Tu sửa vương cung thánh đường

thánh Agostino Ippona, Algeria

 

Tu sửa vương cung thánh đường thánh Agostino Ippona, Algeria.

Phỏng vấn Ðức Cha Paul Desfarges, Giám Mục Costantina.

Algeria (RG 17-11-2013; Vat. 21-11-2013) - Sau ba năm khởi công việc tu sửa vương cung thánh đường thánh Agostino tại Ippona bên Algeria đã hoàn tất, và lễ khánh thành đã được tổ chức long trọng hồi tháng 10 năm 2013. Tham dự lễ khánh thành đã có các giới chức chính trị Algeri và các nước khác, cũng như Imam hồi giáo, các ân nhân, tín hữu kitô và hồi giáo đồng công nhận đền thờ dâng kính thánh Agostino là một gia sản lịch sử, tôn giáo và kiến trúc, nơi Ðông Tây gặp gỡ nhau. Phí tốn công trình tu sửa đã do nhiều cơ quan thuộc nhiều nước khác nhau cũng như các tổ chức tôn giáo và người dân thường đóng góp.

Cộng hòa dân chủ Algeria là quốc gia nằm ở mạn bắc Phi châu, rộng hơn 2 triệu 381 ngàn cây số vuông, là nước rộng nhất Phi châu và đứng hàng thứ 10 trên thế giới. Ở mạn đông bắc Algeria giáp giới với nước Tunisia, phía đông với Libia, phía tây với Marốc, phía tây nam với Ðông sa mạc Sahara, Mauritania và Mali, và phía đông nam với Niger, và mạn bắc với biển Ðịa Trung Hải. Algeria là thành viên của Liên Hiệp Phi châu, của Liên Minh A rập, tổ chức OPEC và là thành viên các nước thành lập Liên Hiệp A rập Magreb, tức các nước Arập Bắc Phi.

Algeria là tên gọi phát xuất từ tên thủ đô Alger, trong tiếng A Rập là "al Jazair" là "Các đảo", tên gọi tắt của "Jazair Bani Mazghanna" nghĩa là "Các đảo của bộ lạc Mazghanna".

Algeria đã từng là vùng đất của nhiều nền văn minh tiền sử, bao gồm cả nền văn minh Ateria và Capsia. Vùng đất này cũng đã trải qua nhiều đế quốc và triều đại, bao gồm cả các đế quốc và triều đại của người Berber Numidia, Lybio-Punic, Cartago, Roma, Vandal, Bisantin, Arập Umayyad, Berber Fatimid, Berber Amoravid, Berber Almohaid, và đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ. Algeria có 38 triệu dân, 99% là người A Rập Berber và 1% thuộc các chủng tộc khác. Tiếng nói chính là A rập, nhưng tiếng Berber và tiếng Pháp cũng được sử dụng.

Algeria là vùng đất đã có lịch sử dài, vì vào khoảng năm 200,000 trước công nguyên đã có dấu vết người sinh sống. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều dụng cụ bằng đá do ngưới Neanderthal để lại thuộc thời gian 43,000 năm trước công nguyên. Kỹ nghệ chế tạo dụng cụ xuất hiện vào giữa các năm 15,000 tới 10,000 trước công nguyên. Nền văn minh thời Tân Thạch phát triển trong vùng Sahara và Magreb Ðịa Trung Hải, với việc chế ngự thú vật và phát triển nông nghiệp giữa các năm 6,000 và 2,000 trước công nguyên.

Vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên đế quốc Cartago bành trướng và tiếp xúc buôn bán với người Berber. Sau khi Cartago bị tàn phá năm 146 trước công nguyên, nhiều vương quốc của người Berber nổi lên và cai trị cho tới năm 24 sau công nguyên, khi bị đế quốc Roma xâm lăng, và cho tới đầu thế kỷ thứ V thì bị người Vandal đánh chiếm, nhưng sau đó bị đế quốc Roma tái chiếm và cai trị cho tới khi người Hồi xâm lăng vào giữa thế kỷ thứ VII khiến cho một số đông dân theo đạo Hồi. Sau khi triều đại A rập Umayyah tàn lụi năm 741, nhiều triều đại Berber lại nổi dậy. Trong thời Trung Cổ người Berber cai trị vùng Magreb tức vùng Bắc Phi và xua quân chinh phục cả các nước như: Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, đảo Sicilia, Ai Cập, Sudan, Syria, Arập Sau đi, Israel, Palestina, Giordania, Irak và Yemen.

Vào giữa thế kỷ XVI đế quốc Ottoman cai trị toàn vùng với sự trợ giúp của các quan chức địa phương. Algeria đã trải qua nhiều tai ương dịch tễ và cũng là nạn nhân của các vụ cướp bóc của các dân rợ cướp biển. Trong các thế kỷ 16-19 đã có khoảng gần 1.3 triệu người bị bắt và bị bán làm nô lệ, trong đó có cả các kitô hữu. Năm 1830 nước Pháp xâm lăng Algeria và có hàng chục ngàn người Pháp di cư sang Algeria sinh sống. Các căng thẳng giữa người thuộc địa và người Hồi địa phương muốn tự trị và độc lập đưa tới chiến tranh Algeria, khiến cho khoảng 30,000 tới 150,000 người bị giết, và cuộc chiến kết thúc với biến cố Algeria được độc lập năm 1962.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị bài phỏng vấn Ðức Cha Paul Desfarges, Giám Mục giáo phận Costantina, dành cho phóng viên Tiziana Campisi của chương trình Ý ngữ đài Vaticăng. Giáo phận Costantina ngày nay bao gồm cả Ippona, là giáo phận của thánh Agostino xưa kia có tòa giám mục của thánh nhân.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Desfarges, Ðức Cha nghĩ gì về công trình tu sửa vương cung thánh thánh Agostino thuộc giáo phận của Ðức Cha?

Ðáp: Tôi tin rằng ngày nay người dân Algeri hãnh diện hơn khi coi thánh Agostino như là một trong những tiền nhân của họ. Thánh nhân thuộc gia phả của người dân Algeri.

Hỏi: Vương cung thánh đường thánh Agostino đã được trùng tu với sự đóng góp của nhiều cơ quan, tổ chức và các ân nhân khác nhau, kể cả tín hữu hồi giáo nữa. Ðức Cha đọc hiểu sự đóng góp này như thế nào?

Ðáp: Ðối với tôi, việc tài trợ hơi phức tạp này là một dấu chỉ: nó là một thí dụ đẹp của tình liên đới, của các tương quan chung sống giữa các tín hữu kitô và tín hữu hồi trải dài từ Bắc chí Nam, và được tỏ hiện ra cả trong khía cạnh tài chánh nữa.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, đối với người dân Algeri, vương cung thánh đường thánh Agostino nằm trên đồi Annaba, được gọi là "Lala Bouna", Mẹ Nhân Lành, mẹ hiền. Kiểu gọi này có ý nghĩa gì ạ?

Ðáp: Vương cung thánh đường tọa lạc trên một ngọn đồi và hơi vượt lên trên thành phố Annaba. Tôi nghĩ rằng trên ngọn đồi này người dân đã cử hành các buổi phụng tự trước Kitô giáo. Nhưng như người ta biết, đối với nhiều kitô hữu và cả nhiều tín hữu hồi nữa, trong chính lúc có một đền thánh ở nơi nào đó, thì nó là "Lala". Vì vậy người ta gọi nó là "Lala Bouna" Ðền Mẹ Nhân Lành, đền mẹ hiền, và họ cũng gọi Mẹ Maria như thế, mà không đưa ra qúa nhiều vấn nạn, nhưng chỉ ý thức rằng đó là một đền thánh thôi. Ngoài ra cũng cần phải nói thêm rằng, bên cạnh vương cung thánh đường, ngay từ trước khi vương cung thánh đường được xây cất, đã có nhà của các Tiểu Muội Người Nghèo, tiếp đón các gia đình rất khiêm tốn, và những người vô gia cư, hay những người không có gì để sống. Các chị tiếp đón các người nghèo khổ ấy, kể cả người hồi, và người dân Algeri rất là quảng đại, họ dâng cúng rất nhiều cho công tác bác ái này của các chị.

Vì thế ngọn đồi này trở thành đặc biệt bởi sự hiện diện của đền thánh, của nhà các Tiểu Muội Người Nghèo và nhà của các cha dòng thánh Agostino: và đó là "Lala Bouna" Ðền thánh Mẹ Nhân Lành. Nó thật sự là một nơi thánh, một nơi của phước lành. Và rất nhiều người tới viếng thăm đền thánh được sống một kinh nghiệm thinh lặng và cầu nguyện... Các người đến đây biết rằng họ đến một nơi thánh, một nơi được chúc phúc. Tại nơi này nhiều ơn lành đã được ban phát. Và tất cả những điều đó nói lên ý nghĩa "Lala Bouna" đền thánh Mẹ Nhân Lành. Tôi hy vọng rằng các tín hữu hành hương có can đảm trở lại, nhiều hơn để làm một cuộc hành hương theo vết chân của thánh Agostino.

Hỏi: Việc khánh thành vương cung thánh đường thánh Agostino mở ra một mùa mới trong giáo phận Costantina nơi có thành phố Annaba, có đúng thế không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Ðiều này cho phép tiếp tục trên các nền tảng tốt lành. Ðối với Giáo Hội địa phương chúng tôi đã công bố Năm Thánh Agostino bắt đầu từ ngày 19-10-2013. Thế rồi ngày mùng 2 tháng 5 năm 2014 sẽ có một ngày trọng đại khác nữa, bởi vì chúng tôi sẽ cử hành kỷ niệm 5 năm ngày đền thánh Agostino được nâng lên hành vương cung thánh đường, vì thế sẽ là năm thánh Agostino.

Nó như là một "hơi thở" của thánh Agostino trên toàn Giáo Hội của chúng tôi. Tôi tin rằng một lần nữa nó cũng là một dấu chỉ đối với người dân Algeri: Giáo Hội của chúng ta vẫn luôn luôn ở đó, tiếp tục hiện diện và phục vụ.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Desfarges, dân chúng Algeri có cái nhìn nào đối với Ðức Thánh Cha Phanxicô và các tháng đầu trong triều đại giáo hoàng của người?

Ðáp: Người dân Algeri có một ấn tượng rất tốt đối với Ðức Thánh Cha Phanxicô. Qúy vị thấy đó, người dân Algeri chúng tôi thực sự đồng thanh với những gì xảy ra trên thế giới. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã được tiếp đón rất nồng hậu, đầy thiện cảm. Khi tôi đi trên đường, người dân nói với tội: "Ồ, vị Giáo Hoàng này hay qúa!" Tôi nghe được rất nhiều kiểu nói loại này. Các lời của Ðức Thánh Cha, các cử chỉ của ngài đánh động, đánh động tất cả mọi người, đánh động các con tim, bởi vì các cử chỉ của ngài một cách đơn sơ là các cử chỉ nhân bản huynh đệ. Ðức Thánh Cha Phanxicô được tiếp nhận một cách rất là tốt. Chứng tá của ngài góp phần vào sự chung sống của con người với nhau.

Hỏi: Theo Ðức Cha thì thánh Agostino sẽ nói gì về sự tham gia trùng tu vương cung thánh đường của thánh nhân?

Ðáp: Ồ, đôi khi tôi cũng đã đặt câu hỏi này cho thánh nhân. Tôi tin rằng thánh Agostino sẽ nói với chúng ta những gì mà ngài đã nói với các tín hữu thời ngài: "Ðối với chúng ta sống là yêu. Cuộc sống của chúng ta là niềm vui, là khẩu hiệu cho tất cả mọi người". Tôi nghĩ rằng thánh nhân sẽ lập lại với chúng ta rằng: "Hãy tiếp tục yêu thương. Tương quan huynh đệ không chỉ lả một tương quan giữa con người với con người, nó là một tương quan với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa". Và thánh nhân cũng sẽ nói với chúng ta rằng: "Tình yêu, khi nó tới tận đáy, thì không chỉ là tình yêu giữa các bản vị chấp nhận nhau, nhưng đi tới chỗ yêu thơưng cả kẻ thù nữa".

Thánh Agostino cũng đã từng nói: "Hãy tập yêu thương kẻ thù của con: trong mức độ trong đó tình yêu lớn lên trong con, bằng cách đưa con trở lại, dẫn con trở lại với sự giống Thiên Chúa, nó sẽ tuôn tràn trên kẻ thù của con, để con giống Ðấng đã cho mặt trời chiếu sáng trên người lành kẻ dữ". Thánh Agostino đã nói như thế. Và điều này đánh động cả người dân Algeri nữa.

(RG 17-11-2013)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page