thân trong việc xây dựng một sự chung sống xây nền trên sự thật, tình yêu thương và công lý, trốn chạy sự toàn cầu hóa của thái độ thờ ơ, khiến cho con người nhờn với nỗi khổ đau của người khác, và dẫn đưa tới chỗ khinh rẻ và bỏ rơi những người yếu đuối nhất".

Cuộc tuần hành đã được dẫn đầu với cây thánh giá làm bằng các thanh gỗ lấy từ các tầu thuyền chuyên chở những người tị nạn dạt vào đảo Lampedusa nam Italia. Phát biểu trong cuộc tuần hành Ðức Cha Giancarlo Brigantini, Chủ tịch Ủy ban lao động, công lý và hòa bình của Hội Ðồng Giám Mục Italia nói: "Thiên Chúa ghé mắt nhìn bạn và mời gọi bạn đừng gạt bỏ ai hết, đừng làm như Cain. Từ thái độ gạt bỏ đó nảy sinh ra nền văn hóa của sự thờ ơ. Từ đó nảy sinh ra các thảm cảnh của đảo Lampedusa. Vì thế chính từ nơi đây mà chúng ta phải khởi hành, để cho tất cả mọi người được lắng nghe, đặc biệt những ai cảm thấy mình giòn mỏng và yếu đuối nhất. Những người đến từ xa".

Tham dự cuộc tuần hành đã có rất đông bạn trẻ vùng Campobasso. Ðoàn tuần hành cho hòa bình đã dừng lại tại vài nơi như: trung tâm phân phát thực phẩm cho người nghèo của Caritas và nhà tù địa phương.

Một bạn trẻ hồi giáo cho biết vì dấn thân trong cuộc đối thoại liên tôn nên anh cảm thấy có bổn phận phải tham dự cuộc tuần hành cho hòa bình, đặc biệt trong những lúc khó khăn của lịch sử, như trong thời điểm hiện nay. Trước nỗi khổ đau của thế giới cần phải cùng nhau lên tiếng, và đây cũng là dịp chúng ta có thể biểu lộ tình cảm của chúng ta đối với tất cả các nạn nhân và các người đang phải đau khổ.

Một bạn trẻ khác cho biết đem bình an tới cho tha nhân là một thách đố hàng ngày, bởi vì nó đòi buộc mỗi người phải ra khỏi sự ích kỷ của mình, không nghĩ tới cuộc sống tiện nghi dễ dãi của mình, nhưng tìm gặp gỡ tha nhân và lắng nghe họ với sự kín đáo và trân trọng.

Ông Alberto Quatrucci, thuộc cộng đoàn thánh Egidio, cho biết cuộc tuần hành cho hòa bình ngày đầu năm là một truyền thống tốt đẹp, mà cộng đoàn thánh Egidio đã phát động từ 12 năm qua với các cuộc tuần hành, biểu tình, các lúc suy tư, cầu nguyện, các buổi diễn thuyết... Và sáng kiến này được phát động đó đây khắp nơi trên thế giới, nơi có sự hiện diện của cộng đoàn và có các cộng sự viên. Mục đích là để nhấn mạnh rằng năm mới bắt đầu với một bước đi của hòa bình: một cử chỉ của hòa bình là lời chúc mừng tốt đẹp nhất có thể làm.

Ông Alberto nói thêm rằng hoạt động cho hòa bình là chiều kích đẹp nhất của cuộc sống con người: làm việc hướng tới người khác, trong hòa hợp, gặp gỡ và đối thoại để xây dựng một thế giới đích thật, công bằng hơn cho tất cả mọi người, trong đó có chỗ nhất cho những người nghèo túng, yếu đuối và bị bỏ rơi nhất. Cộng đồng thánh Egidio chào đời năm 1968. tức trong chính năm Ðức Phaolô VI tuyên bố Ngày hòa bình thế giới lần đầu tiên. Hồi đó là thời gian của chiến tranh Việt Nam và chiến tranh lạnh giữa hai khối Ðông Tây.

Cộng đoàn thánh Egidio nảy sinh như giấc mơ hòa bình, vì đó là giấc mơ của Tin Mừng. Và Ðức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta điều đó một cách rất rõ ràng. Năm nay đề tài của Ngày hòa bình thế giới lại là tình huynh đệ, là đề tài được cộng đoàn thánh Egidio chú ý ngay từ ban đầu. Không có ngắt quãng giữa tình yêu thương đối với người nghèo và tình yêu thương đối với hòa bình. Tình yêu thương đối với người nghèo đưa chúng tôi đi rất xa, tới những nước có chiến tranh, nơi nhờ ơn Chúa chúng tôi đã thành công trong việc xây dựng hòa bình.

Trong sứ điệp cho Ngày hòa bình năm 2014, Ðức Thánh Cha Phanxicô cho biết tình huynh đệ là phương thế duy nhất giúp đem lại hòa bình và chiến đấu chống nghèo túng. Tình huynh đệ là phương thế hữu hiệu nhất và nhân đạo nhất giúp đem lại hòa bình. Ðây là phương thế mà tín hữu kitô và tín hữu của mọi tôn giáo, cũng như tất cả mọi người thiện chí đều có thể sử dụng. Tình huynh đệ cũng là một bức tường lớn nhất ngăn cản bạo lực. Thật vậy, việc nhìn thẳng vào mặt tha nhân ngăn cản chúng ta trông thấy nơi họ kẻ thù, và một cách nào đó giúp khám phá ra nơi người khác một chút gì đó của người anh em. Mỗi ngày một chút chúng ta khám phá ra tình huynh đệ ấy, một tình huynh đệ được làm bằng đối thoại, gặp gỡ nhân bản, chân thành. Nó là cây cầu lớn của hòa bình, vì nó hiệp nhất, nối kết. Tình huynh đệ cũng là con đường của đối thoại, thắng vượt mọi thành kiến, mọi tiền ý niệm đối với tha nhân, và như thế nó là con đường của hòa bình. Cộng đồng thánh Egidio đã sống kinh nghiệm này tại 15 nước trên thế giới trong hai mươi năm qua, bởi vì qua cuộc đối thoại chân thành này cộng đồng đã thành công trong việc làm hòa tại những nơi có xung đột.

Như đã biết, một trong các lý do gây ra nạn di cư tị nạn trên thế giới này là chiến tranh và các xung đột vũ trang.

Hiện nay trên thế giới vẫn còn có 17 cuộc chiến tiếp diễn trong đó có các cuộc nội chiến tại Siria, Somalia, Nam Sudan, Trung Phi, Cộng hòa Congo, hay Nigeria và vùng Sừng Phi châu. Thế rồi còn có các tình hình căng thẳng và xung khắc trong nhiều nước Bắc Phi như Tunisia, Libia, Ai Cập, Thánh Ðịa, biển Ðông và Biển Hoa Ðông. Trong khi tại Iraq và Libăng có các vụ nổ bom khủng bố liên tục gieo chết chóc cho dân chúng.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Cha Giancarlo Bregantini, Chủ tịch Ủy ban lao động công lý và hòa bình của Hội Ðồng Giám Muc Italia, về cuộc tuần hành cho hòa bình ngày đầu năm mới 2014.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Brigantini, Ðức Cha có cảm tưởng gì về cuộc tuần hành cho hòa bình do chính Ðức Cha tổ chức ngày cuối năm vừa qua?

Ðáp: Ðàng sau cuộc tuần hành đó người ta nhận ra biết bao nhiêu là ý tưởng, sức mạnh và nhu cầu. Dĩ nhiên trong bối cảnh đó có các đòi hỏi có công ăn việc làm, chia sẻ thực phẩm. Vì thế không phải chỉ có yêu cầu hòa bình một cách trừu tượng, nhưng là sự cụ thể của các dấu chỉ hòa bình, trong đó có việc chia sẻ công việc làm, như chúng ta chia sẻ Bánh Thánh Thể vậy.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, năm 2013 đã là một năm rất khó khăn đối với người dân Italia, vì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh khiến cho nạn thất nghiệp lan tràn. Ðức Cha cầu chúc gì cho năm 2014?

Ðáp: Tôi có hàng loạt những lời cầu chúc cho năm 2014: Thứ nhất tôi chúc cho Italia có một chính quyền ít gây sự và cãi nhau hơn; cho các nhà chính trị có một con tim biết chú ý tới nhu cầu của những người nghèo khổ hơn, và biết bỏ qua vấn đề ngàn đời của chính trường Italia là "bầu cử hay không bầu cử", nhưng các chính trị gia lại rất ít lưu tâm tới người dân. Ðiều quan trọng đối với người dân là công ăn việc làm, phẩm giá, gia đình hiệp nhất, bánh ăn hằng ngày. Thứ hai, ước chi người dân có thể đầu tư: phúc cho ai có thể vực dậy một xí gnhiệp đang gặp khó khăn; phúc cho ai hăng hái xắn tay áo lên và hoạt động để thay đổi xã hội, để không ai phải mất việc làm. Và thứ ba, trong thế giới lao động ước chi có ý thức của luật liên đới, để có thể luôn luôn tạo ra một loạt các giao kèo liên đới, hầu cho đừng có công nhân nào bị mất việc.

Tiếp theo đây là một vài nhận xét của linh mục Giuseppe Romano, tuyên úy nhà tù tỉnh Campobasso, nơi đoàn biểu tình cho hòa bình đã dừng chân.

Hỏi: Thưa cha ngày 31 tháng 12 (năm 2013) vừa qua trong cuộc tuần hành cho hòa bình, đoàn người tham dự đã dừng lại tại nhà tù của tỉnh Campobasso, nơi cha là tuyên úy, mục đích là để tưởng niệm các nỗi khổ đau của người tù, đôi khi vẫn tiếp tục bị giam sau khi mãn hạn tù. Cha có cảm tưởng gì?

Ðáp: Rất thường khi người tù cũng không có hy vọng nữa, nghĩa là họ tự hỏi điều họ có thể làm trong tương lai, tương lai nào chờ đợi họ, tương lai nào chờ đợi gia đình và con cái họ... Vì thế nhiệm vụ của chúng tôi, không phải chỉ là của linh mục tuyên úy thôi, nhưng là của bất cứ ai làm việc trong lãnh vực này là trợ giúp các tù nhân tìm lại niềm hy vọng, tái tin tưởng nơi chính họ và nơi xã hội. Và dĩ nhiên đây cũng là điều mà xã hội phải làm.

Hỏi: Theo cha chính quyền có thể làm gì hơn cho các tù nhân hay không?

Ðáp: Có chứ. Luôn luôn phải có mục đích trợ giúp bản vị con người. Và chính quyền có thể làm tốt hơn nữa, khi thành công trong việc đưa ra các biện pháp mạnh mẽ trên bình diện xã hội, đặc biệt trong các vùng nguy hiểm, để ngăn ngừa người tù tiếp xúc với các băng đảng và tổ chức tội phạm. Muốn thế phải xây dựng các trường học, tạo ra công ăn việc làm. Thật thế, có nhiều người vì có gia đình và con cái phải nuôi sống, nhưng lại không tìm ra công ăn việc làm, nên cuối cùng bị bó buộc phải ăn trộm ăn cắp và phạm pháp rồi bị tù. Nhưng trong tù họ tỏ ra muốn học một nghề để có thể sinh sống sau này... Do đó chính quyền có thể làm nhiều điều để trợ giúp họ.

(RG 1-1-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page