Ðức Thánh Cha quảng diễn
ý nghĩa mầu nhiệm Ðức Mẹ được
đặc ân vô nhiễm nguyên tội
50 ngàn tín hữu đọc kinh Truyền Tin với Ðức Thánh Cha: Ðức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa mầu nhiệm Ðức Mẹ được đặc ân vô nhiễm nguyên tội.
Vatican (Vat. 8-12-2013) - Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 8 tháng 12 năm 2013 với 50 ngàn tín hữu và đến cầu nguyện trước cột đài Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội ở Roma.
Theo lịch chung của Giáo Hội hoàn vũ, ngày 8 tháng 12 năm 2013 là chúa nhật thứ 2 mùa vọng, nên lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm được dời sang ngày thứ hai hôm sau, 9 tháng 12 năm 2013. Nhưng Bộ Phụng Tự đã đặc biệt cho phép tất cả các giáo phận tại Italia được mừng kính Lễ Ðức Mẹ Vô nhiễm vào ngày chúa nhật mùng 8 tháng 12 năm 2013.
Bài huấn dụ của Ðức Thánh Cha
Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin, Ðức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa mầu nhiệm Ðức Mẹ được đặc ân vô nhiễm nguyên tội, dựa trên bài Tin Mừng của ngày lễ. Ngài nói:
Anh chị em thân mền, chào Anh Chị em!
Chúa nhật thứ hai mùa vọng này, trùng vào lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, và vì thế, cái nhìn của chúng ta bị thu hút vì vẻ đẹp của Mẹ Chúa Giêsu, là Mẹ chúng ta! Giáo Hội rất vui mừng chiêm ngắm Mẹ là "Người đầy ơn phúc" (Lc 1,28), và khi bắt đầu bằng những lời này, tất cả chúng ta hãy kinh chào Mẹ: "Ðầy ơn phúc". Chúng ta hãy nói ba lần: "Ðầy ơn phúc!". Tất cả: "Ðầy ơn phúc... Thiên Chúa đã nhìn Mẹ ngay từ lúc đầu tiên trong kế hoạch yêu thương của Chúa. Mẹ Maria nâng đỡ chúng ta trong hành trình hướng về Lễ Giáng Sinh, vì Mẹ dạy chúng ta cách sống Mùa Vọng này trong sự chờ đợi Chúa.
Tin Mừng theo thánh Luca trình bày cho chúng ta một thiếu nữ ở thành Nazareth, một thị trấn nhỏ bé của miền Galilea, ở vùng biên cương của đế quốc Roma và ở ngoài lề của Israel. Vậy mà Mẹ đã được Thiên Chúa đoái nhìn đến, đã chọn Mẹ làm mẹ của Chúa. Do chức phận làm mẹ ấy, Ðức Maria đã được gìn giữ khỏi mắc tội tổ tông truyền, nghĩa là khỏi sự rạn nứt trong tình hiệp thông với Thiên Chúa, với tha nhân và với thiên nhiên, vốn làm thương tổn sâu xa cho mỗi người. Nhưng sự rạn nứt ấy đã được chữa lành trước nơi Mẹ của Ðấng đã đến để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội đã được ghi trong kế hoạch của Thiên Chúa; là kết quả của tình yêu Thiên Chúa Ðấng cứu độ thế giới.
Và Ðức Mẹ không bao giờ xa lìa tình yêu ấy; trọn cuộc sống, trọn con người của Mẹ là một lời "xin vâng" đối với Thiên Chúa. Nhưng thực ra điều ấy không dễ dàng đối với Mẹ! Khi Sứ thần gọi Mẹ là "Người đầy ơn phúc" (Lc 1,28), Mẹ rất "sao xuyến", vì trong sự khiêm hạ, Mẹ cảm thấy mình không là gì cả trước Thiên Chúa. Sứ thần Chúa trấn an Mẹ: "Hỡi Maria, xin đừng sợ, vì Trinh Nữ đã được ân phúc nơi Thiên Chúa. Và này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai một con trai.. và sẽ gọi Người là Giêsu" (v.30). Lời loan báo này càng làm cho Mẹ Maria giao động hơn nữa, vì Mẹ chưa thành hôn với Giuse; nhưng Sứ thần nói thêm: "Thánh Linh sẽ ngự xuống trên Trinh Nữ.. vì thế hài nhi sinh ra sẽ là thánh và được gọi là Con Thiên Chúa" (v.35). Mẹ Maria lắng nghe, trong tâm hồn vâng phục và thưa lại: "Này tôi là nữ tỳ Chúa: xin xảy đến cho tôi theo lời ngài" (v.38).
"Mầu nhiệm về thiếu nữ thành Nazareth ấy là người ở trong con tim của Thiên Chúa, không phải là điều xa lạ đối với chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa yêu thương đoái nhìn mỗi người nam nữ! Thánh Phaolô Tông đồ quả quyết rằng Thiên Chúa "đã chọn chúng ta trước khi tạo thành vũ trụ để chúng ta được nên thánh thiện và không tỳ ố" (Ep 1,4). Cả chúng ta, từ đời đời, đã được Thiên Chúa chọn để sống một cuộc đời thánh thiện, được giải thoát khỏi tội lỗi. Ðó là một dự phóng yêu thương mà Thiên Chúa lập lại mỗi khi chúng ta đến cùng Ngài, nhất là qua các bí tích.
Vì thế, trong đại lễ này, khi chiêm ngắm Ðức Mẹ vô nhiễm của chúng ta, chúng ta cũng nhìn nhận vận mệnh đích thực nhất của chúng ta, ơn gọi sâu xa nhất của chúng ta, đó là: được yêu mến, được tình thương biến đổi. Chúng ta hãy nhìn Mẹ, và để cho Mẹ nhìn ngắm chúng ta; để học cách trở nên khiêm nhường hơn, can đảm hơn trong việc sống theo Lời Chúa; để đón nhận vòng tay dịu dàng của Chúa Giêsu, Con của Người, vòng tay ban cho chúng ta sự sống, hy vọng và an bình.
Chào thăm
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh Cha chào thăm mọi người, ngài nêu tên nhiều phái đoàn ở Italia, và nói thêm rằng:
"Chúng ta hiệp ý với Giáo Hội sinh sống ở Bắc Mỹ, ngày hôm nay đang kỷ niệm 350 năm thành lập giáo xứ đầu tiên, đó là Giáo Xứ Ðức Bà Québec. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì hành trình đã trải qua từ đó, nhất là các vị thánh và các vị tử đạo đã làm cho những lãnh thổ ấy được phong phú. Tôi thành tâm chúc lành cho tất cả các tín hữu đang cử hành lễ kỷ niệm này."
Ðức Thánh Cha đặc biệt chào thăm các thành viên Phong trào Công Giáo tiến hành Italia, hôm nay lập lại quyết tâm gắn bó theo Phong trào. Ngài cầu chúc họ mọi sự tốt lành cho nỗ lực dấn thân huấn luyện và làm tông đồ.
Ðức Thánh Cha cũng loan báo chương trình hoạt động ban chiều của ngài với mục đích cầu nguyện dưới chân tượng đài Ðức Mẹ Vô nhiễm, như một hành vi sùng mộ con thảo đối với Ðức Mẹ Maria, để phó thác cho Mẹ thành Roma, Giáo Hội và toàn thể nhân loại.
Kính viếng đài Ðức Mẹ Vô Nhiễm
Và thực vậy, lúc 4 giờ chiều cùng ngày 8 tháng 12 năm 2013, tiếp nối một truyền thống từ lâu đời, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đến đặt vòng hoa tôn kính và cầu nguyện trước cột đài Ðức Mẹ Vô Nhiễm ở Quảng trường Tây Ban Nha và trước trụ sở của Bộ truyền giáo. Cột đài này được Ðức Chân phước Giáo Hoàng Piô 9 khánh thành ngày 8 tháng 9 năm 1857, tức là 3 năm sau khi tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cột cao 11.81 mét trên đó có tượng Ðức Mẹ đầu đội triều thiên 12 ngôi sao.
Khi Ðức Thánh Cha tiến vào con đường Condotti, đã có đông đảo các tín hữu chờ hai bên đường để chào đón ngài. Ngài đừng lại trước Nhà thờ Chúa Ba Ngôi của các cha dòng Ða Minh người Tây Ban Nha, để nhận sự chào đón của Hiệp hội các thương gia tại khu vực có những cửa tiệm nổi tiếng nhất của thành Roma.
Tại Quảng trường Tây Ban Nha, Ðức Thánh Cha đã được Ðức Hồng Y Vallini, Giám quản Roma và ông đô trưởng Roma, Ignazio Marino, và ông chủ tịch miền Lazio, Nicola Zingaretti đón tiếp. Ðặc biệt tại đây có sự hiện diện của 150 anh chị em bệnh nhân ngồi trên xe lăn, do tổ chức từ thiện Unitalsi giúp đưa từ đảo Sardegna tới đây, cùng với hàng ngàn tín hữu. Ngoài ra cũng có sự hiện diện của Ðức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo và hai vị Tổng Giám Mục Tổng thư ký của Bộ là Savio Hàn Ðại Huy và Protase Rugambwa.
Sau lời nguyện mở đầu và đoạn sách Tông Ðồ công vụ (12,1-6a), Ðức Thánh Cha đã đọc kinh nguyện dâng lên Mẹ Thiên Chúa:
"Lạy Ðức Trinh Nữ thánh và vô nhiễm, với lòng tín thác và yêu mến, chúng con hướng về Mẹ, Mẹ là vinh dự của dân tộc chúng con và là người ân cần bảo vệ thành thị của chúng con.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Ðấng tuyệt đẹp, chẳng có tội lỗi nơi Mẹ. Xin khơi dậy trong chúng con được một ước muốn mới được nên thánh: xin cho ánh quang chân lý rạng ngời trong lời nói của chúng con, cho bài ca bác ái vang dội trong các hoạt động của chúng con, và sự tinh tuyền và khiết tịnh ngự trị trong thân xác và tâm hồn chúng con, cho trọn vẹn vẻ đẹp của Tin Mừng hiện diện trong đời sống chúng con.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Ðấng tuyệt đẹp! Lời của Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong Mẹ.
Xin làm cho chúng con đừng đánh mất ý nghĩa hành trình trần thế của chúng con: xin cho ánh sáng dịu dàng của đức tin chiếu sáng những ngày đời của chúng con, cho sức mạnh an ủi của hy vọng hướng dẫn bước chân của chúng con, cho sức nóng lan tỏa của tình yêu linh hoạt con tim của chúng con, cho mắt của tất cả chúng con hướng nhìn về nơi Thiên Chúa, nơi có niềm vui đích thực.
Lạy Mẹ Maria là Ðấng tuyệt đẹp, xin lắng nghe lời nguyện của chúng con, nghe lời khẩn cầu của chúng con: xin Mẹ là vẻ đẹp của tình yêu thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu trong chúng con, xin Mẹ là vẻ đẹp thần linh đến cứu thoát chúng con, thành thị của chúng con và toàn thế giới. Amen
Rồi Ðức Thánh Cha đã dâng vòng hoa tôn kính Ðức Mẹ, trong khi cộng đoàn hát kinh cầu Ðức Bà, rồi bài ca Ave Maria, trước khi ngài ban phép lành cho mọi người. Ngài chào thăm một số bệnh nhân ngồi trên xe lăn.
Rời đài Ðức Mẹ, trên đường về, Ðức Thánh Cha còn đến Ðền thờ Ðức Bà Cả để cầu nguyện trước ảnh Ðức Mẹ là phần rỗi của Dân Roma. Thói quen này đã được Ðức Gioan 23 khởi sự, rồi được Ðức Gioan Phaolô 2 tiếp nối cho đến năm 1995, rồi Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức năm 2006.
Ðối với Ðức Thánh Cha Phanxicô, ngài đến kính viếng và cầu nguyện trước Ảnh Ðức Mẹ tại đây ngay sáng hôm 14 tháng 3 năm 2013 sau khi được bầu làm Giáo Hoàng.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)