Tông Huấn
Evangelii Gaudium - Niềm Vui Của Tin Mừng
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô
Dành Cho Các Giám Mục
Các Linh Mục Và Phó Tế
Những Người Ðược Thánh Hiến
Và Tất Cả Các Tín Hữu Giáo Dân
Về Việc Công Bố Tin Mừng
Trong Thế Giới Hôm Nay
Lời người dịch - Tông Huấn này gồm có 5 chương và 288 câu. Trong Tông Huấn này, Ðức Thánh Cha giải thích và khai triển rất nhiều điều cho thấy rõ chủ trương và lập trường của ngài. Ngài muốn tất cả mọi tín hữu, từ Giám Mục, Linh Mục cho đến giáo dân đọc và sử dụng những chỉ dẫn trong Tông Huấn này để chuyển hướng sống đạo và truyền giáo. Vì Tông Huấn khá dài và súc tích, xin mạn phép chia thành nhiều phần cho dễ đọc và nghiên cứu.
(Phaolô Phạm Xuân Khôi)
Chương V
Chương V
Những Người Rao Giảng Tin Mừng
Ðầy Thánh Thần
259. Những người rao giảng Tin Mừng đầy Thánh Thần có nghĩa là những nhà truyền giáo mở lòng ra với tác động của Chúa Thánh Thần mà không sợ hãi. Trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã làm cho các Tông Ðồ ra khỏi chính mình và biến các ngài thành những người loan báo những việc cao cả của Thiên Chúa, mà mỗi thính giả bắt đầu hiểu theo ngôn ngữ riêng của mình. Chúa Thánh Thần cũng đổ vào chúng ta sức mạnh để loan báo sự mới mẻ của Tin Mừng với sự mạnh bạo (parrhesia), lớn tiếng, ở mọi nơi và mọi lúc, ngay cả những lúc phải lội ngược dòng. Chúng ta hãy cầu khẩn Ngài hôm nay, để được thiết lập một cách vững chắc trên cầu nguyện, vì nếu không có cầu nguyện thì mọi hoạt động có nguy cơ trở thành trống rỗng và rốt cuộc lời rao giảng cũng trở nên không có hồn. Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành những nhà truyền giáo loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời nói, nhưng trên hết, bằng một cuộc sống được sự hiện diện của Thiên Chúa biến đổi.
260. Trong chương cuối cùng này, tôi sẽ không đưa ra một tổng hợp của linh đạo Kitô giáo, cũng không khai triển những chủ đề chính như cầu nguyện, chầu Thánh Thể hoặc cử hành đức tin, là những điều chúng ta đã có những bản văn có giá trị của Huấn Quyền và những tác phẩm nổi tiếng của các tác giả thời danh. Tôi không tự nhận là thay thế hoặc vượt trên sự phong phú này. Tôi chỉ đơn thuần đề nghị một số suy nghĩ về tinh thần của việc Tân Phúc Âm hóa.
261. Khi chúng ta nói rằng một điều gì có một "tinh thần", thì thường ám chỉ một số động lực bên trong tạo ra một sự thúc đẩy, động cơ, khích lệ cùng làm cho các hành động cá nhân và cộng đồng có ý nghĩa. Một việc truyền giáo đầy Thánh Thần khác xa với một mớ những công tác bị coi như những nhiệm vụ nặng nề mà chúng ta chỉ đơn thuần phải làm, hoặc việc gì bị coi như mâu thuẫn với những xu hướng và ước muốn của chúng ta. Tôi rất ước ao tìm được những lời để cổ võ một mùa rao giảng Tin Mừng nhiệt thành, vui mừng, quảng đại, táo bạo, tràn đầy tình yêu cho đến cùng và một đời sống truyền cảm! Nhưng tôi biết rằng không có động lực nào có thể đủ nếu không có ngọn lửa của Chúa Thánh Thần đốt cháy trong lòng chúng ta. Cuối cùng, truyền giáo với tinh thần là truyền giáo với Chúa Thánh Thần, vì Ngài là linh hồn của việc truyền giáo của Hội Thánh. Trước khi đề ra một số lý do thúc đẩy và đề nghị tinh thần, một lần nữa tôi cầu khẩn Chúa Thánh Thần, tôi cầu xin Ngài đến canh tân, lay động và thúc đẩy Hội Thánh mạnh dạn ra khỏi chính mình để rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc.
I. Những lý do thúc đẩy một động năng truyền giáo mới
262. Những người rao giảng Tin Mừng đầy Chúa Thánh Thần có nghĩa là những nhà truyền giáo vừa cầu nguyện vừa làm việc. Từ quan điểm Phúc Âm hóa, những đề nghị thần bí mà không có một sự dấn thân xã hội và truyền giáo mạnh mẽ, hay những bài thuyết trình và những thực hành xã hội và mục vụ mà không có một linh đạo có sức biến đổi tâm hồn, sẽ chẳng giúp được gì. Những đề nghị bán phần và rời rạc ấy chỉ chạm đến một số người nhỏ và không có sức mạnh lan tràn lớn lao, bởi vì chúng cắt xén Tin Mừng. Chúng ta phải luôn luôn nuôi dưỡng một chỗ ở trong tâm hồn, là điều đem lại cho một Kitô hữu ý nghĩa của việc dấn thân và hoạt động. [205] Nếu không có những giờ phút lâu dài để tôn thờ, gặp gỡ Lời Chúa trong cầu nguyện, chân thành đối thoại với Chúa, thì các nhiệm vụ dễ dàng mất hết ý nghĩa, chúng ta sẽ bị suy yếu vì mệt mỏi hay vì những khó khăn, và lòng nhiệt thành sẽ bị dập tắt. Hội Thánh không thể làm được gì nếu không có lá phổi cầu nguyện, và lòng tôi vô cùng vui mừng vì sự gia tăng rất nhiều nhóm cầu nguyện, chuyển cầu, đọc Lời Chúa trong cầu nguyện và chầu Thánh Thể thường trực trong tất cả cơ cấu Hội Thánh. Ðồng thời, "chúng ta phải đẩy lui cám dỗ về một linh đạo riêng tư và cá nhân không phù hợp với những đòi hỏi của đức ái, cũng như luận lý của mầu nhiệm Nhập Thể". [206] Có một nguy cơ là một số giờ phút cầu nguyện biến thành một lý do để tránh sống đời truyền giáo, vì việc tư nhân hóa lối sống có thể dẫn các Kitô hữu đến việc nương náu ở một số linh đạo sai lầm.
263. Thật là bổ ích để nhớ đến các Kitô hữu tiên khởi và nhiều anh em trong suốt dòng lịch sử, là những người đầy niềm vui, đầy can đảm, không biết mệt trong việc rao giảng Tin Mừng cùng có khả năng hoạt động với sức chịu đựng tuyệt vời. Có những người tự an ủi bằng cách nói rằng ngày nay khó khăn hơn nhiều; nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng bối cảnh thời đế quốc Rôma không có lợi gì cho việc rao giảng Tin Mừng, hay đấu tranh cho công lý, hoặc bảo vệ phẩm giá con người. Trong mọi thời điểm của lịch sử, sự yếu đuối của con người, tính vụ lợi thiếu lành mạnh, sự tiện nghi ích kỷ, và cuối cùng, lòng ham muốn nhục dục đe dọa tất cả chúng ta. Thực tại này luôn luôn hiện diện, dươi hình thức này hay hình thức khác; chúng đến từ những giới hạn của con người chứ không phải tư các hoàn cảnh. Vì thế chúng ta không được nói rằng ngày nay khó khăn hơn; chúng khác nhau. Chúng ta hãy học nhiều từ các Thánh, là những vị đã đi trước chúng ta và đã trực diện với những khó khăn của thời đại các ngài. Ðể đạt được mục đích này, tôi đề nghị ngừng lại để tái khám phá ra một số lý do giúp chúng ta bắt chước các ngài ngõ hầu áp dụng trong thời đại chúng ta. [207]
Cuộc gặp gỡ cá nhân với tình yêu của Chúa Giêsu là Ðấng cứu độ chúng ta
264. Lý do đầu tiên thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng là tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã nhận được, kinh nghiệm được Người cứu độ là điều thúc đẩy chúng ta yêu Người mỗi ngày một hơn. Nhưng có loại tình yêu nào mà không làm cho chúng ta cảm thấy cần phải nói về người mình yêu, chỉ cho người khác thấy Người, làm cho Người được biết đến không? Nếu chúng ta không cảm thấy có ước muốn mãnh liệt để truyền thông tình yêu này, chúng ta cần phải tạm ngừng lại trong cầu nguyện để cầu xin Người trở lại làm cho chúng ta say đắm. Chúng ta cần phải cầu xin mỗi ngày, để ân sủng Người mở rộng con tim giá lạnh của chúng ta và cải tổ cuộc sống hờ hững và nông cạn của chúng ta. Hãy đặt mình trước mặt Người với một con tim rộng mở, hãy để cho Người ngắm nhìn chúng ta, chúng ta sẽ nhận ra cái nhìn yêu thương này là cái nhìn mà Nathaniel đã khám phá ra ngày Chúa Giêsu nói với ông: "Tôi nhìn thấy anh khi anh ở dưới cây vả" (Ga 1:48). Êm dịu biết bao khi đứng trước một cây Thánh Giá, hoặc quỳ trước Thánh Thể, và chỉ đơn thuần là ở trước mắt Người! Tốt biết bao cho chúng ta khi Người trở lại chạm vào cuộc đời chúng ta và thúc đẩy chúng ta truyền thông sự sống mới của Người! Vì vậy, kết cuộc là, "những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe thì chúng tôi công bố" (1 Ga 1:3). Ðộng lực tốt nhất cho quyết định truyền thông Tin Mừng là chiêm niệm nó với tình yêu, đọc chầm chậm những trang của nó và đọc bằng con tim của mình. Nếu chúng ta đến gần Tin Mừng cách này, vẻ đẹp của nó sẽ làm cho chúng ta ngạc nhiên, và làm cho chúng ta say đắm mỗi lần chúng ta trở lại. Vì vậy, thật khẩn cấp để phục hồi tinh thần chiêm niệm, là điều cho phép chúng ta khám phá ra mỗi ngày rằng chúng ta là những người được ủy thác cho một gia sản, là điều nhân bản hóa chúng ta và giúp chúng ta sống một cuộc sống mới. Không có gì quý giá hơn để truyền lại cho những người khác.
265. Toàn thể đời sống của Chúa Giêsu, cách Người đối xử với những người nghèo, những cử chỉ của Người, sự kiên định của Người, lòng quảng đại của Người, sự đơn giản hằng ngày của Người, và cuối cùng là sự tự hiến hoàn toàn của Người, tất cả đều quý giá và nói với cuộc sống cá nhân của chúng ta. Mỗi lần chúng ta trở lại để tìm hiểu, chúng ta lại được thuyết phục rằng đây chính là những gì người khác cần, ngay cả khi chúng ta không nhận ra điều ấy: "Ðấng mà anh em không biết nhưng vẫn tôn thờ, là Ðấng mà tôi rao giảng cho anh em" (Cv 17:23). Ðôi khi chúng ta mất lòng nhiệt thành đối với sứ vụ truyền giáo, mà quên rằng Tin Mừng đáp ứng nhu cầu sâu xa nhất của con người, bởi vì tất cả chúng ta đã được tạo ra cho những gì Tin Mừng cung cấp cho chúng ta: tình bằng hữu với Chúa Giêsu và tình yêu huynh đệ với anh chị em. Khi chúng ta thành công trong việc diễn tả đầy đủ và cách thẩm mỹ nội dung cơ bản của Tin Mừng, sứ điệp ấy chắc chắn sẽ đáp ứng những thắc mắc sâu xa nhất của con tim: "Nhà truyền giáo tin chắc rằng nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, đã có sẵn trong những cá nhân và các dân tộc một ước vọng, ngay cả khi người ta không ý thức, để biết sự thật về Thiên Chúa, con người, con đường dẫn đến việc giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Lòng nhiệt thành trong việc loan báo Ðức Kitô xuất phát từ xác tín có thể đáp ứng được ước vọng này". [208] Lòng nhiệt thành truyền giáo dựa trên xác tín này. Chúng ta có một kho báu sự sống và tình yêu không thể lừa dối, sứ điệp không thể bị thao tác hoặc lừa dối. Ðó là một câu trả lời chìm vào tận đáy lòng con người, có thể nâng đỡ nó và nâng nó lên. Ðó là chân lý không bao giờ lỗi thời bởi vì nó có thể thâm nhập vào những nơi không một điều gì khác có thể đến được. Nỗi buồn vô hạn của chúng ta chỉ có thể được chữa lành bằng một tình yêu vô hạn.
266. Tuy nhiên niềm xác tín này được nâng đỡ bằng kinh nghiệm cá nhân, không ngừng đổi mới, để tận hưởng tình bằng hữu của Người và sứ điệp của Người. Chúng ta không thể kiên trì trong một việc truyền giáo đầy nhiệt tình nếu chúng ta không còn được thuyết phục nữa bằng kinh nghiệm riêng của mình rằng gặp gỡ Chúa Giêsu hoàn toàn khác với việc không biết Người, bước đi với Người hoàn toàn khác với mò mẫm, có thể lắng nghe Người hoàn toàn khác với việc coi thường Lời Người, có thể chiêm niệm, thờ phượng, nghỉ ngơi trong Người hoàn toàn khác với việc không làm những điều ấy. Cố gắng xây dựng thế giới với Tin Mừng của Người không giống như làm việc ấy chỉ với những lý do riêng của mình. Chúng ta biết rằng cuộc sống với Chúa Giêsu trở nên đầy đủ hơn nhiều và với Người chúng ta dễ dàng tìm thấy ý nghĩa của tất cả mọi sự hơn. Ðó là lý do tại sao chúng ta rao giảng Tin Mừng. Một nhà truyền giáo thực sự, là người không bao giờ ngừng là một môn đệ, biết rằng Chúa Giêsu đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình. Cảm thấy Chúa Giêsu đang sống cùng mình ở giữa sứ vụ truyền giáo. Nếu chúng ta không tìm thấy điều này ở trung tâm của các hoạt động truyền giáo, thì chúng ta sẽ sớm mất nhiệt tình và không còn chắc chắn về điều mình thông truyền, chúng ta sẽ thiếu nghị lực và lòng say mê. Và khi một người không được thuyết phục, không có nhiệt tình, không đáng tin cậy, không được yêu, thì người ấy sẽ chẳng thuyết phục được ai.
267. Kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta tìm những gì Người tìm, chúng ta yêu những gì Người yêu. Cuối cùng, điều chúng ta tìm kiếm là vinh quang của Chúa Cha, chúng ta sống và hành động "để ngợi khen vinh quang của ân sủng Người" (Eph 1:6). Nếu chúng ta hiến thân cách trọn vẹn và kiên định, chúng ta phải vượt trên bất cứ động lực nào khác. Ðây là động lực cuối cùng, sâu sắc nhất, lớn nhất, là lý do và ý nghĩa tối hậu của mọi động lực khác. Ðó chính là vinh quang Chúa Cha, mà Chúa Giêsu đã tìm suốt cuộc đời của Người. Người là Con luôn luôn vui lòng với tất cả con người của mình "ở trong cung lòng Chúa Cha" (Ga 1:18). Nếu chúng ta là những nhà truyền giáo, thì trên hết chính vì Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Bằng cách này mà Chúa Cha được tôn vinh, là các con sinh nhiều hoa trái" (Ga 15:8). Vượt trên sự kiện là chúng ta đồng ý hay không, thích hay không, cần hay không, vượt trên những giới hạn bé nhỏ của những ham muốn của chúng ta, sự hiểu biết và động cơ thúc đẩy chúng ta, chúng ta rao giảng Tin Mừng vì vinh quang cao cả của Chúa Cha là Ðấng yêu thương chúng ta.
Niềm vui tinh thần của việc là một dân
268. Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta nhận ra rằng chúng ta là một dân duy nhất: "Xưa kia anh em không phải là một dân, nhưng nay đã là Dân Thiên Chúa" (1 Phr 2:10). Ðể là những nhà truyền giáo đích thực chúng ta cũng cần phải phát triển một vị giác tinh thần để ở gần đời sống của con người, đến độ nó trở thành một nguồn vui cao thượng hơn. Việc truyền giáo là một sự say mê với Chúa Giêsu, nhưng đồng thời cũng là một sự say mê với dân Người. Khi chúng ta đứng trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta nhận ra tất cả tình yêu của Người, là điều nâng đỡ chúng ta và ban cho chúng ta phẩm giá, tuy nhiên, đồng thời, trừ khi chúng ta bị mù, chúng ta bắt đầu nhận thức rằng cái nhìn của Chúa Giêsu mở rộng và quay về phía toàn thể dân Người với đầy trìu mến và nhiệt tình. Vì vậy, chúng ta nhận ra rằng Người muốn dùng chúng ta để gần gũi hơn với dân yêu quý của Người. Người lấy chúng ta từ giữa dân Người và sai chúng ta đến với họ, vì thế chúng ta sẽ không thể hiểu được căn tính của mình nếu không thuộc về dân này.
269. Chính Chúa Giêsu là kiểu mẫu của sự lựa chọn cách rao giảng Tin Mừng này, là cách đưa chúng ta vào lòng dân chúng. Thật tốt cho chúng ta khi thấy Người gần gũi tất cả mọi người! Khi Người nói chuyện với ai, thì Người nhìn thẳng vào mắt người ấy với một sự ân cần yêu thương sâu thẳm, "Chúa Giêsu nhìn anh, và thương mến anh" (Mc 10:21). Chúng ta thấy Chúa dễ tiếp cận thế nào với người mù bên vệ đường (x. Mc 10:46-52), và khi Người ăn uống với những kẻ tội lỗi (x. Mc 2:16), Người chẳng bận tâm gì đến việc bị người khác coi là mê ăn uống và chè chén say sưa (x. Mt 11:19). Chúng ta thấy Người sẵn sàng để cho một cô gái điếm xức dầu đôi bàn chân của Người (x. Lc 7:36-50), hoặc tiếp ông Nicôđêmô vào ban đêm (Ga 3:1-15). Sự tự hiến của Chúa Giêsu trên thập giá không là gì khác hơn là tột đỉnh của cách thế này, là cách thế đã đánh dấu toàn thể cuộc đời của Người. Ðược thu hút bởi kiểu mẫu này, chúng ta muốn gia nhập cách trọn vẹn vào xã hội, chia sẻ cuộc sống của mình với tất cả mọi người, lắng nghe những quan tâm của họ, cộng tác với họ cả về vật chất lẫn tinh thần trong những nhu cầu của họ, vui với người vui, khóc với người khóc và dấn thân trong việc xây dựng một thế giới mới, tay trong tay với những người khác. Nhưng luôn luôn không coi đó như một điều bị bắt buộc, như một gánh nặng mà chúng ta phải gánh, nhưng như một sự lựa chọn cá nhân tràn ngập niềm vui và cho chúng ta một căn tính.
270. Ðôi khi chúng ta cảm thấy bị cám dỗ là những Kitô hữu trong khi vẫn giữ một khoảng cách an toàn với những vết thương của Chúa. Nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta chạm vào sự đau khổ của con người, chạm vào da thịt đau khổ của những người khác. Người muốn chúng ta ngưng tìm kiếm những nơi trú ẩn cá nhân hay cộng đồng, là những nơi cho phép chúng ta giữ một khoảng cách với trung tâm của những thảm cảnh của con người, ngõ hầu chúng ta thực sự chấp nhận tiếp xúc với đời sống cụ thể của những người khác, và biết sức mạnh của sự dịu dàng. Khi chúng ta làm như thế, đời sống của chúng ta sẽ luôn luôn phức tạp một cách kỳ diệu và chúng ta sống kinh nghiệm mãnh liệt của một dân, kinh nghiệm thuộc về một dân.
271. Ðúng là trong mối liên hệ của mình với thế giới, chúng ta được yêu cầu cung cấp một lý do của niềm hy vọng của mình, nhưng không phải như kẻ thù, bằng cách chỉ tay và lên án. Chúng ta đã được cảnh báo rất rõ ràng: "phải làm với sự hiền lành và tôn trọng" (1 Phr 3:16), và "Nếu có thể, thì ít ra về phần anh em, hãy sống hòa thuận với mọi người" (Rm 12:18). Chúng ta cũng được khuyến khích cố gắng chiến thắng "sự dữ bằng việc lành" (Rm 12:21), mà không được mệt mỏi "làm điều lành" (Gl 6:9), và không cố gắng tỏ ra là những người trên, nhưng coi "những người khác hơn mình" (Phl 2:3). Thực ra, các Tông Ðồ của Chúa "được lòng tất cả mọi người" (Cv 2:47, xem 4,21.33; 5:13). Rõ ràng là Ðức Chúa Giêsu Kitô không muốn chúng ta như những ông hoàng trông rất thô bạo, nhưng như những người nam nữ của dân chúng. Ðây không phải là ý kiến của một giáo hoàng hoặc một lựa chọn mục vụ giữa những lựa chọn khác mà chúng ta có thể làm; chúng là những dấu chỉ của Lời Chúa rất tỏ tường, trực tiếp và hiển nhiên đến nỗi chúng không cần phải được giải thích, là điều sẽ giảm bớt sức mạnh chất vấn của chúng. Chúng ta hãy sống chúng "sine glossa", mà không cần chú giải. Bằng cách này, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui chia sẻ cuộc sống truyền giáo với những người trung thành với Thiên Chúa trong khi cố gắng đốt lên một ngọn lửa ở trung tâm thế giới.
272. Tình yêu đối với người khác là một sức mạnh tinh thần thúc đẩy cuộc gặp gỡ Thiên Chúa một cách trọn vẹn đến mức bất cứ ai không yêu anh em mình là "đi trong bóng tối " (1 Ga 2:11), là "ở lại trong sự chết" (1 Ga 3, 14) và "không biết Thiên Chúa" (1 Ga 4:8). Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rằng "nhắm mắt mình trước những người lân cận của chúng ta cũng làm cho chúng ta mù trước mặt Thiên Chúa" [209] và rằng tình yêu cuối cùng là ánh sáng duy nhất "luôn luôn có thể soi sáng một thế giới đang tối tăm và ban cho chúng ta can đảm để sống và hành động". [210] Vì vậy, khi chúng ta sống tiếp cận thần bí với tha nhân nhằm mục đích tìm kiếm sự tốt lành cho họ, chúng ta mở rộng nội tâm của mình để nhận những hồng ân tốt đẹp nhất của Chúa. Mỗi lần chúng ta gặp gỡ một con người trong tình yêu, chúng ta đặt mình vào một điều kiện thuận lợi để khám phá một điều gì mới mẻ về Thiên Chúa. Mỗi lần chúng ta mở mắt để nhận ra những người khác, thì đức tin của chúng ta được sáng suốt hơn để nhận ra Thiên Chúa. Vì thế, nếu chúng ta muốn lớn lên trong đời sống tinh thần, chúng ta không thể ngưng là những nhà truyền giáo. Dấn thân truyền giáo phong phú hóa tâm trí và tâm hồn, mở ra cho chúng ta những chân trời tâm linh, giúp chúng ta nhạy cảm hơn để nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần, đưa chúng ta ra khỏi những mô thức tâm linh hạn hẹp của mình. Ðồng thời, một nhà truyền giáo hoàn toàn dấn thân vào việc truyền giáo cảm nghiệm được niềm vui của việc trở thành một nguồn, tràn đầy và làm tươi mát những người khác. Chúng ta chỉ có thể là một nhà truyền giáo khi cảm thấy tốt trong việc tìm kiếm những điều tốt đẹp cho người khác và muốn hạnh phúc cho người khác. Việc mở rộng tâm hồn là nguồn gốc của hạnh phúc, bởi vì "cho đi thì có phúc hơn nhận được" (Cv 20:35). Không ai có thể sống tốt hơn bằng cách chạy trốn những người khác, ẩn nấp, từ chối chia sẻ, không chịu cho đi và nhốt mình trong sự thoải mái. Ðiều này chẳng khác gì một việc tự vận từ từ.
273. Việc truyền giáo (sứ vụ) giữa lòng dân chúng không phải là một phần của đời sống của tôi, hoặc một đồ trang sức mà tôi có thể bỏ đi, nó cũng không phải là một phần phụ thuộc, hoặc một thời điểm trong nhiều thời điểm của cuộc sống. Nó là một điều mà tôi không có thể xóa bỏ khỏi con người của tôi nếu tôi không muốn tiêu diệt chính mình. Tôi là một việc truyền giáo (sứ vụ) trên thế gian này, và đó là lý do tại sao tôi đang ở trong thế gian. Tôi phải nhận ra rằng mình đã được đóng ấn bằng lửa cho sứ vụ này để soi sáng, chúc lành, sinh động hóa, nâng lên, chữa lành, và giải phóng. Tôi sẽ thấy chung quanh mình các y tá với linh hồn, các thầy giáo với linh hồn, các chính trị gia với linh hồn, là những người đã quyết định tận đáy lòng là sống với những người khác và cho những người khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta tách rời nhiệm vụ ra khỏi cuộc sống riêng tư của mình, thì tất cả mọi sự sẽ trở thành màu xám và chúng ta sẽ liên tục cố gắng tìm kiếm danh vọng hoặc bảo vệ những nhu cầu riêng tư của mình. Chúng ta không còn là một dân nữa.
274. Ðể chia sẻ cuộc sống của mình với mọi người và hiến thân một cách quảng đại, chúng ta cần phải nhận ra rằng tất cả mọi người đều đáng cho chúng ta hiến thân. Không phải vì vẻ bề ngoài của họ, khả năng của họ, ngôn ngữ của họ, não trạng của họ hoặc sự thỏa mãn mà chúng ta có thể cung cấp, nhưng vì họ là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, là tạo vật của Ngài. Ngài đã tạo dựng nên họ theo hình ảnh của Ngài, và họ phản ánh một phần nào đó vinh quang của Ngài. Mỗi con người là đối tượng của sự ân cần vô cùng của Chúa, và chính Người ngự trong cuộc sống của họ. Ðức Chúa Giêsu Kitô đã ban bửu huyết của Người trên Thánh Giá cho người ấy. Vượt ra ngoài bất kỳ vẻ bề ngoài nào, mỗi người đều vô cùng thánh thiêng và xứng đáng với tình yêu của chúng ta và sự tận tụy của chúng ta. Vì vậy, nếu tôi có thể giúp một người sống tốt lành hơn, chỉ điều này mà thôi cũng đã đủ để biện minh cho việc hiến đời sống của tôi làm món quà cho người ấy. Thật là tốt đẹp khi là dân trung thành của Thiên Chúa. Và chúng ta đạt được sự viên mãn khi chúng ta phá đổ các bức tường, để cho tâm hồn của mình chứa đầy những gương mặt và những tên của họ!
Công trình mầu nhiệm của Chúa Phục Sinh và Chúa Thánh Thần
275. Trong chương hai chúng ta đã suy nghĩ về việc thiếu linh đạo sâu xa là điều đưa đến bi quan, tin vào định mệnh và mất niềm tin. Một số người không tận tâm với sứ vụ bởi vì họ tin rằng không gì có thể thay đổi được, và do đó đối với họ, phấn đấu là điều vô ích. Họ nghĩ như thế này: "Tại sao tôi phải tước đi sự thoải mái và thú vui của tôi nếu tôi không nhìn thấy một kết quả đáng kể nào". Với não trạng này thì chúng ta sẽ không tài nào truyền giáo được. Thái độ này là một lý do xấu để biện minh cho việc vẫn còn khép mình trong sự thoải mái, lười biếng, buồn rầu vì không thỏa mãn tính ích kỷ trống rỗng của mình. Nó là một hành vi tự hủy diệt vì "con người không thể sống mà không có hy vọng: đời sống sẽ trở nên vô nghĩa và không thể chịu nổi". [211] Nếu chúng ta nghĩ rằng mọi sự sẽ không thay đổi, chúng ta hãy nhớ rằng Ðức Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng tội lỗi cùng sự chết và có đầy đủ quyền năng. Ðức Chúa Giêsu Kitô thật sự đang sống. Bằng không, "nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi là trống rỗng" (1 Cor 15:14). Tin Mừng cho chúng ta biết rằng khi các môn đệ đầu tiên đi rao giảng, "Chúa đã làm việc với các ông và xác nhận lời rao giảng của các ông" (Mc 16:20). Ðiều này xảy ra ngay cả ngày nay. Chúng ta được mời gọi để khám phá ra điều này và sống với điều này. Ðức Kitô Phục Sinh và vinh quang là nguồn gốc sâu xa của niềm hy vọng của chúng ta, và chúng ta đừng bỏ lỡ sự giúp đỡ của Người để hoàn thành sứ mệnh được trao phó cho chúng ta.
276. Việc Phục Sinh của Người không phải là một điều trong quá khứ; nó chứa đựng một sức sống đã thấm nhập thế gian. Ở đâu mọi sự dường như đã chết, thì khắp nơi mầm non của sự sống lại đột nhiên xuất hiện. Ðó là một sức mạnh vô song. Ðúng là nhiều lần dường như không có Thiên Chúa: chúng ta thấy sự bất công, gian ác, thờ ơ và tàn nhẫn không thuyên giảm. Nhưng chúng ta cũng không kém chắc chắn rằng ở giữa bóng tối luôn luôn bắt đầu nở ra một điều gì đó mới, sớm hay muộn cũng sinh hoa trái. Trong một cánh đồng bằng phẳng sự sống xuất hiện, kiên trì và không gì có thể thắng nổi. Sẽ có nhiều điều xấu, nhưng điều tốt luôn luôn có khuynh hướng quay lại nở hoa và lan tràn. Mỗi ngày trên thế giới cái đẹp tái sinh, mọc lên được biến đổi qua những thảm kịch của lịch sử. Các giá trị luôn luôn có khuynh hướng xuất hiện trở lại dưới những hình thức mới, và thực ra, nhân loại được tái sinh nhiều lần từ những tình trạng dường như không thể đảo ngược được. Ðây là sức mạnh của sự sống lại và mỗi người rao giảng Tin Mừng là một công cụ của động năng này.
277. Những khó khăn mới cũng liên tục xuất hiện, những kinh nghiệm thất bại, những sự nhỏ nhen của con người tạo nên quá nhiều sự dữ. Tất cả chúng ta đều biết từ kinh nghiệm rằng đôi khi một công tác không đem lại cho chúng ta sự thỏa mãn mà chúng ta mong ước, thành quả hiếm hoi, và những thay đổi thì chậm chạp, và chúng ta bị cám dỗ trở nên mệt mỏi. Tuy nhiên, khi một người vì mệt mỏi mà tạm thời hạ tay xuống thì khác với những người buông xuôi vì bị khống chế bởi bệnh bất mãn kinh niên và bởi sự lười biếng làm khô héo linh hồn. Ðiều có thể xảy ra là tâm hồn mệt mỏi trong cuộc chiến đấu bởi vì chúng ta thực ra chỉ nghĩ đến mình, đến danh vọng, như khao khát được người khác biết đến, được ca tụng, được thưởng và có địa vị. Khi ấy chúng ta không hạ thấp nổi cánh tay, nhưng chúng ta cũng không còn kiên quyết, sự sống lại không có ở đó. Như vậy, Tin Mừng, là sứ điệp đẹp nhất mà chúng ta có trong thế giới này, vẫn còn bị chôn vùi dưới một đống lý do để tự bào chữa.
278. Ðức tin có nghĩa là tin vào Thiên Chúa, tin rằng Ngài thực sự yêu thương chúng ta, tin rằng Ngài hằng sống, rằng Ngài có thể can thiệp một cách mầu nhiệm, rằng Ngài không bỏ rơi chúng ta, rằng Ngài có thể rút ra sự tốt lành từ sự dữ bởi quyền năng và óc sáng tạo vô biên của Ngài. Nó có nghĩa là tin rằng Ngài tiến bước khải hoàn trong lịch sử cùng với "những người thuộc về Ngài# những người được gọi, và được chọn, là các tín hữu" (Kh 17:14). Chúng ta tin rằng Tin Mừng nói rằng Nước Thiên Chúa đã hiện diện trong thế gian, và đang phát triển ở đây và ở đó, bằng nhiều cách khác nhau: như hạt giống nhỏ có thể biến thành một cây lớn (x. Mt 13:31-32), như một ít men làm dậy men cả một đống bột (x. Mt 13:33), và như hạt giống tốt mọc ở giữa cỏ dại (x. Mt 13:24-30), và có thể luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên cách thú vị. Nước Thiên Chúa đang hiện diện, sẽ trở lại, phấn đấu để phát triển mạnh mẽ trở lại. Sự Sống Lại của Ðức Kitô tạo ra ở mọi nơi những hạt giống của thế giới mới này; và ngay cả khi chúng bị cắt đi, chúng lại mọc lên, bởi vì sự Phục Sinh của Chúa đã thâm nhập vào cơ cấu tàng ẩn của lịch sử này, bởi vì Chúa Giêsu đã không sống lại một cách vô ích. Chớ gì chúng ta đừng ở bên lề cuộc hành trình hy vọng được sống này!
279. Vì chúng ta không luôn luôn nhìn thấy những chồi non, nên chúng ta cần một sự chắc chắn nội tâm, đó là, lòng tin tưởng rằng Thiên Chúa có thể hoạt động trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả giữa những thất bại tỏ tưởng, bởi vì "chúng ta có kho báu này trong những bình sành" (2 Cor 4:7). Sự chắc chắn này là điều được gọi là "một cảm thức mầu nhiệm." Ðó là biết một cách chắc chắn rằng tất cả những ai phó thác cho Thiên Chúa trong tình yêu, nhất định sẽ sinh hoa kết quả (x. Ga 15,5). Khả năng sinh hoa quả này thường vô hình, khó nắm bắt và không thể đo lường được. Chúng ta có thể biết rõ rằng cuộc sống của mình sẽ mang lại kết quả, nhưng không tự nhận rằng mình biết thế nào, ở đâu và khi nào. Chúng ta có thể chắc chắn rằng không một việc nào chúng ta làm vì yêu, hoặc bất cứ hành động nào chúng ta làm vì chân thành lo lắng cho tha nhân sẽ bị mất đi. Không một hành động yêu mến nào dành cho Thiên Chúa sẽ bị mất đi, không một cố gắng đại lượng nào sẽ ra vô nghĩa và không một kiên nhẫn đau khổ nào sẽ ra vô ích. Tất cả mọi sự đi vòng quanh thế giới của chúng ta như sức sống. Ðôi khi những nỗ lực của chúng ta dường như không đem lại một kết quả nào, nhưng việc truyền giáo không phải là một thương vụ hoặc một kế hoạch kinh doanh, nó cũng không thậm chí là một tổ chức nhân đạo, không phải là một buổi trình diễn để đếm xem có bao nhiêu người tham dự nhờ việc tuyên truyền của chúng ta; nó là một điều gì đó sâu xa hơn nhiều, vượt ra ngoài tất cả mọi đo lường. Có lẽ Chúa dùng sự dấn thân của chúng ta để đổ phúc lành xuống một nơi nào khác trên thế giới mà chúng ta sẽ không bao giờ đi đến. Chúa Thánh Thần hoạt động như Ngài muốn, khi Ngài muốn và ở nơi nào Ngài tùy ý Ngài; chúng ta tận tâm hy sinh nhưng không mong thấy kết quả tỏ tường. Chúng ta chỉ biết rằng việc hiến thân của mình là điều cần thiết. Chúng ta hãy học nghỉ ngơi trong vòng tay âu yếm của Chúa Cha, giữa cuộc dấn thân sáng tạo và quảng đại của mình. Chúng ta hãy tiếp tục tiến bước, hãy dâng tất cả cho Ngài, nhưng hãy để cho Ngài làm cho những nỗ lực của chúng ta có kết quả như ý Ngài.
280. Ðể duy trì lòng nhiệt thành truyền giáo phải có một niềm tin mãnh liệt vào Chúa Thánh Thần, bởi vì Ngài "giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta" (Rm 8:26). Nhưng lòng tin tưởng quảng đại như vậy phải được nuôi dưỡng và do đó chúng ta phải liên tục cầu khẩn Ngài. Ngài có thể chữa lành tất cả những gì làm cho chúng ta yếu đuối trong việc dấn thân truyền giáo của mình. Ðúng là lòng tin tưởng vào Ðấng vô hình này có thể làm chúng ta chóng mặt: giống như lao mình xuống biển mà không biết mình sẽ gặp phải những gì. Bản thân tôi đã kinh nghiệm điều này nhiều lần. Tuy nhiên, không có tự do nào lớn hơn việc để cho chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn, bằng cách từ bỏ việc tính toán và kiểm soát tất cả mọi sự, và để Ngài soi sáng chúng ta, hướng dẫn chúng ta, định hướng chúng ta, đưa chúng ta đến nơi mà Ngài muốn. Ngài biết rõ những gì chúng ta cần ở mọi thời đại và ở mọi lúc. Ðiều này được gọi là hiệu quả huyền nhiệm!
Sức mạnh truyền giáo của việc chuyển cầu
281. Có một hình thức cầu nguyện đặc biệt khuyến khích chúng ta hiến thân trong việc Phúc Âm hóa và thúc đẩy chúng ta tìm kiếm sự tốt lành cho người khác là chuyển cầu. Chúng ta hãy một ít giây phút ra để quan sát con người nội tâm của một nhà truyền giáo vĩ đại như Thánh Phaolô, để hiểu xem lời cầu nguyện của ngài như thế nào. Lời cầu nguyện này đầy ắp những người: "Mỗi khi cầu nguyện cho tất cả anh em, tôi luôn luôn cầu xin với niềm hân hoan, [...]bởi vì tôi ấp ủ anh em trong lòng tôi" (Phl 1:4.7). Như vậy chúng ta thấy rằng cầu nguyện chuyển cầu không ngăn cách chúng ta khỏi việc chiêm niệm thật, bởi vì chiêm niệm mà bỏ tha nhân ra ngoài là một sự lừa dối.
282. Thái độ này cũng biến thành một lời tạ ơn Thiên Chúa cho người khác: "Trước tiên, tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi qua Ðức Chúa Giêsu Kitô cho tất cả anh em" (Rm 1:8). Ðó là một lời cảm tạ liên tục: "Tôi luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa của tôi cho anh em vì những ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho anh em trong Ðức Chúa Giêsu Kitô" (1 Cor 1:4), "Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi mỗi khi tôi nhớ đến anh em" (Phl 1:3). Ðây không phải là một cái nhìn hoài nghi, tiêu cực và vô vọng, nhưng là một cái nhìn tâm linh, của đức tin sâu thẳm, công nhận rằng chính Thiên Chúa hoạt động trong những người khác. Ðồng thởi, đó là lòng biết ơn đến từ một quả tim thực sự chú ý tới những người khác. Bằng cách này, khi một nhà truyền giáo cầu nguyện xong, quả tim người ấy trở nên đại lượng hơn, được giải thoát khỏi ý thức cô lập và sẵn sàng làm điều lành cùng chia sẻ sự sống với người khác.
283. Những người nam nữ vĩ đại của Thiên Chúa đã là những đấng cầu bầu cả thể. Việc chuyển cầu như "nắm men" ở trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi. Ðây là cách đi xâu vào lòng Chúa Cha và khám phá ra những chiều kích mới soi sáng các hoàn cảnh cụ thể và những thay đổi. Chúng ta có thể nói rằng trái tim của Thiên Chúa được chạm đến bởi lời chuyển cầu, nhưng thực ra Ngài luôn luôn tiên liệu, và điều chúng ta có thể làm với lời cầu bầu của mình là làm cho quyền năng của Ngài, tình yêu của Ngài và lòng trung tín của Ngài được biểu lộ một cách rõ ràng hơn nơi dân Ngài.
II. Ðức Mẹ Maria, Mẹ của Phúc Âm hóa
284. Với Chúa Thánh Thần, Ðức Mẹ Maria luôn luôn ở giữa dân chúng. Mẹ tụ họp cùng các môn đệ để kêu cầu Ngài (Cv 1:14), và do đó làm cho sự phát triển nhanh chóng của việc truyền giáo có thể xảy ra trong Lễ Ngũ Tuần. Mẹ là Mẹ của việc Phúc Âm hóa của Hội Thánh và không có Mẹ, chúng ta không thể hoàn toàn hiểu được tinh thần của việc Tân Phúc Âm hóa.
Món quà của Chúa Giêsu cho dân Người
285. Trên thập giá, khi Ðức Kitô chịu đau khổ trong thân xác của Người, ở đó xảy ra cuộc gặp gỡ bi thảm giữa tội lỗi của thế gian và lòng thương xót của Thiên Chúa, Người có thể nhìn thấy dưới chân Người sự hiện diện an ủi của Mẹ Người và bạn Người. Ở thời điểm chủ yếu đó, trước khi Người hoàn thành công việc mà Chúa Cha đã trao phó cho Người, Chúa Giêsu thưa cùng Ðức Mẹ Maria: "Thưa Bà, đây là con Bà!". Sau đó, Người nói với người bạn thân yêu của Người: "Này là Mẹ con!" (Ga 19:26-27). Những lời này của Chúa Giêsu ở ngưỡng cửa sự chết trước hết không diễn tả một mối quan tâm từ bi đối với Mẹ Người, nhưng là một công thức của mặc khải tỏ lộ mầu nhiệm của một sứ vụ cứu độ đặc biệt. Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta Mẹ Người như Mẹ của chúng ta. Chỉ sau khi làm thế Chúa Giêsu mới có thể cảm thấy rằng "tất cả mọi sự đã hoàn tất" (Ga 19:28). Dưới chân Thánh Giá, giờ tối cao của việc tạo dựng mới, Ðức Kitô dẫn chúng ta đến cùng Ðức Mẹ Maria. Người dẫn chúng ta đến với Mẹ bởi vì Người không muốn chúng ta bước đi mà không có một người Mẹ, và chúng ta đọc trong hình ảnh người Mẹ này tất cả những mầu nhiệm của Tin Mừng. Chúa không muốn rời Hội Thánh mà không có biểu tượng người nữ này. Mẹ, Ðấng đã sinh ra Người với đức tin vĩ đại, cũng đồng hành với "những con cái còn lại của mình, [...] những người giữ các điều răn của Thiên Chúa và mang chứng tích của Chúa Giêsu" (Kh 12:17). Sự nối kết mật thiết giữa Ðức Mẹ Maria, Hội Thánh và tất cả các tín hữu, theo nhiều cách khác nhau, tạo ra Ðức Kitô, đã được trình bày cách tuyệt mỹ bởi Thánh Isaac đệ Stella: "Trong Thánh Kinh được Thiên Chúa linh hứng, điều gì được hiểu cách chung về Hội Thánh, người mẹ trinh nữ, thì cũng được hiểu cách đặc thù về Ðức Trinh Nữ Maria [...] Người ta cũng có thể nói cách tương tự rằng mỗi linh hồn là một hiền thê trung tín của Lời Chúa, là mẹ, là con gái và em gái của Ðức Kitô, đồng trinh và mẹ đông con [...]. Ðức Kitô đã ở chín tháng trong cung lòng của Ðức Mẹ Maria, sẽ ở trong đền tạm của đức tin của Hội Thánh cho đến thời sau hết; và trong sự hiểu biết và tình yêu của tâm hồn tín hữu, cho đến muôn đời". [212]
286. Ðức Mẹ Maria là Ðấng biết cách biến một hang nuôi súc vật thành ngôi nhà cho Chúa Giêsu, với một tã vải nghèo nàn và một núi đầy âu yếm. Mẹ là nữ tỳ bé nhỏ của Cha, Ðấng đã vui mừng hát lên lời chúc tụng Ngài. Mẹ là người bạn luôn luôn lưu tâm ngõ hầu chúng ta không thiếu rượu trong cuộc sống của mình. Mẹ là người có trái tim bị lưỡi gươm đâm thâu qua, Ðấng hiểu tất cả nỗi thống khổ của chúng ta. Như Mẹ của tất cả mọi người, Mẹ là một dấu chỉ của niềm hy vọng cho những người bị đau đớn vì sinh nở cho đến khi công lý được sinh ra. Mẹ là nhà truyền giáo đến gần chúng ta để đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, mở lòng chúng ta ra với đức tin bằng tình mẫu tử của Mẹ. Như một người Mẹ thật, Mẹ bước đi với chúng ta, chiến đấu với chúng ta, và không ngừng tuôn đổ sự gần gũi của tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta. Qua những việc sùng kính Ðức Mẹ khác nhau, thường liên quan đến các đền thờ, Mẹ chia sẻ lịch sử của tất cả những dân nhận được Tin Mừng, và trở thành một phần căn tính lịch sử của họ. Nhiều cha mẹ Kitô giáo xin cho con cái họ được Rửa Tội ở một đền Ðức Mẹ, như thế tỏ bày niềm tin vào hành động mẫu tử của Ðức Mẹ Maria trong việc sinh ra những người con mới cho Thiên Chúa. Ở đó, nơi các đền Ðức Mẹ, chúng ta có thể quan sát Ðức Mẹ Maria tụ tập chung quanh Mẹ những con cái, là những người với cố gắng hành hương đến để thấy Mẹ, để cho mình được Mẹ nhìn ngắm. Ở đó chúng ta tìm thấy sức mạnh của Thiên Chúa để chịu đựng những đau khổ và mệt mỏi của cuộc sống. Như đối với Thánh Juan Diego, Ðức Mẹ ban cho họ sự an ủi và tình từ mẫu của mình và nói với họ, "Tâm hồn các con đừng xao xuyến [...] Mẹ là Mẹ của các con, Mẹ không có ở đây sao?" [213]
Ngôi sao của Tân Phúc Âm Hóa
287. Chúng ta xin Mẹ của Tin Mừng hằng sống cầu bầu cho chúng ta để toàn thể cộng đồng Hội Thánh chấp nhận lời mời gọi vào một giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa này. Mẹ là người nữ của đức tin, bước đi trong đức tin, [214] và "cuộc hành trình đức tin đặc biệt của Mẹ đại diện cho một điểm quy chiếu liên tục của Hội Thánh". [215] Mẹ để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần, qua một cuộc hành trình đức tin, hướng về một số phận phục vụ và sinh hoa trái. Bây giờ chúng ta hãy nhìn lên Mẹ, để xin Mẹ giúp chúng ta công bố sứ điệp cứu độ cho mọi người, và biến các môn đệ mới thành những nhà truyền giáo siêng năng. [216] Trong cuộc hành hương rao giảng Tin Mừng này sẽ không thiếu những giây phút khô khan, đen tối và thậm chí mệt mỏi, như Ðức Mẹ đã sống trong những năm ở Nazareth, khi Chúa Giêsu đã lớn lên: "Ðây là sự khởi đầu của Tin Mừng, tin mừng hân hoan. Tuy nhiên, không khó để thấy trong lúc ban đầu ấy một sự nặng nề đặc biệt của tâm hồn, kết hợp với một loại "đêm đen của đức tin" - sử dụng những lời của Thánh Gioan Thánh Giá - gần như là một "bức màn che" mà qua đó chúng ta phải tiếp cận Ðấng vô hình và sống trong sự thân mật với mầu nhiệm. Thực ra, đây là cách mà Ðức Mẹ Maria, trong nhiều năm, đã sống mật thiết với mầu nhiệm của Con Mẹ, và tiến bước trong cuộc hành trình của đức tin của Mẹ". [217]
288. Có một "kiểu" Maria trong hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Bởi vì mỗi khi chúng ta nhìn lên Ðức Mẹ, chúng ta lại tin vào sức mạnh cách mạng của sự dịu dàng và lòng trìu mến. Trong Mẹ, chúng ta thấy rằng khiêm nhường và dịu dàng không phải là nhân đức của những người yếu đuối nhưng của những người mạnh mẽ, là những người không cần phải đối xử tệ với người khác để cảm thấy rằng mình quan trọng. Nhìn lên Ðức Mẹ Maria, chúng ta khám phá ra rằng Mẹ ca ngợi Thiên Chúa vì "Ngài đã hạ những người quyền hành xuống khỏi ngai vàng" và "đã cho những người giàu có trở về tay không" (Lc 1:52,53) giống như một người đem hơi ấm đến cho việc theo đuổi công lý của chúng ta. Ðây cũng là người "cẩn thận giữ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng" (Lc 2:19). Ðức Mẹ Maria biết làm thế nào để nhận ra bước chân của Thần Khí Thiên Chúa trong những biến cố lớn và ngay cả trong những biến cố dường như không thể nhận thấy được. Ðó là chiêm niệm về mầu nhiệm của Thiên Chúa trong thế gian, trong lịch sử và trong đời sống hàng ngày của mỗi người và mọi người. Chính Mẹ là người phụ nữ cầu nguyện và làm việc ở Nadareth, và cũng là Ðức Mẹ Giúp Ðỡ, một người "vội vã" rời làng mình để đi giúp đỡ người khác (Lc 1:39). Ðộng năng này của công lý và sự dịu dàng, chiêm niệm cùng đi đến với những người khác, là những gì làm cho Mẹ trở nên một mô hình cho việc truyền giáo của Hội Thánh. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ để qua lời cầu nguyện từ mẫu của Mẹ, Mẹ giúp cho Hội Thánh trở nên một nhà cho nhiều người, một người mẹ cho tất cả các dân tộc, và làm cho có thể phát sinh một thế giới mới. Chính Ðấng Phục Sinh đã nói với chúng ta, bằng một quyền năng, đổ đầy chúng ta với lòng tin tưởng và niềm hy vọng không gì có thể lay chuyển nổi: "Này, Ta làm mọi sự ra mới" (Kh 21:5). Cùng với Ðức Mẹ Maria, chúng ta hãy tin tưởng tiến về phía lời hứa này, và hãy cùng nhau cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria, Nữ Trinh và Hiền Mẫu
Mẹ là Ðấng đã được tác động bởi Chúa Thánh Thần,
đã đón nhận Lời ban sự sống
tận đáy lòng đức tin khiêm cung của Mẹ,
khi Mẹ phó thác hoàn toàn cho Ðấng Muôn Ðời,
xin giúp chúng con biết thưa tiếng "xin vâng"
trong sự cấp bách và khẩn thiết hơn bao giờ hết,
để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Mẹ, là Ðấng tràn đầy sự hiện diện của Ðức Kitô,
Mẹ mang lại niềm vui cho Thánh Gioan Tẩy Giả,
làm cho ngài nhảy mừng ngay trong lòng mẹ.
Mẹ, lòng rộn ràng hoan hỉ,
Mẹ đã hát lên ca tụng những kỳ công của Chúa.
Mẹ, là Ðấng đã đứng vững dưới chấn Thập Giá
với một đức tin kiên vững vô cùng,
Mẹ nhận được sự an ủi vui mừng về tin Sống Lại,
và đã hợp cùng các môn đệ trong Chúa Thánh Thần
ngõ hầu Hội Thánh rao giảng Tin Mừng có thể được sinh ra.
Xin cầu cho chúng con giờ đây có một nhiệt huyết mới của Phục Sinh
đề mang đến cho tất cả mọi người Tin Mừng sự sống
là điều đã chiến thắng sự chết.
Xin ban cho chúng con ơn mạnh dạn thánh để kiếm tìm những con đường mới
để đem đến cho tất cả mọi người
hồng ân của vẻ đẹp không bao giờ phai tàn.
Lạy Mẹ, Ðức Trinh Nữ biết lắng nghe và chiêm niệm,
Mẹ của tình yêu, nàng dâu của tiệc cưới vĩnh cửu,
xin cầu bầu cho Hội Thánh, mà Mẹ là biểu tượng rất khiết trinh,
để không bao giờ Hội Thánh tự khép kín nơi mình
hoặc mất lòng say mê trong việc thiết lập Nước Trời.
Lạy Ngôi Sao của Tân Phúc Âm hóa,
xin giúp chúng con tỏa sáng qua việc làm chứng nhân của sự hiệp thông,
của phục vụ, của đức tin nhiệt thành và quảng đại,
của công lý và tình yêu dành cho người nghèo,
để cho niềm vui của Tin Mừng
có thể đi đến tận cùng của trái đất
và không có ngoại vi nào mà không có ánh sáng của nó.
Lạy Mẹ của Tin Mừng hằng sống,
nguồn mạch của niềm vui cho những người bé nhỏ,
xin cầu cho chúng con.
Amen. Alleluia!
Ban hành tại Rôma, nơi Ðền Thờ Thánh Phêrô, vào dịp kết thúc năm của Ðức Tin, ngày 24 tháng 11, Ðại Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, năm 2013, năm thứ nhất của triều đại Giáo Hoàng của tôi.
Phanxicô
(Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ)
-----------
Notes:
[205] Cf. Propositio 36.
[206] JOHN PAUL II, Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 52: AAS 93 (2001), 304.
[207] Cf. V.M. FERNÁNDEZ, "Espiritualidad para la esperanza activa. Discurso en la apertura del I Congreso Nacional de Doctrina Social de la Iglesia (Rosario 2011)", in UCActualidad, 142 (2011), 16.
[208] JOHN PAUL II, Encyclical Letter Redemptoris Missio (7 December 1990), 45: AAS 83 (1991), 292.
[209] BENEDICT XVI, Encyclical Letter, Deus Caritas Est (25 December 2005), 16: AAS 98 (2006), 230.
[210] Ibid., 39: AAS 98 (2006), 250.
[211] SECOND SPECIAL ASSEMBLY FOR EUROPE OF THE SYNOD OF BISHOPS, Final Message, 1: L'Osservatore Romano, Weekly English-language edition, 27 October 1999, 5.
[212] ISAAC OF STELLA, Sermo 51: PL 194, 1863, 1865.
[213] Nican Mopohua, 118-119.
[214] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 52-69.
[215] JOHN PAUL II, Encyclical Letter Redemptoris Mater (25 March 1987), 6: AAS 79 (1987), 366-367.
[216] Cf. Propositio 58.
[217] JOHN PAUL II, Encyclical Letter Redemptoris Mater (25 March 1987), 17: AAS 79 (1987), 381.