Thần học đối thoại với các nền văn hoá
Thần học đối thoại với các nền văn hoá.
Roma (WHÐ 07-12-2013) - Sáng 06 tháng 12 năm 2013, mở đầu buổi tiếp kiến Uỷ ban Thần học Quốc tế - vừa kết thúc Ðại hội toàn thể tại Vatican -, Ðức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng theo Hiến chế Gaudium et Spes, nhà thần học có nhiệm vụ "chăm chú lắng nghe, phân định và giải thích các thứ ngôn ngữ của thời đại, rồi nghiệm xét dưới ánh sáng của Lời Chúa, để chân lý mặc khải luôn được nhận thức, được thấu triệt, và được trình bày cách thích hợp hơn".
"Nhà thần học là những người tiên phong trong cuộc đối thoại của Giáo hội với các nền văn hóa, một cuộc đối thoại vừa phải quyết liệt lại vừa khoan hoà, giúp cho con người thuộc mọi tầng lớp và mọi nền văn hóa dễ dàng tiếp thu Lời Chúa".
Ðức Thánh Cha nói tiếp: "Về mối tương quan giữa độc thần và bạo lực, đề tài thảo luận của Uỷ ban, Kitô giáo khẳng định rằng Mặc khải thực sự là một Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Thiên Chúa không phải là mối đe dọa đối với con người. Ðức tin vào một Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi vị không hề gây ra bạo lực và bất khoan dung, vì lẽ tính chất hết sức hợp lý của đức tin đem lại cho đức tin một chiều kích phổ quát có thể nối kết mọi người thiện chí".
"Và rồi Mặc khải chung cuộc nơi Chúa Giêsu Kitô khiến cho từ nay không thể sử dụng bạo lực nhân danh Thiên Chúa, vì chính do từ khước bạo lực mà Chúa Giêsu đã lấy điều thiện thắng điều ác. Bằng máu đổ ra trên thánh giá, Chúa Giêsu đã hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa".
Một đề tài khác được cũng được bàn luận trong Ðại hội là học thuyết xã hội của Giáo hội, "đem tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người thể hiện trong Chúa Giêsu Kitô... vào trong đời sống xã hội Giáo hội có nghĩa vụ sống trước hết sứ điệp xã hội mà mình mang đến cho thế giới. Mối tương quan hệ huynh đệ giữa các tín hữu, quyền bính như sự phục vụ, chia sẻ với người nghèo, đó là những đặc điểm của đời sống Giáo hội ngay từ buổi đầu và phải là một mô hình cho các cộng đoàn khác, từ gia đình đến xã hội dân sự. Ðây là chứng từ của toàn thể dân Chúa, bởi vì dân Chúa là một dân tộc tiên tri".
"Bởi ơn Chúa Thánh Thần, các thành viên Giáo hội có được cảm thức đức tin (sensus fidei), một thứ bản năng thiêng liêng giúp đồng cảm với Giáo hội (sentire cum Ecclesia) và phân định điều gì là phù hợp với đức tin tông đồ và tinh thần Phúc âm. Chắc chắn người ta không được lẫn lộn cảm thức đức tin với thực tế xã hội hay ý kiến của đa số. Các nhà thần học phải đặc biệt lưu ý điều đó và Ðức Bênêđictô XVI đã thường xuyên nhắc nhở rằng nhà thần học phải lưu tâm tới đức tin của những người khiêm tốn và bé mọn, những người đã được Chúa Cha mặc khải cho - chứ không phải là những người khôn ngoan và thông thái".
"Do đó, nhiệm vụ của các nhà thần học là hấp dẫn nhưng lại nguy hiểm bởi vì việc nghiên cứu và dạy thần học có thể là con đường nên thánh... nhưng cũng dẫn đến cám dỗ làm cho tâm hồn cằn khô, kiêu ngạo và đầy tham vọng".
Ðức Thánh Cha kết luận, có lần Thánh Antôn Pađua nhận được thư của Thánh Phanxicô Assisi viết rằng "Tôi muốn thầy dạy thần học cho anh em, miễn là trong việc nghiên cứu, thầy đừng dập tắt tinh thần cầu nguyện và lòng sùng mộ". Xin Ðức Trinh Nữ giúp các nhà thần học "lớn lên trong tinh thần này, với ý nghĩa sâu xa của lòng khiêm nhường, của người tôi tớ thực sự của Giáo hội".
(Theo VIS)
Minh Ðức