Ðức Thánh Cha Phanxicô
viếng thăm chính thức
Tổng thống Cộng hòa Italia
Ðức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm chính thức Tổng thống Cộng hòa Italia.
Vatican (Vat. 14-11-2013) - Sáng ngày 14 tháng 11 năm 2013, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng thăm chính thức tổng thống Giorgio Napolitano tại điện Quirinale, đáp lễ cuộc viếng thăm chính thức của Tổng thống tại Vatican hồi tháng 6 năm 2013.
Ðiện Quirinale là dinh của Ðức Giáo Hoàng trong 300 năm trời, cho đến ngày 20 tháng năm năm 1870, khi quân Italia chiếm nước Tòa Thánh và thống nhất bán đảo Italia.
Ðức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 6 đến viếng thăm tại điện Quirinale và đây là lần thứ 3 ngài gặp Tổng thống Giorgio Napolitano. Ông năm nay đã 88 tuổi và đã mãn 7 năm làm tổng thống. Nhưng hồi tháng 4 năm nay, trước tình thế nguy kịch của đất nước, theo lời khẩn khoản của các đảng phái chính trị, ông đã nhận lời làm nhiệm kỳ hai.
Tháp tùng Ðức Thánh Cha trong cuộc viếng thăm sáng hôm qua có 11 người, đứng đầu là Ðức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, vì Ðức Tổng Giám Mục Quốc vụ khanh Pietro Parolin còn dưỡng bệnh cho đến thứ bẩy 16 tháng 11 năm 2013. Ngoài ra có Ðức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh Dominique Mamberti, Ðức Hồng Y Chủ tịch Phủ Thống đốc Vatican, Ðức Hồng Y Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Italia và Ðức Hồng Y Giám quản Roma.
Ðến điện Quirinale vào lúc gần 11 giờ, Ðức Thánh Cha đã được Tổng thống chào đón nồng nhiệt, trước đoàn quân danh dự, với quốc thiều Vatican và Italia được trổi lên. Tiếp đó, Ðức Thánh Cha và Tổng thống đã hội kiến riêng trong thư phòng, trong khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, Ông Nicola Letta, và một số vị Bộ trưởng trao đổi với phái đoàn Tòa Thánh do Ðức Tổng Giám Mục Becciu hướng dẫn.
Tiếp đến là nghi thức trao đổi tặng vật, và Ðức Thánh Cha chào thăm các vị Chủ tịch Thượng Viện, Hạ Viện và tòa bảo hiến của Italia, trước khi viếng nhà nguyện Ðức Mẹ Truyền Tin.
Sau đó vào lúc quá 12 giờ trưa, tại sảnh đường Ðại Lễ, trước sự hiện diện đông đảo của các quan chức chính quyền và phái đoàn Tòa Thánh, Tổng thống Napolitano đã đọc diễn văn chính thức chào mừng Ðức Thánh Cha.
Ông tái bày tỏ tâm tình gần gũi và quí mến, đồng thời nhận xét rằng "Quan niệm của Ngài về Giáo Hội và đức tin đã được chuyển đến tất cả mọi người, dù là tín hữu hay không có tín ngưỡng, qua những lời đơn sơ và mạnh mẽ của Ngài. Ðiều gây ấn tượng mạnh nơi chúng tôi là sự vắng bóng mọi thái độ giáo điều.."
Tổng thống nói đến những khăn, bầu không khí căng thẳng giữa các lực lượng chính trị khác nhau, và ông nhận xét rằng nhiều lời của Ðức Giáo Hoàng có thể soi sáng cho xã hội Italia trong bối cảnh này, đặc biệt là tinh thần đối thoại. Cũng vậy đối với tệ nạn tham ô hối lộ.
Diễn văn của Ðức Thánh Cha
Trong diễn văn chính thức, Ðức Thánh Cha chân thành cám ơn Tổng Thống cũng như quốc dân Italia, ngài nhắc lại những quan hệ và sự cộng tốt đẹp giữa Italia và Tòa Thánh, đồng thời ngài kêu gọi bênh vực gia đình. Ðức Thánh Cha nói:
Thưa tổng thống!
Với lòng biết ơn sâu xa, hôm nay tôi đáp lễ cuộc viếng thăm nồng nhiệt mà tổng thống đã dành cho tôi ngày 8 tháng 6 năm nay tại Vatican. Tôi cám ơn Tổng thống vì những lời chào mừng, nói lên tâm tình của nhân dân Italia.
Theo thói quen định chế về quan hệ giữa Italia và Tòa Thánh, cuộc viếng thăm này của tôi khẳng định tình trạng rất tốt đẹp trong quan hệ với nhau, và hơn nữa việc làm này cũng muốn diễn tả một dấu hiệu thân hữu. Thực vậy trong 8 tháng đầu tiên của tôi trong sứ vụ Phêrô, tôi đã cảm nghiệm được từ phía Tổng Thống bao nhiêu cử chỉ quan tâm. Những cử chỉ đó tiếp nối nhiều cử chỉ mà Tổng Thống đã dần dần biểu lộ trong nhiệm kỳ 7 năm đầu tiên đối với vị tiền nhiệm của tôi là Ðức Biển Ðức 16. Trong lúc này đây tôi muốn nghĩ đến Ngài với lòng quí mến, nhớ lại cuộc viếng thăm của Người tại điện Quirinale, dinh mà trong dịp đó Người gọi là "căn nhà biểu tượng của tất cả mọi người dân Italia" (diễn văn 4-10-2008).
Khi đến viếng thăm Tổng Thống tại nơi này, với bao nhiêu biểu tượng và lịch sử, trong tinh thần, tôi muốn gõ cửa nhà của mỗi người dân tại đất nước này, nơi có căn cội gia đình trần thế của tôi, và trao tặng cho mọi người lời có sức chữa lành và luôn luôn mới mẻ của Phúc Âm.
Khi nghĩ lại thời điểm nổi bật trong quan hệ giữa Nhà Nước Italia và Tòa Thánh, tôi muốn nhắc đến việc đưa các Hiệp định Laterano và thỏa ước duyệt lại Hiệp định ấy vào trong Hiến pháp của Cộng hòa Italia. Trong vài tuần nữa là kỷ niệm 30 năm Thỏa Ước này. Ở đây chúng ta có một khuôn khổ vững chắc để tham chiếu về pháp lý, hầu có một sự phát triển trong sáng các quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước tại Italia, khuôn khổ này phản ánh và hỗ trợ sự cộng tác thường nhất để phục vụ con người, nhắm mưu công ích, trong sự phân biệt các vai trò và lãnh vực hoạt động của mỗi bên.
"Có bao nhiêu vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm và những câu trả lời có thể là giống nhau. Thời điểm hiện nay mang đậm ảnh hưởng cuộc khủng khoảng kinh tế, đòi nhiều nỗ lực cơ cực để vượt qua, và trong số những hậu quả đau thương của cuộc khủng hoảng ấy, có tình trạng không có đủ công ăn việc làm. Cần gia tăng nỗ lực để thoa dịu những hậu quả của nó và để đón nhận cũng như củng cố mọi dấu phục hồi.
Nghĩa vụ đầu tiên của Giáo Hội là làm chứng về lòng từ bi của Thiên Chúa và khích lệ những câu trả lời liên đới để mở ra một tương lai hy vọng; vì nơi nào hy vọng gia tăng thì cũng có nhiều nghị lực được tăng trưởng và sự dấn thân để kiến tạo một trật tự xã hội và dân sự nhân bản hơn, công bằng hơn, và nảy sinh những tiềm năng mới để phát triển dài hạn và lành mạnh.
Những cuộc viếng thăm mục vụ đầu tiên mà tôi được thực hiện tại Italia vẫn còn gây ấn tượng mạnh trong tâm trí tôi. Trước tiên tại đảo Lampedusa, tôi đã gặp gỡ gần kề sự đau khổ của những người vì chiến tranh hoặc vì lầm than, phải xuất cư trong những điều kiện nhiều khi tuyệt vọng; và tại đảo đó tôi đã gặp chứng tá đáng ca ngợi của bao nhiêu người đang xả thân trong việc đón tiếp. Rồi tôi nhớ đến cuộc viếng thăm tại Cagliari, để cầu nguyện trước Ảnh Ðức Mẹ Bonaria; và cuộc viếng thăm tại Assisi, để tôn kính vị Thánh bổn mạng của Italia, mà tôi đã chọn tên thánh nhân. Ở những nơi ấy tôi cũng đụng chạm được một cách cụ thể những vết thương ngày nay đang đè nặng trên bao nhiêu người.
Nơi trung tâm của những hy vọng và khó khăn xã hội, có gia đình. Với một xác tín được đổi mới, Giáo Hội tiếp tục cổ võ sự dấn thân của tất cả mọi người, cá nhân cũng như các tổ chức, để nâng đỡ gia đình, là nơi đầu tiên trong đó con người được thành hình và lớn lên, trong đó ta học các giá trị và gương mẫu làm cho các giá trị đó đáng tín nhiệm. Gia đình cần sự ổn định và tính chất có thể nhận diện được của các quan hệ hỗ tương, để triển khai hoàn toàn nghĩa vụ không thể thay thế được và chu toàn sứ mạng. Trong khi gia đình dành các năng lực của mình để phục vụ Giáo Hội, gia đình yêu cầu được quí chuộng, đánh giá cao, và bảo vệ.
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng:
Thưa Tổng thống, trong hoàn cảnh này, tôi muốn bày tỏ mong ước, được hỗ trợ bằng lời cầu nguyện: ước gì Italia, kín múc từ gia sản phong phú của mình với các giá trị dân sự và tinh thần, biết tái tìm được sự sáng tạo và hòa hợp cần thiết cho sự phát triển hài hòa, thăng tiến công ích và phẩm giá của mỗi người, và đóng góp phần của mình cho hòa bình và công lý trong bối cảnh quốc tế.
Sau cùng, tôi cũng đặc biệt liên kết với lòng quí chuộng và yêu mến mà nhân dân Italia dành cho Tổng thống, và tái cầu chúc tổng thống những điều tốt đẹp nhất để chu toàn nghĩa vụ cao cả của Tổng Thống. Xin Thiên Chúa bảo vệ Italia và tất cả mọi người dân nước này.
Gặp các nhân viên và gia đình
Sau khi trao đổi diễn văn, Ðức Thánh Cha được Tổng thống hướng dẫn đến thăm Nhà Nguyện Paolina trong Ðiện Quirinale, rồi gặp gỡ 200 người gồm các nhân viên, gia đình và con cái của họ.
Ðây là lần đầu tiên trong một cuộc viếng thăm của vị Giáo Hoàng tại dinh Quirinale có một cuộc gặp gỡ như vậy. Trong dịp này Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các nhân viên tại Phủ Tổng Thống rằng:
"Qua công việc của anh chị em, nhiều khi âm thầm nhưng quí giá, anh chị em tiếp xúc với những biến cố thông thường và ngoại thường, đánh dấu hành trình của một quốc gia. Một số người trong anh chị em có cơ hội tiếp cận những vấn đề xã hội, gia đình và con người, mà các công dân tin tưởng gửi đến Tổng Thống. Tôi cầu chúc anh chị em luôn có một tinh thần hiếu khách, và cảm thông đối với tất cả mọi người. Rất cần có những người dấn thân với khả năng chuyên môn và với tinh thần nhân đạo, cảm thông, với sự quan tâm liên đới đặc biệt với những người yếu thế nhất. Tôi khuyến khích anh chị em đừng nản chí trong những khó khăn, và luôn sẵn sàng nâng đỡ tha nhân".
Cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại dinh tổng thống Italia kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Sau nghi thức tiễn biệt, Ngài đã trở về Vatican lúc gần 1 giờ trưa.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)