Nhân vụ sát nhập
toà đại sứ Mỹ tại Vatican
với tòa đại sứ Mỹ tại Ý
Nhân vụ sát nhập toà đại sứ Mỹ tại Vatican với tòa đại sứ Mỹ tại Ý.
NHoa Kỳ (VietCatholic News 18-12- 2013) - Bài phân tích sau đây là của Anne Hendershott, Giáo Sư Xã Hội Học và Giám Ðốc Trung Tâm Veritas tại Franciscan University of Steubenville, tiểu bang Ohio. Bà là tác giả một số tác phẩm, trong đó có: "Status Envy: The Politics of Catholic Higher Education; The Politics of Abortion; The Politics of Deviance." Bà còn là đồng-tác-giả của loạt bài viết về Canh Tân Giáo Hội: "How a New Generation of Priests and Bishops are Revitalizing the Catholic Church."
Bài phân tích này có tựa đề nguyên thủy là: President Obama's Faithful Helpers (xin mạn phép phóng dịch là "Các gia nô trung thành của Tổng Thống (TT) Obama" được đăng trên www.crisismagazine.com/2013/president-obamas-faithful-helpers, ngày 11 tháng 12 năm 2013).
Quyết định của Tổng Thống Obama trong việc đóng cửa toà Ðại Sứ Mỹ (ÐSM) tại Vatican - di chuyển đại sứ và toàn thể các viên chức về 'se phòng' với Toà Ðại Sứ Mỹ tại Ý -- được nhiều người, trong số đó phải kể đến một vài vị cựu Ðại Sứ Mỹ tại Vatican - nhận định là một bước kế tiếp của chính quyền Obama trong nỗ lực hạ giảm thêm nữa tầm ảnh hưởng của Toà Thánh.
Trong khi chính quyền Obama viện dẫn quan ngại về an ninh như là lý do của việc đóng cửa này (qua một điện thư gửi cho Daily Caller sau vụ tấn công toà Ðại Sứ Mỹ tại Bengazi, Libya, vào ngày 11 tháng 9 năm 2012), thì James Nicholson, Ðại Sứ Mỹ tại Vatican từ 2001-2005, đã mô tả quyết định này như là một "xuống cấp tập thể của mối quan hệ Mỹ-Vatican, một sự lăng mạ đối với giới Công Giáo Mỹ và với Vatican." Ông còn nói thêm với một nhà báo của tờ National Catholic Reporter rằng quyết định này là một "biến đổi toà Ðại Sứ Mỹ (tại Vatican) trở thành đứa con ghẻ của toà Ðại Sứ Mỹ tại Ý.
Các vị cựu Ðại Sứ Mỹ tại Vatican như Francis Rooney, Mary Ann Glendon, Raymond Flynn và Thomas Melady đều có cùng cảm nhận như của Nicholson. Mặc dù đương kim Ðại Sứ Mỹ Kenneth Hackett, người vừa được Tổng Thống Obama chỉ định, đã bênh vực quyết định sát nhập này bằng cách nêu lên sự kiện là nhiều quốc gia khác cũng đều làm như thế (tức chính sách 'se phòng'), cựu Ðại Sứ Mỹ Mary Ann Glendon đã phủ nhận lời bênh vực nói trên bằng cách cho rằng tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Vatican "vẫn xứng đáng phải có một cơ ngơi và bộ mặt riêng."
Việc công kích quyết định đóng cửa vừa nói đã xuất phát từ các vị cưụ Ðại Sứ Mỹ thuộc cả hai đảng. Trong khi Glendon, Nicholson, Rooney và Melady được các Tổng Thống Cộng Hòa chỉ định, thì Raymond Flynn, một trong những tiếng nói công kích mạnh nhất chống lại việc sát nhập, lại được chỉ định bởi Tổng Thống Clinton.
Trong một buổi phỏng vấn với tờ National Catholic Reporter, Flynn nói: "Không phải chỉ những kẻ dội bom xuống các nhà thờ và giết hại người Công Giáo trong vùng Trung Ðông mới là những đối thủ của ta, đó còn là những kẻ đã cố gắng hạn chế quyền tự do tôn giáo và muốn đóng cửa toà Ðại Sứ Mỹ tại Vatican. Trong vụ này, nước Mỹ chẳng có lợi lộc gì, cả về mặt ngoại giao lẫn chính trị."
Một phần Ðường Lối gạt phăng đi các Tiếng Nói Trung Thành
Chính quyền Obama đã biểu tỏ mối ác cảm đối với Giáo Hội Công Giáo trong suốt thời kỳ tại chức--nhất là qua việc hủy bỏ mới đây nhất các phương tiện bảo vệ tự do tôn giáo qua chỉ thị của Bộ Sức Khoẻ và Nhân Dụng (SKND) áp dụng trên việc chăm sóc sức khỏe. Chỉ thị của Bộ Sức Khỏe và Nhân Dụng đòi buộc mọi cơ quan-bao gồm các trường đại học, bệnh viện và các tổ chức phục vụ xã hội của Công Giáo -- phải cung cấp bảo hiểm trong đó có việc cấp phát thuốc phá thai như Ella và Plan B, cũng như các dịch vụ ngừa thai và triệt sản. Chỉ thị này đòi buộc người Công Giáo phải mua loại bảo hiểm, mà theo lời Giáo Hội dậy, thì mang tính vô luân nghiêm trọng. Chỉ thị của Bộ Sức Khỏe và Nhân Dụng buộc các chủ nhân Công Giáo phải chi trả và tạo điều kiện dễ dàng cho việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ đi ngược lại với niềm tin tôn giáo và luân lý sâu xa của họ.
Cách thức lăng mạ kiểu này mà Tổng Thống Obama dành cho giới Công Giáo chỉ là nỗ lực mới nhất của ông nhằm làm hạ giảm tầm ảnh hưởng của Giáo Hội trên các vấn đề về gia đình và sự sống. Ðây là chiến lược hiệu quả mà Tổng Thống đã áp dụng ngay từ những ngày đầu đi vận động làm Tổng Thống qua việc lợi dụng các nhóm Công Giáo cấp tiến, tỉ như nhóm George Soros trong "Liên Minh vì Công Ích" cũng như nhóm "Công Giáo Hợp Nhất" nhằm khuyến dụ cử tri Công Giáo tập chú vào các vấn đề công bằng xã hội (nạn nghèo khó, chẳng hạn) như là cách thức làm giảm con số phá thai mà không cần hạn chế các quyền phá thai. Chẳng những làm ngơ cho Tổng Thống Obama và Kathleen Sebelius bỏ phiếu ủng hộ phá thai trễ và tài trợ phá thai cả ở trong lẫn ngoài nước, hai nhóm Liên Minh và Công Giáo Hợp Nhất này đã vận động để giới Công Giáo tuyển chọn các ứng cử viên nào sẵn sàng đề cập đến cái họ gọi là "căn rễ" của phá thai.
Ðương nhiên hai nhóm này rất khôn khéo không công khai ủng hộ phá thai, tránh né những cuộc chiến tranh văn hoá chung quanh vấn đề phá thai, hòng cho thấy lập trường luân lý cao vời trong các khẩu hiệu bên ngoài, nhưng bên trong thì ngấm ngầm đẩy mạnh các chính sách và các ứng cử viên phò phá thai như Kathleen Sebelius nhẩy vào các chức vụ công quyền cao.
Các nhóm này cũng như các kẻ lãnh đạo nhóm đều đã được Tổng Thống tưởng thưởng hậu hĩ vì đã ủng hộ ông. Quả vậy, nhà thần học giải phóng, Miguel Diaz, người được Tổng Thống chỉ định làm Ðại Sứ Mỹ tại Vatican năm 2009, đã trở thành "cố vấn thần học cho nhóm Công Giáo thuộc 'Liên Minh vì Công Ích'." Vì có cùng chủ trương cấp tiến với nhóm Công Giáo trong 'Liên Minh vì Công Ích,' Diaz được Edward Pentin giới thiệu trong một bài viết đăng trên tờ Catholic World Report ngày 12 tháng 5 năm 2011 như là một người biết tiếp cận các vấn đề phò sự sống "một cách thực tiễn." Khi được hỏi về quan điểm ủng hộ các chính khách phò phá thai, Diaz cho tờ Catholic News Service biết rằng ông tin Tổng Thống Obama đã "hết mình làm việc với những ai đấu tranh bảo vệ mầm sống từ trong bụng mẹ." Còn khi được hỏi tại sao ông ủng hộ bà Kathleen Sebelius, Diaz trả lời rằng Sebelius đã làm việc cật lực để giảm thiểu số vụ phá thai khi còn làm Thống Ðốc Kansas -- mặc dù khi tại chức bà ta đã bỏ phiếu phủ quyết dự luật chống-phá-thai vào năm 2003, 2005, 2006 và 2008, cũng như phủ quyết dự luật bảo đảm phá thai trễ hạn và phòng ngừa "phá thai cưỡng bách."
Ðại Sứ Miguel Diaz: Gia nô trung thành nhất của Obama
Mặc dù cấu kết với nhóm Công Giáo trong "Liên Minh vì Công Ích" trong suốt giai đoạn Obama vận động làm Tổng Thống, và mạnh mẽ ủng hộ các chính sách phá thai "thực tiễn" của Kathleen Sebelius, Diaz đã không phải là chọn lựa đầu tiên của Tổng Thống Obama trong chức vụ Ðại Sứ Mỹ tại Vatican vào năm 2009. Theo tờ Telegraph của Anh Quốc, thì chọn lựa thứ nhất này chính là dành cho ái nữ cố Tổng Thống John F. Kennedy là Caroline Kennedy, người có chủ trương phò phá thai. Thế nhưng chủ trương phò phá thai này hẳn là sẽ không được Vatican chấp nhận. Diaz chưa hề công khai ủng hộ phá thai-cho dù ông đã ủng hộ một số chính khách cực kỳ phò phá thai tại Mỹ.
Ngoài "Liên Minh vì Công Ích," Diaz còn cấu kết với "Tiếng Nói Giáo Dân," một tổ chức cấp tiến nổi lên từ vụ xì căng đan giáo sĩ lạm dụng tình dục vào năm 2002, thoạt đầu là chủ trương ủng hộ các nạn nhân, nhưng rồi mở rộng chủ trương sang lãnh vực cải cách cơ cấu lớn của Giáo Hội, bao gồm việc giảm hạ uy tín của các linh mục và giám mục, dành chỗ đi lên cho giáo dân. Diaz cống hiến cho "Tiếng Nói Giáo Dân" một loạt bài về "Lời Hứa của Vatican II" bằng cách xuất hiện trên cuốn DVD mang tựa đề "Trở Thành Giáo Hội Trần Thế." Trong cuốn DVD này, ông trưng dẫn hai văn kiện "Lumen Gentium" và "Gaudium et Spes" biện minh cho chủ đích nâng cao vai trò giáo dân và đẩy lui vai trò hàng Giáo phẩm. Với Diaz, khi Giáo Hội đi sát hơn với một "Giáo Hội Trần Thế" vốn khai mở một thứ đạo "Công Giáo bình dân"--một tôn giáo nẩy sinh từ quần chúng và kinh nghiệm quần chúng chứ không phải từ Kinh Thánh và các giáo huấn chính thức của Giáo Hội, thì tôn giáo sẽ trở thành chính thống hơn, bởi nó xuất phát từ chính quần chúng bị áp bức.
Trong tác phẩm hợp soạn 'From the Heart of Our People,' Diaz và các cộng sự viên dùng ngôn ngữ Thần Học Giải Phóng để biện luận cho thứ đạo 'Công Giáo bình dân' như là một tôn giáo chính thức, "tôn giáo của những con người bị đầy đoạ bởi cả xã hội lẫn Giáo Hội tại Mỹ#nó chứa đựng, cống hiến và chuyển tải những chủ trương và nguyên tắc thần học đặt nền cho niềm tin... một nền tảng tối hậu của hữu thể sâu thẳm nơi quần chúng, đồng thời là biểu cảm chung linh hồn tập thể của quần chúng." Từ viễn tượng này, 'bình dân' không có nghĩa là nổi bật, mà là ám chỉ niềm tin tôn giáo nổi lên từ chính quần chúng.
Theo chương nói về Maria Pilar Aquino trong tác phẩm của Diaz, thì "Công Giáo bình dân" chính là một tôn giáo trong đó quần chúng xây dựng một viễn kiến phức tạp và năng động về thế giới, nối kết kinh nghiệm tôn giáo với các truyền thống khác của Giáo Hội về đời sống và suy tưởng, chống lại cao trào các tôn giáo và ý hệ thống lĩnh, cũng như đối diện với các mâu thuẫn hiện tại và các khả thể tương lai của thực tại lịch sử."
Với tư cách nhà tiên phong của 'Công Giáo bình dân,' cả Diaz lẫn đồng tác giả Orlando Espin đều chủ trương rằng thần học phải luôn mang tính văn hoá. Do đó bất kỳ một nỗ lực nào làm cho thần học và tôn giáo của một cộng đồng trở thành phi văn hoá sẽ đều là tội lỗi. Theo hai tác giả này, "những ai hưởng đặc ân từ cơ chế Giáo Hội như là nhân chứng của nền Công Giáo chân chính" thì đều sai lạc cả.
Hơn ba mươi năm trước đây, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận ra mối nguy hiểm của thứ Công Giáo bình dân này và đã phi bác cái ý tưởng về một 'Giáo Hội của quần chúng' bằng những lời cứng rắn; Ngài tiên đoán rằng cái "Giáo Hội sinh ra từ quần chúng là một thứ sản phẩm mới vừa phi lý lại vừa nguy hiểm#thật là vô cùng khó khăn nếu muốn tránh không bị đầu độc bởi những thứ ý hệ lạ lùng này."
Ðã đọc sách và nghe ông diễn thuyết, ta mới dễ hiểu tại sao Tổng Thống Obama đã chọn Miguel Diaz làm Ðại Sứ Mỹ tại Vatican. Cũng dễ hiểu tại sao quyết định đóng cửa toà Ðại Sứ Mỹ đã khởi sự trong nhiệm kỳ của Diaz. Chính ông cũng công nhận như thế. Ngày 26 tháng 11 năm 2013, trong một buổi phỏng vấn của Catholic News Service, Diaz nói rằng "ông ta đã dính sát với quyết định đóng cửa toà Ðại Sứ Mỹ và không hề thấy có yếu tố gì làm hạ giảm vị trí của nó cả." Ông còn thêm rằng "kế hoạch đóng cửa này đã có từ hồi Tổng Thống George W. Bush." Nếu đúng thế, thì lý do "quan ngại về an ninh" liên quan đến vụ Bengazi mà Bộ Ngoại Giao đưa ra không hề đúng. Cuộc tấn công toà Ðại Sứ Mỹ tại Bengazi đã xẩy ra vào năm 2012. Có lẽ chính Diaz đã giúp phối trí với Bộ Ngoại Giao để đưa ra cái "lý do chính thức" cho việc đóng cửa này.
Nay thì Diaz đã giã từ chức vụ Ðại Sứ Mỹ để lui về làm giáo sư tại University of Dayton, tiểu bang Ohio, thì hôm 18 tháng Giêng năm 2013, tờ Catholic News Agency đã tường trình rằng Tổng Thống Obama đã tìm người thay thế cho Diaz từ trong nhóm Công Giáo "Liên Minh vì Công Ích." John Allen của tờ National Catholic Reporter cho biết có tin là Giáo Sư Stephen F. Schneck thuộc Catholic University có thể sẽ được chọn thay thế Diaz. Theo Tổng Thống Obama, Schneck sẽ là một lựa chọn tuyệt hảo do bởi sự cấu kết của ông với 'Liên Minh vì Công Ích," cũng như do thái độ sẵn sàng công khai phê phán các giám mục nếu ông thấy các vị bước qua lãnh vực chính trị. Quả vậy, năm 2009, Schneck là một trong 26 học giả Công Giáo đã ký tên vào bản kiến nghị 'Catholics for Sebelius,' nhằm ủng hộ quyết định của Tổng Thống Obama bổ nhiệm Sebelius làm Bộ Trưởng Bộ Sức Khỏe và Nhân Dụng. Ông cũng là một trong 24 người ký vào bản kiến nghị đăng trên tờ South Bend Tribune nhan đề "Catholic Leaders and Theologians Welcome President Obama to Notre Dame." Ðây là tờ quảng cáo được 'Liên Minh vì Công Ích' bảo trợ nhằm phê phán các giám mục nào đã chống đối University of Notre Dame khi quyết định tặng bằng danh dự cho Tổng Thống Obama.
Vào thời điểm đó, chính Ðức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Denver có nói rằng "công việc của các nhóm Công Giáo liên kết với Ðảng Dân Chủ như 'Liên Minh vì Công Ích' đã không hề phục vụ cho Giáo Hội, làm rối beng các mối ưu tiên tự nhiên trong giáo huấn xã hôi Công Giáo, phá hỏng bước tiến của phong trào phò sự sống, và làm cớ cho một số người Công Giáo bác bỏ vấn đề phá thai." Mặc dù thế, Schneck vẫn tiếp tục đứng ra làm thành viên trong ban lãnh đạo 'Liên Minh vì công Ích.'
Với Tổng Thống Obama, Schneck sẽ là một chọn lựa tuyệt hảo cho chức vụ Ðại Sứ Mỹ tại Vatican, bởi vì ngoài việc chỉ trích các giám mục Công Giáo về các vấn đề sự sống và tự do tôn giáo, Schneck luôn luôn sẵn sàng tấn công Ðảng Cộng Hoà về thái độ mà ông cho là "đi ngược" lại giáo huấn Công Giáo. Năm 2011, khi Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner được mời đọc diễn văn ra trường tại Catholic University of America, chính Schneck đã tổ chức một cuộc chống đối bao gồm 78 giáo sư thuộc một số trường đại học Công Giáo nhằm ký tên vào một lá thư ngỏ gửi ông Chủ Tịch để chỉ trích việc ông không bảo vệ người nghèo. Trong khi quên tuốt luốt lập trường phò sự sống kiên định của ông Chủ Tịch, nhóm chống đối này tố giác ông đã thao túng Hạ Viện để thông qua dự luật giảm thuế người giầu, như thế là làm hại giới nghèo. Họ còn tố ông Chủ Tịch là đã đi ngược lại "giáo huấn luân lý lâu đời nhất của Giáo Hội là dành ưu tiên cho các nhu cầu của giới nghèo." Mặt khác, Schneck còn mạnh mẽ ủng hộ Tổng Thống và Sebelius trong chủ trương phò phá thai.
Tuy không chọn Schneck làm Ðại Sứ Mỹ, nhưng Tổng Thống Obama đã chỉ định một nhân vật phò sự sống "thực tiễn" khác là Kenneth Hackett, cựu giám đốc Catholic Relief Services (CRS -- Dịch Vụ Cứu Trợ Công Giáo). Theo John-Henry Westen trên LifeSiteNews.com, thì chỉ sau bốn ngày nhậm chức tân Ðại Sứ Mỹ tại Vatican, Ken Hackett đã "miệt thị những người phò sự sống nào trước đây đã tố giác cơ quan Catholic Relief Services (CRS -- Dịch Vụ Cứu Trợ Công Giáo) của ông là đã tài trợ cho các tổ chức phá thai và ngừa thai." Hồ sơ vận động cho thấy Hackett, với tiền lương $300,000 một năm trong chức vụ làm giám đốc một tổ chức cứu trợ người nghèo, đã tích cực đóng góp cho Tổng Thống Obama.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ National Catholic Reporter vào ngày 25 tháng 10 năm 2013, Hackett mô tả vai trò của ông như là "đại diện cho Tổng Thống và cho chính phủ trước các thành viên Hội Ðồng Tư Vấn Roma và trước Toà Thánh về các vấn đề đối với ta là ưu tiên, trong khi nhìn nhận rằng Toà Thánh thật sự mang tính toàn cầu... có nhiều vấn đề mà chính phủ Mỹ không chỉ coi là cùng chung lý tưởng với Vatican, mà cả hai bên còn có chung những mối ưu tiên thật sự nữa." Khi được hỏi liệu ông có 'bao che' cho một chính phủ mà theo một số người Công Giáo tại Mỹ cho rằng có tính thù địch, thì Hackett trả lời rằng ông không thấy "bị gây rắc rối gì khi có những điều bất đồng, cần phải đối thoại hơn là ném đá nhau."
Nay thì Hackett đang bao che cho quyết định của Tỏng Thống Obama khi giáng cấp vai trò toà Ðại Sứ Mỹ tại Vatican. Sau khi lập lại lý do an ninh trong quyết định đóng cửa toà Ðại Sứ Mỹ, cũng trên tờ National Catholic Reporter, Hackett còn thêm rằng "cơ sở mới sẽ cho quý khách cảm tưởng là nước Mỹ rất coi trọng mối bang giao với Vatican." Cũng thế, Miguel Diaz ca ngợi quyết định mà ông đã có công vun đắp, khi nói chuyện với John Allen trên tờ National Catholic Reporter rằng các chỉ trích về việc đóng cửa toà Ðại Sứ Mỹ đều "xuất phát từ các đại biểu của các Tổng Thống Cộng Hoà" do đó nó có "hơi hướng đảng phái." Có lẽ đã tới lúc ông Diaz nên đọc lại những lời đanh thép chống lại việc đóng cửa toà Ðại Sứ Mỹ thốt ra từ cửa miệng Ðại Sứ Mỹ Flynn, một người được Tổng Thống Clinton chỉ định.
Nguyễn Kim Ngân