Cuộc tranh đấu chống lại
bệnh liệt kháng AIDS bên Phi châu
Cuộc tranh đấu chống lại bệnh liệt kháng AIDS bên Phi châu.
Roma (Avvenire 2-07-2013; Vat. 12-07-2013) - Phỏng vấn bà Pacem Kawonga, người Malawi.
Chiều ngày mùng 2 tháng 7 năm 2013 lễ trao "Giải thưởng Văn khố giải trừ vũ khí - Bồ câu Vàng cho hòa bình" đã diễn ra tại Roma. Giải thưởng loại quốc tế đã được dành cho bà Pacem Kawoonga, người Malawi hoạt động viên của chương trình "Giấc mơ", là dự án trợ giúp các bệnh nhân liệt kháng AIDS do Cộng đồng thánh Egidio phát động bên Malawi. Người thứ hai trúng giải là bà Asha Omar Ahmed, bác sĩ sản khoa người Somalia, can đảm hướng dẫn chương trình phòng ngừa tệ nạn cắt bộ phân sinh dục của nữ giới tại thủ đô Mogadiscio. Trong lãnh vực các nhà báo người trúng giải là bà Paola Caridi, sáng lập viên hiệp hội nhà báo "Lá thư 22" và bà Lorella Zanardo, tác giả cuốn tài liệu tựa đề "Thân thể của các phụ nữ".
Bà Pacem Kawonga đã bị bệnh liệt kháng AIDS cũng như Melinda con gái bà. Bà đã viết cuốn sách tựa đề "Một ngày mai cho các con tôi" có hình Melinda mặc áo mầu hồng tươi cười hạnh phúc. Tại Mtengo Wa Ntengha quê sinh của bà, người dân khinh rẻ xa lánh các người bị bệnh phong cùi cũng như các người bị bệnh liệt kháng AIDS. Và người bệnh chết vì bệnh tật trên thân xác, và chết trong tinh thần vì sự khinh rẻ của dân chúng. Tại Mtengo Wa Ntengha, Pacem Kawonga đã đến gặp các nhân viên thiện nguyện thuộc trụ sở của tổ chức "Giấc mơ" do cộng đồng thánh Egidio thành lập. Ðây là một trong nhiều trung tâm hiện diện trong 10 nước Phi châu, nhằm mục đích trợ giúp các bệnh nhân, phòng ngừa và ngăn chặn bệnh AIDS lan tràn. Bà Pacem đã được trợ giúp và tới phiên mình bà cũng trở thành thiện nguyện viên để giúp đỡ các phụ nữ khác và trao ban cho họ một chút can đảm của bà.
Phụ nữ Phi châu thứ hai nhận "Giải thưởng Văn khố giải trừ vũ khí - Bồ câu Vàng cho hòa bình" là bà Asha Omar Ahmed người Somalia, bác sĩ sản khoa. Bà đã can đảm chiến đấu chống lại tệ nạn cắt bộ phận sinh dục của nữ giới và thăng tiến sức khỏe của các bà mẹ. Chuyện của bà đã bắt đầu cách đây 25 năm trong thủ đô Mogagiscio, nơi bà Asha đã kết thúc năm cuối chương trình Y khoa tại đại học thủ đô. Năm 1992 nội chiến bùng nổ, sinh viên Asha trốn sang Italia, nhận được học bổng của chính quyền Italia và đậu tiến sĩ sản khoa. Sau thời gian tập sự tại London và lấy thêm bằng tiến sĩ về các chấn thương của các phụ nữ mang thai tại miền đông Phi châu, bà trở về Mogadiscio và làm giám đốc nhà thương "Giacomo De Martino" được tái thiết năm 2010 nhờ tài trợ của chính quyền Italia. Nhưng các khóa dậy sản khoa và chống lại tệ nạn cắt bộ phận sinh dục của nữ giới không làm hài lòng các người hồi cuồng tín cũng như các bác sĩ giả làm giầu nhờ tệ nạn này.
Năm 2006 nữ tu Leonella Sgorbati và 3 nữ tu khác cùng dòng điều khiển nhà thương "Cứu các làng trẻ em" bị những người hồi cuồng tín sát hại. Bác sĩ Asha đã quen các chị 4 tháng trước đó, và bà đã thay thế nữ tu Leonella kết thúc khóa đào tạo các y tá còn dang dở. Vì lý do an ninh hiện nay mỗi khi bác sĩ di chuyển đó đây, đều có binh sĩ đi theo bảo vệ. Bác sĩ Asha Omar Ahmed đã có thể làm việc tại Roma hay London, nhưng bà đã không bao giờ nghĩ tới chuyện rời bỏ quê hương mình là Somalia. Trong thời gian theo học tại Roma bác sĩ đã giúp phục hồi nhiều phụ nữ Somalia nạn nhân của tệ nạn cắt bỏ bộ phận sinh dục này. Thủ đô Mogadiscio có 2 triệu dân nhưng hiện nay chỉ có 4 nhà thương còn hoạt động.
Bác sĩ Asha là tín hữu Hồi thực hành đạo, và bà bảo đảm là người ta không tìm thấy trong kinh Coran một câu nào đề cập đến việc cắt bỏ cơ phận sinh dục của nữ giới. Tệ nạn này không liên quan gì tới tôn giáo, nhưng là một thói quen đã có từ rất lâu đời trong nhiều nước Phi châu từ Somalia tới Mali. Bên Ai Cập nó đã bị cấm từ hơn một 100 năm nay. Ngoài sự đau đớn trên thân xác và trong tinh thần gây kinh hoàng nơi các bé gái, tệ nạn này còn gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe của nữ giới.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của bà Pacem Kawonga về bệnh AIDS khiến cho 34 triệu người phải đau khổ trên thế giới, trong đó 70% tổng số các bệnh nhân sống bên Phi châu. Số người già và trẻ em mắc bệnh ngày càng gia tăng. Hàng năm bệnh AIDS gây ra cái chết của hơn 3 triệu người, trong đó có rất nhiều trẻ em. Số trẻ em mồ côi cha mẹ vì bệnh liệt kháng cũng lên tới 1.6 triệu.
Hỏi: Thưa bà Pacem Kawonga, bà đã cảm thấy gì khi khám phá ra là mình bị bệnh AIDS?
Ðáp: Ðã từ lâu tôi muốn đi làm một cuộc thử nghiệm, bởi vì bệnh liệt kháng AIDS rất phổ biến bên Malawi. Nhưng đồng thời tôi cũng nghĩ đến sự kỳ thị, khinh rẻ và dấu ấn đóng trên tôi, nếu tôi bị nhiễm bệnh. Và đây là nỗi lo sợ của tất cả mọi phụ nữ. Tôi đã rất hoảng sợ, nhưng tôi phải nghi tới các con tôi. Nếu tôi không làm cuộc thử nghiệm, thì tôi sẽ không có tương lai nào cả. Ðã cần phải có can đảm lắm, cũng bởi vì chồng tôi không muốn tôi làm cuộc thử nghiệm ấy. Tôi đã chỉ có thể làm, khi anh ấy đi tới một vùng khác trong nước để làm việc. Khi họ nói cho tôi biết là tôi mắc bệnh AIDS, tôi nghĩ thế là đời tôi đã kết thúc. Tôi muốn Chúa làm phép lạ để thay đổi thực tại này. Nhưng không thể được. Tôi phải chấp nhận nó thôi.
Hỏi: Tại sao chồng bà lại đã không muốn cho bà đi làm thử nghiệm xem có bị mắc bệnh hay không?
Ðáp: Cũng giống như biết bao nhiêu người đàn ông khác tại Malawi, chồng tôi không muốn người ta biết tôi bị bệnh. Họ không muốn làm cho người khác biết bệnh này, vì nó bị coi là một điều xấu hổ. Nếu bạn có bệnh liệt kháng AIDS, thì trước mắt xã hội bạn là một người vô ích, cần phải khai trừ.
Hỏi: Và thế là bà đã nghĩ tới mục đích đầu tiên là phải ngăn chặn căn bệnh này, rồi sau đó bà cũng đã nghĩ tới việc phải trợ giúp các phụ nữ khác, có đúng vậy không?
Ðáp: Vâng, đúng thế. Khi bạn bị nhiễm vi trùng HIV, thì bạn hiểu thế giới là gì. Khi tôi chưa mắc bệnh liệt kháng, tôi đã không biết cuộc sống sâu xa dường nào. Sự kiện khám phá ra trong tôi có vi trùng HIV đã khiến cho tôi hiểu một cuộc sống vượt qúa cuộc sống mà tôi đã có trước đó. Tôi đã không chỉ dấn thân trong lãnh vực bệnh AIDS, nhưng tôi cũng được coi như là tiếng nói của các chị em phụ nữ bị kỳ thị tại Malawi vì các thứ vi trùng xã hội khác, bao gồm việc bị loại bỏ ra ngoài lề xã hội. Trong một nghĩa nào đó, bệnh AIDS cũng đã chuyển tải ý thức về các quyền con người bị khước từ đối với các chị em phụ nữ.
Hỏi: Bà nói rằng người ta không nhất thiết chết vì bệnh liệt kháng AIDS, nhưng cho rằng việc chuộc lại xã hội là điều có thể. Tại sao bà lại chọn làm nhân chứng?
Ðáp: Làm nhân chứng cho bệnh liệt kháng AIDS là một ước mong sâu thẳm của tôi. Tôi đã nhận được biết bao nhiêu, vì thế tội nghĩ tất cả mọi phụ nữ phải nhận đươc điều mà tôi đã nhận được. Tôi đã giải thích điều này trong sách: tôi đã khóc, tôi đã giận dữ, tôi đã ngã, tôi đã đứng dậy, và tôi đã nhìn thế giới với đôi mắt mới. Giờ đây tôi muốn thông truyền niềm hy vọng mà tôi đã nhận được cho các phụ nữ khác.
Hỏi: Công việc thường ngày của bà trong tổ chức "Giấc mơ" là gì?
Ðáp: Là người hoạt động trước hết có nghĩa là dấn thân, làm một cái gì đó phát xuất từ con tim. Làm việc cho người khác trên nhiều bình diện khác nhau. Trước hết là chống lại sự kỳ thị. Tôi đã sống qua sự kỳ thị đó. Tôi bị bệnh có vi trùng HIV và con gái tôi cũng thế. Sau khi đã trải qua cái cột bêu tội nhân của sự kỳ thị, bây giờ việc giúp các người khác là một ước muốn phát xuất từ trái tim tôi.
Hỏi: Bà có bị đe dọa hay cản trở gì trong hoạt động này không?
Ðáp: Cũng đã có các đe dọa và cản trở, nhưng khi bạn biết bạn đang làm gì, thì bạn hãnh diện về điều đó, các đe dọa không đè nặng và không đáng kể. Khi bạn ý thức về điều bạn dấn thân thực hiện, thì bạn biết là bạn có thể thắng vượt bất cứ khó khăn nào.
Hỏi: Một nước Malawi không có bệnh liệt kháng AIDS và không kỳ thị xã hội: đó có phải là một ngày mai mà bà cầu mong cho con cái bà hay không? Nó có phải là một giấc mơ có thể thực hiện được hay không?
Ðáp: Giấc mơ có thể được thực hiện. Nếu tôi nhìn tôi đến từ đâu, thì tôi nói rằng giấc mộng đang được thực hiện. Ban đầu tất cả mọi người đều nói với chúng tôi rằng bệnh AIDS không thể chữa trị được, nhưng bây giờ người ta đang chữa trị, và tôi là một chứng từ sống động của khả thể này. Tôi đang sống với bệnh AIDS từ mười năm nay... Nhưng vẫn có tương lai, và tôi cũng thấy nó rạng rỡ.
(Avvenire 2-7-2013)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)