Ðức Thánh Cha giải thích

tại sao cầu nguyện liên lỷ

 

Ðức Thánh Cha giải thích tại sao cầu nguyện liên lỷ.

Vatican (Vat. 20-10-2013) - Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 20 tháng 10 năm 2013 với 80 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích ý nghĩa lời Chúa Giêsu dạy phải luôn kiên trì cầu nguyện.

Các tín hữu đã đứng đầy Quảng trường thánh Phêrô dưới bầu trời mùa thu, tràn ra tới quảng trường Piô 12 bên ngoài và con đường Hòa Giải. Họ mang nhiều cờ xí và biểu ngữ nói lên nguyên quán và Hội đoàn, phong trào của họ.

Bài huấn dụ

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh Cha đã diễn giải bài Tin Mừng chúa nhật 29 thường niên năm C và nói về ý nghĩa việc Chúa dạy phải luôn luôn kiên trì cầu nguyện. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu thuật lại một dụ ngôn về sự cần thiết phải luôn luôn cầu nguyện, không bao giờ mệt mỏi. Vai chính ở đây là một bà góa, nhờ nài nỉ với một quan tòa bất lương, nên đã làm cho ông thi hành công lý cho bà. Và Chúa Giêsu kết luận: nếu bà góa đã thuyết phục được quan tòa ấy, thì chẳng lẽ Thiên Chúa lại không lắng nghe chúng ta, nếu chúng ta kiên trì cầu xin ngài hay sao? Kiểu nói của Chúa Giêsu thật mạnh mẽ: "Và Thiên Chúa lại chẳng thi hành công lý cho những người Ngài chọn, ngày đêm kêu lên Ngài hay sao?" (Lc 18,7).

"Ngày đêm kêu lên" cùng Thiên Chúa! Hình ảnh này về kinh nguyện gây ấn tượng mạnh cho chúng ta. Nhưng chúng ta tự hỏi: tại sao Thiên Chúa lại muốn như thế? Chúa chẳng biết những nhu cầu của chúng ta hay sao? Nài nỉ với Thiên Chúa có ý nghĩa gì?

Ðó là một câu hỏi hay, làm cho chúng ta đào sâu một khía cạnh rất quan trọng của đức tin: Thiên Chúa mời gọi chúng ta cầu nguyện kiên trì không phải vì Chúa không biết chúng ta cần điều gì hoặc vì Ngài không nghe chúng ta. Trái lại, Chúa luôn lắng nghe và biết tất cả chúng ta, với lòng yêu thương. Trong hành trình hằng ngày của chúng ta, đặc biệt là giữa những khó khăn, trong cuộc chiến đấu chống lại sự ác bên trong và bên ngoài chúng ta, Chúa ở cạnh chúng ta; chúng ta chiến đấu có Ngài ở cạnh và võ khí của chúng ta chính là lời cầu nguyện, làm cho chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, lòng từ bi và ơn phù trợ của Chúa. Nhưng cuộc chiến chống sự ác thật là cam go và lâu dài, đòi phải kiên nhẫn và bền chí - như ông Môisê, phải giơ hai cánh tay lên để làm cho dân của ông chiến thắng (Xc Xh 17,8-13). Sự thực là thế: đó là một cuộc chiến đấu cần phải thi hành mỗi ngày; Thiên Chúa là đồng minh của chúng ta, niềm tin nơi Ngài là sức mạnh của chúng ta, và kinh nguyện là sự biểu lộ đức tin. Vì thế Chúa Giêsu đảm bảo chiến thắng cho chúng ta, nhưng Ngài hỏi: "Khi trở lại, Con Người có còn thấy niềm tin trên mặt đất này không?" (Lc 18,8). Nếu đức tin tắt lịm, thì kinh nguyện cũng chấm dứt và chúng ta bước đi trong tối tăm, chúng ta sẽ lạc lối trên đường đời.

Vậy chúng ta hãy học nơi bà góa trong Phúc Âm cách cầu nguyện luôn mãi, không bao giờ mệt mỏi. Nhưng không phải để thuyết phục Chúa bằng lời nói! Ngài biết rõ hơn những gì chúng ta đang cần! Ðúng hơn kinh nguyện kiên trì là sự biểu lộ niềm tin nơi một Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta cùng Ngài chiến đấu mọi ngày, mọi lúc, để chiến thắng sự ác bằng sự thiện.

Chào thăm và nhắc nhở

Sau phép lành, Ðức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Ngày Thế Giới truyền giáo. Ðâu là sứ mạng của Giáo Hội? Thưa là phổ biến trên thế giới ngọn lửa đức tin mà Chúa Giêsu đã thắp lên trên thế giới: niềm tin nơi Thiên Chúa là Cha, là Tình Thương, là Lòng Từ Bi. Phương pháp truyền giáo của Kitô giáo không phải là chiêu dụ tín đồ, nhưng là chia sẻ ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn. Tôi cám ơn tất cả những người, bằng kinh nguyện và trợ giúp cụ thể, đang nâng đỡ công cuộc truyền giáo, đặc biệt là hỗ trợ mối quan tâm của Giám Mục Roma để loan truyền Tin Mừng. Trong ngày này, chúng ta gần gũi tất cả các thừa sai nam nữ đang làm việc rất nhiều mà không gây ồn ào, và hiến mạng sống. Như bà Afra Martinelli, 78 tuổi, người Italia, đã làm việc bao nhiêu năm ở Nigeria; cách đây vài ngày bà đã bị cướp sát hại; tất cả mọi người đã khóc thương bà, Kitô hữu cũng như tín hữu Hồi giáo. Bà đã loan báo tin mừng bằng đời sống, bằng việc làm mà bà thực hiện, một trung tâm giáo dục; qua đó bà đã phổ biến ngọn lửa đức tin, đã thực hiện một cuộc chiến tốt đẹp! Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người hiện diện vỗ tay chào tưởng niệm bà Martinelli.

Ðức Thánh Cha nói tiếp: "Tôi cũng nghĩ đến Stefano Sándor, được tôn phong chân phước hôm qua 19 tháng 10 năm 2013, tại Budapest. Thầy là một trợ sĩ dòng Salésien, gương mẫu trong việc phục vụ giới trẻ, tại nơi sinh hoạt và cầu nguyện, và trong việc huấn nghệ. Khi chế độ cộng sản đóng cửa tất cả các cơ sở Công Giáo, thầy can đảm đương đầu với cuộc bách hại đạo, và bị giết lúc 39 tuổi đời. Chúng ta hiệp ý với gia đình dòng Salésien và Giáo Hội tại Hungari để cảm tạ Thiên Chúa.

"Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với dân chúng Philippines mới bị động đất nặng, và mời gọi anh chị em cầu nguyện cho quốc dân quí mến này, mới đây đã chịu các thiên tai khác.

Tôi thân ái chào thăm tất cả các tín hữu hành hương hiện diện, bắt đầu là các thanh thiếu niên đã tham dự cuộc tuần hành "100 mét chạy đua và đức tin" do Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa tổ chức. Cám ơn các bạn, vì đã nhắc nhở chúng tôi rằng tín hữu là một vận động viên tinh thần.

Có 5 ngàn người tham dự cuộc chạy đua này trên đường Hòa giải. Trong số các tham dự viên có cả lực sĩ người Anh, Jason Gardener, đã từng được huy chương vàng trong thế vận Olympic ở Athènes hồi năm 2004.

Ðức Thánh Cha cũng chào thăm các tín hữu thuộc tổng giáo phận Bologna và Cesena-Sarsina ở Italia do Ðức Hồng Y Caffara và Ðức Giám Mục Ragettieri hướng dẫn, cũng như các tín hữu khác đến từ Argentina và Venezuela. Ngài cũng đặc biệt gửi lời chào thăm các bà mẹ người Argentina vì chúa nhật này là lễ các bà mẹ tại Argentina.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page