Tưởng niệm 5 năm cuộc bách hại
các Kitô hữu trong bang Orissa bên Ấn Ðộ
Tưởng niệm 5 năm cuộc bách hại các Kitô hữu trong bang Orissa bên Ấn Ðộ.
Ấn độ (Avvenire 22-08-2013; Vat. 26-08-2013) - Một số nhận định của Linh Mục Ajay Kumar Singh, chuyên hoạt động xã hội tranh đấu công lý cho các nạn nhân cuộc bách hại.
Cách đây 5 năm, ngày 25 tháng 8 năm 2008, các nhóm Ấn giáo cuồng tín đã tấn công 450 làng Kitô trong bang Orissa mạn đông Ấn Ðộ, đặc biệt là trong vùng Kandhamal. Các cuộc bách hại quy mô này đã khiến cho 100 tín hữu Kitô bị giết, hàng ngàn người bị thương, 5,600 nhà bị thiêu hủy, 296 nhà thờ, tu viện, trường học và các cơ sở tôn giáo bị đốt phá, và hơn 50,000 người phải trốn chạy vào rừng. Trong số các người thiệt mạng cũng có một linh mục và có một nữ tu là nạn nhân của các vụ hãm hiếp phụ nữ.
Lý do của chiến dịch bách hại này là vụ ông Laxmanananda, một lãnh tụ ấn giáo địa phương và bốn cận vệ, bị phong trào du kích quân Mao Trạch Ðông ám sát ngày 23 tháng 8 năm 2008 trước đó. Ông Laxmanananda và lực lượng của ông chuyên hoạt động trong tỉnh Tumudi Bandh, để bắt các nhóm thiểu số đã bỏ Ấn giáo phải theo đạo trở lại. Mặc dù phong trào du kích quân nói trên đã ra thông cáo nhận trách nhiệm vụ ám sát, nhưng các lực lượng Ấn giáo cuồng tín vẫn vu khống cho các Kitô hữu dính líu trong vụ này. Và thế là trong nhiều ngày liên tiếp họ đã truy lùng và tấn công các Kitô hữu trong toàn bang, đặc biệt tại Kandhamal.
Năm năm đã trôi qua, nhưng các vấn đề của người dân vùng Kandhamal vẫn còn đó: công lý không được giải quyết cho các nạn nhân, việc tái xây cất các nhà thờ và nhà của dân tiến hành rất chậm chạp, các Kitô hữu bị bắt buộc phải sống trong bất an. Ðã có hơn 3,000 đơn tố cáo, nhưng cảnh sát đã chỉ nhận phân nửa, và chỉ có 824 đơn kết thúc với việc xử án. Trong số 169 vụ xử các bị can đều được tha bổng, vì có các đe dọa chống lại các nhân chứng chính. Trong 86 vụ xử khác các bị can đã chỉ bị kết án nhẹ, không phải vì các tội phạm cướp của và giết các tín hữu Kitô người như đã kể trên, nhưng chỉ vì các tội thường phạm, và vì thế họ chỉ bị giam tù 2-3 năm. Trong 90 trường hợp khác vẫn còn đang có các cuộc điều tra. Nhưng thời gian càng qua đi, thì khả thể thu góp các chứng cớ không thể chối cãi được càng ít đi. Ðây là một tình trạng mà cả Tòa Thượng Thẩm ấn độ cũng không thể chấp nhận được. Hồi mùa thu năm 2012 Tòa Thượng Thẩm Ấn đã gửi một thông tư cho cho chính quyền, cho lực lượng cảnh sát và các văn phòng điều tra trong bang Orissa để hỏi về số các vụ tha bổng qúa cao liên quan tới các tội phạm chống lại các tín hữu Kitô hồi năm 2008. Trên tổng số hơn 500 người đã bị bắt giữ hiện nay chỉ còn có 27 người còn bị giam.
Tình hình an ninh cũng bấp bênh hơn, vì đa số các tay tội phạm đã được trả tự do lại vẫn sẵn sàng tấn công các Kitô hữu, xét vì các bản án qúa nhẹ và họ không sợ bị trừng phạt. Ðiển hình như trường hợp của ông Manoj Pradhan, dân biểu bang Orissa, thuộc đảng Ấn Giáo Bharatiya Janata, bị tố cáo đã sát hại 9 Kitô hữu, nhưng ông vẫn được tại ngoại và tiếp tục đe dọa các nhân chứng và các người chống đối ông.
Vì các thiên vị như thế chính quyền bang Orissa đã không thành công trong việc tái trao ban tin tưởng cho dân chúng, và cũng bất lực không bảo đảm an ninh cho dân. Nhiều gia đình nạn nhân đã không nhận được trợ giúp nào của chính quyền, và họ bị bó buộc phải di cư ra khỏi biên giới, và phải đương đầu với các nguy hiểm mới.
Theo các cuộc điều tra của các chuyên viên tranh đấu cho các quyền con người, các vụ bách hại nói trên đã được mưu toan từ lâu trước, và đã được tổ chức một cách rất quy mô tỉ mỉ.
Từ năm 2008 đến nay tình hình tại Orissa vẫn chưa được cải tiến bao nhiêu, vì vẫn còn có các vụ tấn kích chống lại các tín hữu Kitô. Mới nhất là vụ xảy ra ngày 18 tháng 8 năm 2013 tại Karon, nơi một một nhóm 150 người ấn cuồng tín đã tấn công một linh mục dòng Tên và hai nữ tu.
Cha Kumar Singh cho biết tuy sợ các vụ trả thù, nhưng Kitô hữu vùng Kandhamal vẫn quyết định tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân với cuộc tuần hành có sự tham dự của thành viên các tổ chức bảo vệ nhân quyền. Nhân dịp này các Kitô hữu cũng trao cho chính quyền lời thỉnh cầu trả lại công lý cho các nạn nhân và bảo đảm an ninh cho các Kitô hữu.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của cha Kumar Singh, là người chuyên hoạt động xã hội tranh đấu công lý cho các nạn nhân cuộc bách hại tín hữu Kitô trong bang Orissa bên Ấn Ðộ.
Hỏi: Thưa cha tình hình trong bang Orissa hiện nay ra sao?
Ðáp: Vào năm tới đây sẽ có các cuộc bầu cử, và lực lượng Sangh Parivar, thuộc gia đình các phong trào Ấn giáo cuồng tín, đang huy động các nhóm của họ. Sự kiện này cũng khiến cho các cộng đoàn Kitô tại Kandhamal bắt đầu lo sợ, không ai biết sẽ có thể xảy ra những gì.
Hỏi: Năm năm sau khi xỷy ra vụ bách hại các Kitô hữu trầm trọng như vậy, có các dấu vết nào còn tồn tại trong các làng Kitô ở bang Orissa hay không?
Ðáp: Có khoảng 10,000 người chạy trốn cuộc bách hại vẫn chưa trở về nhà của họ. Trong rất nhiều trường hợp họ đã mất hết nhà cửa cũng như các dung cụ làm việc, và hoàn toàn trắng tay không còn gì cả. Nhưng sự trợ giúp của chính quyền và các tổ chức khác qua ít, và lại không cân xứng với những gì họ đã mất. Số tiền 15-20 ngàn rupie nhận được qúa ít ỏi, và trong rất nhiều trường hợp số tiền trợ giúp này cũng không tới tay những người còn sống sót. Tình hình bất ổn rất cao, vì thế trong nhiều vùng các Kitô hữu cũng không thể vào rừng để kiếm các chất liệu giúp tái thiết nhà cửa. Các phụ nữ và trẻ em cũng không dám đi tới các làng mạc hay các chợ lân cận, nếu họ phải đi qua các vùng có tín hữu Ấn sinh sống.
Hỏi: Giáo Hội địa phương đã làm những gì để giảm bớt các khổ đau của các tín hữu bị bách hại và của những người đòi hỏi công lý, thưa cha?
Ðáp: Cuộc bách hại hồi năm 2008 đã là vụ bách hại lớn nhất chống lai các Kitô hữu trong lịch sử của Ấn Ðộ. Giáo Hội đã bị tấn công bất thình lình, và vì thế việc đáp trả của Giáo Hội cũng đã không tương xứng với các vụ tấn kích. Ðã có 415 làng trong quận Kandhamal bị tấn công và đốt phá, cộng thêm hàng chục làng khác trong 13 quận khác nhau của bang Orissa. Ðiều này cũng giải thích tại sao trong số 3,331 đơn tố cáo người ta đã chỉ ghi nhân 837 vụ, và các đơn tới được tòa án lại còn ít hơn nữa. Tôi thấy rằng các hoạt động pháp luật của Giáo Hội để trả lời cho thảm cảnh này không thích đáng, nhưng cũng là điều khích lệ khi thấy Giáo Hội đã trợ giúp được nhiều cá nhân.
Hỏi: Thưa cha, vậy hiện nay đâu là các viễn tượng đối với những anh chị em Kitô còn sống sót đã phải đau khổ trên thân xác và trong tinh thần như vậy?
Ðáp: Thách đố mà các cộng đoàn Kitô đã bị bách hại đang phải đương đầu trước mắt là tìm cách sống còn. Các Kitô hữu vẫn còn tìm cách trở về làng cũ của mình, và ngoại trừ vài trường hợp, họ vẫn tìm cách xây dựng lại nhà cửa. Tuy nhiên, không có các bồi thường các mất mát mùa màng và súc vật, họ phải kiếm sống từng ngày. Công lý đã trở thành một giấc mơ xa vời; thêm vào đó là thiếu chương trình bảo vệ các nhân chứng. Thiểu số Kitô bị cám dỗ chịu nhượng bộ các quyền của họ để đánh đổi lấy một chút bình an. Cả khi họ muốn có công lý đi nữa, họ cũng không thể đương đầu với các khó khăn kinh tế, các đe dọa và sự thờ ơ của guồng máy chính quyền địa phương hiện nay.
Hỏi: Thưa cha, mới đây cha đã nhận được phần thưởng vì dấn thân bênh vực các quyền của các nhóm thiểu số, có đúng thế không?
Ðáp: Tôi coi giải thưởng tặng cho tôi như là một khích lệ đối với các tiếng nói đòi hỏi công lý trong nước Ấn này thôi. Tôi chỉ là một trong các tiếng nói đòi công lý đó. Các Kitô hữu vùng Kandhamal than khóc vì các bất công họ phải gánh chịu. Họ than khóc trong thinh lặng vì sự hiểu lầm họ đã phải gánh chịu. Các tòa án đã trả tự do cho đa số các người đã tấn công, cướp bóc tài sản, đốt nhà và giết chết các thân nhân của họ. Nhà nước Ấn từ chối trả bồi thường cho họ, và muốn rằng họ phải bằng lòng với một chút mà Nhà nước cho họ. Ðiều này khiến cho họ cảm thấy bị tước đoạt, trong khi kỷ niệm về các bạo lực đã phải chịu khiến cho họ sống trong tình trạng bất an.
(Avvenire 22-8-2013)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)