Ðức Thánh Cha gửi sứ điệp

cho đại hội các dân tộc Rimini lần thứ 34

 

Ðức Thánh Cha gửi sứ điệp cho đại hội các dân tộc Rimini lần thứ 34.

Vatican (SD 18-08-2013) - Trong sứ điệp gửi đại hội các dân tộc lần thứ 34 tại Rimini trung Italia, Ðức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các tham dự viên tìm ra các phương thức mới để rao truyền Tin Mừng trong thế giới ngày càng tục hóa hiện nay.

Sứ điệp mang chữ ký của Ðức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, gửi Ðức Cha Francesco Lambiasi, Giám Mục Rimini. Nhắc lại đề tài của đại hội là "Con người sự cấp thiết" Ðức Thánh Cha Phanxicô lập lại khẳng định của Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: "Con người là con đường của Giáo Hội". Con người luôn là một mầu nhiệm không thể bị giản lược vào bất cứ hình ảnh nào mà xã hội và quyền bính tìm áp đặt cho nó. Con người là mầu nhiệm của tự do và ơn thánh, của sự nghèo nàn và cao cả. Con người là con đường của Giáo Hội, bởi vì đó là con đường mà chính Thiên Chúa đã đi qua... Chúa Giêsu Kitô là con người chính của Giáo Hội, nhưng bởi vì Ngài cũng là con đường dẫn đến từng người, nên con người trở thành "con đường đầu tiên và nền tảng của Giáo Hội" (x. Redemtor hominis, 1314).

Khi khẳng định "Ta là cửa" (Ga 10,7) Chúa Giêsu muốn nói rằng Ngài là cánh cửa dẫn tới mọi người và mọi sự. Không qua Chúa Kitô, không tập trung nơi Ngài cái nhìn của tâm trí, chúng ta sẽ không hiểu gì về mầu nhiệm con người. Khi hiểu mầu nhiệm về con người, chúng ta bị bó buộc thay đổi các tiêu chuẩn phán đoán và hành động. Thế giới cũng chú ý tới con người. Nhưng quyền bính kinh tế, chính trị, truyền thông cần tới con người để trường tồn và phô trương, nhưng chúng thường tìm lèo lái các đám đông, dẫn vào các ao ước, và xóa bỏ những gì qúy báu nhất mà con người có là tương quan với Thiên Chúa. Quyền bính sợ hãi con người đối thoại với Thiên Chúa, bởi vì cuộc đối thoại ấy khiến cho con người tự do và không thể đồng hóa được.

Và đây chính là sự cấp thiết mà đại hội tình bạn giữa các dân tộc nêu lên: đó là trả con người lại cho chính nó, cho phẩm gia rất cao qúy của nó, cho sự duy nhất và qúy trọng của mọi sự sống con người từ lức thụ thai cho tới khi chết tự nhiên. Cần phải tái duyệt xét sự thánh thiêng của con người, và mạnh mẽ nêu bật rằng chỉ trong tương quan với Thiên Chúa, nghĩa là trong việc khám phá ra và gắn bó với ơn gọi của mình, con người mới có thể đạt tầm mức đích thật của nó. Giáo Hội, mà Chúa Kitô đã trao phó cho Lời Ngài và các Bí Tích, giữ gìn niềm hy vọng lớn nhất và khả thể đích thật nhất của việc hiện thực đối với con người, ở bất cứ vĩ tuyến và thời đại nào. Trách nhiệm này lớn lao chừng nào, và chúng ta không được giữ kho tàng đó cho riêng mình, mà phải chia sẻ với các anh chị em khác... Noi gương Chúa Giêsu chúng ta hãy ra đi gặp gỡ con người thời đại chúng ta, trẻ em người già, người thông thái, người vô học, giới trẻ và các gia đình. Hãy đi tìm gặp họ và gần gũi với từng người, không phải chỉ trong các nhà thờ và các xứ đạo, nhưng chúng ta hãy mang mùi hương tình yêu của Chúa Kitô vào trong mọi môi trường (x. 2 Cr 2,15). Trong các trường học, các đại học, các nơi làm việc, các nhà thương, nhà tù, và cả trong các quảng trường, trên đường phố, tại các trung tâm thể thao thể dục, trong các hàng quán nơi có người lui tới. Chúng ta đừng hà tiện trong việc cho đi điều chúng ta đã nhận được mà không có công nghiệp nào! Chúng ta đừng sợ loan báo Chúa Kitô trong các dịp thuân tiện cũng như không thuận tiện (x. 2 Tm 4,2) với sự tôn trọng và thẳng thắn.

Nhiệm vụ của Giáo Hội và của mọi Kitô hữu là phục vụ con người bằng cách đi tìm nó trong các ngõ ngách xã hội và tinh thần kín ẩn nhất. Và lòng trung thành của Giáo Hội với Chúa Kitô là điều kiện sự đáng tin cậy của Giáo Hội trong sứ mệnh này... (SD 18-8-2013)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page