Phỏng vấn giáo sư Elio Guerriero
thần học gia kiêm sử gia Giáo Hội
về Thông điệp "Lumen fidei - Ánh sáng đức tin"
Phỏng vấn giáo sư Elio Guerriero, thần học gia kiêm sử gia Giáo Hội, về Thông điệp "Lumen fidei - Ánh sáng đức tin".
Roma (Avvenire 14-06-2013; Vat. 16-07-2013) - Ngày mùng 5 tháng 7 năm 2013 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Thông điệp "Lumen fidei - Ánh Sáng Ðức Tin" bằng 6 thứ tiếng: Ý, Anh, Pháp, Ðức, Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha.
Cách đây ít lâu Ðức Thánh Cha Phanxicô cho biết Thông điệp này được viết bằng "bốn tay", nghĩa là Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã soạn thông điệp nhân dịp chuẩn bị kết thúc Năm Ðức Tin, nhưng chưa hoàn thành. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã dùng tài liệu này để hoàn thành Thông điệp, và nó cũng trở thành Thông điệp đầu tiên của ngài.
Nó thuộc bộ ba Thông điệp mà Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI dành cho ba nhân đức đối thần là đức Tin, đức Cậy và đức Mến. Ðó đã là ý hướng của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, nhưng sau khi suy tư về đức Ái và đức Hy vọng, ngài đã không thể kết thúc suy tư về đức Tin, trước khi từ nhiệm sứ vụ Phêrô ngày 11 tháng 2 năm 2013 và bắt đầu có hiệu lực từ lúc 20 giờ ngày 28 tháng 2 năm 2013.
Trong 8 năm làm Giáo Hoàng Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã công bố ba Thông điệp. Thông điệp đầu tiên đề ngày ngày 25 tháng 12 năm 2005 nhưng ban hành vào tháng Giêng năm 2006 tựa đề "Deus caritas est". Thông điệp thứ hai tựa đề "Spe salvi" công bố ngày 30 tháng 11 năm 2007. Và thông điệp thứ ba ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2009 tựa đề "Caritas in veritate". Ðây là thông điệp về giáo huấn xã hội của Hội Thánh và gắn lién với Thông điệp "Populorum progressio" của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố năm 1968. Tài liệu này của Ðức Phaolô VI duy trì nguyên vẹn giá trị của nó trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay.
Thông điệp "Lumen fidei - Ánh sáng đức tin" gồm 59 số. Ngoài phần mở đầu (các số 1-7) và kết luận (các số 58-59), Thông điệp chia làm bốn chương. Chương I tựa đề "Chúng tôi đã tin vào tình yêu" (các số 8-22) nhắc tới tổ phụ Abraham như là cha của các kẻ có lòng tin, đức tin của dân Israel, sự tràn đầy trong đức tin kitô, ơn cứu rỗi nhờ lòng tin, hình thức giáo hội của đức tin. Chương hai có tựa đề "Nếu anh em không tin anh em sẽ không hiểu" (các số 23-36) khai triển các tương quan giữa đức tin và chân lý, sự hiểu biết chân lý và tình yêu thương, đức tin như là sự lắng nghe và nhìn thấy, đối thoại giữa đức tin và lý trí, đức tin và việc tìm kiếm Thiên Chúa, đức tin và thần học. Chương ba tựa đề "Tôi thông truyền cho anh em điều tôi đã nhận được" (các số 37-49) trình bầy Giáo Hội như là mẹ đức tin của chúng ta, các bí tích và việc truyền đạt đức tin, đức tin cầu nguyện và Mười Ðiều Răn, sự hiệp nhất và toàn vẹn của đức tin. Chương bốn tựa đề "Thiên Chúa chuẩn bị cho họ một kinh thành" nói tới đức tin và công ích, đức tin và gia đình, một ánh sáng cho cuộc sống trong xã hội, một sức mạnh ủi an trong khổ đau.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư Elio Guerriero, thần học gia kiêm sử gia Giáo Hội về Thông điệp "Ánh Sáng Ðức Tin".
Hỏi: Thưa giáo sư Guerriero, giáo sư nghĩ gì về Thông điệp có "bốn tay viết" này?
Ðáp: Ðây là một thí dụ và là biến cố của sự "hiệp thông giáo hội", một Thông điệp do hai Giáo Hoàng viết. Nó là một ơn thánh Chúa ban cho chúng ta.
Hỏi: Ðây có phải là một biến cố ngoại thường chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội hay không thưa giáo sư?
Ðáp: Vâng, đúng thế. Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử qúa khứ, thì chỉ thấy các thí dụ tiêu cực thôi. Qúy vị hãy nghĩ tới trường hợp của Ðức Giáo Hoàng Celestino V, là vị Giáo Hoàng duy nhất đã khước từ sứ vụ Phêrô một cách tự do như Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI; và Ðức Celestino V đã bị Ðức Giáo Hoàng Bonifacio VIII nhốt tù vì sợ xảy ra một vụ ly giáo. Hay qúy vị hãy nghĩ tới thời gian các Giáo Hoàng phải sống tại Avignon bên Pháp, với hai rồi ba vị Giáo Hoàng chống đối nhau. Tội đọc hiểu việc chọn Ðức Thánh Cha Phanxicô như là một việc trở lại thời Giáo Hội của các Tông Ðồ.
Hỏi: Giáo sư hiểu nó như là thời Giáo Hội khai sinh?
Ðáp: Vâng, đúng như thế. Ngoài ra có vài thư của thánh Phaolô đã được viết cùng với Sostene hay với Timôthê. Dĩ nhiên, đây là các biến cố khác, nhưng tôi đọc hiểu nó như là một ơn Thiên Chúa ban. Cũng như đã xảy ra hồi năm 1965 khi Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và Ðức Thượng Phụ Costantinopoli Atenagora cùng ký vào thư chung hủy vạ tuyệt thông xảy ra hồi năm 1054.
Hỏi: Như thế Thông điệp do "bốn bàn tay viết" là một dấu chỉ của sự hiệp thông giáo hội?
Ðáp: Sự lựa chọn của Ðức Thánh Cha Phanxicô không chỉ có nghĩa là kết thúc một tài liệu đã được Ðức Thánh Cha Buiển Ðức XVI bắt đầu, nhưng còn và cũng muốn nói rằng tiếp nhận thông điệp đã được Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI bắt đầu và hoàn tất nó như dấu chỉ của sự tiếp nối và hiệp thông.
Hỏi: Như thế nó là một tài liệu trộn lẫn sự nhậy cảm của cả hai vị Giáo Hoàng?
Ðáp: Chắc chắn là nó diễn tả một sự hiệp thông lớn và một sứ điệp giáo hội đặc biệt. Cũng như trường hợp một Giám Mục rời chức vụ của mình và có một Giám Mục khác thay thế, chính trong sự tiếp nối mà tôi đã nói tới trên đây.
Hỏi: Nhưng mà trong các thông điệp người ta tìm thấy nhiều điều từ lịch sử cá nhân của Ðức Giáo Hoàng có phải vậy không, thưa giáo sư?
Ðáp: Tôi nghĩ rằng mỗi một vị Giáo Hoàng có cung cách riêng và nhân phẩm của mình, biểu lộ ra từ các thông điệp các ngài công bố. Nhưng đồng thời tôi cũng đọc thấy sự tiếp nối tư tưởng lớn trong vài đề tài. Chúng ta hãy lấy thông điệp đức tin này làm thí dụ. Về đề tài đức tin làm sao mà không nhớ đến tông huấn "Evangelii nuntiandi" Ðức Phaolô VI ban hành tháng 12 năm 1975 được - như Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc tới. Trong đó Ðức Phaolô VI nói đến sự cần thiết ngày nay phải có một kiểu mới trong việc loan báo Tin Mừng. Ðề tài này là nền tảng Tông thư Tự sắc "Porta Fidei - Cánh cửa đức tin" được Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI công bố hồi tháng 10 năm 2011. Và giờ đây là thông điệp về đức tin.
Hỏi: Trong lịch sử của Giáo Hội đã có trường hợp các Giáo Hoàng lấy lại các tài liệu hay các thông điệp mà vị tiền nhiệm đã không hoàn thành và bổ túc chúng hay không thưa giáo sư Guerriero?
Ðáp: Có thể nói tới các sợi chỉ đỏ chạy dọc vài đề tài lớn, mà các Giáo Hoàng khác nhau đã muốn diễn tả tư tưởng của các vị. Hãy nghĩ tới đề tài giáo lý xã hội của Hội Thánh, khởi đầu với Thông điệp "Rerum novarum" "Tân Sự" của Ðức Giáo Hoàng Leô XIII công bố năm 1891. Nó tìm thấy tiếng vang trong thông điệp "Quadragesimo - Năm thứ bốn mươi" đo Ðức Giáo Hoàng Pio XI ban hành năm 1931; rồi vang vọng trong Thông điệp "Mater et magister - Mẹ và thầy" do Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố năm 1963; tiếp đến là trong Tông thư "Octogesima adveniens - Ðến năm thứ tám mươi" do Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố năm 1971; và trong Tông thư "Centesimus annus - Năm thứ một trăm" do Ðức Gioan Phaolô II ban hành năm 1991, sau đó lại vang vọng trong Thông điệp "Caritas in veritate - Bác ái trong Chân lý" của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI công bố năm 2009.
Hỏi: Thưa giáo sư có phải Thông điệp về Ðức Tin nằm trong ba thông điệp Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nghĩ tới về đức tin, đức cậy và đức mến hay không?
Ðáp: Ðây là một sự kiện mà tôi muốn nêu bật. Thật vậy, với quyết định này Ðức Giáo Hoàng Phanxicô không chỉ hạn chế trong việc bổ túc một tài liệu đã do Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã chuẩn bị, nhưng cũng bao gồm việc chia sẻ một chương trình tái phát động đức tin, mà Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã có trong tâm trí. Chính ở điểm này tôi đọc hiểu ý muốn của một mong ước chung tiếp: đó là tục việc loan báo đức tin để phục vụ Giáo Hội, phục vụ các tín hữu và cũng phục vụ toàn thế giới nữa.
(Avvenire 14-6-2013)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)