Chiến dịch thăng tiến

quyền của các phôi thai người

 

Chiến dịch thăng tiến quyền của các phôi thai người.

Roma (RG 25-08-2013) - Phỏng vấn ông Carlo Casini, Chủ tịch phong trào bảo vệ sự sống Italia.

Vào giữa năm 2012 phong trào bảo vệ sự sống Italia đã phát động chiến dịch thu thập 20 triệu chữ ký tại 27 quốc gia thành viên của Liên hiệp Âu châu để bảo vệ quyền của các phôi thai còn trong lòng mẹ. Chiến dịch có tên gọi là "Một người trong chúng ta".

Chiến dịch đã do ông Carlo Casini, dân biểu Âu châu, kiêm chủ tịch Phong trào bảo vệ sự sống Italia phát động. Ông hy vọng chỉ tại Italia sẽ có được 1 triệu chữ ký. Danh sách các chữ ký sẽ được đệ trình lên quốc hội Âu châu để ban hành luật bảo về quyền của các phôi thai.

Ý tưởng nòng cốt làm nảy sinh ra chiến dịch này đó là không thể chịu trận trước tư tưởng phá thai là một sự kiện không thể tránh né được. Do đó cần phải phổ biến sứ điệp tuyệt đối bảo vệ quyền của các trẻ em còn trong lòng mẹ: và quyền đầu tiên là quyền sống từ lúc được thụ thai. Vì phôi thai là "một người trong chúng ta", là một người với tất cả mọi quyền làm người.

Dân biểu Casini cho biết cho tới nay việc thu thập chữ ký còn hạn chế trên giấy, và trong đa số các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Âu châu chiến dịch vẫn chưa bắt đầu, vì người ta còn chờ một trang trên mạng để có thể ký tên trên mạng. Ngày mùng 1 tháng 11 năm 2012 Ủy ban đã được phép có địa chỉ trên mạng, và việc ký tên trên mạng đã bắt đầu tại Italia. Trong khi tại 20 nước đã có Ủy ban quốc gia đặc trách chiến dịch thu thập chữ ký. Các nước như Tây Ban Nha, Ðức, Pháp, Hungari đã nhập cuộc với hệ thống liên mạng của các nhóm bảo vệ sư sống, được các Hội Ðồng Giám Mục địa phương nhiệt liệt ủng hộ.

Italia là quốc gia đi tiên phong trong chiến dịch này. Ngày 20 tháng 5 năm 2013 sáng kiến này đã được giới thiệu trong đại thính đường Phaolô VI trong nội thành Vaticăng. Con số 1 triệu chữ ký của Italia là điều có thể thực hiện được, vì tới nay đã có 800,000. Hồi năm 1988 chiến dịch "Bảo vệ sự sống và phẩm giá con người" đã khơi dậy trong quốc hội Italia một cuộc thảo luận sôi nổi, và đã thu được 2.3 triệu chữ ký.

Dân biểu Casini cũng cho biết văn bản của chiến dịch "Phôi thai là một người trong chúng ta" có thể được ký nhận vào ngày mùng 1 tháng 11 năm 2013. Nó đòi buộc "sự bảo vệ pháp lý phẩm giá, quyền sống và quyền toàn vẹn cho mỗi bản vị con người từ lúc thụ thai". Ý hướng đề ra luật "tôn trọng phẩm giá và sự toàn vẹn" của bào thai, nhấn mạnh sự tham dự của người dân Âu châu như đã được đề ra trong thỏa hiệp Lisboa. Ông Carlo Casini nhấn mạnh rằng ngày nay người ta không chỉ yêu sách bảo đảm quyền phá thai, mà còn khích lệ cả các hoạt động tạo thuận tiện cho việc tự ý ngưng mang thai và loại bỏ phôi thai nữa. Ðó là điều người ta có thể nhận thấy trong các chương trình cổ động phá thai, ngừa thai, viên thuốc ngày hôm sau, hiến trứng, hiến tinh trùng, thụ thai trong ống nghiệm, thai đông lạnh, thử nghiệm trên các bào thai vv... do các tổ chức quốc tế cũng như các đảng phái chính trị, các chính quyền và các tổ chức phi chính quyền cổ võ, và phát động trong lãnh vực y tế công cộng. Tất cả đều hiệp nhất trong việc chối bỏ sự kiện "phôi thai là khởi đầu của bản vị con người", là người.

Chính vì thế văn bản, do phong trào bảo vệ sự sống phát động, yêu cầu chấm dứt việc tài trợ các hoạt động hủy hoại các phôi thai người. Ông Casini ghi nhận rằng trong các tháng qua Âu châu chỉ thảo luận nhiều về cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế. Nhưng không thể chỉ chú ý tới các vấn đề tài chánh kinh tế mà thôi. Vì còn có các đề tài quan trọng khác nữa như tính trung tâm của con người, nền hòa bình, việc tôn trọng các quyền con người. Có lẽ trong lúc này đây Liên hiệp Âu châu phải tái khám phá ra linh hồn đích thật của mình.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Carlo Casini, Chủ tịch phong trào bảo vệ sự sống Italia về chiến dịch thu thập chữ ký thăng tiến quyền của các phôi thai người.

Hỏi: Thưa ông Casini, mục đích của chiến dịch là thu thập ít nhất 1 triệu chữ ký tại Iralia, để có sức nặng chính trị mạnh mẽ hơn đưa tới chỗ thừa nhận các quyền của các bào thai chưa được sinh ra, có đúng thế không?

Ðáp: Vâng, đúng thế. Ðích nhắm 1 triệu chữ ký nội trong tháng 11 tới đây. Nhưng đây chỉ là đích điểm tối thiểu, một đích điểm pháp lý, nghĩa là nó khiến cho vấn đề phải được Quốc hội thảo luận liên quan tới những gì chúng tôi yêu cầu. Tại quốc hội trước Ủy ban Âu châu, nhưng chúng tôi muốn trao ban sức mạnh cho yêu cầu của chúng tôi, vì thế chúng tôi cầu mong có đông người ủng hộ hơn nữa. Chúng tôi còn có trước mắt hai tháng nữa để thu thập các chữ ký.

Hỏi: Chiến dịch "Một người trong chúng ta" yêu cầu Âu châu chặn đứng các thử nghiệm loại bỏ các phôi thai người. Có điều gì đang xảy ra vậy thưa ông?

Ðáp: Câu hỏi chuyên biệt này liên quan một cách đặc biệt tới các tế bào gốc lấy từ phôi thai người, tuyệt đối không dùng được việc gì hết. Có một sự lẫn lộn rất lớn: các tế bào gốc là các tế bào hiện diện trong tất cả mọi phần của cơ thể con người, chúng rất ích lợi cho việc nghiên cứu và chữa các bệnh. Các tế bào của cơ thể người lớn - khác với các tế bào của các phôi thai - đã được sử dụng và hiện đang được sử dụng một cách hữu hiệu. Còn các tế bào gốc của các phôi thai còn trong ống nghiệm thì tuyệt đối vô ích, không được việc gì cả. Thế nhưng người ta lại vẫn cứ tiếp tục cổ võ, vì các lý do ý thức hệ, muốn xin tiền từ Âu châu để thử nghiệm trên các tế bào gốc của phôi thai người. Lý do là vì nếu qua được sự kiện với tiền của các chính quyền Âu châu, người ta có thể hủy hoại các phôi thai, và điều đó có nghĩa là các phôi thai không phải là người.

Hỏi: Việc thu thập các chữ ký để bảo vệ quyền sống của các phôi thai người tại các nước Âu châu khác ra sao rồi thưa ông?

Ðáp: Ngày nay Liên Hiệp Âu châu gồm 28 quốc gia thành viên, và điều hay đẹp đó là tất cả 28 nước đều đang thu thập các chữ ký. Luật lệ điều hành lãnh vực này nói rằng một triệu chữ ký thì không đủ, nhưng chiến dịch thu thập chữ ký phải được thi hành ít nhất trong 7 nước thành viên. Không phải một chữ ký mà với con số tối thiểu và con số tối thiểu đó thì đã được thu thập tại 10 nước thành viên rồi. Vì thế mục tiêu đó là đạt tới trong tất cả 28 quốc gia thành viên, nơi có thiểu số người ủng hộ, làm sao để có thể nói rằng có sự đồng ý trong tất cả mọi quốc gia thuộc Liên Hiệp Âu châu.

Hỏi: Thưa dân biểu Casini, ngày nay hiện tượng "cho mướn tử cung" hay "mang thai mướn" đang là một "mốt" tại nhiều nước trên thế giới. Trên bình diện của Âu châu thì tình hình ra sao thưa ông?

Ðáp: Rất may là hiện tượng "cho mướn tử cung" ở Âu châu không được luật pháp cho phép, ít nhất là trong Âu châu mà tôi biết, tức là cộng đồng Âu châu. Năm 1989 chính tôi đã là người thăng tiến và là tường trình viên của một nghị quyết để Âu châu không bao giờ cho phép việc mang thai mướn. Như thế, việc cho mướn tử cung hay mang thai mướn không xảy ra tại Âu châu. Chức làm mẹ là một điều qúa quan trọng để trở thành đối tượng của thương mại. Tại Âu châu người ta không đồng ý để cho thân thể con người có thể trở thành đối tượng của thương mại. Ðây vẫn còn là điều qúa ít ỏi để thừa nhận sự sống của tất cả mọi người, nhưng ít nhất nó là một cái gì đó. Nó là một bậc thang trong thời gian giúp đạt được những mục tiêu tham vọng hơn, như thừa nhận quyền sống của tất cả mọi người từ lúc thụ thai, như chiến dịch "Một người trong chúng ta" đòi hỏi.

Hỏi: Thưa ông, việc phản đối vì lý do lương tâm có là một quyền đối với công dân Italia và công dân Âu châu không?

Ðáp: Có chứ. Nó là một quyền thánh thiêng. Nó được thiết định bởi Hiến pháp và đươc Tòa án hiến pháp Italia thừa nhận. Trong các nước Âu châu thì mới đây nó cũng được thừa nhận bởi Hội đồng quốc hội của Ủy Ban Âu châu. Phản đối vì lý do lương tâm là điều rất bị tấn công tại Italia và trong Âu châu, bởi vì sự phản đối lương tâm của bác sĩ gây phiền nhiễu cho những ai muốn được "rảnh tay" sử dụng các phôi thai người. Ðể có thể "rảnh tay" cần phải tin hay làm cho người ta tin rằng phôi thai không phải là một người, mà chỉ là một đồ vật, nó không phải là một chủ thể mà là một sự vật.

Ðể làm cho người khác tin như thế và để tin như thế bằng cách tự lừa dối mình, thì phải coi những người nói khác mình là những kẻ "ngu đần". Và đó là lý do tấn kích chống lại sự phản đối vì lý do lương tâm. Nó không nhắm làm cho số phá thai gia tăng, nhưng một cách ý thức hệ nó nhắm ngăn cản chứng tá của những người hiểu biết hơn về sự sống con người tức là các bác sĩ.

(RG 25-8-2013)

 

Linh Tiến khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page