Các đe dọa liên tục
chống lại sự sống con người
Các đe dọa liên tục chống lại sự sống con người.
Roma (SD 15-06-2013; Vat. 25-06-2013) - Phỏng vấn Ðức Hồng Y Zygmunt Zimowski, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Y Tế.
Lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 16 tháng 6 năm 2013, nhân Ngày của Tin Mừng Sự Sống trong Năm Ðức Tin, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trước thềm đền thờ thánh Phêrô với sự tham dự của khoảng 100,000 tín hữu, trong đó có các phái đoàn của Phong trào Sự sống đến từ nhiều nước trên thế giới.
Cùng đồng tế với Ðức Thánh Cha có Ðức Hồng Y Zygmunt Zimowski, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Y tế, vài Giám Mục và 200 Linh Mục.
Giảng trong thánh lễ cử hành ngày Tin Mừng Sự sống Ðức Thánh Cha giải thích mục đích như sau: Với việc cử hành này, trong Năm Ðức Tin, chúng ta muốn cảm tạ Chúa về ơn sự sống, trong tất cả mọi biểu lộ của nó, đồng thời chúng ta muốn loan báo Tin Mừng Sự Sống. Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã quảng diễn các bài đọc Chúa Nhật thường niên thứ XI năm C trong ba điểm suy tư: Thứ nhất Thánh Kinh mặc khải cho biết Thiên Chúa Hằng Sống, Thiên Chúa là Sự Sống và suối nguồn sự sống; thứ hai Chúa Giêsu Kitô trao ban sự sống và Chúa Thánh Thần duy trì chúng ta trong sự sống. Và thứ ba đi theo con đường của Thiên Chúa dẫn đưa tới sự sống, trong khi đi theo các thần tượng dẫn đưa tới cái chết.
Tuy con người vì ích kỷ và đam mê có các hành động gây ra cái chết, nhưng Thiên Chúa luôn tìm tái trao ban sự sống cho nó. Toàn Thánh Kinh nhắc nhở cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Ðấng Hằng Sống, là Ðấng trao ban sự sống và chỉ cho con người con đường sự sống toàn vẹn. Sách Sáng Thế nói rằng Thiên Chúa nhào nặn nên con người với bụi đất, thổi một hơi thở sự sống vào mũi nó và con người trở thành một sinh linh (St 2,7). Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống; nhờ hơi thở của Người mà con người có sự sống, và hơi thở của Thiên Chúa đỡ nâng con đường cuộc sống trần gian của nó.
Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài giảng: Thiên Chúa là Ðấng Hằng Sống, là Ðấng Thương Xót. Chúa Giêsu đem sự sống của Thiên Chúa đến cho chúng ta, Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào sự sống ấy và duy trì chúng ta trong tương quan sinh động là con cái Thiên Chúa. Nhưng rất thường khi con người không chọn sự sống, không lựa Tin Mừng sự sống, mà để cho mình bị hướng dẫn bới các ý thức hệ và luân lý ngăn cản sự sống, không dung tha cho sự sống, bởi vì chúng bị chỉ huy bởi sự ích kỷ, lợi nhuận, bổng lộc, quyền bính, thú vui, chứ không phải bởi tình yêu thương và việc kiếm tìm thiện ích của người khác.
Vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 19 tháng 6 năm 2013 Ðức Thánh Cha lại mời goi mọi người đón nhận và làm chứng cho Tin Mừng sự sống, thăng tiến và bảo vệ sự sống trong mọi chiều kích và giai đoạn của nó. Kitô hữu là người ủng hộ sự sống, là người thưa xin vâng đối với Thiên Chúa, là Ðấng Hằng Sống.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Zygmunt Zimowski, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Y Tế, về các đe dọa liên tục chống lại sự sống con người. Chúng thể hiện qua các luật lệ phá thai, ngừa thai, giết người già, người bệnh nặng, bằng cách làm cho chết êm dịu, loại bỏ các thai nhi tàn tật vv...
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, có điều gì nối liền "Ngày cử hành Tin Mừng Sự Sống" và Năm Ðức Tin, là hai biến cố lớn trong sứ mệnh của Giáo Hội giữa lòng thế giới ngày nay không?
Ðáp: Chúng là hai biến cố có trọng tâm hiệp nhất là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng mà Giáo Hội được mời gọi loan báo, cử hành và làm chứng trong thế giới dọc dài các thế kỷ, như là Chúa của sự sống. Liên quan tới điều này tôi cho rằng các kiểu diễn tả chứa đựng trong thông điệp "Tin Mừng Sự Sống" đều soi sáng. Và đối với mỗi tín hữu các kiểu nói này tái khẳng định sự cấp thiết phải tuyên xưng niềm tin của mình nơi Chúa Giêsu Kitô, "Ngôi Lời sự sống", với lòng khiêm tốn và can đảm. Vì thế, số 29 của Tông thư viết: "Tin Mừng sự sống là một thực tại cụ thể và cá nhân, bởi vì nó hệ tại việc loan báo chính con người của Ðức Giêsu. Ðức Giêsu là Con từ đời đời nhận sự sống từ Thiên Chúa Cha, và đã đến giữa loài người để làm cho họ tham dự vào ơn sự sống này: "Ta đến để chúng có sự sống và sống đồi dào". Từ chiều kích thần học này cũng lập tức nảy sinh ra một hiệu qủa cụ thể liên quan tới suy tư và hoạt động cụ thể, trong tất cả mọi hình thái dấn thân trong lãnh vực rộng rãi và bổ túc của các hoạt động xã hội, y tế và trợ giúp bác ái. Khoa học và việc thực hành y khoa hằng ngày can thiệp vào đời sống con người từ lúc thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên. Tuy nhiên, sự thực liên quan tới giá trị và sự bất khả xâm phạm của bản vị con người, và sự sống của nó rất qúa thường khi bị nguy hiểm. Từ đó đối với Giáo Hội và mỗi tín hữu, phải cấp thiết tái khẳng định đức tin như dấn thân trực tiếp trong lãnh vực nghề nghiệp cũng như riêng tư, vào việc thăng tiến và bênh vực giá trị của sự sống và phẩm giá không thể đụng chạm tới của con người.
Hội Ðồng Tòa Thánh Y tế được mời gọi nói lên và làm chứng một cách hùng hồn và luôn luôn thời sự việc phục vụ của tình bác ái trong chân lý, là trung tâm sứ mệnh rao truyền Tin Mừng của Giáo Hội. Sau cùng, tôi ước mong nhấn mạnh, như trong buổi giới thiệu Kim chỉ nam của các nhân viên y tế do Hội Ðồng công bố trong năm "Tin Mừng Sự Sống", và ghi nhận rằng "với lòng khiêm tốn nhưng cũng với sự hãnh diện, chúng ta có thể cho rằng Kim chỉ nam của các nhân viên y tế được ghi vào trong dấn thân của "việc tái truyền giảng Tin Mừng". Trong việc phục vụ sự sống, một cách đặc biệt nơi các người đau khổ, theo gương mầu nhiệm của Ðức Kitô, nó đạt được phẩm chất của nó.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y Chủ tịch, một cách nòng cốt "Tin Mừng Sự Sống" tìm cách cảnh báo trước vài khuynh hướng dẫn đưa tới chỗ chống đối, một đàng là nền văn hóa và sự tự do, đàng khác là thân xác, thiên nhiên và luật tự nhiên, và đặt để sự thật và phẩm giá con người vào trung tâm của diễn văn. Từ năm 1995 là năm công bố thông điệp "Tin Mừng Sự Sống" cho tới ngày nay đã có gì thay đổi trong tương quan nói trên chưa?
Ðáp: Liên quan tới vấn đề này, tôi muốn minh nhiên một trong các khía cạnh của thế giới ngày nay, xem ra tích cực một trăm phần trăm, nhưng trái lại phải được điều hành với sự chú tâm lớn, và phải luôn luôn ý thức rằng y khoa có mục tiêu là con người, sức khỏe của nó và việc chữa lành khi cần và có thể. Trong toàn cảnh xã hội văn hóa hiện nay của các quốc gia kỹ nghệ tân tiến, việc gia tăng kỹ thuật hóa y khoa luôn là điều ngày càng hiển nhiên hơn. Nó đồng hành với việc gia tăng theo hàm số mũ các khả thể can thiệp của các nghiên cứu khoa học và việc áp dụng kỹ thuật của chúng. Không thể không hứng khởi về điều này, nhưng sự kiện dành ưu tiên cho các dụng cụ chứ không cho con người, là mục tiêu của việc sử dụng các dụng cụ đó, dẫn đưa tới chỗ khiến cho các chữa trị trở thành vô nhân bản. Nghĩa là các tài nguyên và các khả năng trị liệu không còn phục vụ con người, phẩm giá và cuộc sống duy nhất không thể lập lại được của nó nữa, và vì vậy không phục vụ sự sống nữa. Chúng đã trở thành các tự quy chiếu - khoa học cho khoa học - nếu không lụy phục các luật lệ bị áp đặt bởi nền văn hóa thống trị, mà ngày nay cách riêng bên tây phương, đề cao một cách qúa đáng sự hữu hiệu và vẻ đẹp của thân xác. Nhưng đồng thời nó kết thúc bằng việc làm suy giảm, hay tệ hơn, không thừa nhận giá trị sự sống nữa, đặc biệt khi sự sống có các dấu chỉ của bệnh tật, yếu đuối hay giòn mỏng, như các tật nguyền thể lý và tâm thần.
Hỏi: Và điều này ảnh hưởng trên các đường lối chính trị y tế có đúng vậy không thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Ðúng thế, nó đưa tới chổ đề ra các chương trình phát triển kinh tế dự kiến tạo thuận tiện cho việc gia tăng hay suy giảm số sinh, tùy theo các trường hợp. Nó đưa tới chỗ thăng tiến việc hợp thức hóa, hay ít nhất giả thiết du nhập các giải pháp giết người êm dịu hay trợ tử. Chúng ta gặp thấy một kiểu diễn tả thê thảm của tất cả những điều này trong việc phổ biến một cách che dấu hay công khai thực hành việc giết người êm dịu, cho tới chỗ làm ra luật cho phép giết người êm dịu, cho phép trợ tử. Ngoài chuyện thương xót giả tạo trước nỗi khổ đau của người bệnh, luật này đôi khi được biện minh bởi một lý do suy đoán duy tiện ích: đó là để tránh các chi phí không sản xuất qúa lớn và nặng nề cho xã hội. Và điều này đã bị tố cáo mạnh mẽ trong thông điệp "Tin Mừng Sự Sống". Ðây là các luận lý lầm lạc, mà tư tưởng và hành động của Giáo Hội và của Hội Ðồng Tòa thánh Y Tế kịch liệt chống đối. Chắc chắn chúng ta tất cả là những người nâng đỡ sự sống phải luôn luôn dấn thân hơn nữa, một cách cá nhân và một cách cộng đoàn, để cho những người cần được trợ giúp và an ủi có thể tìm thấy sự gần gũi và nâng đỡ, không phải chỉ trên bình diện vật chất mà thôi.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Thông điệp "Tin Mừng Sự Sống" cũng cho thấy các sáng kiến nâng đỡ và yểm trợ những người yếu đuối và không được bênh đỡ nhất. Hội Ðồng Tòa Thánh Y Tế đã thu lượm được gia tài này trong cách thế nào?
Ðáp: Bằng cách làm vang lên trở lại tiếng nói của Giáo Hội trong mọi môi trường quốc tế. Chẳng hạn như hồi tháng trước đây, tôi và phái đoàn Tòa Thánh đã tham dự phiên họp khoáng đại của tổ chức Sức Khỏe Thế Giới OMS tại Genève bên Thụy Sĩ. Trong số các yêu cầu được định nghĩa là "cứu mạng sống", tôi đã ghi nhận là có vài thỉnh cầu xứng đáng được định nghĩa như thế, nhưng yêu cầu "ngừa thai cấp bách" thì khó có thể được xếp vào loại "cứu mạng sống". Và ai cũng biết rằng khi việc thụ thai đã xảy ra, vài chất được dùng trong việc "ngừa thai cấp bách" gây ra hậu qủa phá thai. Vì thế không thể chấp nhận được việc quy chiếu về một sản phẩm y khoa trực tiếp tấn công sự sống của trẻ em trong tử cung của người mẹ như là một sản phẩm "cứu mạng sống"; và còn tệ hại hơn nữa, khuyến khích việc dùng các chất ấy nhiều hơn trong khắp mọi miền trên thế giới. Chúng tôi bảo đảm sự ủng hộ của các Hội Ðồng Giám Mục và các giáo phận đứng hàng đầu trong việc thực thi thông điệp "Tin Mừng Sự Sống", cả trong nỗ lực chuẩn bị và cập nhật liên tục các nhân viên mục vụ y tế nữa. Ðó là chưa kể đến các suy tư đề nghị trong nhiều cuộc gặp gỡ, mà chúng tôi tổ chức trên bình diện quốc tế về nhiều đề tài khác nhau. Thí dụ trong các ngày này chúng tôi đang dấn thân trong Ðại hội khoa học được tổ chức trước khi cử hành "Ngày Tin Mừng Sự Sống" về các đề tài xã hội y tế chuyên biệt nhất. Và chúng cũng tạo cơ hội cống hiến các trợ giúp cụ thể trong nhiều phần khác nhau trên thế giới, qua các hoạt động của tổ chức "Người Samaritano Nhân Lành", được thành lập theo ước muốn của Ðức Giáo Hoàng Wojtila. Tổ chức này đã góp phần săn sóc hàng chục ngàn người, và cứu mạng sống của họ, vì nó cho phép các cơ quan hoạt đông trực tiếp tại địa phương nhận được sự trợ giúp cụ thể, để có thể chuyển đến và tiếp tục nhiều sáng kiến trợ giúp nhân đạo hơn nữa.
(SD 15-6-2013)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)