Tự do tôn giáo

là con đường dẫn tới hòa bình

 

Tự do tôn giáo là con đường dẫn tới hòa bình.

Rimini (SD 23-08-2013) - Chiều ngày 23 tháng 8 năm 2013 tại đại hội tình bạn các dân tộc ở Rimini, Ðức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng tòa Thánh đối thoại liên tôn, đã thuyết trình về đề tài "Tự do tôn giáo như con đường dẫn tới hòa bình". Ngài khẳng định rằng tôn giáo là sức mạnh giúp xây dựng hòa bình trên thế giới.

Ðức Hồng Y nhắc lại lời Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI mạnh mẽ lên án nạn khủng bố bạo lực đội lốt tôn giáo trong diễn văn nói với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh năm 2006. Khủng bố đội lốt tôn giáo có nhiều lý do phức tạp, như ý thức hệ chính trị trộn lẫn với các ý niệm tôn giáo lệch lạc. Nó không ngần ngại tấn kích các người vô tội, không phương thế tự vệ, hay đưa ra các điều kiện vô nhân, gieo kinh hoàng sợ hãi cho dân chúng, nhằm gây áp lực với các giới hữu trách chính trị, để họ phải tuân theo các dự án của chính những kẻ khủng bố. Không có gì có thể biện minh cho các hành động tội phạm xấu xa, dùng tôn giáo làm bình phong, và hạ thấp sự thật về Thiên Chúa xuống mức độ mù quáng của luân lý tồi bại. Không thể làm ngơ Thiên Chúa, vì con người là sinh vật tôn giáo. Không có nền văn minh nào mà không có tôn giáo.

Trong bài tham luân Ðức Hồng Y Tauran nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo là một quyền nền tảng của con người. Nó là sự tự do thiết lập một tương quan cá nhân với sự siêu việt, tự do thực hành niềm tin của mình một cách công khai, và tự do tuyên xưng nó. Trong một xã hội và trong một quốc gia nó là quyền của con người được trật tự pháp lý thừa nhận. Nhà nước phải trung lập trong nghĩa tích cực, bằng cách bảo đảm sự tự do đó của con người, và phục vụ công ích. Nhà nước tân tiến dân chủ không thừa nhận tôn giáo nào hết, để có thể thừa nhận tất cả mọi tôn giáo. Vì thế quyền tự do tôn giáo lớn hơn sự tự do phụng tự và cả tự do tư tưởng.

Tiếp đến Ðức Hồng Y Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Ðối Thoại Liên Tôn khẳng định rằng tin không chỉ là một thực tại cá nhận, mà cũng là một thực tại tập thể của cộng đoàn tín hữu nữa. Việc lựa chọn một tôn giáo tốt nhất là một hành động nội tại, trong khi quyết định theo một tôn giáo xác định bao gồm các hành động bề ngoài: phụng tự, giảng dậy, phổ biến giáo lý vv... Lựa chọn và quyết định có một tương quan với Thiên Chúa là hành động quan trọng nhất con người có thể làm. Nó phải xảy ra, mà không có các áp lực bên ngoài.

Ðức Hồng Y Tauran cũng phân biệt giữa tôn giáo là tương quan tùy thuộc Thiên Chúa và các giáo phái chủ trương thống trị các sức mạnh siêu nhiên để phục vụ mình. Liên quan tới việc cộng tác giữa Nhà nước và cộng đoàn tôn giáo ngài ghi nhận rằng nó phải là tương quan tin tưởng hai chiều, nhằm phục vụ công ích và bảo vệ các giá trị dân chủ, bảo đảm một số khía cạnh nền tảng của tôn giáo như các biểu lộ của phụng tự, tự do thành lập hội đoàn và đề nghị đức tin với mọi người. Sau cùng Ðức Hồng Y Tauran khẳng định rằng niềm tin tôn giáo là một sức mạnh giúp xây dựng hòa bình. Khi tin nơi phẩm giá duy nhất của con người và các quyền bất khả nhượng của nó trong việc phục vụ tha nhân và thăng tiến toàn nhân loại, người ta hiểu khả năng xây dựng hòa bình của tôn giáo. Các tín hữu là một tài nguyên cho xã hội, vì họ củng cố thiện ích chung, giáo dục tình huynh đệ và liên đới, chứng minh cho thấy sự khác biệt là sự phong phú, chứ không phải một nguy hiểm. Với cuộc sống trung thực của mình, tín hữu nhắc nhở quyền tối thượng của luân lý đạo đức trên ý thức hê, con người trên sự vật, và trí tuệ trên vật chất. Thật chí lý lời của luật gia Luigi Tapparelli người Ý: "Lấy mất đi tôn giáo khỏi xã hội, con người sẽ mau chóng biến thành hàng hóa". (SD 23-8-2013)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page