Cuộc nổi loạn của giới trẻ thất nghiệp
tại Stockholm, thủ đô Thụy Ðiển
Cuộc nổi loạn của giới trẻ thất nghiệp tại Stockholm, thủ đô Thụy Ðiển.
Roma (Avvenire 24.25-05-2013; Vat. 11-06-2013) - Phỏng vấn ông Azous Begag, nhà văn chuyên nghiên cứu các vấn đề kinh tế và xã hội.
Từ trung tuần tháng 5 năm 2013 tại thủ đô Stcokholm và trong vài thành phố tại Thụy Ðiển hàng trăm người trẻ di cư thất nghiệp đã xuống đường biểu tình, nổi loạn phản đối chính quyền và đốt phá xe cộ, các trung tâm xã hội, trường học và trạm cảnh sát.
Ngọn lửa khiến cho bạo lực bùng nổ là sự kiện ngày 13 tháng 5 năm 2013 cảnh sát đã bắn chết một người di cư 69 tuổi, tâm trí bất bình thường trong khu phố Husby của thủ đô Stockholm, lấy cớ là ông đã đe dọa họ với một con dao to. Nhưng nhiều người dân thuộc khu phố có tới 12,000 dân cư này xác tín rằng nếu ông đã là người Thụy Ðiển, thì cảnh sát đã chỉ tước khí giới thôi chứ không bắn chết ông. Sau khi sự kiện xảy ra hàng trăm người dân của khu phố này đã biểu tình ôn hòa yêu cầu cảnh sát điều tra vụ sát hại, nhưng đã không có gì được làm. Từ đó các vụ biểu tình lan sang các khu phố ghetto khác nơi có đa số dân di cư sinh sống ở mạn nam và mạn tây như: Jakobsberg, Hagsatra, Skarsholmenset, Skogas. Các vụ biểu tình nhỏ cũng xảy ra trong tỉnh Malmoe miền nam Thụy Ðiển, là nơi đã xảy ra các vụ bạo động hồi năm 2010. Các người biểu tình đã ném gạch đá vào cảnh sát, đốt 30 chiếc xe hơi và khiến cho một cảnh sát viên bị thương. Ðã có 10 người biểu tỉnh bị bắt, một quán ăn, nhiều trung tâm xã hội, trường học và sở cảnh sát bị đốt cháy.
Ông Lindgren cũng cho biết các vụ biểu tình bạo động đã được huy động trên Internet, Twuitter và Facebook, y như các cuộc biểu tình của giới trẻ "mùa xuân A rập". Nhưng người dân khu phố Megafonen cho biết đây chỉ là sự phẫn nộ của người trẻ trước thái độ thờ ơ của cảnh sát đối với yêu cầu của dân chúng khu phố Husby. Họ kể trên các phương tiện truyền thông này những kỳ thị và sách nhiễu họ phải chịu trong xã hội Thụy Ðiển. Các người biểu tình đều là người trẻ vị thành niên. Thanh niên bị bắt giữ lớn nhất mới chỉ 18 tuổi.
Giới trẻ biểu tình thì tố cáo chính quyền đã dùng lực lượng cảnh sát vũ trang chống bạo động để dẹp người biểu tình. Và khi tấn công người biểu tình cảnh sát gọi họ là lũ "khỉ" và đồ "da đen". Trước tình trạng căng thẳng gia tăng thủ tướng Fredrik Reinfeld đã kêu gọi mọi người phải dấn thân tái tạo an bình trật tự xã hội.
Nhật báo thiên tả "Aftonbladet" nhận xét rằng đây là "một thất bại thiêu đốt" trong chính sách nhận người di cư của chính quyền Thụy Ðiển. Thật thế, chỉ nội trong năm 2012 chính quyền đã tiếp nhận 44,000 người xin tị nạn đến từ vùng Trung Ðông và vùng sừng Phi châu. 15% trên tổng số 9.5 triệu dân Thụy Ðiển là người di cư, tức đứng hàng đầu trong số các nước Bắc Âu. Trong khi đảng dân chủ Thủy Ðiển vẫn chủ trương bài người nước ngoài năm 2010 đã lọt vào Quốc hội và là đảng đứng hàng thứ ba. Vấn đề đó là chính quyền có đường lối kỳ thị chủng tộc, tách rời người di cư khỏi người Thụy Ðiển. Việc kỳ thị này hiện hữu cả trên bình diện kinh tế: trong khi số người gốc Thụy điển thất nghiệp chỉ có 5% thì số người di cư thất nghiệp lên tới 16%. Trong khu phố Husby nơi xảy ra vụ biểu tình đầu tiên có tới 20% người trẻ từ 16-19 tuổi không đi học và không có công việc làm.
Trong 7 năm qua chính quyền trung hữu đã tái lượng định chiều kích xã hội, tự do hóa hệ thống học đường, và bỏ rơi các vùng nghèo nhất với rất ít cơ cấu hạ tầng xã hội. Trong khi các trung tâm sinh hoạt cho giới trẻ bị đóng cửa và các trường học không còn ngân qũy nữa. Theo tổ chức Cộng tác phát triển kinh tế, trong các năm 1995-2010 Thụy Ðiển là quốc gia có khoảng cách giữa người giầu và người nghèo lớn nhất.
Bình luận về các vụ biểu tình bạo loạn của người trẻ ông Jerzy Sarnecky, chuyên viên nghiên cứu về tội phạm nói: "Ðây là một cuộc phản đối chống lại nạn thất nghiệp của người trẻ, chống lại các kết qủa thiếu sót ở học đường và sự thiếu các niềm hy vọng cho tương lai. Tuy nhiên xã hội Thụy Ðiển không đầu hàng bạo lực. Các giới chức chính quyền và các tổ chức xã hội kêu gọi dân chúng trở lại cuộc sống bình thường và yêu cầu giới lãnh đạo các cộng đoàn di cư làm trung gian đối thoại với người trẻ và chấm dứt bạo lực, không đem lại giải pháp nào cho các vấn đề xã hội hiện nay.
Nhóm các văn sĩ thuộc tổ chức "Con báo" chuyên hoạt động xã hội trong các khu phố nóng bỏng nhất Thụỵ Ðiển trong đó cũng có các văn sĩ nổi tiếng như Homa Radpa, Murat Solmaz, và thi sĩ Johannes Anyuru. Họ ra thông cáo khích lệ người trẻ đừng sử dụng bạo lực, vì nó chỉ đem lại các vụ trả thù và hiểu lầm mà thôi. Họ cũng mời gọi người dân Thụy Ðiển suy tư về thực tại kỳ thị chủng tộc hiện có tại Thụy Ðiển. Nó tạo ra các khó khăn và tủi nhục cho giới trẻ di cư mỗi ngày trong các trường học, ngoài đường phố, nơi công cộng, chỉ vì mầu da, giọng nói và quần áo không hợp thời của họ. Ngoài ra họ cũng phải chịu các ám chỉ liên quan tới các "lạ lùng" tôn giáo. Trong các chương trình trung học đôi khi họ bị điểm thấp vì không rành tiếng Thụy Ðiển, nhưng thực ra vì họ bị các thầy cô kỳ thị. Và sự kỳ thị này cũng ảnh hương trên nỗ lực kiếm công việc làm của họ.
Hội các văn sĩ và thi sĩ cũng yêu cầu giới truyền thông trung thực và khách quan trong việc đưa tin tức liên quan tới các sự kiện xảy ra, và hãy biết khích lệ người trẻ đừng để mình bị các thành phần bất hảo lôi cuốn và đánh mất đi tương lai, khi chủ trương bạo động.
Thật ra những gì đã xảy ra tại Stockholm đã chỉ là một kiểu diễn tả tâm tình bị tước đoạt của giới trẻ sống trong các khu phố ngoại ô, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh kéo dài từ năm 2008 đến nay, và của tâm thức kỳ thị chủng tộc ngày càng gia tăng trong các nước Âu châu.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Azouz Begag, giáo sư, nhà văn chuyên nghiên cứu về các vấn đề kinh tế và xã hội học. Giáo sư Begag cũng đã từng là Bộ trưởng phân bộ "Cơ may đồng đều cho mọi người" trong chính quyền của Thủ tướng Pháp Dominique Villepin. Giáo sư dậy môn xã hội học tại Lyon và có thời là giáo sư thỉnh giảng tại đại học quốc gia Florida, và đại học Cornell New York.
Ông Begag sinh năm 1957 tại Lyon, miền nam nước Pháp, nhưng là người gốc Algeri. Ông là tác giả của 20 cuốn sách cho người lớn và trẻ em và cũng là người sáng tác các bài hát.
Hỏi: Thưa giáo sư, tình hình giới trẻ thất nghiệp nổi loạn hiện nay ra sao?
Ðáp: Thật khó mà lạc quan đối với người trẻ ngày nay vì tình trạng khủng hoảng kinh tế khủng khiếp lan tràn trong toàn Âu châu, khiến cho những người vốn đã giòn mỏng lại càng giòn mỏng hơn. Nhưng các chính quyền Âu châu không thể bất động được.
Hỏi: Giáo sư thấy cuộc khủng hoảng tại những vùng ngoại ô các nước Bắc Âu ra sao?
Ðáp: Tôi đã thường viếng thăm nước Thụy Ðiển, và phải nói rằng đây không phải là một điều mới mẻ gì. Từ một thập niên nay Thụy Ðiển đã biết tới hiện tượng người trẻ bạo lực, và có vấn đề gắn liền với sự hội nhập của con cái những người di cư, cách riêng là các thiếu nữ. Nhưng nói cho cùng đó là một vấn đề giống như vần đề của các nước âu châu khác như Pháp, Ðức, Áo, Bỉ và Hòa Lan.
Hỏi: Như vậy theo giáo sư, nút thắt chính của hiện tượng này nằm ở đâu?
Ðáp: Trước hết, trên bình diện lịch sử, sự phân biệt chủng tộc trong thành phố đã có các hậu qủa xấu của nó, và trong các năm qua đã bị gia tăng đặc biệt bởi sự kiện giới trẻ thất nghiệp. Các người trẻ này tại Stockholm cũng như tại Paris đã sinh trưởng trong các khu phố ngoại ô tách biệt, thường là rất xa trung tâm thành phố và không có các phương tiện giao thông thuận tiện nối liền với trung tâm. Ðã có sự mất quân bình địa lý, nhưng người ta đã không muốn nhìn ra. Bên Pháp ngay từ các năm 1950 các khu nhà bình dân đã được xây lên cho người di cư trong các khu ngoại ô xa xôi nhất, tạo ra các cơ thể xa lạ với cuộc sống thành thị.
Hỏi: Sự gẫy đổ địa lý này có thể thực sự giải thích cho nạn bạo lực của người trẻ hay sao thưa giáo sư?
Ðáp: Nó đã là nguồn gốc lịch sử của vấn đề, nhưng mà người ta đã tháp vào nó một hiện tượng ngày càng gia tăng: đó là sự sợ hãi Hồi giáo. Hiện tượng này ít nhiều đều có tại khắp mọi nơi trong đại lục Âu châu. Tại Pháp có từ 10 tới 15 triệu người có gốc gia đình di cư, dĩ nhiên là trên bình diện lịch sử có cả các làn sóng đến từ Âu châu nữa. Thế mà khi nhìn vào Quốc Hội người ta chỉ thấy có 2 trên 577 dân biểu là người gốc vùng Magreb tức miền bắc Phi châu. Thế rồi trong số 36,000 tỉnh trưởng và thị trưởng tại Pháp chỉ có 5 người gốc Magreb. Trách nhiệm của chính trị không thể được giảm nhẹ, khi người ta thấy các đảng phái chính trị công khai bênh vực các lập trường bài người nước ngoài. Sự kỳ thị chủng tộc trong thành phố đã tạo ra các điều kiện khởi đầu cho nỗi sợ hãi người khác, nhưng các giới chức chính trị chỉ thỉnh thoảng mới cho thấy rằng một xã hội đa nguyên là một sự phong phú.
Hỏi: Cả giáo sư nữa, giáo sư cũng đã lớn lên trong một vùng ngoại ô khó khăn của thành phố Lyon. Giáo sư cảm thấy phải nói gì trong chiều hướng xây dựng, với những người trẻ di cư không tìm ra công ăn việc làm?
Ðáp: Tôi muốn nói với giới trẻ rằng phương thế duy nhất để thoát khỏi ngõ cụt là cố gắng học hành, gia tăng hiểu biết, đọc sách và chăm chỉ tới trường. Ðó là điều tôi đã làm. Nền tảng của toàn cuộc sống là kiên trì và cương quyết học tiếng nói của quốc gia trong đó mình đang sống. Trái lại trên bình diện chính trị cũng cần phải khởi hành trở lại từ các biện pháp đơn sơ có lương tri như hội nhập người trẻ di cư và thu nhận họ vào cả trong các lực lượng cảnh sát an ninh, nghĩa là tạo công ăn việc làm và cơ may cho họ hội nhập.
(Avvenire 24.25-5-2013)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)