Thánh lễ Bế Mạc Năm Ðức Tin
tại Giáo Phận Nha Trang
Thánh lễ Bế Mạc Năm Ðức Tin tại Giáo Phận Nha Trang.
Nha
Trang (GP Nha Trang 25-11-2013) - Tại Nhà Thờ Chánh Tòa Nha Trang
vào lúc 9g00, ngày 25 tháng 11 năm 2013, Ðức Cha Giuse Võ
Ðức Minh, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang đã chủ tế thánh lễ
bế mạc năm Ðức Tin, hiện diện trong thánh lễ có Ðức Cha
Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên Giám Mục Giáo Phận Nha Trang
và 159 Linh mục trong Giáo Phận, quý tu sĩ nam nữ thuộc các
Hội Dòng trong Giáo Phận và đông đảo giáo dân từ các
giáo xứ.
Tại Nhà Thờ Chánh Tòa Nha Trang vào lúc 9g00, ngày 25 tháng 11 năm 2013, Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang đã chủ tế thánh lễ bế mạc năm Ðức Tin. |
Khởi đầu thánh lễ, Ðức Cha nói lên ý nghĩa của ngày lễ kính các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, những chứng nhân trung kiên trong việc sống và thực hành đức tin của mình, đặc biệt trong ngày lễ này chúng ta bế mạc năm học hỏi và sống đức tin, khép lại nhưng lại mở ra cho cộng đoàn dân Chúa cách thế thực hành đức tin mà mình đã lãnh nhận được trong chính môi trường sống của mình.
Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Ðức Cha Giuse đã chia sẻ lại bức thư mục vụ của Ðức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận năm xưa khi ngài làm Giám Mục Giáo Phận Nha Trang, trong đó Ðức Hồng y nói về những chứng nhân đã sống đức tin một cách anh dũng và lấy máu đào để minh chứng cho tình yêu và niềm tin mà mình đã lãnh nhận, mặc dù các ngài đã trải qua muôn sự khó khăn nhưng các ngài quyết chọn Chúa là phần phúc và gia nghiệp của mình. Qua đó, Ðức Cha Giuse mời gọi chúng ta là con cháu, chúng ta không chỉ mừng kính, gìn giữ nhưng làm sao đức tin ấy tiếp tục đươc lan tỏa thêm nữa trong Giáo phận thân yêu của chúng ta.
Toàn văn thư mục vụ của Ðức Hồng Y:
Thà Chết Không Thà Chối Chúa
Suốt 300 năm giáo dân sống trong hồi hộp lo sợ nhưng đã nêu gương can đảm phi thường. Sau mỗi lần đổ nát, lưu đày, chết chóc, cha con lại cùng nhau xây dựng, sống đạo cho mình và truyền đạo cho kẻ khác. Chính vì thế mà số người đi đạo ngày càng thêm đông mặc dầu biết đi đạo sẽ bị thiệt thòi về tài sản cũng như tính mạng, nhưng sức lôi cuốn của đời sống Công giáo chân thật quá, đạo đức quá, mãnh liệt quá, họ không thể chống cự được. Một người ngã gục vì đức tin, 10 người, 100 người đứng lên xin theo đạo.
Trong 3 thế kỉ này cơn bắt đạo khi tăng khi giảm, chứ không bao giờ ngừng hẳn. Ðây tôi chỉ đơn cử một vài trường hợp:
Năm 1700
Tại Nha Trang: Ông Hoành, Ông An, Bà Anê Bùi bị giam đói trong một cái chòi đến chết.
Tại Ninh Hoà: Ông Ignatiô Lư, Bà Agata Cư và Ông Phêrô Tam chịu chết vì Chúa.
Tại Ninh Thuận: 1 thầy giảng và 4 giáo dân bị giam đói nhưng được thả sau 5 ngày.
Năm 1750
Có sắc chỉ cấm đạo khắp Ðàng Trong. Ninh Hoà và Chợ Mới bị phá bình địa. Ðức Cha Bennatat và Cha Tchang (người Trung Hoa) bị bắt tại Chợ Mới, điệu ra Hội An và bị trục xuất một lượt với Ðức Cha Lefèbre và 24 vị thừa sai. Cả Ðàng Trong chỉ còn 1 cha Việt Nam là cha Nhiệm và 1 cha dòng Tên người Ðức tên Koffer là ngự y tại triều đình. Nhiều giáo dân phải giam cầm khổ sở và chết rũ tù, mãi đến 1768, vẫn còn 30 giáo dân bị cầm tù vì Chúa.
Năm 1851-1856
Vua Tự Ðức ra sắc cấm đạo dữ tợn hơn: Trên toàn quốc có 3,500 người bị lên án tử hình, 400,000 người đi phân sáp, 115 linh mục Việt Nam, 10 linh mục thừa sai và 100 Nữ tu Mến Thánh Giá chết vì Chúa.
Ðịa phận Nha Trang cũng chung một số phận. Năm 1861 Ðức Cha Têphanô Thể chết gục tù ở Bình Ðịnh. Cha Ðôminicô Chính xứ Ninh Thuận và Bình Thuận chịu chém tại Phan Rí.
Tại Khánh Hoà: Bà Nhứt Mến Thánh Giá Chợ Mới, Ðại chủng sinh Giuse Hữu (Chợ Mới), 6 giáo dân Bắc Việt đi phân sáp và Cô Anê Dần đã chịu chết vì Chúa.
Năm 1861: Nữ tu Anna Tri ở xóm Gò Phan Rang, Nữ tu Anê Soạn (gốc Bình Ðịnh) đã bị bắt tại Láng Mun (Tân Hội, Ninh Thuận) và xử giảo tại Phan Rí cùng với 13 giáo dân. Cùng năm ấy, 9 giáo dân đã chết vì đạo tại Bình Thuận.
Ðức Cha Trí (Charbonnier) trước khi được chọn làm Giám Mục (1864) đã bị giam 2 tháng trong một chiếc cũi.
Thời Văn Thân 1885
Ðịa phận Nha Trang phải đau khổ thiệt hại nhân mạng cũng như tài sản rất lớn lao như các Ðịa Phận khác ở Bắc và Trung Việt. Khánh Hoà từ 2,843 giáo dân năm sau chỉ còn 800, Ninh Thuận từ 1,892 giáo dân chỉ còn sống sót 400 vào Sài Gòn.
Bình Thuận mất hết giáo dân, xứ Chú Quân bị tàn sát, còn giáo dân Kim Ngọc, Phú Hài, Ðất Ðỏ và một phần Tầm Hưng vào Sài Gòn, số còn lại với giáo dân Sông Luỹ, Ma Ó đã lẩn trốn trên núi.
Anh em thân mến,
Khi nhắc lại 300 năm lịch sử Ðịa Phận Nhà, tôi chắc rằng lòng anh em cảm động, biết ơn, hãnh diện và tin tưởng.
Cảm
động vì trên muôn nẻo đường ta đi, đã được in các
dấu chân các vị Thừa sai, các Linh mục bản xử, đem tin
lành đến cho chúng ta, giữa bao nhiêu hiểm nguy. Cảm động vì
thấy những cửa biển Nha Trang, Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết, Lagi
là những nơi đã đón tiếp các vị truyền giáo cập bến
đầy lo sợ giữa đêm khuya hoang vắng. Cảm động khi thấy
những núi xanh rừng rậm, nơi mà giáo dân ẩn lánh trong cơn
bắt bớ.
Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang đã chủ tế thánh lễ bế mạc năm Ðức Tin. Hiện diện trong thánh lễ có Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên Giám Mục Giáo Phận Nha Trang và 159 Linh mục trong Giáo Phận. |
Chúng ta biết ơn Toà Thánh đã sai các nhà truyền giáo đến Việt Nam, đã phong chức cho Ðức Cha Phêrô Lambert De La Motte đại diện Tông toà đầu tiên đến quản trị Ðàng Trong. Chúng ta biết ơn các vị tông đồ truyền giáo thuộc nhiều dòng tu như dòng Tên, dòng Ðaminh, dòng Phanxicô, dòng Augustinô và dòng Barnabite, đặc biệt Hội truyền giáo Balê. Chúng ta ghi nhớ các vị ân nhân khắp nơi đã góp công góp của vào công việc Phúc Âm hoá.
Chúng ta hãnh diện và đáng hãnh diện thật! Có phải hãnh diện vì có thánh đường khang trang, cơ sở đồ sộ? Có phải hãnh diện vì giáo dân đông đúc? Không, sức mạnh của Hội Thánh không căn cứ vào vật chất, cũng không căn cứ vào số lượng, nhưng chúng ta hãnh diện vì Thánh Giá Chúa Kitô, vì lòng trung thành của Ông bà ngày trước với Hội Thánh, vì cuộc sống đạo sốt sắng, vì đức tin vững vàng dù chết cũng không rung chuyển được, vì chí can đảm sống đạo và truyền đạo cho mọi người, vì đã trưởng thành nhận lấy vai trò chiến sĩ của mình hợp tác và thay thế lúc không có Linh mục.
Nếu ngày nay chúng ta có nhiều ơn gọi Tu sĩ, giáo sĩ nếu ngày nay chúng ta có nhiều gia đình đạo đức, đó là hoa quả tốt tươi của hạt giống tử đạo. Vinh dự của chúng ta là các anh hùng tử đạo: Giám mục, Linh mục, Thầy giảng, Nữ tu, Chủng sinh, Giáo dân. Sức mạnh của giáo đoàn thuở ấy là sự hoà hợp Nam Bắc một nhà: Cha Nicolas Duệ 1764, Cha Anrê Tôn, Cha Gioan Nhục, từ Bắc Việt vào giảng đạo trong Ðịa Phận (1787) 6 giáo dân Bắc Việt đi phân sáp vào Khánh Hoà đã cùng giáo dân Nha Trang chia vui sẻ buồn đùm bọc lấy nhau trong cơn thử thách và cùng nhau ra nơi pháp trường đổ máu vì Chúa.
Chúng ta tin tưởng không phải ở sức mạnh của chúng ta, ở tài năng của chúng ta mà ở ơn Chúa hằng ở cùng Hội Thánh. Ngày nay chúng ta không bao giờ chấp nhận lập một Ðịa Phận từ Thái Lan, Ai Lao, Campuchia, đến sông Gianh, Toà Giám Mục lại ở mãi bên Thái Lan, tất cả hàng Giáo sĩ không trên 10 linh mục, ai muốn vào chủng viện phải sang Thái Lan học, sách vở không có, tài sản không có, Thánh đường không có. Ngược lại theo đạo là thiệt thòi, tù đày, phân sáp, mất chức, khắc chữ "tả đạo" trên má, chịu chém, chôn sống, voi chà, thắt cổ. Hoàn cảnh ấy Ðức Cha Lambert đã nếm, các vị tiền bối chúng ta đã chấp nhận vì gương các Linh mục thánh thiện, sốt sắng, hy sinh, vì giáo dân đoàn kết, lãnh lấy trách nhiệm sống đạo, dạy đạo, quản trị, truyền đạo thay cho các Linh mục. Họ tin tưởng ở ơn Chúa, ở sức Chúa, ở Lời Chúa. Giờ đây, trong thời đại duy vật, lắm lúc chúng ta tìm phương tiện thế gian và quên Chúa. Mặc dù khó khăn đến đâu, chúng ta hãy tiến lên nhận danh Chúa.
Anh em,
Hãy nhìn quá khứ với tất cả lòng khâm phụ tạ ơn.
Hãy nhìn hiện tại với tất cả ý chí tìm kiếm không ngừng.
Hãy nhìn tương lai với tâm hồn hăng say tin tưởng.
Xin Chúa chúc lành cho anh em và xin anh em cầu nguyện cho tôi.
Toà Giám Mục, ngày kỉ niệm 300 năm Ðức Cha Phêrô Lambert De La Motte đến Nha Trang (1/9/1671 - 1/9/1971)
Fr. X. Nguyễn Văn Thuận
Giám Mục Nha Trang
Kết thúc Thánh lễ, Ðức Cha ban phép lành với ơn Toàn xá trong dịp bế mạc Năm Ðức Tin. Năm đức tin khép lại nhưng nhưng tâm hồn mỗi người lại mở ra trong cách thế sống và phục vụ người khác, như Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nói rằng "ngày nay người ta cần chứng nhân hơn là thầy dạy" một nghĩa cử yêu thương, một lời nói xây dựng, một hành vi bao dung với người khác đó là những chứng nhân sống động và thiết thực trong cuộc sống hôm nay.
Tác giả bài viết: Tr. Gp Nha Trang